Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2515 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 91
Vào đại viện
Trưa hôm đó, chúng tôi được phép vào đại viện. Gia đinh của đại viện canh phòng rất chặt chẽ, không chỉ khám người mà còn ghi chép tên tuổi, quê quán và thông tin của người làm chứng. Chúng tôi đi sau đoàn hát sênh. Tôi thấy họ làm gắt quá, bèn kéo Hiểu Kỳ qua một bên, nhỏ giọng bảo cậu ta làm chứng giúp tôi. Chúng tôi cùng chung một quê và cũng là hàng xóm của nhau.
Nhờ có Hiểu Kỳ làm chứng nên tôi đã vào đại viện khá suôn sẻ.
Toàn bộ mặt sân đại viện được lát đá xanh, không có lấy một cục đất. Nhà cửa cũng được xây từ gạch nung, không dùng một viên gạch sống nào. Các gian nhà được sắp xếp ngay ngắn từ trước ra sau, mỗi khu nhà đều theo lối tam tiến tam xuất và ăn thông với nhau qua lối cửa ngách. Kiến trúc hùng vĩ như vậy làm tôi phải xuýt xoa kinh ngạc. Nếu không có người chỉ dẫn, chắc chắn sẽ lạc đường khi vào trong này.
*Tam tiến tam xuất: Lối kiến trúc xưa của Trung Quốc. Gồm ba khoảnh sân (viện tử) là tiền viện, trung viện và hậu viện. Bước vào đại môn (cổng chính) sẽ là tiền viện (đây là nhất tiến), qua lần cửa thứ hai sẽ đến trung viện (đây là nhị tiến), qua một lần cửa thứ ba sẽ đến hậu viện (đây là tam tiến). Tam xuất là đi ngược lại.
Mấy khu nhà cuối cùng của đại viện là nơi ở của hạ nhân. Gánh xiếc được sắp xếp ở gian phía đông, còn đoàn kịch ở gian phía tây. Những người đầy tớ phụ trách công việc như trồng hoa, gánh nước thì ở gian giữa. Ngoài ra còn có một gian nhà, già trẻ đều ở chung với nhau, không biết lai lịch thế nào.
Chính giữa Thường gia đại viện là một quảng trường. Mặt sân quảng trường cũng được lát đá xanh. Bao quanh quảng trường là những hàng cột đá, bên trên khắc một số văn tự kỳ quái.
Thư tịch gọi kiểu cột này là hoa biểu. Tôi vẫn thấy cái tên này khó hiểu thế nào ấy.
Có một sân khấu lớn nằm một bên quảng trường, trên cao hai bên cánh gà có treo những chiếc đèn lồng đỏ thật to.
Lễ mừng đại thọ của Thường lão thái gia sẽ được cử hành ở đây.
Thường lão thái gia thật đông con nhiều cháu. Dòng họ này đã trải qua bốn thế hệ. Những công tử thiếu gia và tiểu thư đời thứ tư ăn vận toàn là lụa là gấm vóc, người nào cũng xinh đẹp như hoa như ngọc. Cuộc đời vốn bất công. Cái bất công này bắt đầu ngay từ lúc mới sinh. Trẻ con nhà giàu sinh ra đã ngậm thìa vàng, trẻ con nhà nghèo sinh ra đã ngậm cọng cỏ. Đều cùng là trẻ con, đều là những báu vật được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng, nhưng tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy?
--------------
Lúc làm lễ mừng thọ, xuất hiện một vật rất lạ. Nó có đế màu đen và một cái kèn đồng. Mọi người không biết là thứ đồ chơi gì bèn xúm lại ngắm nghía. Một người đàn ông mặc âu phục, không rõ là người nào của nhà này, đứng trên cao, đắc ý nói: “Đây là cái máy hát đĩa, nó đến từ Âu La Ba Châu”
Âu La Ba Châu là chỗ nào? Có xa hơn Quảng Châu không? Tôi cũng không biết nữa.
*Âu La Ba Châu: tức Europa, hay Âu châu.
Thường lão thái gia đã bước ra sân khấu, tay chống quải trượng, vận một cái áo lụa đỏ, bên cạnh có con nha đầu dìu đỡ. Thân hình Thường lão thái gia vừa gầy vừa nhỏ, trông cứ như một con khỉ. Lão ta ngồi ngay giữa sân khấu, để cho con cháu đến bái lạy.
Tôi phóng mắt nhìn quanh. Bên dưới sân khấu là một đám người đang quỳ gối, có lớn có bé, có cao có thấp, dễ phải đến mấy trăm người. Đằng sau những người này là các nghệ nhân đến chúc thọ.
Người đàn ông mặc âu phục khua khua tay ra hiệu: “Cho chơi nhạc đi”
Một người trông như là hạ nhân liền cho máy hát đĩa chạy. Nhưng không ngờ bản nhạc lại buồn không thể tả. Nhịp điệu chậm rãi, tựa như nước chảy trên dòng sông băng, khiến lòng người nảy sinh một niềm bi thương vô hạn.
Người đàn ông mặc âu phục hét lên: “Nhầm rồi, nhầm rồi”. Nhìn dáng vẻ nhớn nhác của anh ta, tôi muốn cười lắm nhưng không dám cười thành tiếng.
Người đàn ông trông giống hạ nhân kia liền đổi một bản nhạc khác, lần này là bài Khốc Tang nổi tiếng của hát sênh:
“Lão gia ơi! Sao ra đi quá vội vàng. Để con trẻ ai người nuôi dưỡng. Canh ba ai đắp chăn cho con. Ngày nóng bức lấy ai quạt mát? Khóc một tiếng thương tiếc lão gia. Đường hoàng tuyền xin chớ vội bước…”
Tiếng hát mới não nùng, mới thảm thiết làm sao. Tôi mơ hồ nhìn thấy một người con gái mặc đồ tang, đang quỳ trước mộ nức nở than khóc. Trong lúc vui vẻ thế này mà lại có bài hát buồn thảm như thế, tôi không nhịn nổi nữa, há miệng cười như điên. Nhìn chung quanh, nhiều người không kìm được cũng cười ngặt nghẽo.
Người đàn ông mặc âu phục cuống quýt lao tới, tự mình chạy máy. Cuối cùng cái máy hát đĩa cũng phát ra tiếng chiêng trống rộn ràng.
Sau khi nghi thức quỳ bái kết thúc, đám tôi tớ khiêng mấy cái bàn vuông lớn ra sân khấu và phủ vải đỏ lên bàn. Trên tấm vải có một danh sách lễ vật mừng thọ. Người chủ sự cầm lấy danh sách, đọc to tên người tặng và lễ vật kèm theo. Người nào được xướng tên sẽ mang lễ vật của mình tới đặt ở trên bàn.
Đây là cơ hội cực tốt để khoe khoang bản thân trước mặt dòng họ.
Theo thứ tự, đầu tiên sẽ là con cái, rồi đến cháu nội, cuối cùng mới đến họ hàng bên ngoại.
Thường lão thái gia thật là sung sức, sinh tận tám người con trai, hai người con gái. Trong tám người con trai, có người kinh doanh ở Nam Dương, có người làm quan ở Bắc Kinh, còn có người giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội. Của cải, địa vị đều vô cùng hiển hách
Lễ vật mừng thọ của tám người con trai đều cực kỳ quý giá. Có món là cây san hô, có món là tượng Phật bằng vàng, có món là ngọc Quan Âm. Mỗi lần đọc tên người tặng và tên lễ vật, mọi người đều trầm trồ xuýt xoa. Chỉ đến khi đọc tới toản thạch thì mọi người đều có vẻ hờ hững.
Người dân thời đó còn chưa biết toản thạch là loại bảo vật gì. Nhưng khi tôi nhìn thấy mấy người trong đoàn hát sênh thì trong lòng chợt thấy sợ hãi. Quả nhiên bọn họ cũng vì viên đại toản thạch giá trị liên thành này. Ngoài đoàn hát sênh, chắc chắn trong bóng tối còn có người khác có ý đồ với viên toản thạch này, chỉ là tôi không biết đó là ai.
Tôi không nhìn thấy gã mặt chàm nhưng tôi biết nhất định lúc này hắn ta đang ở trong đại viện, nhất định đang căng tai lắng nghe từng động tĩnh trên sân khấu.
Sau nghi thức bái lạy là đến tiết mục biểu diễn mừng thọ.
Trong đội ngũ biểu diễn, ngoài gánh xiếc, đoàn hát sênh, còn có đoàn kịch Kinh Vận Đại Cổ. Họ chính là gia đình ở dãy nhà dành cho tôi tớ mà tôi thấy tối qua. Sau này tôi mới biết đến cái tên Kinh Vận Đại Cổ này, còn khi đó tôi chỉ cảm thấy họ hát cứ run run rẩy rẩy, giống như buộc sợi dây mảnh vào một con chim sẻ rồi thả cho nó bay về trời. Chỉ hơi bất cẩn dây sẽ bị đứt, chim sẻ sẽ bay đi mất.
Gia đình nhà này, mẹ ra sân khấu hát trước, mẹ hát xong rồi mới đến lượt con gái, con gái hát xong, mẹ lại tiếp tục ra hát. Những người khác thì chơi đàn tỳ bà và kéo hồ cầm ở phía sau, nghe chán ơi là chán.
Tâm trí của tôi không nằm ở đoàn kịch mà nằm ở viên đại toản thạch. Tôi thấy một gã hắc hán tử to khỏe đang đốc thúc vài người thu dọn số lễ vật chất đầy trên bàn, để vào trong những cái hộp lớn nhỏ khác nhau và bỏ vào trong sọt tre, dùng đòn gánh khiêng đi.
Những người này khiêng sọt tre ra ngoài cửa ngách. Tôi định bám theo họ nhưng sợ họ nghi ngờ nên chậm rãi đi về phía cửa chính. Tôi biết chỉ cần bước qua cửa chính rồi lần theo góc tường là có thể đến chỗ cửa ngách họ vừa bước qua.
Tôi muốn xem họ cất sọt đựng lễ vật ở đâu.
Thế nhưng, mới đến lối rẽ đầu tiên, tôi đã bị một tên gia định chặn lại, hắn ta hỏi: “Làm gì thế?”
Hai tay tôi ôm bụng, vờ như đang bị đau bụng, tôi nói: “Tôi đang tìm nhà tiêu”
Tên gia đinh nói: “Nhà tiêu nằm ở góc tây bắc quảng trường”
Tôi thấy những người gánh sọt rẽ vào một khúc quanh và biến mất sau một bức tường gạch cao. Gã hắc hán tử đi sau cùng cũng sắp vào trong đó rồi. Tôi vội nói: “Phía trước có nhà tiêu, tôi biết mà. Để tôi tới đó”
Tên gia đinh nói: “Phía trước là cấm địa. Quay lại ngay”
Tôi định xin xỏ thêm thì tên gia đinh vung vẩy khẩu súng trong tay, nói: “Còn không đi, tao bắn chết”
Tôi hãi quá, vội rút lui.
Thường gia đại viện có ba trăm gian nhà. Quảng trường nằm ở chính giữa đại viện. Mỗi bên có một trăm năm mươi gian. Tôi chỉ biết toản thạch được đem đi hướng nào nhưng muốn tìm được nó trong một trăm năm mươi gian này mà không bị phát hiện là việc bất khả thi. Phải làm sao đây?
Đoàn kịch Kinh Vân Đại Cổ biểu diễn xong thì đến lượt đoàn hát sênh, tiếp đó là gánh xiếc. Tiết mục cuối cùng của gánh xiếc là tiết mục đi thăng bằng trên dây của tôi.
Lúc tôi biểu diễn thì trời cũng sắp tối. Tôi đi tới đi lui trên dây, rồi lộn mèo một cái. Người xem phía dưới reo hò ầm ĩ. Tôi cứ tưởng đứng trên cao là có thể nhìn thấy nơi cất giấu toản thạch nhưng tôi đã nhìn khắp bốn phía nhưng chỉ thấy những mái ngói đỏ thẫm và tầng rêu xanh. Giữa các lối đi chỉ có gia đinh vác súng tuần tra, ngoài ra không thấy bất kỳ ai khác.
Gã hắc hán tử kia cũng không thấy đâu, đám người gánh sọt tre cũng không thấy đâu. Viên toản thạch đã biến mất một cách bí ẩn giữa những gian nhà nhấp nhô cao thấp.
Buổi tối khi về phòng ngủ, tôi nghĩ chung quanh gian nhà cất giữ lễ vật nhất định bố trí người canh gác. Chỉ cần đứng trên tường quan sát thấy nơi nào tập trung nhiều gia đinh, chắc chắn nơi đó cất giấu toản thạch.
Tôi nhẹ nhàng bò xuống giường, lẻn ra bên ngoài. Đêm đó, ánh trăng đẹp mê người, từng đám mây trắng nhẹ trôi bồng bềnh giống như tấm vải mỏng manh. Tôi thấy trên tường đại viện cứ cách hai, ba mươi mét lại có một chiếc đèn lồng cỡ lớn đang được thắp sáng, bên dưới đèn lồng là đám gia đinh vác súng dài đi lại lầm lũi như những con cá bơi lội giữa vùng biển tối. Ngoài ra, còn có gia đinh tuần tra ở các lối đi. Bọn chúng cứ như những du hồn lang thang vất vưởng, bất ngờ chui ra từ bóng tối.
Tôi trông thấy bọn chúng thì cũng tiêu tan luôn ý định lên trên tường. Bọn chúng sẽ không cho phép tôi làm chuyện đó, ngược lại còn xem tôi như kẻ khả nghi, giám sát càng thêm chặt chẽ.
Thôi vậy, tôi sẽ tìm cách khác.
Tôi lặng lẽ trở về phòng. Bên trong phòng tiếng ngáy vang lên như sấm. Tôi cố gắng chợp mắt nhưng trong lòng còn ngổn ngang tâm sự nên cứ trằn trọc mãi. Sư phụ Hổ Trảo xem trọng tôi như thế, Yến Tử dường như cũng có cảm tình với tôi. Nếu phi vụ này thành công, về sau mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn. Nếu như thất bại, có thể tôi sẽ vĩnh viễn không có ngày ngẩng mặt trong bang Tấn Bắc.
Hổ Trảo rất coi trọng phi vụ trộm toản thạch này. Ông ấy không chỉ sai Tỏa Tử dẫn người đến những nơi rộng rãi dễ thấy, cố tình lưu lại ấn ký của bang Kinh Tân để giá họa cho người khác, hơn nữa còn cử người đến chắp nối liên lạc với tôi. Nếu người này tìm đến mà tôi vẫn chưa thăm dò thành công thì mọi việc sẽ hỏng bét.
Người đến bắt liên lạc với tôi có thể ngày mai hoặc ngày kia sẽ tới. Tôi cần tìm ra nơi giấu toản thạch càng sớm càng tốt.
Nhưng tôi phải làm thế nào mới được?
Tôi nằm trên khang, lăn qua lộn lại mà vẫn không ngủ được, cả người như có kiến bò. Sau đó, tôi trở dậy, đứng bên cửa sổ ngắm nhìn Thường gia đại viện dưới ánh trăng ảm đạm và cây đại thụ nằm cạnh dãy nhà trước mặt.
Đột nhiên, tôi trông thấy một người cao lớn, mặc đồ dạ hành màu đen bó sát thân mình, lao vụt qua trước mắt như một tia chớp và biến mất trong những dãy nhà. Đây tuyệt đối là một cao thủ trong giới đạo tặc. Tôi lao ra ngoài, định đuổi theo người này, ngẩng đầu lên bất chợt trông thấy gia đinh trên tường đang quay người lại, ánh mắt hướng về phía mặt đất trước dãy nhà của chúng tôi.
Tôi vội nghiêng người, nấp vào chỗ tối dưới mái hiên.