Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2084 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 59
Kiến thức trộm mộ
Chúng tôi chạy về phía trước và thấy một con tế cẩu đang đứng canh trước một miệng hố đen ngòm cách đây mấy chục mét. Nó vừa sủa vừa nhìn xuống dưới hố.
Miệng hố không lớn lắm, vừa đủ cho một đứa bé chui vào. Đây là cái hố do bọn trộm mộ đào. Bọn trộm mộ sẽ chui vào trong mộ theo đường này và lấy trộm cổ vật bồi táng. Sau khi khoắng sạch mọi thứ trong mộ, chúng nó sẽ phủ cỏ dại lên miệng hố để che mắt mọi người. Vừa rồi một con tế cẩu đuổi theo con thỏ đã đạp trúng lớp cỏ dại và rơi xuống cái hố sâu hoắm này.
Con chó đang ở trên miệng hố và con chó bị rơi xuống dưới hố sớm tối cận kề bên nhau, đều chung một chủ. Chủ của chúng nó bò trên miệng hố, gọi tên con chó của mình. Anh ấy nghiêng tai nghe ngóng âm thanh ở dưới miệng hố nhưng không có bất kỳ tiếng động nào. Con chó đã chết rồi.
Tôi thấy khóe mắt anh ấy rơm rớm nước mắt.
Sau khi đám người này rời đi, chúng tôi ngồi lại bên miệng hố. Thuận Oa gạt đám cỏ dại qua một bên, cẩn thận xem xét các dấu vết ở miệng hố. Anh ấy nói: “Cái hố này đã được đào ít nhất hai mươi năm rồi”
Ông già mập hỏi: “Làm sao cậu biết được?”
Thuận Oa nói: “Cái nghề trộm mộ này cần kiến thức rất sâu”. Khác nghề như cách núi. Giờ ông chưa hiểu nhưng để tôi nói ông sẽ hiểu ngay thôi. Ông nhìn đống cỏ dại này mà xem, phần dưới đã chuyển qua màu đen còn phần trên vẫn là màu vàng. Cỏ chôn ở tầng dưới, lâu ngày không có ánh nắng mặt trời và không khí, sẽ mục nát. Giờ hãy nhìn vào miệng hố. Khi đào hố bọn trộm mộ sẽ dùng thuổng Lạc Dương. Loại công cụ này được thiết kế chuyên cho việc trộm mộ. Bọn trộm mộ đào hố không bao giờ đào quá lớn, đủ cho một người nhỏ con chui vào là được. Thế nên trong đám trộm mộ sẽ có một người rất nhỏ rất gầy. Người này khi chui vào hố sẽ cởi hết quần áo trên người. Cơ thể hắn ta sẽ làm thành hố trơn nhẵn. Nhưng ông nhìn cái hố này mà xem, chất đất tơi xốp, lạo xà lạo xạo, vì sao lại như thế? Đó là do nhiều loài côn trùng khác nhau đã đào hang đào hốc trên thành hố. Cho nên tôi mới nói ngôi mộ này đã bị đào trộm cách nay ít nhất hai mươi năm”
Ông già mập nhìn miệng hố rồi lại nhìn Thuận Oa gật đầu.
Thuận Oa nói tiếp: “Vùng chúng tôi đây có mộ cổ. Điều này không sai. Nhưng ông thử nghĩ xem. Từ xưa đến nay đã có bao nhiêu kẻ trộm mộ để mắt đến mảnh đất này. Đã có bao nhiêu ngôi mộ cổ bị đào lên rồi, thậm chí còn bị trộm không dưới một lần. Ngôi mộ này bị đào trộm cách đây hai mươi năm cũng đã là muộn lắm rồi. Tất cả những ngôi mộ cổ bị đào trộm đều cách xa đường bởi vì những môi mộ gần đường đã bị cướp phá sạch bách từ lâu rồi. Bọn trộm mộ cực kỳ giỏi. Ông có tin chúng nó chỉ cần bốc một nắm đất ngửi thử là có thể đoán được bên dưới có mộ cổ không?
Ông già mập lắc đầu. Tôi nghe đến mê mải nhưng cũng cảm thấy chuyện này thần kỳ quá đi.
Thuận Oa nói: “Sau khi người ta chết, xác sẽ biến thành bùn đất, bùn đất mang theo một loại khí tức đặc biệt. Người chết càng lâu thì khí tức càng nồng đậm. Những kẻ trộm mộ chỉ cần ngửi mùi đất là có thể biết bên dưới có mộ cổ hay không”
Tôi nghĩ đúng là như thế rồi.
Thuận Oa nói với ông già mập: “Mọi người đều biết chỗ chúng tôi gần Lạc Dương và Khai Phong, vô số đại quan quý nhân sau khi chết đều chôn cất ở đây. Từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu kẻ trộm mộ đến đây đào trộm mộ. Bọn chúng sẽ đào những ngôi mộ ở hai bên đường trước, sau đó kéo dài vào tận núi sâu. Để tránh bị phát hiện, chúng nó chỉ ra tay vào lúc đêm khuya thanh vắng.
Cái đám người ông nói đó đã đi đào trộm mộ lúc xế chiều mà lại đào mộ ở bên đường, xét thời gian hay địa điểm đều không hợp với lệ thường thế nên nó là giả. Chúng nó không phải là bọn trộm mộ mà là một đám lừa đảo.
Mặt ông già tái nhợt. Hai ngày nay, khuôn mặt ông ấy giống như tuyết rơi tháng sáu, chợt có chợt tan. Tâm trạng ông ấy lúc thì cuồn cuộn như sóng trào, lúc thì bình lặng, êm ả. Ông ấy đã bị dày vò quá mức rồi.
Người đi mua đồ cổ phải có thần kinh vững vàng. Dẫu núi Thái Sơn sụp ngay trước mặt cũng không đổi sắc, rắn độc bò quanh thân mình cũng không chớp mắt, có thể bỏ đi mấy trăm đồng bạc cũng không bận lòng, có thể thua đến mức chỉ còn cái quần lót mà vẫn tin chắc nghìn vàng đã mất sẽ lấy lại được. Loại nhân vật như thế mới có thể bước chân vào nghề mua bán đồ cổ này. Còn loại người như lão mập đây, cùng lắm là mua bán tiền cổ cho thỏa cái thú nghiện sưu tầm của mình. Tốt nhất đừng có nhảy vào cái ngành buôn bán thư họa, thanh đồng này. Ông ta không chơi nổi đâu.
Khi trời sắp tối, ông già mập đề nghị chúng tôi đi đến ngôi mộ cổ kia.
Thuận Oa tìm thấy ba tấm khăn trải giường màu trắng, mỗi người lấy một tấm nhét vào trong người rồi lên đường.
Có một vạt rừng nhỏ nằm cạnh ngôi mộ đó, bên trong rừng lá rụng chất thành đống. Chúng tôi mai phục trong vạt rừng này, người phủ đầy lá khô. Từ đây, chúng tôi có thể quan sát rõ ràng từng động tĩnh phía bên kia ngôi mộ qua khe hở nhỏ trước mắt.
Con đường này khá vắng vẻ. Chúng tôi đã nằm phục rất lâu nhưng chỉ có ba người đi ngang qua. Một cặp vợ chồng đang về thăm mẹ vợ. Người vợ ngồi trên lưng con lừa, người chồng đi đằng sau. Anh chồng nói câu gì đó làm cô vợ giận dỗi, mắng yêu anh chồng. Anh ta khoái chí cười ha ha. Còn có một bà già lưng mang bọc vải đỏ, chắc là một bà mối. Nghe nói mỗi lần mai mối thành công phía nhà trai sẽ tặng bà mối một bọc vải đỏ làm quà. Bên trong bọc là giầy dép, vải vóc.
Xế chiều, một đám người đột nhiên xuất hiện trước mộ cổ. Bọn họ vác theo xẻng sắt, vai khoác dây thừng, còn có người xách theo thuổng Lạc Dương. Ông già mập căng hết mắt ra nhìn. Ông ta đang cố tìm kiếm ông già mặc đồ vải thô trong đám người đó. Tôi cũng tìm thử, không thấy ông ta đâu nhưng lại thấy thanh niên mặc áo cộc tay kia.
Đám người này chẳng cần biết có ai theo dõi hay bị bắt gặp hay không. Bọn họ cứ dùng thuổng và xẻng xúc đất trên mộ làm lộ ra một miệng hố đen ngòm. Sau đó, thanh niên mặc áo cộc tay để mình trần, buộc dây thừng vào hông rồi thả người xuống dưới hố.
Đúng lúc này có hai người đi từ xa tới. Bọn họ bước trên mặt đất phủ đầy ánh trăng sáng, dáng vẻ mệt mỏi. Sau đó mọi thứ giống như những gì tôi đã thấy lần trước. Thanh niên mặc áo cộc tay đào được mấy món đồ cổ và bày thành một hàng trên mặt đất. Một trong hai người kia ra dấu với đám người đào mộ nhưng tôi không nghe được họ nói gì.
Thuận Oa bò ra khỏi đám lá khô, trùm khăn trải giường lên người, lặng lẽ tiến về phía trước. Tôi và ông già mập thấy thế cũng trùm khăn lên người và bò về bức tường đổ.
Ánh trăng sáng vằng vặc. Từ vị trí này, tôi có thể thấy rõ tình hình bên đó, cũng có thể nghe được bọn họ đang nói gì.
Cái người nói giọng vùng khác kia muốn mua số đồ cổ đào được nhưng đám người này không bán, nói rằng có đại gia đã đặt mua trước. Tiếp đó có người cưỡi ngựa chạy từ xa đến nói đại gia đang hối thúc, bảo họ phải mau chóng quay về. Sau khi đám người này rời đi, thanh niên mặc áo cộc tay quay trở lại. Người nói giọng vùng khác đón đầu thanh niên mặc áo cộc tay.
Nhờ bức tường thấp che chắn, chúng tôi trùm khăn bám theo người nói giọng vùng khác. Chúng tôi biết có người sắp bị lừa nhưng người đó lại không biết chúng tôi chỉ cách anh ta mấy chục mét.
Hai người bắt đầu mặc cả với nhau. Một người trong đó nhắc đến ba chữ Chử Toại Lương.
Ông già mập nấp sau bức tường nghe đến đây thì không kìm được nữa. Ông ấy đứng bật dậy, hùng hổ lao về phía hai người này và hét lên “Cẩu tặc”. Cả người ông ấy cứ liêu xiêu, nghiêng ngả vì quá phẫn nộ. Dáng vẻ thì giống người đang chạy nhưng tốc độ thì lại không theo kịp.
Thanh niên mặc áo cộc tay thấy có người đột nhiên chạy ra từ sau bức tường đổ. Người này lại là ông già mập đã bị mắc lừa mấy hôm trước. Hắn ta sợ quá vội co chân bỏ chạy. Người nói giọng vùng khác không biết là chuyện gì, cứ đứng chôn chân tại chỗ.
Ông già mập cầm cái ấn trong tay người nói giọng vùng khác, trên mặt ấn khắc bốn chữ Chử Toại Lương Ấn. Cái ấn này giống hệt cái ấn ông ấy xem như báu vật đang nằm trong túi áo. Đám lừa đảo này đã cho làm hàng loạt đồ văn vật giả mạo.
Mãi đến giờ, ông già mập mới nhìn thấy quan tài và mới đổ lệ.
Thanh niên mặc áo cộc tay đã trốn mất rồi nhưng vẫn còn ông già mặc đồ vải thô. Ông già mập là người nóng nảy. Ngay đêm đó đã đi Chu Gia Khẩu tìm ông già vải thô tính sổ.
Khi chúng tôi đến Chu Gia Khẩu thì đã gần nửa đêm. Đêm đó trăng rất sáng, tôi thấy trên bức tường trước cổng nhà ông già mặc đồ vải thô có treo một cây chổi. Tôi chợt nhớ đến lời ông ta dặn: Nếu thấy ngoài cổng có treo cây chổi thì đừng vào nhà, còn không thấy treo chổi thì hẵng vào.
Người dân vùng này có thói quen treo chổi quét nhà ngoài cổng. Khi nào dùng chỉ việc duỗi tay là tháo ngay được xuống, rất là tiện lợi.
Ông già mập nhìn thấy nhà ông già mặc đồ vải thô thì không cần biết có chổi hay không, dùng tay đập vòng cửa. Vòng cửa va chạm với lá sắt trên cánh cửa kêu lách cách. Trong đêm khuya tĩnh mịch, âm thanh này truyền đi rất xa.
Lát sau, cổng nhà mở ra. Ông già mập phát hiện trong sân không có ông già mặc đồ vải thô cũng không có ông già ốm đã đi cùng mình.
Ông già mập hỏi người đàn ông mở cửa: “Cái người vẫn ở nhà này đâu rồi?”
Người đàn ông kia đáp: “Hôm qua dọn đi rồi. Nhà này ông ấy thuê ở”
Ông già mập chán nản ngồi bệt xuống đất.