Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2232 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 83
Lão ăn mày thần bí

Sau khi khám phá hết Vân Cương Thạch Quật, chúng tôi chia tay nhau. Yến Tử trở lại huyện thành, tôi và Băng Lưu Tử quay về tiểu viện.
Dọc đường đi, Băng Lưu Tử rất hưng phấn. Anh ấy bảo cứ theo đà này, chưa đầy một tháng nữa là có thể lên giường với Yến Tử. Chỉ cần làm cái bụng của cô ấy phưỡn ra. Đến lúc đó, Yến Tử sẽ bám chặt lấy Băng Lưu Tử không rời, cầu xin được gả cho anh ấy. 
Tôi nói: “Anh chỉ là kẻ lang bạt, Yến Tử nhà người ta gia sản vạn ức, sao mà gả cho anh được?”
Băng Lưu Tử nói: “Mày chưa ngủ với đàn bà bao giờ thì biết cái khỉ gì? Đàn bà chỉ cần có lần đầu tiên, họ sẽ mê mày ngay. Một khi họ mang giọt máu của mày, sẽ gào khóc đòi lấy mày cho kỳ được”
Tôi không cho là đúng, bèn nói: “Điều kiện nhà Yến Tử tốt như thế, bằng vào đâu mà gả cho anh”
Băng Lưu Tử nói: “Chỉ cần làm ả đê mê sung sướng, mày có là thằng cùng đinh, ả cũng chịu sống trong cái lều rách với mày”
Tôi không phục liền châm chọc : “Anh chỉ được cái nói khoác”
Băng Lưu Tử đắc ý nói: “Cứ chờ mà xem”
Tôi thực sự rất lo Yến Tử sẽ lên giường với anh ấy. Yến Tử xinh đẹp như thế, cao quý như thế, nếu ở cùng Băng Lưu Tử thì đúng là bông hoa nhài cắm bãi phân trâu. Trong lòng tôi tràn đầy ghen tị nhưng cũng đành bất lực. Để cạnh tranh với Băng Lưu Tử, tôi chẳng có bất kỳ ưu thế nào. 
Chúng tôi bước men theo những bậc thềm đá xanh hướng về phía tiểu viện, từ xa đã trông thấy mái ngói đen đỏ. Trên cao mây mù vần vũ, chim chóc bay dáo dác, có vẻ sắp mưa đến nơi, Chúng tôi vội rảo chân bước. Đột nhiên, tôi nhìn thấy bên trong một hốc cây ven đường có người đang cuộn mình lại như con tôm, tay xoa xoa bụng, miệng rên rỉ đau đớn.
Tôi hỏi: “Ông bị sao vậy?”
Ông ấy ngẩng đầu lên nhìn. Tôi thấy ông ấy râu ria xồm xoàm, quần áo rách nát, giống như một lão ăn mày.
Ông ấy nói: “Tôi bị lên cơn đau tim”
Tôi định đỡ ông ấy ngồi dậy, Băng Lưu Tử liền nói: “Đi thôi, đừng lo chuyện bao đồng”
Tôi không đi, tôi hỏi ông ấy: “Ông đứng lên nổi không?”
Ông ấy từ từ đứng dậy, nhìn tôi nói: “Có nước nóng không? Cho tôi uống một ngụm là khỏe ngay”
Tôi nói: “Nhà chúng tôi có nước nóng, ông về nhà tôi nhé”
Băng Lưu Tử lại thúc giục: “Người lão ta dơ dáy như thế, đưa về nhà làm gì. Mau đi thôi. Mưa đến nơi rồi”
Không trung nổi lên một tiếng sấm, những hạt mưa to bằng hạt đậu rơi xuống đập vào lưng. Tôi bất giác rùng mình mấy cái. Băng Lưu Tử thấy trời mưa liền chạy về nhà trước. Tôi dìu lão ăn mày lê từng bước về hướng tiểu viện.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, về sau thì như trút nước. Nước mưa chảy tràn từ trên núi xuống như con suối nhỏ. Tôi bị trượt chân, té lăn lông lốc trên mặt đất cùng với lão ăn mày. May mà có một cái rễ cây mọc trồi ra, đã cản chúng tôi lại.
Lão ăn mày nói: “Mưa to quá, cậu về nhà đi, không cần lo cho tôi”
Tôi nói: “Ông đừng ngại, sắp đến nơi rồi”
Lão ăn mày nói: “Bụng tôi đau lắm, không đi nổi nữa”
Tôi nói: “Nơi này trống trải không có chỗ trú mưa. Để tôi cõng ông nào”
Tôi cõng lão ăn mày trên lưng, bước từng bước một. May mà lão ăn mày khá nhẹ cân, tôi có thể xoay xở được. Khi tôi về đến tiểu viện thì người cũng mềm nhũn ra, suýt nữa ngã lăn xuống đất. Lúc này, Băng Lưu Tử đang ngồi trên ngạch cửa, thảnh thơi ngắm nhìn làn nước mưa như thác đổ bên dưới hiên nhà.
Chúng tôi trở về phòng, vắt cho khô nước mưa nơi vạt áo. Băng Lưu Tử nhìn tôi, cao giọng mỉa mai: “Thật nhìn không ra, chú em lại là đệ tử tốt của Khổng Phu Tử”
Tôi nói: “Mưa to như thế này. Ông ấy ở ngoài một mình biết phải làm sao, lại còn bệnh tật nữa”
Băng Lưu Tử không nói gì, bực bội quay lại phía ngạch cửa, tiếp tục ngắm mưa.
Tối hôm đó, trời vẫn mưa không dứt. Đất trời mù mịt, chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi lộp độp xuống mặt đất.
Lão ăn mày không thể đi ra ngoài, nên ngủ cùng giường và đắp chung một cái chăn với tôi. Lúc đó cũng sắp lập thu rồi. Vào mùa này, ban đêm ở Tấn Bắc, trời rất lạnh.
Chúng tôi ngủ ngược chiều nhau, người miền Bắc gọi tư thế này là đả cước đầu. Cái chăn bông này vốn là loại chăn đơn. Lão ăn mày quấn chặt quanh người rồi ngáy như kéo bễ, đánh một giấc ngon lành. Tôi cố kéo chăn ra nhưng không ăn thua, đành phải mặc thêm quần áo, chống đỡ cái giá lạnh ban đêm.
Nửa đêm, lão ăn mày tỉnh dậy, đòi uống nước. Tôi sắp lên máu đến nơi nhưng thấy lão ta già cả nên xuống bếp rót một bát nước trong ấm sành và mang đến cho ông ấy. Thời đó, người dân ở nhiều địa phương miền Bắc vẫn chưa dùng ấm điện. Người ta đổ nước sôi vào trong ấm sành, bên ngoài bọc một lớp vải bông để giữ nhiệt.
Lão ăn mày uống hết bát nước, lại nằm xuống ngáy o o. Tôi không ngủ được vì lạnh. Tôi dựa mình vào tường nghĩ ngợi. Không biết đã qua bao lâu, lão ăn mày lại kêu mắc tiểu, hỏi mượn tôi cái bồn tiểu.
Ở vùng thôn quê, nhà nào cũng có bồn tiểu, nhưng lứa tuổi chúng tôi không dùng đến bồn tiểu. Ban đêm thấy mắc tiểu sẽ ra ngoài giải quyết. Gió đêm hiu hiu, sao mọc đầy trời, trăng sáng vằng vặc, được tè một bãi trong khung cảnh như thế mới thật là sướng. Nghe lão ăn mày đòi bồn tiểu, tôi cáu tiết nói: “Ông ra ngoài mà tiểu một mình đi”
Lão ăn mày nói: “Tôi sợ lạnh lắm”
Tôi muốn nổi đóa nhưng cuối cùng kìm lại được. Thôi bỏ đi. Dù sao ông ấy cũng đã già, sức khỏe không tốt, cứ mang bồn tiểu đến cho ông ấy.
Tôi xuống giường xỏ giầy, nghe thấy tiếng Băng Lưu Tử trở mình ở giường bên kia. Anh ấy cũng đã tỉnh giấc, khó chịu làu bàu: “Thằng dở người”
Thôi bỏ đi, không nói gì thêm nữa. Giúp người phải giúp đến cùng, cho vẹn toàn trước sau. Tôi bước ra khỏi phòng, thấy bầu trời tối đen lác đác một vài ngôi sao. Mưa đã ngừng rơi.
Tôi nghĩ, trời quang lại rồi, nhất định lão ăn mày sẽ rời khỏi đây.
Thế nhưng tôi đã nhầm to. Sáng ra, khi mặt trời chiếu rọi khắp nơi, trên cao không một gợn mây, lão ăn mày vẫn ở lại tiểu viện, còn thích thú quan sát chúng tôi tập luyện. 
Hôm đó, chúng tôi luyện tập thế Diêu Tử Phiên Thân, bám vào phi diêm rồi nhảy lên nóc nhà. Băng Lưu Tử thân thủ mạnh mẽ, anh ấy bám vào phi diêm, cơ thể treo lơ lửng giữa không trung, chỉ uốn mình một cái đã leo lên nóc nhà và cưỡi trên phi diêm. Động tác nhẹ nhàng và thuần thục. Còn tôi chỉ mới cong người, móc đầu ngón chân lên mái hiên, thả tay ra thì đã rơi cái bịch xuống đất. 
* Phi diêm: Phần mái nhà cong ra phía ngoài.
Người ăn mày vỗ tay, nói: “Té đẹp lắm, té đẹp lắm”
Tôi trừng mắt với ông ấy, tiếp tục luyện thế Diêu Tử Phiên Thân. Lần này tôi không thả tay nhưng chân cũng không móc vào mái hiên, hai tay không đỡ được sức nặng cơ thể, lại rơi cái bịch xuống dưới đất.
Lần này lão ăn mày không vỗ tay nữa mà nói với giọng bất mãn: “Lần này té không kêu bằng lần trước”
Tôi hùng hổ bò dậy, xua đuổi lão ăn mày: “Đi, đi qua chỗ khác”
Lão ăn mày nói: “Cậu tập nhảy là việc của cậu, tôi xem là việc của tôi, đâu có cản trở gì”
Tôi nói: “Ông cứ ở bên cạnh gây ồn ào, ảnh hưởng đến việc luyện tập của tôi”
Lão ăn mày cười, nói: “Hì hì, không con đổ tại giường xập xệ”
Hôm đó, lão ăn mày ăn xong bữa trưa mới chịu rời đi. Ông ấy đi đâu, tôi cũng không biết nữa.
Tôi cũng không gặp lại ông ấy trong một thời gian dài.
Tôi cảm thấy lão ăn mày này rất thần bí cũng từng hỏi Yến Tử. Yến Tử cũng ù ù cạc cạc chẳng biết gì. Băng Lưu Tử nói, chỉ là một lão ăn mày ham ăn tục uống thôi mà. Loại người mặt dày, không biết xấu hổ này có đầy ra.
Nhưng tôi vẫn cảm thấy sự tình không đơn giản như thế.
Ngày nào tôi cũng khổ công rèn luyện, cảm thấy cơ thể mình dần trở nên nhẹ nhàng như chim én. Diêu Tử Phiên Thân sớm đã vững vàng. Tôi chỉ cần chạy vài bước lấy đà, bám tay vào kẽ gạch là có thể nhảy lên một bức tường cao cả trượng. Nếu tường cao hơn, tôi chỉ dùng một cây sào chống đất là có thể nhảy lên trên.
Mặc dù vậy thân thủ của tôi vẫn kém xa Băng Lưu Tử. Băng Lưu Tử đã có nền tảng từ nhỏ còn tôi chỉ là tay ngang giữa chừng. Tôi thấy mình có cố gắng thế nào đi nữa cũng không cách nào vượt qua anh ấy.
Tình cảm của Băng Lưu Tử và Yến Tử mỗi ngày một sâu đậm. Một bữa nọ, tôi bắt gặp họ đang ngồi nắm tay nhau, trong lòng liền tràn ngập niềm hâm mộ xen lẫn đố kỵ.
Tôi cảm thấy rất tự ti khi đứng trước mặt Băng Lưu Tử.
Mùa đông đã đến rồi, Tấn Bắc bắt đầu trở lạnh. Những cành cây trơ trụi lá, đẹp như gạc của loài hươu nai. Ánh nắng cũng dịu đi nhiều.
Một ngày nọ, Chung lão đầu nhờ tôi ra ngoài mua rau. Thực ra lúc này Tấn Bắc chẳng còn rau gì ngoài mấy loại rau có thể tích trữ trong mùa đông như củ cải và bắp cải.
Tôi xách giỏ đi xuống một cái chợ nằm dưới chân núi, cúi đầu  nhìn xuống đống rau cải. Khi ngẩng đầu lên, bất chợt trông thấy đằng xa có người đang cười với mình. Ông ấy mặc bộ đồ vải bông màu đen, râu ria xồm xoàm kín mặt.
Ông ấy chính là lão ăn mày.
Tôi bước lại gần hỏi ông ấy : “Sao ông ở đây thế?”
Lão ăn mày trả lời: “Sao tôi không thể ở đây?”
Tôi giải thích: “Không phải. Ý của tôi là, vì sao ông lại ở đây?”
Lão ăn mày cười, nói: “Tất nhiên là tôi ở đây rồi”
Tôi thực sự không thể mò ra lộ số của lão ăn mày này. Ông ấy cứ thoắt ẩn thoắt hiện, như con thần long thấy đầu không thấy đuôi, đầy vẻ bí hiểm. Cả mùa thu không thấy mặt mũi đâu nhưng vừa chớm đông đã đột ngột xuất hiện ở khu chợ đông đúc này.
Lão ăn mày hỏi: “Cậu luyện tập đến đâu rồi?”
Tôi nói: “Tốt lắm rồi”
Lão ăn mày lại hỏi: “So với gã kia thì thế nào?”
Tôi nói: “Cũng không kém là bao”
Lão ăn mày cười, nói: “Cậu định lòe đôi chiêu tử này à. Bất kể môn nào cậu cũng không bằng gã kia. Người ta đã có đối tượng rồi. Cậu ghen tị đến nước dãi chảy cả thước. Phải vậy không?”
Mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ. Ông ấy nói rất đúng. Tôi không thể sánh với Băng Lưu Tử ở bất kỳ mặt nào. Tôi thấy anh ấy có đối tượng thì vừa hâm mộ vừa ghen tức. Nhưng làm sao ông ấy biết mấy chuyện này? Ông ấy không gọi mắt là mắt mà gọi là chiêu tử. Chiêu tử là ám ngữ giang hồ. Ông ấy đã biết nói ám ngữ vậy cũng là người giang hồ rồi, song không biết thuộc môn phái nào đây?
Lão ăn mày hỏi: “Có muốn vượt qua hắn không?"
Tôi nói: “Muốn”
Lão ăn mày nói: “Muốn tôi chỉ cách cho không?”

 

(Tổng: 2232 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận