Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2564 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 113
Hắc Bạch nhị khất cái

Dưới sườn dốc bên ngoài chùa, Đào Lệ và Nguyên Mộc đang đứng đợi, vẻ mặt đầy lo lắng. Thấy chúng tôi xuất hiện, Đào Lệ bảo mọi người cùng đến huyện thành Xích Phong.
Đào Lệ nói với tôi bên trong huyện thành có một cửa hàng tơ lụa, chúng tôi phải đi suốt đêm để giao mũ đồng tới đó, tránh để đêm dài lắm mộng. Cửa hàng tơ lụa sẽ chuyển mũ đồng đến Nam Kinh an toàn. Chỉ cần mũ đồng không rơi vào tay người Nhật và đám người giang hồ xấu xa thì mũ đồng sẽ không có vấn đề gì. 
Tôi từng đến tiệm dược liệu, đây là cứ điểm của đặc vụ Nhật Bản. Cửa hàng tơ lụa này có thể là đầu mối liên lạc của đám người Đào Lệ.
Chúng tôi gấp rút đi một mạch về hướng huyện thành Xích Phong. Vầng trăng ẩn mình sau những đám mây, sao trời nhấp nháy bất định. Đột nhiên, trong làn gió đêm có mùi khen khét, càng đi về trước, mùi khét càng thêm nồng.
Quái lạ thật, sao lại có mùi này? Nhiều đêm trước đây, tôi vẫn ra vào huyện thành Xích Phong bình thường, chưa bao giờ ngửi thấy mùi này. Trong mấy ngày tôi rời đi, huyện thành Xích Phong đã xảy ra chuyện gì?
Trời sáng dần. Cảnh vật phía xa cũng trở nên rõ ràng như đang nhô mình lên mặt biển. Chúng tôi tiếp tục chạy nhanh về phía trước, đột nhiên Đào Lệ nói: “Trông kìa”
Tôi nhìn theo hướng tay Đào Lệ, thấy trên tường thành Xích Phong có một lá cờ mặt trời đang bay phấp phới trong gió.
Nguyên Mộc nói, cậu ta sống ở đây đã lâu, thông thuộc đường đi lối lại, cứ để cậu ta vào trong thành thăm dò hư thực.
Đào Lệ dặn Nguyên Mộc: “Cậu đến cửa hàng tơ lụa xem chủ cửa hàng còn ở đó không. Nếu còn ở đó thì nói với ông ta là chim sơn ca đang ở ngoài thành. Chập tối chúng ta sẽ gặp nhau ở đây.
Nguyên Mộc đi bộ đến huyện thành Xích Phong, chúng tôi cưỡi ngựa chạy thẳng về hướng Bắc. Trên thảo nguyên phương Bắc, bầy cừu và đàn ngựa vẫn thong dong đi lại, mục dân vung vẩy nhưng chiếc roi dài, tiếng roi vun vút vang đi rất xa trên thảo nguyên rộng lớn. Đôi lúc có người còn cất cao giọng hát một bài trường điệu với những âm cuối véo von ngân dài, buồn đến nao lòng. Họ đâu biết, lúc này lá cờ trên tường thành Xích Phong đã được thay thế rồi.
Chúng tôi đến một ngọn đồi, trên đồi có mấy cây thu thấp nhỏ. Chúng tôi đào một cái hố sâu, lấy quần áo gói mũ đồng lại và chôn xuống dưới hố. Để nhận dạng vị trí chôn giấu, Đào Lệ còn buộc một tấm vải đỏ vào một cây thu.
Chúng tôi ngồi trên đồi, đợi hoàng hôn buông xuống.
Khi trời chập choạng, chúng tôi đến nơi đã chia tay với Nguyên Mộc. Cậu ta đang đợi chúng tôi ở đó, đi cùng Nguyên Mộc còn có một người đàn ông trung niên với chòm râu dài dưới cằm.
Đào Lệ hỏi người đàn ông trung niên: “May một cái áo bông vải sa tanh cần dùng bao nhiêu vải?
Người đàn ông trung niên nói: “Nam năm thước, nữ bốn thước”
Đào Lệ nói: “Tôi chỉ có hai thước”
Người đàn ông trung niên nói: “Hai thước thì may cho trẻ con”
Đào Lệ lao lên, nắm chặt tay người đàn ông trung niên: “Quản gia, tình hình trong thành thế nào?”
Người đàn ông trung niên nói: “Sơn ca, cô vất vả nhiều rồi. Hai ngày trước, người Nhật đã tấn công huyện thành Xích Phong. Mặc dù quân phòng thủ đã chống trả quyết liệt nhưng ít không địch được nhiều. Người Nhật không chỉ điều động hàng nghìn binh lính mà còn huy động cả xe tăng, máy bay, đánh phá dữ dội huyện thành. Người trong cửa hàng đã rút hết, chỉ còn tôi ở lại đợi cô. Sáng sớm hôm nay, khi tôi chuẩn bị rời đi thì gặp được vị huynh đệ này”. Người đàn ông trung niên chỉ tay vào Nguyên Mộc.
Đào Lệ nói: “Mũ đồng tìm thấy rồi”
Người đàn ông trung niên nói: “Cấp trên có lệnh, sau khi tìm được mũ đồng phải lập tức chuyển về Bắc Bình, giao cho trạm liên lạc ở đó”
Đào Lệ nói: “Người Nhật đã chiếm đóng Xích Phong, làm cách nào vận chuyển mũ đồng trên suốt con đường này?”
Người đàn ông trung niên nói: “Người Nhật không chỉ chiếm đóng Xích Phong mà còn chiếm đóng toàn bộ Nhiệt Hà. Khi quân Nhật kéo tới, chủ tịch tỉnh Nhiệt Hà - Thang Ngọc Lân, chưa cho nổ phát súng nào đã bỏ trốn. Người Nhật chiếm được Thừa Đức. Quân đội Tôn Điện Anh phòng vệ huyện thành Xích Phong mặc dù đã chiến đấu ngoan cường nhưng vẫn thất thủ. Chúng ta phải mang mũ đồng về Bắc Bình. Dọc đường sẽ có rủi ro nhưng tôi đã chuẩn bị kỹ càng rồi.
Người đàn ông trung niên lấy từ sau lưng một cái hộp cực lớn đan từ cành liễu, bên trong hộp có một tấm gỗ hai lớp. Giữa hai lớp có thể chứa đồ bí mật, dù nhìn từ bên ngoài hay bên trong, cũng không thấy có cơ quan. Người đàn ông trung niên nói tiếp: “Phía nam Xích Phong có một đội lạc đà, chỉ cần chúng ta giao cái hộp này cho họ, họ có thể để lẫn với hàng hóa và vận chuyển an toàn về Bắc Bình”
Đêm đến, Đào Lệ và người đàn ông trung niên đào mũ đồng lên, chuẩn bị chuyển về miền Nam. Tôi vội hỏi người đàn ông trung niên: “Nhà lao Xích Phong thế nào rồi? Đội trưởng cảnh sát thế nào rồi?”
Người đàn ông trung niên nói: “Sau khi quân Nhật chiếm đóng Xích Phong, cai ngục mạnh ai người nấy chạy, các tù nhân cũng trốn thoát. Đội trưởng cảnh sát đã bỏ trốn trước khi người Nhật đánh vào huyện thành. Tôi thở gấp hỏi: “Ông biết trong nhà đội trưởng cảnh sát có nhiều bảo vật lắm không? Số bảo vật đó thế nào rồi?” 
Người đàn ông trung niên nói: “Cả huyện thành đều biết trong nhà đội trưởng cảnh sát có bảo vật. Khi người Nhật sắp chiếm được Xích Phong, hắn ta ngồi trên một chiếc xe chở đầy bảo vật, trốn ra ngoài thành. Nhà hắn ta bị cướp bóc sạch sẽ, số bảo vật còn lại cũng không còn”
Tôi rùng mình ớn lạnh, mới hỏi: “Ông biết đội trưởng cảnh sát trốn đi đâu không?”
Người đàn ông trung niên nói: “Chiến tranh loạn lạc, ai biết hắn đã đi đâu? Vả lại, thảo nguyên rộng lớn như thế, muốn tìm được hắn cũng không phải việc dễ dàng”
Tôi vô cùng đau đớn, đại toản thạch của tôi, đại toản thạch mà bang Tấn Bắc đã đánh đổi bằng xương máu đã biến mất như thế đó.
Đào Lệ và người đàn ông trung niên đi về hướng nam, Nguyên Mộc quay trở lại Xích Phong. Tôi và Yến Tử tiếp tục lên đường tìm kiếm lão ăn mày.
Trước khi chia tay, Đào Lệ nói: “Sau này nếu hai người gặp phải khó khăn gì, cứ đến Nam Kinh tìm tôi”
Bóng dáng của họ dần khuất sau đường chân trời. Tôi và Yến Tử đứng lẻ loi trên thảo nguyên mênh mông vô tận, một nỗi cô đơn to lớn xâm chiếm khắp tâm hồn.
Trong trái tim chúng tôi chỉ có đại toản thạch. Nó là bảo vật kết tinh tính mệnh và máu xương của bang Tấn Bắc, bất kể ra sao cũng không thể để nó rơi vào tay đội trưởng cảnh sát. Phía nam huyện Xích Phong có một con đường, chúng tôi sẽ đuổi theo hắn bằng đường này.
Hai con ngựa duy nhất đã giao cho Đào Lệ và người đàn ông trung niên cưỡi, còn Nguyên Mộc trở lại huyện thành Xích Phong, tôi và Yến Tử chỉ có thể đi bộ.
Thảo Nguyên vô cùng rộng lớn, lính Nhật lại rất ít, do vậy mà sau khi chiếm được các thành trấn, lính Nhật cũng không cách nào phân chia binh lực để đi tuần tra, truy quét. Chúng tôi không nhìn thấy người Nhật nào dọc đường đi.
Một ngày nọ, chúng tôi đến một địa phương có tên là Phổ Gia Bảo. Ở đây có hàng nghìn hộ sinh sống. Kiến trúc nhà cửa mang đặc điểm rõ nét của dân tộc Hán với kết cấu gạch gỗ, cửa sổ và cửa chính quay về hướng Nam. Phổ Gia Bảo có một quán ăn, chúng tôi bước vào bên trong ăn cơm.
Tôi gọi một đĩa bánh rán mè và hai cái bánh nướng. Chúng tôi còn chưa ăn thì có hai người ăn mày bước từ ngoài cửa vào. Hai người này cao bằng nhau, thể trọng, tướng mạo cũng như nhau, khác ở chỗ một người có nước da hơi ngăm đen, gọi là hắc khất cái và một người kia nước da sáng hơn, gọi là bạch khất cái. Hắc khất cái để cây gậy đánh chó lên bàn, nhìn chúng tôi và hát:
Từng bị đánh, từng bị chửi,
Thời may học được giang hồ thoại,
Hiểu tiếng giang hồ, nói tiếng giang hồ,
Đi khắp thiên hạ kết bằng hữu,
Nói chuyện bằng hữu, nói chuyện bằng hữu,
Tần Quỳnh từng làm mã khoái thủ,
Mã khoái thủ, Ngõa cương trại,
Nhất hô bách ứng, hảo hán tìm tới…
Tôi và Yến Tử trao đổi ánh mắt với nhau, cảm thấy hai người ăn mày này không đơn giản. Vừa mở miệng đã hát Liên Hoa Lạc, tuyệt đối không phải những kẻ ăn mày tầm thường. Khi còn ở Đại Đồng, Hổ Trảo đã nói về quy củ của giang hồ. Ông nói giang hồ có Cái Bang, nếu gặp phải người biết hát Liên Hoa Lạc, phải đặc biệt lưu ý, vì chắc chắn đây là người của Cái Bang.
Hắc khất cái hát xong, Bạch khất cái tiếp lời:
Trước mặt một nam lại một nữ
Nam anh tuấn như Trại La Thành
Nữ xinh đẹp như một đóa hoa
Mọi người đều tấm tắc khen ngợi
Bánh nướng trong giỏ tròn vo vo
Ăn hết năm này qua năm khác
………………………
Nghe họ hát vậy, chúng tôi không khỏi cảm thấy thích thú, liền để họ ngồi đối diện với mình. Bọn họ cũng không khách sáo, ngồi xuống lấy bánh rán trong đĩa ra ăn. Không như những tên ăn mày tầm thường, bọn họ ăn uống rất tao nhã, xé bánh thành từng miếng nhỏ, bỏ vào trong miệng, nhai nuốt từ tốn. Ánh mắt của họ không mang vẻ hèn mọn, nhút nhát mà rất ung dung, điềm đạm.
Ăn xong bánh rán, Hắc khất cái hỏi: “Hai người đi đâu thế?”
Tôi nói: “Chúng tôi muốn đi về miền nam”
Hắc khất cái nói: “Đừng đi. Chúng tôi mới từ đó về. Người Nhật đã dựng chốt chặn phía trước, kiểm tra người đi đường. Nếu là người nơi khác sẽ bắt lên xe tải chở đến mỏ than bắt đào than. Nhìn hai vị chắc không phải người địa phương này”
Tôi nói: “Tôi là người Tấn Bắc, sao ông nhìn ra được vậy?”
Hắc khất cái nói: “Chỉ nhìn vào cách ăn mặc và tướng mạo của hai vị là biết người địa phương khác rồi”
Tôi tò mò hỏi: “Hai người quê ở đâu. Sao lại làm ăn mày?”
Bạch khất cái nói: “Chúng tôi là anh em song sinh, quê ở Thừa Đức. Nhà chúng tôi cũng khá giả, cũng có vợ con rồi nhưng chúng tôi thích đi ăn xin, mỗi năm đều bôn tẩu giang hồ hơn nửa năm”
Tôi thấy lạ quá, mới hỏi: “Hai người đã có nhà cửa, việc gì phải làm ăn mày?”
Bạch khất cái nói: “Huynh đệ có điều chưa biết rồi. Cái Bang có một nhóm người, giống như chúng tôi đây, được gọi là nhã cái. Chúng tôi làm ăn mày, không phải vì tiền tài mà muốn được tiêu dao tự tại, rong ruổi khắp mọi nơi” 
Tôi kinh ngạc hỏi: “Giang hồ thực sự có Cái Bang à?”
Bạch khất cái nói: “Tất nhiên là có rồi. Cái Bang thuộc về tể tướng của giang hồ”
Tôi càng thêm kinh ngạc. Năm đó, sư phụ Lăng Quang Tổ từng nói, đám thầy bói chúng tôi thuộc về tể tướng của giang hồ, đó là vì chúng tôi đa mưu túc trí, nhưng Cái Bang cũng xưng là tể tướng. Chuyện này là thế nào?”
Tôi nói bằng ám ngữ giang hồ: “Mọi người đều là ngật cách niệm, chúng tôi là người của phái Giang Tướng”
Bạch khất cái mặt mày rạng rỡ, nói: “Đã là người mình, không cần giấu giếm làm chi nữa. Từ xưa đến nay, giang hồ phân chia ngành nghề thành cân, bì, lý, qua. Những người làm bốn nghề này thống nhất gọi là tướng phu. Xem bói, xem tướng, bốc quẻ gọi là cân hàng; chẩn bệnh, bán thuốc, trị thương gọi là bì hàng, biến hý pháp gọi là lý hàng; bán nghệ như ca xướng, múa võ, biểu diễn tạp kỹ gọi là qua hàng. Nhưng Cái Bang trên giang hồ, hành động tự do, mặc dù không thuộc về môn phái nào nhưng đều có qua lại với các môn phái, cho nên có thể nói là tể tướng của giang hồ”
Hồi trước nghe sư phụ Lăng Quang Tổ nói, đám thầy bói thường rất hợm hĩnh, tự xưng là tể tướng của giang hồ nên gọi là phái Giang Tướng, còn hôm nay lần đầu tiên tôi mới nghe nói Cái Bang cũng tự xưng là tể tướng của giang hồ. Có thể thấy người ở các ngành nghề trên giang hồ đều cho ngành nghề của mình là hay nhất, ngay cả đám khiếu hóa tử cũng không ngoại lệ. 
*Khiếu hóa tử là cách gọi khinh miệt của người phương Bắc đối với ăn mày.
Ăn tối xong, chúng tôi cùng bước ra khỏi nhà hàng. Nơi đây chỉ có một con đường nối liền hai miền nam bắc. Hai bên đường toàn là đồng cỏ rộng mênh mông, điểm xuyết bởi một vài ngôi nhà và lều Mông Cổ. Tôi hỏi hai người ăn mày: “Hai người định đi đâu?”
Hai người ăn mày nói: “Bèo không có rễ, hai vị muốn đi đâu, chúng tôi sẽ đi theo cùng”
Tôi nói: “Chúng tôi cũng không biết phải đi đâu. Miền nam không đi được nữa, chúng tôi chỉ có thể đi tìm sư tổ”

(Tổng: 2564 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận