Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2515 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 60
Chủ tiệm quan tài

Ông già mập đi ra khỏi làng, người thẫn thờ như cái xác không hồn. Thuận Oa và tôi bước ra từ phía sau một gốc cây Hòe. Ông già mập nói: “Chúng nó chạy hết rồi, ông bạn đi cùng cũng không thấy đâu nữa”
Thuận Oa nói: “Đêm nay chúng ta nghỉ tạm ở đây. Đừng lo lắng quá. Chuyện này không nóng vội được”
Nhân lúc ông già mập không để ý, Thuận Oa đánh mắt cho tôi rồi cao giọng hỏi: “Ngai Cẩu, mày có quen ai trong làng không?”
Tôi biết Thuận Oa muốn nói gì. Tất nhiên anh ấy biết tôi có người quen ở làng này, hơn nữa người này là do Thuận Oa giới thiệu. Tôi và ông già mập đã kể cho anh ấy nghe những chuyện mình đã trải qua mấy ngày nay, cũng nhắc đến ông già râu dê ở Chu Gia Khẩu. Thuận Oa cố ý hỏi tôi như thế là vì anh ấy không muốn ông già mập biết mình có quan hệ với ông già râu dê.
Nếu vậy thì giữa Thuận Oa và ông già râu dê phải có một âm mưu nào đó, chưa biết chừng đã đào sẵn một cái hố, chỉ chờ dịp đẩy ông già mập xuống dưới.
Tôi dẫn họ đến gọi cửa nhà ông già râu dê. Trên cái bàn bát tiên nhà ông ấy có trải một bức tranh thị nữ, chính là bức tranh cổ có phần lạc khoản đề tên Đào Hoa Am Chủ.
Ông già mập nhìn thấy bức tranh thì giống như được tiêm một liều thuốc trợ tim. Ông ấy tỏ vẻ hiểu biết nói với ông già râu dê: “Tôi đã tìm hiểu được người có tên Đào Hoa Am Chủ rồi. Bức tranh này ông bán giá sao?
Ông già râu dê nói: “Tôi không bán nữa. Tôi giữ lại để thưởng thức. Tối nào tôi cũng phải ngắm kỹ một lượt mới ngủ được.
Câu nói này sao nghe quen thế? À, tôi nhớ rồi. Lần đầu tôi lừa bịp cặp nam nữ trên tỉnh xuống, Thuận Oa đã dạy tôi nói như vậy.
Ông già mập nói: “Chẳng phải mấy ngày trước ông nói có người đã đặt mua rồi hay sao? Thế nào mà vẫn còn ở đây?”
Ông già râu dê nói: “Hàng phải bán cho người biết hàng. Cái người mua hàng đó khẩu khí rất lớn nhưng không xem tôi và bức tranh này ra gì. Tôi trả lại hắn tiền cọc, không bán nữa”
Ông già mập nói: “Nếu tôi biết hàng thì sao?”
Ông già râu dê nói: “Vậy ông nói thử nguồn gốc của bức tranh này xem”
Ông già mập đem những lời mình nghe được ở chỗ lão hòa thượng bán cho ông già râu dê. Ông ấy nói Đào Hoa Am Chủ chính là Đường Bá Hổ thời nhà Minh, một người mà tài thơ ca, thư pháp và hội họa đều xuất sắc. Những năm cuối đời, ông ấy chán làm quan, sống ẩn dật nơi núi rừng. Trước nhà ông ấy trồng hoa đào, sau nhà thì trồng trúc, lấy tên hiệu là Đào Hoa Am Chủ. Đường Bá Hổ đã từng vẽ tranh sơn thủy, tranh hoa điểu nhưng tranh vẽ thị nữ là đẹp nhất, được hậu thế ca tụng.
