Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2065 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 64
Vào nghề cần thận trọng

Ngày hôm sau, tôi quả thật không có ăn cơm. Tôi ngồi ở sạp khắc ấn, nhìn bức tường thành long lanh như sóng nước. Tôi đã nhiều lần nghĩ đến chuyện dứt áo ra đi, rời khỏi băng nhóm làm đồ giả cổ này. Nhưng tôi không làm nổi. Tôi không biết sau khi rời khỏi huyện Bảo Hưng mình sẽ đi về đâu.
Trong những năm đó, vùng đất này chiến tranh liên miên. Tôi sợ mình bị bắt đi lính. Tôi cũng đã lớn rồi nên không muốn đi lính. Ước mơ trở thành một vị tướng quân cũng tan biến như mây khói từ lâu. Tôi chỉ muốn sống cuộc đời bình thường của một người bình thường.
Bụng tôi đói cồn cào, kêu lục cục như đánh trống. Để xua tan cơn đói, tôi cố nuốt nước bọt đang tứa ra. Tôi nhớ lại những chuyện trước kia: Cao Thụ Lâm, Thúy Nhi, Bồ Đề, Tuyến Can, Lăng Quang Tổ, Lăng Diệu Tổ, Tiểu Kiều, Nhị Sư Thúc, Thần Hành Thái Bảo, Tam Sư Thúc, Tổng Đà Chủ… Ấy da. Tam sư thúc đã đi đâu rồi? Tổng đà chủ vẫn còn ở ngôi nhà kiểu nông thôn đó không? Liệu sau này tôi có còn cơ hội gặp lại họ?
Băng Lưu Tử tới rồi. Cái túi của anh ấy căng phồng, bên trong giấu một cái bánh màn thầu. Vừa trông thấy tôi thì len lén lấy cái bánh ra. Tôi đón lấy cái bánh bằng cả hai tay. Chưa gì đã ngoạm mất nửa cái bánh, miệng tôi không nhai nổi, đành phải nhả ra?
Băng Lưu Tử hỏi: “Em có định ở đâu lâu dài không?"
Tôi còn đang nhai màn thầu nên lắc đầu với anh ấy.
Băng Lưu Tử nói: “Sau này em tính làm gì?”
Tôi hàm hồ đáp: “Không biết nữa. Em chưa từng nghĩ đến”
Băng Lưu Tử nói: “Em có thấy không? Đám người này đều bắt nạt chúng mình. Chỉ có hai đứa mình là nhỏ nhất. Chúng mình còn ở lại đây thì mãi mãi sẽ bị người ta bắt nạt”
Tôi nói: “Đúng thế. Em cũng thấy vậy. Nhưng biết làm sao giờ?” 
Mặt trời chiếu ánh nắng lên tường thành. Chúng tôi ngồi dưới bức tường thành. Tôi thấy Băng Lưu Tử ngập ngừng như muốn nói gì đó.
Chuyện kỳ quái đầu tiên tôi đã kể, chính là chuyện tôi đưa anh Châu đến làng Hậu Lý, giữa đường gặp phải người bày sạp bán hàng giả, nói là muốn cứu mạng cha mình. 
Nhưng chuyện tiếp theo cũng làm tôi thấy kỳ quái. Đó là khi tôi đưa anh Giang người Tứ Xuyên tới làng Hậu Lý và gặp phải một ngôi chùa bị cháy.
Vì sao mỗi lần tôi đưa ai đó đi đâu, là luôn gặp phải những chuyện bất ngờ.
Sau khi anh Châu rời huyện thành được mấy ngày thì anh Giang tới huyện Bảo Hưng. Lần này tôi lại là người dẫn anh ấy đến làng Hậu Lý.
Chúng tôi đi ngang qua khu chợ lần trước, rồi lại đi một quãng đường dài, vượt qua một ngọn đồi. Đột nhiên một cặp vợ chồng đuổi theo từ phía sau. Họ hỏi: “Làng Trường Lạc đi đường nào thế?”
Tôi không biết, anh Giang càng không biết. Sau khi họ rời đi, chúng tôi vội rảo bước về trước.
Chúng tôi đi được bốn năm dặm nữa thì thấy trước mặt có một ngôi làng. Một người đàn ông đang ngồi trước cổng làng. Ông ta nhìn thấy chúng tôi liền tới chào hỏi: “Đến làng Trường Lạc phải không? Chúng ta kết bạn cùng đi nào ”
Tôi nói: “Chúng tôi không đến làng Trường Lạc. Vì sao nhiều người muốn đến làng đó thế?”
Ông ta nói: “Cậu em không biết gì à? Ngôi chùa trên núi gần làng Trường Lạc đêm qua bị cháy rồi. Dân làng cũng vét sạch mọ thứ trong chùa rồi, nghe nói có cả xá lợi”
Nghe nói có xá lợi, anh Giang không cầm lòng được nữa. Anh ấy nói: “Làng Trường Lạc ở đâu? Anh dẫn tôi đi nhé”
Người đàn ông nói: “Tôi cũng không biết nó nằm đâu nữa. Hay vào làng hỏi thử”
Chúng tôi bước vào trong làng. Người đàn ông gọi cửa ngôi nhà đầu tiên. Một ông già bước ra. Người đàn ông hỏi đường đến làng Trường Lạc. ông già nói: “Sao nhiều người hỏi thăm làng Trường Lạc thế? Đi hết làng này thẳng về trước, đến ngã tư rẽ trái là tới rồi”
Người đàn ông hỏi ông già: “Ông có biết chuyện ở làng Trường Lạc không?”
Ông già nói: “Là chuyện chùa bị cháy phải không? Nhiều người đến đó tìm mua bảo vật rồi”
Người đàn ông quay người lại nói với chúng tôi: “Mau đi thôi. Người ta đi trước cả rồi. Chúng mình cứ dềnh dàng là chậm chân đấy”
Anh Giang cũng cho là nên đi làng Trường Lạc trước. Một mình tôi không chống lại được, đành phải đi cùng họ.
Làng Trường Lạc nằm ngay dưới một ngọn núi. Từ đó lên trên núi vẫn còn một quãng đường dài. Vậy là chúng tôi quyết định đi vào làng trước.
Một người đàn ông trung niên đứng dưới gốc cây đầu làng nhìn đám người chúng tôi. Ông ta hỏi: “Có phải các anh là dân sưu tầm đồ cổ không?”
Người đàn ông hỏi: “Sao anh biết chúng tôi là dân sưu tầm đồ cổ?”
Người đàn ông trung niên nói: “Hôm nay, đã có mấy chục người đến con đường này. Tất cả đều là người mua đồ cổ. Nhìn cách ăn vận của các anh. Tôi nhận ra ngay”
Người đàn ông hỏi: “Trong làng còn món đồ cổ nào không?”
Người đàn ông trung niên nói: “Tối qua chùa trên núi bị cháy. Người trong làng hôi được vài món. Bây giờ đã qua nửa ngày. Mấy chục người đã đến đây. Đồ cổ đã bán sạch rồi. Các anh chậm chân mất rồi”
Anh Giang nghe vậy thì cuống lên. Anh hỏi: “Không còn món nào à? Chúng tôi chạy từ rất xa đến đây”
Người đàn ông trung niên nói: “Còn thì vẫn còn, chỉ sợ các anh không trả giá cao thôi”
Anh Giang hỏi: “Miễn là đồ tốt, tiền không thành vấn đề”
Người đàn ông trung niên nói: “Chỉ còn xá lợi thôi. Để trong nhà tôi”
Anh Giang nói anh ấy muốn mua, người đàn ông đi cùng chúng tôi cũng nói ông ấy muốn mua. Người đàn ông trung niên nói: “Các anh cứ theo tôi xem xá lợi trước đã. Ngay trong nhà tôi thôi”
Trên đường về nhà người đàn ông trung niên, tôi hỏi nhỏ anh Giang xá lợi là gì?
Anh Giang nói xá lợi là chân thân của các bậc cao tăng, là thứ còn lại sau khi hỏa táng”
Tôi hỏi: “Cái đó có thể bán bao nhiêu tiền?”
Anh Giang nói: “Nhà chùa coi xá lợi là bảo vật quý giá nhất. Nếu lấy được xá lợi bán cho chùa. Muốn bao nhiêu tiền họ cũng trả”
Ồ, thì ra là thế.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy xá lợi là ở nhà người đàn ông trung niên. Xá lợi rất khác so với tưởng tượng của tôi. Cùng lắm chỉ là vài viên đá màu xám, vỏ ngoài kết vảy đen. Người đàn ông nói ông ấy đã nhìn thấy xá lợi ở chùa A Dục Vương ở Ninh Ba. Lần này đến huyện Bảo Hưng là để chiêm bái xá lợi nhưng không ngờ ngôi chùa đã bị hủy hoại, xá lợi rơi vào tay người dân.
Hai người họ bắt đầu ngã giá, anh Giang không chen vào được, sốt ruột đến mức hai tay cứ xoa xoa vào nhau. Sau đó, hai người họ chốt giá bán xá lợi là một nghìn đồng Đại Dương. Khi người đàn ông mở túi ra thì bên trong chỉ có năm trăm đồng Đại Dương.
Anh Giang thấy có cơ hội, liền nói: “Tôi góp thêm năm trăm đồng nữa. Mỗi người một nửa”
Người đàn ông miễn cưỡng đồng ý. Anh Giang và ông ấy mỗi người lấy ra một tờ ngân phiếu đưa cho người đàn ông trung niên.  Người đàn ông trung niên cất xá lợi vào một hộp sắt có khắc hình tượng Phật. Có lẽ cái hộp này cũng là đồ của chùa.
Anh Giang và người đàn ông cùng giật lấy cái hộp sắt đựng xá lợi. Ai cũng muốn giữ nó, ai cũng sợ bên kia bỏ trốn cùng cái hộp sắt.
Sau đó, hai người thương lượng với nhau. Mỗi người sẽ giữ cái hộp một tiếng. Sau đó sẽ giao cho bên còn lại.
Chúng tôi cùng nhau trở về huyện thành.
Khi chúng tôi về đến huyện thành thì cũng xế chiều rồi.
Người đàn ông bắt chúng tôi đứng đợi ở cổng quán trọ cho thuê xe ngựa để chúng tôi không chạy xa được. Ông ấy phải vào trong tìm chỗ đi vệ sinh.
Ngay khi người đàn ông bước vào trong quán trọ, anh Giang liền kéo tôi chạy một mạch. Sau khi chạy qua hai con đường,  anh Giang nhét vào tay tôi mấy đồng Đại Dương và nói: “Em trốn ngay đi, anh phải về Tứ Xuyên suốt đêm nay”
Tôi cầm mấy đồng Đại Dương anh Giang đưa cho, đứng ngẩn ngơ trên con đường lát đá xanh. Tôi thấy anh Giang lao về phía cổng thành. Ngay trước khi cổng thành đóng lại, anh Giang kịp lách người vọt ra ngoài.
Cửa thành đóng một tiếng cạch, nhốt tôi và người đàn ông ở lại trong thành. Đột nhiên, tôi cảm thấy vô cùng lo sợ. Nếu người đàn ông kia tìm thấy tôi, ông ấy chả đánh chết tôi hay sao? Nếu ông ấy đòi xá lợi, tôi biết đi đâu mà tìm?
Tôi không dám về cửa hàng thư họa. Tôi sợ ông ta sẽ tìm ra mình.
Tối hôm đó, tôi cứ đi lang thang trong bóng tối như một con chó hoang. Đến nửa đêm tôi tìm thấy một ngôi nhà tranh vô chủ. Tôi bước vào trong nhà và quyết định sau khi trời sáng sẽ trở lại cửa hàng tranh thư họa.
Đêm đó, tôi cứ trằn trọc với câu hỏi. Tại sao hai lần tôi dẫn Vạn Tự đến làng Hậu Lý đều gặp phải tình huống bất ngờ. Lần đầu dẫn anh Châu đi, tôi bị người bán tượng Bồ Tát cứu mạng cha phỗng mất tay trên. Lần thứ hai dẫn anh Giang đi cũng bị người bán xá lợi phỗng mất tay trên. Hơn nữa tôi vẫn còn lo người đàn ông đã góp tiền mua xá lợi sẽ tìm ra mình. Lẽ nào số tôi lại khổ như thế? Chỉ cần dẫn Vạn Tự ra ngoài huyện thành là sẽ gặp bất lợi? Rốt cuộc là vì sao chứ?
Tôi là người ngu ngốc, sao có thể nghĩ được vấn đề nằm ở đâu. Nếu có sư phụ và nhị sư thúc ở bên cạnh thì tốt quá. Họ là những người vô cùng thông minh. Bọn họ nhất định có thể lần ra manh mối.
Tôi không tài nào hiểu được huyền cơ bên trong. Thế là dứt khoát không nghĩ về vấn đề đó nữa. Tôi lại chuyển qua suy nghĩ nếu người đàn ông đó tìm thấy tôi và đòi xá lợi thì tôi phải làm gì? 
Đến rạng sáng, tôi cũng nghĩ ra một kế sách tuyệt diệu. Tôi sẽ nói với ông ấy là tôi chỉ mới quen anh Giang. Năm trăm đồng Đại Dương của anh ấy là tiền tôi trộm của người nhà. Anh ấy nói sẽ mua giúp tôi đồ cổ. Ai ngờ sau khi anh ấy lấy tiền của tôi mua xá lợi thì trốn đi luôn. Hai chúng ta phải liên thủ tìm bắt anh Giang.
Khi mặt trời mọc, cuối cùng tôi cũng có thể yên tâm đánh một giấc.

 

(Tổng: 2065 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận