Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2014 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
BÍ TỊCH GIANG HỒ
Chương 32
Bồ Tát hiển linh
Những lời tôi và Tam Sư Thúc vừa nói đều là ám ngữ giang hồ. Lăng Quang Tổ đã nhiều lần chỉ cho tôi cách trả lời như thế nào khi đồng môn dò hỏi cũng như cách dùng từ ngữ để tìm kiếm đồng môn.
Môn phái của chúng tôi kiếm ăn nhờ vào nghề xem tướng và bói quẻ. Trong mắt người ngoài chúng tôi được gọi là thầy tướng số nhưng trong mắt người giang hồ chúng tôi là phái Giang Tướng. Những người kiếm ăn trong giang hồ cực kỳ đông đảo. Có người kiếm ăn bằng miệng lưỡi như biểu diễn tấu hài, có người cởi trần bán thuốc bổ, có người giỏi võ nghệ đi làm bảo tiêu cho người ta, có người cầm gậy đánh chó lê la khắp đường khắp chợ xin ăn…. Những kẻ này không cùng cấp bậc với chúng tôi. Những người xem tướng số như chúng tôi kiếm ăn dựa vào trí óc, còn bọn họ dựa vào cơ bắp. Chúng tôi là dân trí thức, còn bọn họ là đám lao động chân tay. Trong giang hồ chúng tôi đã nhận mình là thừa tướng thì còn ai dám nhận là thái tể nữa? Đây cũng chính là nguồn gốc tên gọi của phái Giang Tướng chúng tôi.
Chúng tôi là phái Giang Tướng. Những người trong giang hồ như chúng tôi đây đều gọi là tướng. Môn phái chúng tôi chia vai vế thành ba bậc: Đứng đầu là tiến sĩ, thứ hai là cử nhân, cuối cùng là tú tài. Đệ tử đã nhập môn như tôi đây được gọi là cử nhân còn chưa nhập môn thì gọi là tú tài.
Sư tổ có ba đồ đệ. Lăng Quang Tổ là đại đệ tử. Khi gặp đồng môn Lăng Quang Tổ sẽ xưng là trạng nguyên. Nay cái người vừa cao vừa gầy này xưng là thám hoa thì tự nhiên là đệ tử thứ ba của sư tổ.
Tam sư thúc vẫy tay về hàng cây phía sau. Một người khác bước ra, dáng người cũng cao gầy như ông ấy. Người này đi đến trước mặt tôi, nhìn tôi nói: “Khẩn đả mạn thiên, khinh xao hưởng mại. Còn trẻ thế mà đã làm thầy tướng số. Ta là bảng nhãn.
Tôi vừa nghe là biết mình lại gặp đồng môn. Không những thế đây chính là Nhị sư thúc.
Khẩn đả mạn thiên và khinh xao hưởng mại đều là khẩu quyết trong tướng thuật. Đây là những yếu lĩnh cơ bản nhất mà tất cả những thầy tướng số phải nắm vững.
Khẩn đả mạn thiên nghĩa là bất chợt đặt câu hỏi, làm đối phương không kịp phòng bị mà nói ra sự thật. Sau đó thông qua dọa dẫm để họ phải cầu xin bạn giúp đỡ, giải trừ tai họa.
Khinh xao hưởng mại nghĩa là nói xa xôi bóng gió, mập mà mập mờ để moi thông tin sau đó mới chỉ cho cách tránh tai ương. Hai câu này đều là yếu lĩnh nhập môn của những người xem tướng, không có gì là bí mật cả.
Nếu có thể nói ra hai câu này thì chắc chắn là người cùng môn phái rồi.
Câu nói vừa rồi của Nhị sư thúc là khen ngợi tôi. Ông ấy dùng ám ngữ giang hồ. Ý ông là tuy tôi còn là một đứa bé nhưng trình độ tướng thuật đã rất cao, biết dùng cách hù dọa và đóng giả quỷ thần chòng ghẹo bà mối.
Tôi hỏi: “Vì sao sư thúc đến đây?”
Nhị sư thúc nói: “Bọn ta đến tìm đại sư huynh”
Tôi lại hỏi: “Sao sư thúc biết sư phụ con đang ở đây?”
Tam sư thúc nói: “Tên tuổi của Lăng Quang Tổ trên giang hồ ai mà không biết ai mà không hay? Người trong giới tướng thuật đều biết anh ấy đang ẩn cư, trốn chiến tranh ở chùa Hương Dũng này.
Thì ra là thế. Cái người trốn trong miếu Thành Hoàng hù dọa tôi ấy, cái người vừa ra khỏi cửa là có trăm đồng bạc dắt lưng quần ấy chính là nhân vật danh tiếng lẫy lừng trong giới tướng thuật giang hồ. Thế mà trước kia tôi lại cười cợt sư phụ mình.
Vừa rồi Tam sư thúc giữ chặt tà áo tôi từ xa, lại một chưởng chặt đứt cái cây khiến cho tôi phải kinh sợ. Tôi hỏi: “Chuyện đó là thế nào?”
Tam sư thúc nói: “Cũng giống như con mặc váy đi cà kheo thôi”
Tam sư thúc bảo tôi sờ vạt áo của mình. Trên vạt áo còn có mấy cái gai táo mắc vào. Tam sư thúc nói: “Áo con vướng phải gai táo mới không chạy được chứ không phải là ta kéo con từ xa”
Tam sư thúc lại dẫn tôi đến bên cái cây đó. Vết cắt trên cây rất gọn, trên thân còn nối với một sợi dây thừng. Tam sư thúc nói: “Ta đứng phía sau làm bộ chặt cây, nhị sư thúc ẩn trong hàng cây kéo dây thì cây đổ theo. Bọn ta đã cưa cây này từ trước rồi, chỉ để lại một phần thôi.
Sau khi Nhị sư thúc và Tam sư thúc đến chùa Hương Dũng thì ngôi chùa này bỗng nhiên rộn ràng hẳn. Cả ngày ba anh em họ chỉ biết kể chuyện giang hồ. Tôi chẳng muốn nghe nên đi tìm Diệp Tử. Tôi thấy cô bé còn hấp dẫn hơn cả những truyền thuyết giang hồ này.
Sau khi gặp Diệp Tử, tôi hỏi: “Mấy ngày nay bà mối có đến tìm không?”
Diệp Tử nói: “Không thấy tới nữa. Thật là lạ đó”
Tôi cười nói: “Có muốn biết vì sao bà mối không đến không?”
Diệp Tử nói: “Muốn, muốn”
Tôi kể cho Diệp Tử nghe chuyện mình đã đóng giả ma quỷ để hù dọa bà mối, làm cho bà ta phải liên tục rập đầu xin tha. Diệp Tử nghe đến say sưa, mừng rỡ nhún nhảy.
Khi đó tôi mới ở tuổi chớm dậy thì. Mặc dù tôi coi Diệp Tử là vợ mình và tôi biết vợ là một cái gì đó hay ho nhưng vẫn chưa hiểu giá trị sử dụng quan trọng của vợ là gì.
Chúng tôi thường ở bên nhau, đôi khi vào ban ngày, đôi khi vào ban đêm. Chúng tôi ôm lấy nhau, cảm giác rất là tuyệt. Nhưng tiếp xúc thân mật cũng chỉ dừng ở đó.
Hai vị sư thúc đến chùa Hương Dũng chưa được bao lâu thì ngay năm đó đã có một chuyện làm chấn động cả dãy Đại Biệt Sơn. Câu chuyện này còn được lưu truyền đến ngày nay không những thế còn mang màu sắc rất thần kỳ.
Có thể không người nào biết ai là kẻ đã nghĩ ra câu chuyện này. Thực ra đó chính là bốn người ở chùa Hương Dũng.
Ngày mười chín tháng chín âm lịch là ngày vía thứ ba trong năm của Phật Bà Quan Âm. Theo truyền thuyết Phật giáo, đây chính là ngày Phật Bà Quan Âm tu thành bồ tát và ngồi trên đài sen.
Vào mùa hè và mùa thu năm nay, khắp nơi trên dãy núi Đại Biệt Sơn đều truyền tai nhau rằng ngày mười chín tháng chín âm lịch này Phật Bà Quan Âm sẽ hiển linh. Phật bà sẽ giáng hạ từ trên trời ghé thăm đền Hương Dũng.
Mỗi khi chợ họp đều thấy xuất hiện một số cáo thị không biết đến từ đâu. Cáo thị được viết trên giấy vàng, ghi nội dung như sau.
Tin Phật Bà Quan Âm sắp hiển linh ở chùa Hương Dũng giống như cơn gió đã thổi đến mọi ngóc ngách trong dãy Đại Biệt Sơn. Khắp nơi từ quán ăn, nhà trọ, trên đường đi, tại bàn ăn thậm chí ở hang ổ bọn thổ phỉ, hay chốn công môn đều nghe được tin này. Tin này giống như con ong mật, chỉ cần mọi người ra khỏi nhà là có thể nghe thấy.
Chùa Hương Dũng đã trở thành nơi được mọi người chú ý nhất. Người ta bất chấp gian khổ, đường sá mỏi mệt, trèo đèo lội suối đến chùa chỉ để tận mắt nhìn thấy nơi Phật Bà Quan Âm sắp hiển linh. Có nhiều người nhét cả nắm tiền vào hòm công đức để Phật Bà phù hộ cho toàn gia được bình an. Nhiều người còn dựng những cái nhà tạm trên mấy ngọn núi chung quanh chùa Hương Dũng. Mỗi ngày họ đều đến chùa dâng hương bái Phật chỉ để nghiệm chứng cái truyền thuyết mà họ cũng không biết nó từ đâu ra.
Mọi người chờ đợi với niềm khát khao, mong mỏi vô hạn. Rồi thì cái ngày mười chín tháng chín âm lịch, cái thời khắc kích động lòng người cũng đã đến.
Vào ngày này, ngay từ sáng sớm mọi người đã đến khu vực sát chùa Hương Dũng. Họ đứng dưới thung lũng gần chùa, đứng hai bên con đường dẫn đến chùa. Họ vác theo những túi lương khô, dắt theo con cái. Trong túi đựng những bắp ngô non và vắt cơm hấp chín. Họ mang theo nhưng cái thố bên trong đựng cháo loãng hoặc nước đun sôi. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống tôi thấy hai bên đường dẫn đến chùa ken đặc những người. Trông họ giống như một con trăn đang trườn về phía chùa Hương Dũng.
Đêm đó, ánh trăng sáng ngời.
Mọi người nhìn lên mặt trăng, đột nhiên thấy Phật Bà Quan Âm bước ra khỏi mặt trăng. Bà Quan Âm mặc áo dài váy dài. Tà áo và đai lụa của bà đang bay trong gió. Phật Bà Quan Âm từ từ bước xuống, tay vẩy vẩy như giống như đang vỗ cánh lại giống như đang phất cành liễu tưới nước cam lộ xuống nhân gian. Toàn thân bà tỏa sáng, trong như pha lê, đẹp tuyệt trần. Tất cả những người chứng kiến khoảnh khắc này đều quỳ trên mặt đất. Có người mở to đôi mắt ngây dại, có người mồm há hốc, miệng lẩm bẩm, có người rập đầu bái lạy không ngừng.
Phật Bà bước đi trên không, dáng người thanh thoát, nhẹ nhàng. Phật Bà bước tới một đỉnh núi rồi từ đỉnh đi xuống chân núi. Phật Bà dừng ở dưới chân núi một lát, sau đó đi đến bên một vách đá. Dưới ánh trăng sáng ngời có thể thấy vách đá này dựng thẳng đứng.
Tuy nhiên, Phật bà bước đi trên vách đá bằng cả hai chân, rất ung dung, thong thả. Vách đá này cao đến cả trăm trượng vậy mà Phật Bà có thể dễ dàng đi lại trên đó. Đứng trên vách đá cao, Phật Bà giống như một tác phẩm điêu khắc huy hoàng, lộng lẫy. Phật Bà nhẹ nhàng phất tay giống như đang múa lại giống như đang rải nước cam lộ xuống cho mọi người.
Sau đó, Phật Bà từ từ đi dọc theo sườn núi về phía chùa Hương Dũng. Giây phút này, mọi người đều quỳ rạp xuống, niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao đã đánh gục bọn họ. Có người khóc rống lên, có người chảy cả nước mắt, có người toàn thân run rẩy, có người cơ hồ sắp ngất lịm.
Khi Phật Bà đi ngang qua, mọi người nhìn thấy tay Phật Bà đang nâng một cái bình cổ cao, tay kia cầm cành liễu. Phật Bà nhúng cành liễu vào nước cam lộ ở trong bình rồi rắc lên đầu, thân, lưng, mông của những người đang quỳ hai bên đường. Những ai được rắc nước cam lộ lên người đều khóc mãi không ngừng.