Ông già râu dê xúc động nói: “Bức tranh này tôi đã cất kỹ từ lâu, chỉ bán cho người nào biết hàng. Cuối cùng thì hôm nay cũng đợi được anh. Chính Bồ Tát đã đưa anh đến đây”
Ông già râu dê tiếp tục nói với giọng rầu rĩ: “Bức tranh thị nữ này là báu vật gia truyền mà cha tôi quý nhất. Tổ tiên nhà tôi làm quan ở Giang Nam, là bạn thân của Đường Bá Hổ, cũng nhiều lần giúp đỡ ông ấy. Đường Bá Hổ đã tặng bức tranh đắc ý nhất của mình cho tổ tiên tôi để trả ơn. Tổ tiên đã coi bức tranh này là bảo vật trấn trạch, truyền lại cho con cháu đời sau, đến tay tôi thì đã hơn mười đời rồi. Nếu không phải vì cảnh nhà sa sút, cần tiền mua mấy đấu gạo, tôi sẽ không bao giờ bán đi gia sản”
Ông già mập cảm động, cầm tay ông già râu dê nói: “Anh đừng quá đau lòng, Tuy nói là tôi mua nhưng thực ra là giữ cho anh. Khi nào anh muốn đến xem, tôi sẽ mở rộng cửa đón anh”
Ông già râu dê càng thêm xúc động, nước mắt rơm rớm, nói: “Nếu vậy tôi chỉ bán cho mình anh thôi”
Họ bắt đầu ngã giá. Ông già râu dê nói: “Nếu là người khác, tôi sẽ bán ít nhất là một nghìn đồng Đại Dương, nhưng anh là người biết hàng. Anh cứ cho cái giá đi. Chỉ cần không quá thấp tôi sẽ bán cho anh”
Ông già mập trả hai trăm đồng Đại Dương. Ông già râu dê trầm ngâm một lát, cuối cùng ưng thuận. Thế nhưng ông ấy ra điều kiện là ngày hôm sau phải mang tiền đến bởi vì nồi niêu nhà ông ấy đã nhẵn như chùi rồi”
Ông già mập liền đáp ứng.
Tôi nghĩ, ông già mập trả giá hai trăm đồng Đại Dương, có lẽ là muốn lấy lại số tiền đã đưa cho thanh niên mặc áo cộc tay, sau đó chuyển cho ông già râu dê. Ông già râu dê nghe cái giá hai trăm đồng Đại Dương thì đồng ý luôn, chắc là ông ấy biết ông già mập chỉ có hai trăm đồng Đại Dương.
Hai trăm đồng Đại Dương không phải là số tiền nhỏ. Khi đó có thể mua được một ngôi nhà ở huyện thành.
Tối đó, Thuận Oa và ông già râu dê không nói lời nào. Hai người họ chỉ gật đầu, làm như không quen biết nhau. Nhưng tôi nghĩ họ chắc chắn biết nhau, chỉ là đóng kịch tí thôi. Ông già mập vừa thoát khỏi hang sói lại chui ngay vào miệng cọp. Bức tranh thị nữ của Đường Bá Hổ rất có thể là hàng giả.
Hôm sau trời vừa sáng, ông già mập đã muốn trở về huyện thành tìm thanh niên mặc áo cộc tay và ông già mặc đồ vải thô để đòi lại hai trăm đồng Đại Dương.
Thuận Oa hỏi: “Ông biết bọn họ ở đâu không?”
Ông già mập nói: “Tôi sẽ đi hỏi từng nhà. Tôi không tin không tìm được chúng nó”
Thuận Oa nói: “Tôi biết đám người này. Ông già mặc đồ vải thô chính là Thấu Cốt Lương. Ở đây ai cũng biết biết ông ta là kẻ có lòng dạ đen tối. Cứ điểm của bọn họ ở ngoài cửa Bắc. Ở đó có một tiệm bán quan tài, cũng chính là cứ điểm của bọn họ.
Kế bên tiệm quan tài có một tay thợ hàn, bày sạp sửa kính lão, đó là tai mắt của bọn họ. Bên kia đường có một tay thợ vá bát, bày sạp sửa nồi niêu thau chậu, đó cũng là tai mắt của bọn họ. Ông phải đề phòng hai cái sạp hàng này. Hiện giờ Thấu Cốt Lương tám phần là đang núp trong tiệm quan tài chờ ông đến cúng tiền đó.
