Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2088 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 55
Thật giả khó phân
Ông già râu dê nói: “Đây là ngọc huyết dê giả. Thực ra nó chỉ là một viên đá trắng bình thường. Tìm một con dê béo, khoét một lỗ ở chân sau rồi nhét một viên đá nhỏ vào trong đó. Sau ba năm lấy nó ra. Bề mặt viên đá sẽ có tơ máu giống như là ngọc huyết dê.
Ông già mập và ông già ốm nhìn nhau, đầu lưỡi thè ra nửa ngày không rút lại được. Sau đó ông già ốm lấy hết can đảm, đưa miếng ngọc bội cho ông già râu dê giám định. Đến giờ bọn họ còn ảo tưởng miếng ngọc bội này là hàng thật.
Ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải của ông già râu dê kẹp lấy miếng ngọc bội rồi đưa ra trước ánh sáng ngọn đèn dầu quan sát cẩn thận. Hai ông già run rẩy, trán lấm tấm mồ hôi, thỉnh thoảng nhìn nhau như để tìm kiếm sự tin tưởng trong mắt đối phương nhưng lại chẳng thấy gì.
Ông già râu dê nói: “Cái này cũng giả nốt”
Ông già mập nói: “Sao ông biết là giả”
Ông già râu dê nói: “Ngọc thật khi sờ vào sẽ thấy mát mẻ, trơn bóng, mịn màng. Nó giống như một sinh mệnh nhỏ, biết hít thở, biết nói năng, biết suy nghĩ. Đưa ra trước ánh sáng thấy nó trong suốt, có thể nhìn xuyên qua hai bên. Nhưng viên đá này sờ vào thấy thô ráp, màu sắc lại mờ nhạt cho nên nó không phải là ngọc.
Trên mặt viên đá này khắc chữ “Tần Vương Lý Thế Dân Ngự Tứ”, điều này không hợp với lệ thường. Hoàng đế ban thưởng cho thuộc hạ và dân chúng đều cần có đạo lý. Hoàng đế cũng là người, đã là người thì ai cũng thích thể diện. Có phấn thì phải thoa lên mặt, không ai bôi xuống dưới mông cả. Dù là hoàng đế hay là bách tính, đều muốn quà tặng của mình được đặt ở vị trí dễ thấy. Không ai muốn tặng những món quà mà người ngoài không thể nhìn thấy như là ngọc bội. Đây là điểm thứ nhất.
Tần Vương là danh xưng của Lý Thế Dân trước khi trở thành hoàng đế. Nếu hoàng đế đương thời ban thưởng lễ vật, chỉ viết là ngự tứ mà sẽ không viết là Tần Vương Lý Thế Dân. Danh xưng này có vấn đề. Đây là điểm thứ hai.
Còn viên đá này, nó không phải là ngọc bội mà chỉ là một viên đá bình thường. Người làm giả nó không hiểu lịch sử, không hiểu lễ nghi, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Người trong nghề chỉ liếc mắt là có thể nhìn ra thật giả”
Tôi nghe ông già râu dê phân tích rõ ràng, đâu đấy, cảm thấy người này không hề đơn giản. Thật không ngờ ngôi làng hẻo lánh, xa xôi này lại có một ông già uyên bác như thế.
Ngôi nhà của ông già râu dê có cột lớn xà cao, mái ngói lung linh nhưng cũ kỹ, loang lổ. Trên tường còn có vệt nước mưa chảy xuống. Đồ đạc trong nhà tồi tàn, thô sơ. Có lẽ ngôi nhà này từng có một thời huy hoàng nhưng sau này gia cảnh sa sút mới trở thành tầng lớp nghèo khổ.
Tôi thấy trong phòng ông lão có một giá sách. Trên đó bày sách Tứ thư, Ngũ kinh. Tôi học trường tư thục từ bé cho đến tuổi thiếu niên. Mặc dù hoàng đế nhà Thanh đã thoái vị, nước Trung Hoa dân quốc đã ra đời nhưng nhiều nơi ở nông thôn, sách Tứ Thư và Ngũ Kinh vẫn là tài liệu giảng dạy của các trường tư thục. Chỉ có các trường ở thành thị là sử dụng tài liệu giảng dạy mới.
Tôi hỏi ông già râu dê: “Sách Tứ Thư, Ngũ Kinh này là của ai?”
Ông già râu dê nói: “Của ta đó. Ta là tú tài cuối cùng của triều Thanh. Ta muốn tiếp tục thi lấy công danh nhưng hoàng đế không còn nữa, khoa cử cũng bỏ rồi. Ta muốn học theo tây học nhưng nhà không có điều kiện, đầu óc cũng không còn nhanh nhạy nữa. Từ một thanh niên đầy ý chí trở thành một ông già vô dụng. Năm tháng trôi qua uổng phí, thật xấu hổ với liệt tổ liệt tông”
Tôi nhìn căn nhà to lớn của ông ấy hỏi: “Tổ tiên ông làm nghề gì?”
Ông già râu dê vẻ mặt phấn chấn nói: “Tổ tiên từng là đại quan. Có người làm tuần phủ, có người làm tri phủ, kém nhất cũng làm huyện lệnh. Đến đời ta thì không được tích sự gì nữa, chỉ có thể bán của cải tổ tiên để lại, sống lay lắt cho qua ngày”
Hai ông già mập ốm nghe đến đây, nét mặt ủ rũ thoáng lộ vẻ vui mừng giống như một tia nắng chiếu qua bầu trời đầy mây đen.
Ông già râu dê nói tiếp: “Tổ tiên để lại rất nhiều bảo vật. Khi nào hết tiền mua đồ ăn, ta lại bán một món. Thỉnh thoảng có người tới làng thu mua đồ cổ nên ta mới sống được đến giờ”
Hai ông già mập ốm đưa mắt nhìn nhau, bọn họ hỏi: “Liệu có thể cho chúng tôi xem trong nhà còn có bảo vật gì không?”
Ông già râu dê nói: “Đương nhiên là được. Nếu các ông thấy thích, tôi chọn cho vài món. Các ông trả bao nhiêu cũng được, miễn là đủ tiền ăn cơm”
Hai ông già mập ốm lại đưa mắt nhìn nhau. Trong mắt đã có ngọn lửa nhảy múa.
Ông già râu dê bưng cây đèn dầu, run rẩy dẫn chúng tôi vào một gian phòng, rồi lôi từ dưới gầm giường ra một cái rương gỗ. Các góc rương được đóng bằng đinh đồng, đây là một món đồ khá thời thượng lúc bấy giờ. Ông già râu dê mở rương gỗ. Bên trong rương toàn là đồ đồng xanh như chén rượu, mũi giáo, mũi kích, có thứ còn được khắc chữ Triện lên trên mặt.
Tôi rất kinh ngạc khi thấy ông già râu dê để những món đồ cổ này ở trong rương. Chỉ cần lấy bất kỳ món nào trong đó cũng có thể đổi được cả đống bạc trắng. Đến đồ đồng mà ông ta còn xử lý như thế này thì nhất định trong nhà còn nhiều thứ giá trị hơn.
Hai ông già mập ốm cũng nghĩ như vậy. Họ cầm trên tay những món đồ đồng ấy mà không bỏ xuống được nhưng vẫn tỏ vẻ không quan tâm. Ông già mập hỏi: “Trong nhà ông còn thứ nào tốt hơn không?”
Ông già râu dê nhìn cái rương đặt trên kệ tủ đầu giường rồi nhanh chóng thu hồi ánh mắt, ông ấy nói: “Hết rồi”
Ông già mập chỉ vào cái rương và nói như là đã biết tỏng từ trước rồi: “Tôi biết ở đâu rồi, ông đừng giấu chúng tôi nữa. Chỉ cần là đồ tốt thì chúng tôi sẵn sàng mua thôi”
Ông già râu dê mặt đỏ bừng, ngượng nghịu nói: “Không phải tôi muốn giấu các ông. Chẳng qua người ta đặt mua mất rồi. Mấy hôm nữa sẽ mang tiền đến”
Ông già mập nói: “Thế cho tôi xem thử cũng được. Chỉ xem cho biết chứ không lấy mất đâu”
Ông già râu dê suy nghĩ rất lung rồi bò lên giường, mở rương gỗ, lấy ra một bức tranh. Đó là một bức tranh thị nữ. Phần lạc khoản đề tên Đào Hoa Am Chủ”
Đào Hoa Am Chủ là ai? Tôi cũng không biết.
Hai ông già mập ốm cũng không biết. Tôi thấy ánh mắt của họ lộ vẻ khó hiểu. Họ giơ bức tranh lên ngắm nghía sau đó đặt xuống giường. Đây là tranh gì, rốt cuộc nó đáng giá bao nhiêu bọn họ cũng không rõ nữa.
Trời sắp sáng rồi. Ông già ốm đề nghị về nhà ngủ. Ông già mập đồng ý. Bọn họ theo chân nhau đi ra khỏi nhà ông già râu dê. Tôi bước phía sau họ. Ông già râu dê tiễn chúng tôi ra tận cửa và nói: “Tôi thấy các ông từ xa đến đây, không nỡ để các ông mua phải hàng giả nên có ý tốt nhắc nhở. Xin đừng cho người khác biết”
Ông già mập không nói gì, ông già ốm nói: “Đương nhiên rồi”
Tôi và hai người họ về lại nhà ông già mặc đồ vải thô. Căn nhà vẫn một bầu tĩnh mịch, chỉ có một con gà mái già kêu cùng cục trong cái ổ treo giữa tường, giống như đang bất mãn với điều gì đó. Lúc ông già ốm ra khỏi nhà đã đặt một cái xẻng ở cổng. Khi trở lại, cái xẻng vẫn nằm nguyên đó, hiển nhiên không có ai phát hiện chúng tôi đã đi lâu như thế. Nếu có người theo dõi chúng tôi hoặc ai đó đi ra khỏi cửa sẽ giẫm lên cái xẻng và làm thay đổi vị trí của nó.
Sau khi trở về phòng, tôi muốn đi ngủ nhưng không thể ngủ được. Hình ảnh của hai ông già mập ốm, ông già mặc đồ vải thô và ông già râu dê cứ xoay tít trước mắt như đèn kéo quân. Lúc thì họ biến thành mặt đỏ, lúc thì biến thành mặt trắng, lúc lại hóa ra mặt đen. Tôi bị họ làm cho chóng cả mặt. Ai là giả, ai là thật, tôi không thể nào phân biệt được. Bốn người này tôi mới gặp lần đầu, nhưng hôm nay đã có quá nhiều chuyện xảy ra khiến cho tôi rối tinh rối mù, không tìm được manh mối.
Tôi nghe hai ông già bàn tính với nhau. Đợi trời sáng sẽ tìm gặp ông già mặc đồ vải thô nói chuyện thế nào rồi thông qua ông ta để tìm thanh niên mặc áo cộc tay ra sao. Họ đã xác định cái ấn ngọc huyết dê và miếng ngọc bội hoàng đế ban thưởng của Chử Toại Lương này là hàng giả rồi.
Tôi thấy ông già râu dê nói chuyện rất rõ ràng, hợp lý, cái ấn và miếng ngọc bội chắc chắn là giả.
Gà gáy lần thứ nhất, ông già mập đã bò khỏi giường đi ra ngoài sân. Ông ấy thấy sân nhà vắng lặng, chưa có ai thức dậy thì quay về phòng. Ông ấy bàn với ông già ốm là sẽ chặn cửa không cho ông già mặc đồ vải thô trốn đi. Ông già ốm nói đây là nhà của ông già mặc đồ vải thô. Hòa thượng chạy được chứ chùa không chạy được. Bây giờ chúng ta đang ở trong chùa, không sợ ông ta trốn đi mất.
Gà gáy lần thứ hai, ông già mập lại ra ngoài phòng. Ông ta nghe có tiếng động sột soạt từ một gian phòng thì đứng đợi ở cửa. Một bà già đầu tóc rối bù, cái lưng còng rạp bước từ trong phòng ra. Ông già mập hỏi ông già mặc đồ vải thô đang ở đâu. Bà già nói ông ta vẫn còn đang ngủ. Ông già mập ngần ngừ hồi lâu, mấy lần định bước vào trong phòng, cuối cùng lại thu chân về.
Gà gáy lần thứ ba, trời đã sáng hẳn. Chim chóc bay ra khỏi tổ, hót ríu rít trên cành cây khiến ngôi nhà ồn ã như đang nấu nồi cháo nếp. Cuối cùng thì ông già mập cũng đợi được đến lúc ông già mặc đồ vải thô bước ra khỏi phòng. Ông ta bước tới nói với cái giọng kỳ quái: “Ông thật là sung sướng. Tiền đến tay rồi là thoải mái ngủ một giấc đến sáng”
Ông già mặc đồ vải thô trợn cặp mắt vẫn còn đầy ghèn nhìn ông già mập khó hiểu: “Ông nói vậy là ý gì?”
Ông già mập nói: “Ý gì à? Mày biết rồi còn cần tao phải nói rõ ra sao?”