Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 3462 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 71
Vũ khí ong vò vẽ
Chúng tôi nép mình sát mặt đất, cả người bất động như hai con ếch nằm trong vũng bùn dưới đáy ao.
Thuận Oa dẫn hai lão già đến thẳng gian phòng chúng tôi ở. Lão già thần bí thò tay vào cái chăn chúng tôi vừa bỏ lại. Tôi nghe lão ta nói: “Chăn hãy còn ấm, chúng nó chưa chạy được xa đâu, mau đuổi theo.”
Bọn chúng cầm dao và dây thừng theo chân nhau chạy ra ngoài cổng. Tôi và Băng Lưu Tử khẽ khàng đứng dậy.
Trên trời cao, muôn vì tinh tú đang đua nhau nhấp nháy.
Khi tiếng chân đuổi theo chúng tôi đã xa, chúng tôi cũng lập tức rời khỏi làng. Chỉ có một con đường kết nối làng Hậu Lý với thế giới bên ngoài. Bọn chúng đang đuổi dọc theo con đường này, chúng tôi cũng chỉ có thể ra ngoài bằng con đường này.
Chạy được đâu mấy chục mét, Băng Lưu Tử liền đẩy tôi ngã vào bên đường. Tôi hỏi: “Chuyện gì thế?”
Băng Lưu Tử nói: “Chúng nó đuổi theo một đoạn mà không thấy mình nhất định sẽ quay lại. Đợi chúng nó qua hết, mình lại đi tiếp. Cứ chạy thế này thể nào cũng đụng phải chúng nó”
Tôi gật đầu đồng ý.
Kể từ lúc bị bọn buôn người bắt cóc bán cho người khác, tôi đã vào giang hồ được mấy năm rồi, tự cho mình là tay lão luyện nhưng thực ra vẫn chỉ là tay mơ.
Mỗi bước đi trên giang hồ đều là cạm bẫy, chỉ sơ sảy một chút là thịt nát xương tan ngay.
Chúng tôi núp trong bụi cỏ tối đen chưa được bao lâu, quả nhiên thấy bọn Thuận Oa đang quay lại. Lúc trở về, mỗi tên đi cách nhau mười mấy mét. Bước chân của bọn chúng rất nhẹ nhàng, giống như cát mịn rơi trên trang giấy trắng, hòa lẫn vào tiếng côn trùng nỉ non chung quanh.
Một tên, hai tên, ba tên. Nhờ vào ánh sao lờ mờ, chúng tôi thấy bọn chúng đã đi qua hết. Tôi và Băng Lưu Tử nhẹ nhàng đứng dậy, chạy ra phía ngoài núi.
Nhưng chúng tôi mới chạy được vài chục mét, liền có tiếng bước chân đuổi theo. Thuận Oa đang quát tháo ầm ĩ: “Hai thằng nhãi, đứng lại đó”
Chúng tôi sợ hãi tột độ, cắm đầu chạy thẳng một mạch. Phía trước là một khu rừng tối đen. Chúng tôi cứ lao người vào trong đó. Một con cú đang đậu trên cành cây hoảng hốt bay đi. Nó cất tiếng kêu thảm thiết như tiếng kính trượt lên nhau, nghe chói cả tai.
Trong rừng sâu, giơ bàn tay cũng không thấy ngón tay, chỉ có thể lần mò theo thân cây mà đi. Tuy nhiên, tiếng chân người sột soạt vẫn không ngừng vang lên. Mỗi bước chân sẽ phát ra âm thanh như vậy. Khu rừng này đã có từ lâu lắm rồi, lá rụng tích tụ lại qua bao năm tháng đã trải thành một tầng dày dưới gốc cây. Chúng tôi dỏng tai lên nghe ngóng, thấy có tiếng chân người truyền đến từ phía xa.
Bọn chúng đuổi đến nơi rồi.
Chúng tôi không dám đi tiếp nữa, cứ đi thế này sẽ bộc lộ hành tung mất.
Tôi hỏi Băng Lưu Tử: “Anh biết leo cây không?”
Băng Lưu Tử đáp: “Biết”
Phốc một cái, tôi đã leo lên một cái cây to bên cạnh. Cuộc sống trong gánh xiếc đã rèn luyện cho tôi hai kỹ năng phi thường đó là leo cây và đi thăng bằng trên dây. Dù cây có cao đến đâu, tôi chỉ tốn chút sức lực là có thể leo lên trên. Tay chân tôi nhanh nhẹn như một con khỉ.
Sau khi tôi đã ở trên cây, phải qua một lúc lâu Băng Lưu Tử mới leo đến nơi. Tôi đưa tay sờ thử thấy cả người Băng Lưu Tử đang run lẩy bẩy. Anh ấy ôm chặt lấy cành cây, căng thẳng như một con lười.
Đột nhiên tôi nghe phía dưới có tiếng thét chói tai.
Tôi nghe Thuận Oa hỏi: “Sao thế”
Có tiếng người nói: “Chân tao bị kẹp vào bẫy sói rồi”
Tôi nghe mà mừng rơn, muốn cười thật to nhưng kìm ngay lại được. Tôi từng thấy loại bẫy kẹp này. Một khi đạp trúng sẽ bị hai tấm sắt như răng cưa lởm chởm ngậm chặt lấy cổ chân. Hai tấm sắt này được nối với nhau bằng lò xo, cực kì bền chắc. Tên của nó là bẫy kẹp sói. Nếu để cái bẫy nặng nề này kẹp trúng, sói sẽ không tài nào thoát ra được. Sói muốn sống sót chỉ còn một cách đó là cắn đứt chân của mình và bỏ chạy bằng ba chân. Con sói chỉ còn ba chân này sẽ trở nên vô cùng xảo quyệt và cũng cực kỳ hung dữ. Loại sói này được gọi là sói què.
Ngày trước, khi người ta cầm gậy đánh sói không thể giơ gậy lên bởi vì sói rất nhanh nhẹn. Bạn vừa nhấc cây gậy là sói đã nhảy bổ vào người. Đánh sói bằng gậy có hai cách. Một là dùng gậy chọc vào người nó, không để nó đến gần, hai là dùng gậy đánh quét ngang. Con sói có đầu bằng đồng, lưng bằng sắt còn chân thì như thân cây đay. Nó đã luyện được kim chung tráo, thiết bố sam nhưng chân chính là huyệt mệnh môn của nó. Chỉ cần đánh gãy chân, nó sẽ không dám tấn công nữa. Tuy nhiên, cách đánh quét chọc không có tác dụng với sói què lắm vì nó sẽ bật người lên rất cao và trèo lên trên gậy.
Những con sói què đã trải qua sinh tử là những con sói bất khả chiến bại.
*Kim chung tráo, thiết bố sam: Công phu rèn luyện cho cơ thể rắn chắc như chuông vàng, áo sắt.
Chúng tôi kiên trì đợi trên cây đến tận khi trời sáng. Cũng có thể trời đã sáng từ lâu, chẳng qua chúng tôi ở trong rừng rậm nên không nhận thấy.
Dưới gốc cây không có người nào, bọn chúng đã bỏ đi rồi. Thuận Oa và lão già thần bí đã bẻ gập cái bẫy lại để lão già xui xẻo kia rút cái chân đầy máu của mình ra, sau đó tập tễnh rời đi.
Chúng tôi trượt từ trên cây xuống, thấy một tia nắng chiếu xuyên qua vô số lá cây xuống bãi đất trống giữa rừng. Cả hai chúng tôi đều vui sướng vì đã thoát nạn.
Chúng tôi đi sâu vào trong rừng.
Bên trong rừng có nhiều loài động vật khác nhau như sói, hổ, báo nhưng chúng không đáng sợ, con người mới là loài động vật tàn ác, đáng sợ nhất thế gian.
Chúng tôi đi trong rừng rất lâu, đến khi thấy ánh nắng chiếu thẳng trên đỉnh đầu thì biết bây giờ đang là giữa buổi trưa. Trời yên biển lặng lâu như vậy, chắc là bọn chúng đã bỏ đi từ sớm rồi.
Trước mặt có một con suối nhỏ, nước kêu róc rách. Con suối này chảy từ trên núi xuống. Băng Lưu Tử nói chỉ cần đi xuôi theo dòng suối là có thể tìm được nhà dân. Đó là vì người miền núi đều sống dọc theo hai bên bờ suối. Mặc dù Băng Lưu Tử không lớn hơn tôi bao nhiêu nhưng kinh nghiệm giang hồ và kỹ năng sống của anh ấy phong phú hơn tôi rất nhiều.
Tôi tin tưởng anh ấy.
Nhưng chúng tôi chưa đi được bao xa thì bắt gặp Thuận Oa và lão già thần bí đang cầm đao chờ sẵn. Bọn chúng biết hai đứa tôi sẽ đi xuôi theo dòng suối nên đã rình đợi bên bờ suối.
Mọi người đều là tay giang hồ lão luyện, không ai lừa được ai.
Chúng tôi phát hiện ra bọn chúng, bọn chúng cũng phát hiện ra chúng tôi. Chúng tôi quay đầu bỏ chạy, bọn chúng liền đuổi theo sau.
Lão già thần bí dù lớn tuổi nhất nhưng sống trong rừng đã lâu, thân thể cực kỳ tráng kiện. Lão ta chạy phía trước Thuận Oa. Chúng tôi không dám chạy men theo khe suối. Nếu làm vậy lão ta sẽ nhanh chóng bắt kịp. Chúng tôi chạy sâu vào trong rừng, hy vọng có thể thoát khỏi bọn chúng.
Chúng tôi chạy cuống cuồng, không mục đích, miệng thở hồng hộc muốn đứt cả hơi. Vốn tưởng đã thoát được bọn chúng, ngoái đầu lại nhìn vẫn thấy bọn chúng đang đuổi theo đằng xa. Lá cây rơi rụng dưới mặt đất đã làm lộ hành tung của chúng tôi. Sau khi chạy qua, chúng tôi đã làm lá cây trở nên lộn xộn.
Chúng tôi chạy xuống một sườn dốc, rẽ vào một khúc quanh thì lại có một sườn dốc khác. Đột nhiên chúng tôi trông thấy một tổ ong vò vẽ to bằng cái chậu rửa mặt ở trên một cây đại thụ. Vô số con ong vàng óng giống như một đám mây được dát vàng đang bay vo ve trên đầu. Cảnh tượng như thế này, chỉ nhìn thôi đã khiến da đầu người ta phải ngứa ngáy.
Băng Lưu Tử nói: “Có cách rồi”
Tôi thở hổn hển hỏi: “Cách gì thế?”
Băng Lưu Tử nói: “Trên cây đại thụ kia có tổ ong, gần đó có một cái cây nhỏ. Chúng mình vít cái cây nhỏ xuống. Đợi chúng nó đuổi đến gần, mình buông tay cho cái cây đập vào tổ ong”
Đây là một cách hay. Hai cái cây này cùng chung một gốc. Sau khi rễ của cây đại thụ trồi lên mặt đất đã sinh ra cái cây nhỏ này. Nếu kéo cái cây nhỏ xuống, nó sẽ biến thành một cái cung tên tích đầy sức mạnh.
Tôi cẩn thận leo lên cái cây nhỏ. Trước mặt là đám ong vò vẽ đang bay qua lại. Tôi đè mạnh người xuống làm cái cây cong dần. Băng Lưu Tử túm lấy đầu ngọn cây. Chúng tôi lấy quần áo quấn quanh đầu và mặt, núp vào trong bụi cỏ.
Lão già thần bí và Thuận Oa đã đuổi tới nơi. Bọn chúng thở hồng hộc, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Chúng tôi buông tay, cái cây nhỏ liền đập thẳng vào tổ ong vò vẽ trên cây đại thụ.
Tổ ong rơi xuống đất nghe cái bịch, vô số con ong vò vẽ bay túa ra. Chúng nó bay đen kịt trên đầu, bầu trời đột nhiên tối sầm lại. Chúng tôi vội lăn mình xuống dốc. Trên đỉnh dốc truyền đến tiếng gào thảm thiết. Vô số con ong vò vẽ đã biến lão già thần bí và Thuận Oa thành đối tượng trút giận. Cơ thể của bọn chúng lập tức sưng tướng lên.
Chúng tôi cứ đi mãi cho đến tận chiều mới ra khỏi rừng.
Bên ngoài rừng có một ngôi làng. Tôi định vào làng xin chút gì ăn. Băng Lưu Tử nói: “Đừng tùy tiện vào trong đó. Biết đâu là làng thổ phỉ”
Làng thổ phỉ là nơi bọn cướp sinh sống. Những ngôi làng như vậy thường ở chốn heo hút. Cả làng đều làm nghề ăn cướp. Nếu bước vào làng thì chính là tự đưa đầu vào rọ”
Chúng tôi quan sát rất lâu nhưng không thấy có ai trong làng. Tôi chợt nhớ đến ngôi làng mình từng vào khi còn ở gánh xiếc. Bên trong làng toàn là người chết, gà chết, suýt chút nữa tôi cũng không thoát ra ngoài được. Ngôi làng đó đang có bệnh ôn dịch.
Trong làng không một bóng người. Tôi cảm thấy lo sợ.
Tôi nói: “Mau đi thôi”
Băng Lưu Tử nói: “Đừng vội, trông kìa”
Tôi nhìn theo tay của anh ấy thì thấy một con gà đang đi đến trước mặt. Băng Lưu Tử nói: “Con gà này chính là bữa tối của chúng mình”
Tôi mừng rỡ không thôi. Đợi con gà kia đi ra xa làng, chúng tôi sẽ bất ngờ lao ra chặn đường nó về, sau đó cùng nhau vây bắt. Nhưng gà thả vườn ở các làng bản vùng cao vô cùng tinh ranh. Cuộc sống trèo non vượt núi từ nhỏ đã rèn luyện cho nó một thân thủ nhanh nhẹn, mỗi lúc nguy cấp đều thoát khỏi tay chúng tôi.
Chúng tôi mệt quá, thở phì phò như bò, con gà đứng đằng xa kêu cùng cục như đang cười nhạo chúng tôi.
Tôi chợt nhớ đến chuyện hồi nhỏ đi ăn trộm gà. Chúng tôi buộc hạt ngô vào một sợi chỉ mỏng, đặt ở cổng làng rồi nấp ở một bên. Con gà chỉ thấy hạt ngô mà không thấy sợi chỉ, nó liền nuốt luôn hạt ngô. Chúng tôi nấp trong bụi cây kéo sợi chỉ về, thế là con gà phải đi theo chúng tôi. Loài gà khi ăn đều nuốt chửng thức ăn vì chúng không nhai được.
Thế nhưng, ở đây không có ngô.
Tôi thấy dưới gốc cây có một tấm mạng nhện liền nảy ra một ý. Tôi lấy cành cây khua mạng nhện và trông thấy một con nhện màu đen to đùng đang ẩn mình trên cây. Tôi hất nó rơi xuống, lấy cục đá đè lên người nó. Con nhện vùng vẫy vô vọng bên dưới cục đá.
Tôi cắn rách một lỗ trên quần áo. Sau đó rút từng sợi chỉ mỏng từ trong ra, nối chúng lại với nhau, buộc một đầu sợi chỉ vào người con nhện, tay xách đầu còn lại.
Tôi bỏ con nhện ở lối vào cổng làng, rồi núp sau một cái cây.
Con nhện đã bị tôi vặt mất mấy cái chân. Nó bò đi bằng những cái chân khiếm khuyết nhưng không thể bò nhanh được.
Con nhện to đùng này đã hấp dẫn con gà. Con gà chạy bổ đến, nuốt chửng lấy con nhện. Tôi kéo sợi chỉ về. Con gà đi theo chúng tôi ra xa khỏi làng.
Băng Lưu Tử có mang theo người bảy que diêm mà anh ấy quý như tính mạng. Tối hôm đó, chúng tôi được ăn thịt gà nướng nguyên con, thơm phưng phức.
Chúng tôi không biết đây là địa phương nào, muốn tìm người hỏi nhưng lại sợ đây là làng của thổ phỉ. Trên thực tế, đây có thể là một làng thổ phỉ bởi vì chúng tôi đã đứng trên cao quan sát về phía xa nhưng không có thôn làng nào. Chúng tôi cũng đã đợi rất lâu nhưng không thấy ai đi ra ngoài làng.
Để trốn tránh thổ phỉ, nông dân thời đó thường hay đào hang trên vách núi. Mỗi lần thổ phỉ đến cướp bóc, họ sẽ mang theo lương thực, trèo lên thang, trốn vào hang động trên vách núi, sau đó rút thang lên, thế là thổ phỉ không làm gì được nữa. Tuy nhiên, chung quanh ngôi làng này không có những hang động như thế. Không có hang động, chứng tỏ bọn họ không cần phải trốn tránh, đã không cần phải trốn tránh thì nhất định là thổ phỉ rồi.
Thổ phỉ cũng xuất thân từ nông dân. Bọn chúng cũng biết trồng trọt, nuôi gà nuôi vịt cho nên trong làng thổ phỉ có gà cũng không phải chuyện gì lạ.
Chúng tôi quyết định rời đi.
Chúng tôi đi dọc theo sống núi, đứng trên này có thể quan sát xa hơn. Nếu đi theo lối thung lũng, có thể sẽ đi lòng vòng một chỗ. Nếu cứ đi lòng vòng một chỗ sẽ chết vì kiệt sức và đói.
Sống núi mấp mô, gập ghềnh, có chỗ thì toàn là đá vụn, có chỗ lại có tảng đá lớn chắn giữa đường. Thực ra, sống núi không có đường đi, bởi chưa từng có ai đến đây. Một số loài chim tôi chưa thấy bao giờ nhảy nhót chung quanh chúng tôi, có con to như cái đấu, có con nhỏ bằng nắm tay.
Mặt trời đã mọc rồi. Sáng sớm thức dậy, nhìn về phía mặt trời, đằng trước là hướng đông, sau lưng là hướng tây, bên trái là hướng bắc, bên phải là hướng nam. Thầy giáo đã dạy cho chúng tôi biết điều này khi còn học trường tư thục. Đi về hướng nam sẽ đến được huyện Bảo Hưng. Chúng tôi chọn đi về hướng bắc, càng xa huyện Bảo Hưng chừng nào càng tốt chừng đấy.
Đứng trên sống núi, chúng tôi có thể nhìn rõ từng cái cây ở lưng núi và những tổ chim trên cây. Khi đó, lá cây đã bắt đầu rụng rồi, cành nhánh trở nên trơ trụi. Phóng mắt nhìn quanh nếu thấy nơi nào có nhiều cành cây tụ lại thành chùm thì nhất định đó là tổ chim. Chúng tôi trèo lên cây tìm trứng chim, rồi nhen lửa nướng chín. Trèo cây bắt tổ chim là một kỹ năng mà đứa trẻ nông thôn nào thời đó cũng phải biết.
Trứng chim có kích cỡ không đều, mùi vị cũng khác nhau. Trứng chim ngói hơi mặn, trứng chim ác là hơi chua, trứng gà rừng và trứng chim cút là ngon nhất. Trong mấy ngày đó, ngày nào chúng tôi cũng ăn đủ loại trứng chim, no đến phát ợ, ngay đến hơi thở cũng có mùi phân chim.
Tôi nhớ lại cái năm mình trốn khỏi dãy Đại Biệt Sơn, toàn đi bằng lối thung lũng. Sao hồi đó tôi ngu thế chứ. Phải ăn sống bọ cạp và nhện. Tại sao tôi không nghĩ đến đi đường dọc theo sống núi. Đi trên này mới vui làm sao, chẳng lo bị lạc đường mà còn có trứng chim ăn mãi không hết nữa.
Đêm về, chúng tôi sợ thú dữ đến tấn công nên ngủ trên chạc cây. Chúng tôi trông lên bầu trời đầy sao, nhìn dải ngân hà vắt ngang qua bầu trời và kể về những câu chuyện có liên quan đến những ngôi sao kia. Chẳng hạn như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, Thường Nga Bôn Nguyệt. Băng Lưu Tử nói mấy chuyện này chẳng có gì hay, anh ấy đã nghe đến nhàm tai rồi. Tôi hỏi: “Chuyện gì mới hay?”
Băng Lưu Tử nói: “Chúng mình nói về đàn bà, con gái đi. Mày đã làm chuyện đó với họ chưa vậy?”
Khi đó tôi đã dậy thì, biết anh ấy đang nói về cái gì. Tôi đáp: “Vẫn chưa”
Băng Lưu Tử nói: “Tiếc quá, mày vẫn còn là đồng nam, nên tìm ai đó mở nụ cho”
Tôi hỏi với giọng ghen tị: “Anh làm rồi à?”
Băng Lưu Tử nói: “Tất nhiên rồi. Anh mày đâu chỉ làm với một người”
Tôi ghen tị đến chảy nước miếng. Con bà nó chứ. Băng Lưu Tử lớn hơn tôi bao nhiêu đâu, thế mà đã được xơi biết bao nhiêu là chị em rồi. Tôi vội hỏi: “Anh làm thế nào. Mau kể em nghe đi”
Băng Lưu Tử nói: “Mày muốn nghe lần nào?”
Tôi nói: “Cái lần đầu í”
Băng Lưu Tử nói: “Lần đầu chẳng có gì hay cả. Lúc đó đã biết gì đâu. Chưa vào đã phi ngựa rồi. Phi lên bụng cô ta”
Tôi hỏi: “Phi ngựa là gì?”
Băng Lưu Tử xì mũi nói: “Đến phi ngựa cũng không biết. Mày đúng là cái chày gỗ. Phi ngựa là bắn ra đó”
Tôi cười khành khạch.
Băng Lưu Tử nói: “Để anh kể cho mày nghe cái lần sướng nhất. Sơn Đông quê anh có một hộ rất giàu. Nhà này có một bà vợ bé. Khuôn mặt đó, thân hình đó, thật là hết sảy. Sau này, mỗi lần tự xử, anh toàn nghĩ đến bà ta.
Tôi nghe mà không hiểu gì, mới hỏi: “Tự xử là gì thế”
Băng Lưu Tử nói: “Là tự tay mình làm, tự mình mò mình ấy. Sao đến cái này mày cũng không biết thế”
À à, tôi hiểu rồi. Tôi cũng từng làm chuyện đó nhưng mỗi lần làm chuyện đó tôi chỉ nghĩ đến Thúy Nhi.