Ông già mập nói: “Tôi đi tìm nó đòi tiền ngay đây”
Ông già mặc đồ vải thô quả là xứng đáng với ngoại hiệu Thấu Cốt Lương của mình. Ông ta không chỉ lừa hai ông già mập ốm hai trăm đồng bạc, hơn nữa còn giống như con sư tử há to mồm tính lừa họ bán hết nhà cửa để mua đồ cổ giả mạo của ông ta. Lòng dạ của người này thật là đen tối.
Ông già mặc đồ vải thô có vẻ ngoài trung hậu nhưng thực ra là kẻ gian trá.
Sau khi ông già mập về đến huyện thành, liền nghĩ cách lấy lại tiền.
Muốn tiếp cận tiệm quan tài không phải việc dễ dàng vì quanh đó có đám thợ sửa chữa nồi niêu và gò hàn. Bọn chúng là tai mắt của tiệm quan tài. Hồi đó thợ gò hàn có hai công việc chính, một là nối chân kính, hai là thay đầu lưỡi cày.
Nối chân kính là như thế này. Người thợ sẽ dùng cái khoan tay kiểu cũ, đục lỗ rồi bắt đinh, vậy là chân kính gãy được nối liền.
Thay lưỡi cày là như thế này. Lưỡi cày dùng để cày ruộng, đầu lưỡi cày phải sắc nhọn mới có thể đâm sâu vào đất. Nếu như dưới mặt đất có sỏi đá hoặc sắt thì đầu lưỡi sẽ bị gãy mẻ và cần được thay thế. Thợ hàn sẽ bắc bếp than nấu gang, kéo bễ cho lửa bốc cao. Gang sẽ nóng chảy thành nước. Người thợ đổ nước gang vào khuôn, sau đó ghép nối với phần lưỡi cày đã được nung đỏ. Sau khi gang nguội đi thì tạo thành một cái lưỡi cày sắc nhọn mới.
Thợ sửa bát chỉ có một việc duy nhất đó là sửa lại những cái bát, cái chậu bị vỡ. Bát vỡ xử lý rất dễ, ghép các mảnh vỡ lại với nhau và cố định lại bằng sợi dây mảnh, sau đó khoan mấy lỗ ở hai bên đường rạn nứt bằng khoan cầm tay, đóng đinh tán vào lỗ, nối hai bên bằng một miếng nhôm rồi tháo dây ra, vậy là đã sửa xong cái bát hỏng. Bây giờ có đổ đầy nước, bát cũng không bị rò rỉ. Trong bộ phim Cha Mẹ Tôi của Trương Nghệ Mưu có có cảnh sửa bát này.
Người dân thời đó nghèo lắm, cái bát là tài sản trong nhà, chỉ cần sửa được là sẽ sửa. Phương pháp sửa chữa chậu, vò cũng giống vậy nhưng khó hơn nhiều.
Thuận Oa nói: “Hai tên thợ này thường không nhận việc bởi nếu nhận việc sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ theo dõi của chúng nó. Nối chân kính và vá chén bát có thể kiếm được bao nhiêu tiền chứ? Chỉ cần chúng nó nhắm trúng một người từ nơi khác đến, làm một cuộc giao dịch lớn là có thể kiếm được bộn tiền. Hai tên thợ này còn có một nhiệm vụ khác, đó là không cho ai đến gây rối ở tiệm quan tài”
Ông già mập nói: “Tôi không đến sinh sự với bọn họ mà sẽ nói chuyện đàng hoàng”
Thuận Oa nói: “Huyện thành không như kinh thành đâu. Huyện thành có cách làm của huyện thành, kinh thành có cách làm của kinh thành. Kinh thành gặp chuyện thì nói lý lẽ, tôn trọng sự thật còn huyện thành toàn là kẻ càn quấy. Bọn họ không nói lý mà nói bằng nắm đấm. Nắm đấm của ai cứng, ai có chống lưng mạnh hơn thì người đó thắng”
Ông già mập nói: “Nếu đã như thế, tôi cũng có cách. Thích dùng lý lẽ thì dùng lý lẽ, không thích dùng lý lẽ thì dùng cách không dùng lý lẽ”
Buổi chiều là lúc người dân huyện thành rảnh rỗi nhất. Sau bữa cơm trưa, có người ngồi dưới hiên nhà nghỉ ngơi, có người đứng trước cổng nhìn xa xăm. Các cửa hàng trên phố đều mở rộng cửa, người dân túm năm tụm ba đi dạo phố.
Đột nhiên có mấy người đi từ ngoài cửa Nam vào. Dẫn đầu là ông già mập, tay gõ thanh la, gặp người nào cũng chào hỏi. Hai người theo phía sau giơ một tấm biển gỗ, trên đó viết năm chữ: “Giết người không thấy máu”. Một thằng bé đi sau tấm biển, cứ đến ngã ba ngã tư là đốt một dây pháo. Cuộc sống thường ngày ở huyện thành vốn tẻ nhạt như mặt nước ao đầm, giờ cũng có náo nhiệt để xem rồi. Mọi người đều vui mừng hớn hở, vội chạy đi báo nhau biết.
Ông già mập dẫn đám người này đi xuyên qua huyện thành, hướng về phía cửa Bắc. Ông ấy còn chưa đến nơi, sau lưng đã đông nghẹt, dễ đến cả nghìn người.
Khi đến gần tiệm quan tài, quả nhiên nhìn thấy hai bên đường có thợ hàn và thợ sửa chén bát, mỗi tên ngồi một bên. Thế nhưng, chúng nó cũng hí hửng đứng dậy xem náo nhiệt. Hai tên này đều mù chữ, không biết tấm biển gỗ viết cái gì.
Ông già mập đến trước cửa tiệm quan tài thì dừng lại. Ông ấy đứng trên bậc thềm đá nói với đám đông đen nghịt phía dưới: “Các bị hương thân xin đợi một lát, tôi vào trong nói mấy câu sẽ ra ngay thôi”
Ông già mập bước vào trong tiệm bán quan tài, chỉ đích danh Thấu Cốt Lương và nói muốn gặp người này. Tên giúp việc thấy người đến tìm không có thiện ý vội chạy đi báo chưởng quỹ. Chưởng quỹ nghe bên ngoài có tiếng người ồn ào, vừa mới mặc trường bào bước qua ngưỡng cửa thì đã thấy ông già mập. Ông ta cũng cảm thấy ông mập không có ý tốt, vội sai người giúp việc pha trà, mời khách an tọa.
Ông già mập xua tay nói: “Tao không uống, không ngồi gì sất. Tao đến đây là để đòi lại 200 đồng Đại Dương của mình. Hôm nay mà không lấy được tiền thì tao không đi đâu hết. Cả nghìn người đang chờ ngoài kia. Chúng mày làm sao thì làm”
Nghề làm đồ giả cổ sợ nhất là gây chuyện thị phi ồn ào để nhiều người biết. Nếu chuyện đó xảy ra, dù quan phủ không truy xét, bản thân cũng chẳng còn mặt mũi nào nhìn người khác nữa. Chưởng quỹ lựa lời xoa dịu ông già mập, sau đó lủi ra phòng sau tìm ông già mặc đồ vải thô đang ngủ trong phòng. Ông già mặc đồ vải thô bò dậy, nhìn ra ngoài qua khe cửa sổ rồi nói với chưởng quỹ: “Trả lại nó hai trăm đồng Dại Dương”
Chưởng quỹ lấy tiền từ ngăn kéo ra. Ông già mặc đồ vải thô đánh thức ông già ốm đang ngủ cùng mình và nói: “Ông về đi, lần sau đừng tới đây nữa”
Ông già mập nhận lại số tiền đã mất, nghênh ngang bước ra khỏi cửa tiệm quan tài cùng ông già ốm. Ông già vải thô gọi tên giúp việc đến căn dặn: “Để mắt đến lão mập đó, xem ai vừa đi cùng lão ta. Bà mẹ nó. Đến tiệm quan tài cũng tìm ra được. Thật là tà môn mà”

 

(Tổng: 2515 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận