Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2286 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 86
Yến Tử đến tiếp ứng

Chúng tôi quay trở lại quán trọ. Vương gia muốn bao hết quán trọ trong hai ngày để tôi giảng Phật pháp cho ông nghe.
Tôi hỏi vương gia: “Trong lòng thí chủ còn vướng mắc điều gì?”
Vương gia nói: “Năm xưa, khi ta còn làm quan ở tiền triều. Có một vị đồng liêu, lòng dạ vô cùng hẹp hòi, luôn tìm cách xúc xiểm ta. Hắn dùng những thủ đoạn ti tiện nhất như đơm đặt vu khống, ăn không nói có. Ta nói gì hắn cũng gièm pha, làm gì hắn cũng công kích, khiến ta hay bị quở trách, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi”
Tôi hỏi: “Người này hiện đang ở đâu?”
Vương gia nói: “Tiền triều đã không còn nữa, người này lưu lạc khắp nơi, không từ bất kì thủ đoạn thấp hèn nào để công kích ta trước mặt tất cả những người quen biết. Cả đời người này chỉ có mục đích duy nhất đó là bôi nhọ ta” 
Tôi nói với vương gia để tôi kể cho ông ấy nghe một câu chuyện Phật giáo.
Có một ngôi chùa nọ nổi tiếng nhờ thờ phụng một chuỗi Phật châu. Khách hành hương gần xa nườm nượp đổ về viếng chùa. Chuỗi Phật châu này là bảo vật của Phật tổ. Trong chùa có một trụ trì và bảy người đệ tử. Mỗi ngày đều ăn chay niệm Phật, mọi người cùng chung sống bình an vô sự.
Một ngày nọ, chuỗi Phật châu bỗng nhiên biến mất, khách hành hương cũng không đến viếng chùa nữa. Trụ trì nói với bảy người đệ tử: “Ai trong các con đã lấy Phật châu, đêm nay cứ để ngoài cửa, ta sẽ không truy cứu nữa”.
Thế nhưng bảy ngày đã trôi qua mà chuỗi Phật châu vẫn không thấy đâu.
Trụ trì lại nói: “Ai trong các con đã lấy Phật châu, đêm nay kín đáo để ngoài cửa, ta sẽ không truy cứu nữa”
Bảy người đệ tử nhìn nhau, cố đoán xem ai đã lấy trộm chuỗi Phật châu. Có người oán trách, có người chửi bới, có người tức giận, có người đau buồn, đủ mọi cảm xúc.
Lại qua bảy ngày nữa, trụ trì tiếp tục hỏi: “Ai đã lấy chuỗi Phật châu?”
Vị sư quét rác trong chùa liền đứng dậy.
Trụ trì hỏi sư quét rác: “Con là người trộm chuỗi Phật châu?”
Sư quét rác gật đầu.
Trụ trì nói với sáu người đệ tử còn lại: “Phật châu đã bị trộm mất, hương hỏa cũng đứt rồi. Các con hãy xuống núi, tìm đường khác mà sống”
Khi sáu người đệ tử đã rời đi, trụ trì hỏi sư quét rác: “Con trộm Phật châu thật sao?”
Sư quét rác đáp: “Con không trộm”
Trụ trì hỏi: “Con đã không trộm, cớ gì lại đứng ra nhận?”
Sư quét rác đáp: “Phật châu bị mất, mọi người đều lo lắng và nghi ngờ lẫn nhau. Nếu con nhận mình đã trộm, mọi nghi ngờ sẽ được hóa giải, cuộc sống sẽ trở lại yên bình”
Trụ trì nói: “Ta hiểu rồi”
Đoạn ông lấy chuỗi Phật châu từ trong người ra, đeo vào cổ sư quét rác và nói: “Ngày mai ta sẽ đi vân du, con hãy tiếp nhận chức trụ trì chùa này”
Nghe xong câu chuyện của tôi, dường như vương gia đã ngộ ra điều gì , ông nói: “Dám gánh vách trách nhiệm, sư quét rác là một người tốt”
Tôi nói: “Sư quét rác không có trách nhiệm mà chỉ không tranh không biện, không nghe không nhìn. Không tranh không biện là cao nhân, không nghe không nhìn là thánh nhân. Không tranh là từ bi, không biện là sáng suốt, không nghe là thanh tịnh, không nhìn là tự tại. Tha thứ chính là giải thoát, biết đủ chính là buông bỏ”
Vương gia trầm ngâm hồi lâu, mới vui vẻ nói: “Ta hiểu rồi. Đối với kẻ tìm mọi cách công kích mình, chúng ta cứ xem như không thấy, tha thứ cho cái vô tri của hắn, buông bỏ oán hận trong lòng, chú tâm vào việc của mình”
Tôi nói: “Đúng vậy”
Vương gia lại hỏi: “Khi ta đàm đạo Phật pháp với người khác, hễ nói đến thiên đường và địa ngục thì không người nào tin. Ngài là cao tăng đắc đạo, ngài có tin vào thiên đường và địa ngục không?”
Tôi nói: “Có chứ”
Vương gia hỏi: “Thiên đường và địa ngục ở đâu? Đã ai thấy chưa?”
Tôi nói: "Thiên đường và địa ngục ở khắp mọi nơi, ai cũng đều thấy cả"
Vương gia hỏi: “Lời này nghĩa là sao?”
Tôi kể cho ông ấy nghe một câu chuyện khác.
Có một võ sĩ đến bái kiến thiền sư Bạch Ẩn và hỏi thiên đường và địa ngục khác nhau ở đâu. Thiền Sư Bạch Ẩn hỏi: “Anh làm nghề gì?”
Võ sĩ nói: “Tôi luyện võ và hành tẩu giang hồ”
Thiền sư Bạch Ẩn nói: “Loại người thô thiển như anh, sao có thể hỏi ta về Phật pháp”
Võ sĩ bị sỉ nhục, nổi giận đùng đùng, rút trường đao ra toan chém thiền sư Bạch Ẩn.
Thiền sư nói: “Địa ngục là đây”
Võ sĩ giật mình, vội thu đao lại, nhét vào bao đựng.
Thiền sư nói: “Thiên đường là đây”
Võ sĩ đột nhiên tỉnh ngộ, quỳ xuống nói: “Đa tạ sư phụ. Tôi hiểu ý nghĩa của thiên đường và địa ngục rồi”.
Vương gia trầm tư hồi lâu rồi nói: “Ta cũng hiểu rồi”
Kỳ thực, những chuyện này đều là tôi nghe anh mập ở chùa Hương Dũng kể lại, anh mập lại nghe từ phương trượng ngôi chùa anh ấy ở trước đó. Anh mập rất thích kể chuyện. Tuy nói năng dài dòng lê thê nhưng vẫn có thể kể rất rõ ràng. Tôi khoái nghe kể chuyện. Mặc dù lúc mới nghe thì như rơi vào màn sương mù nhưng lâu dần vẫn có thể hiểu rõ hàm ý bên trong. 
Vương gia nghe tôi kể hai câu chuyện Phật giáo thì càng thêm khâm phục. Ông nói: “Nếu pháp sư không ghét bỏ, tôi xin được ăn ngủ cùng pháp sư, để được nghe pháp sư giảng Phật pháp ngày đêm”
Tôi mừng húm trong lòng. Thế này thì còn gì bằng.
Chúng tôi nán lại hai ngày ở thành Đại Đồng. Trong hai ngày này, hôm nào tôi cũng kể chuyện và giảng giải kinh Phật cho vương gia. Thực ra một số chuyện là do tôi bịa ra nhưng nhân vật chính phải là nhân vật nào đó trong kinh Phật. Dù sao thì kinh Phật mênh mông như biển khói, thư tịch bao la, lại thâm ảo vô cùng. Ông ấy là vương gia Mông Cổ, làm sao có thể hiểu được.
Về sau tôi cũng hết chuyện để kể nên tôi kể chuyện của mình cho ông ấy nghe, chỉ thay tôi thành một tiểu tì khưu. Trong quá trình kể chuyện, tôi tặng ông ấy mấy câu kệ kiểu như:
“Đông phương chư Phật quốc. Kỳ số như Hằng sa. Bỉ độ Bồ tát chúng. Vãng cận Vô Lượng Giác”
Hay như câu:
“Nhược tại ách nạn, đương nguyện chúng sinh, tùy ý tự tại, sở hành vô ngại”
Đây đều là những câu kệ thường dùng trong kinh thư nhưng người bình thường làm sao biết những câu này.
Vương gia từng làm quan trong triều, quyền uy một thời, ai cũng kính sợ. Khi triều đình bị lật đổ, ông trở lại thảo nguyên nhưng vẫn là một phú gia. Nhưng dù là quan lớn hay là phú gia cũng không tránh khỏi cảnh cao xứ bất thắng hàn, không mấy người có thể trò chuyện thân tình với ông. Nay đến thành Đại Đồng bỗng nhiên gặp được người như tôi, liền xem tôi là bạn tri kỷ suốt đời.
*Cao xứ bất thắng hàn: Ở vị trí cao không tránh khỏi phong hàn lạnh lẽo. Ý nói càng tài giỏi, địa vị càng cao thì càng cô đơn, ít bạn tâm giao.
Sáng sớm ngày thứ ba, một cỗ xe ngựa mới cáu đã được làm xong. Vương gia chuẩn bị ngồi xe về lại thảo nguyên phương Bắc. Ông mời tôi tiếp tục giảng giải “kinh Phật” trên xe.
Xế chiều hôm đó, đoàn xe chúng tôi đến một nơi gọi là Dương Cao. Đây là huyện thành cuối cùng của Tấn Bắc dẫn đến thảo nguyên Tái Bắc. Huyện thành chỉ có một quán trọ, phòng ốc thiếu thốn. Vương gia cũng bao toàn bộ quán trọ này.
Đêm đó, tôi cũng ngủ chung phòng với vương gia. Tôi giảng giải kinh văn đến tận nửa đêm vương gia mới thiếp đi giữa tiếng ngáy như sấm sét. Cổ vương gia đeo một cái vòng vàng lấp lánh, trên đó hình như có khắc chữ.
Sáng ngày thứ tư, sau khi tắm rửa xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Càng đi về phía Bắc, càng thấy cảnh vật khác lạ. Trời cao đất rộng, cây cối thưa thớt, hoa cỏ khô héo, tiếng chim nhạn lạc bầy gọi gió tây, khiến lòng người cảm thấy thê lương.
Nhìn từ xa, Vạn Lý Trường Thành cổ kính như một lằn ranh mỏng ngăn cách trời và đất, thảo nguyên và nội địa. Bên ngoài thảo nguyên là một thế giới khác.
Đêm hôm ấy, chúng tôi nghỉ trọ ở một nơi tên là La Văn Tạo. La Văn Tạo là một ngôi làng cổ kính, có khoảng ngàn dân. Phong cách kiến trúc tương tự Trung Nguyên với kết cấu gạch đá, mái ngói xếp vẩy cá. Nhưng nếu vượt qua Vạn Lý Trường Thành sẽ là kiến trúc khác, chính là kiểu lều tròn Mông Cổ.
Phía đông La Văn Tạo đều là những nhà đại hộ, nhà cửa cao lớn kề sát nhau thành một dãy ngay ngắn, còn phía tây toàn là nhà mấy hộ nghèo khó, nhà cửa lô nhô cao thấp không đều, cỏ tranh trên mái nhà cứ run rẩy trong gió, khiến lòng người nảy sinh cảm giác lạnh lẽo.
Chúng tôi tá túc trong một nhà đại hộ phía đông. Từ Tái Bắc đến Tấn Bắc chỉ có mỗi con đường này và cũng phải đi qua La Văn Tạo. Gia đình này đã biến nhà ở thành quán trọ. Lúc vắng khách thì ở, lúc có khách thì cho thuê trọ.
Sau khi thu xếp xong chỗ nghỉ ngơi, tôi đi ra ngoài, định đêm nay sẽ động thủ, trộm vòng vàng trên cổ vương gia.
Tôi bước ra khỏi nhà này thì thấy trên bức tường ở cổng vào có khắc hình một con chim én. Tôi biết đây là ký hiệu của Yến Tử. Cô ấy vẫn bám theo đoàn xe vương gia, chờ cơ hội trợ giúp tôi.
Vương gia thấy tôi đứng ở cổng đại viện thì hỏi tôi định đi đâu. Tôi nói: “Bần tăng muốn đi dạo một mình”
Vương gia nói: “Đừng đi quá xa, nơi này gần Tái Ngoại, thỉnh thoảng có sói xuất hiện, sẽ gặp nguy hiểm”
Tôi cảm ơn ông ấy và bước ra ngoài làng La Văn Tạo.
Bên ngoài làng La Văn Tạo là vùng đất kiềm, những viên đá lớn nhỏ nằm lăn lóc khắp nơi, trải dài đến chân tường thành. Ánh sao ảm đạm, gió đêm lạnh thấu xương, phía xa quả thật có tiếng sói tru.
Tôi đang lên kế hoạch cho hành động tối nay, muốn tìm người trợ giúp, nhưng Yến Tử đâu rồi? Ấn ký cô ấy để lại trên cánh cổng đại viện cho thấy cô ấy đang ở La Văn Tạo nhưng cô ấy có biết lúc này tôi đã ở ngoài làng đợi cô ấy không?
Tôi đã đợi nửa tiếng, vừa định rời đi thì Yến Tử xuất hiện. Cô ấy mặc bộ đồ đen bó sát người, dưới ánh sao thân hình càng thêm thon thả. Đột nhiên trông thấy Yến Tử, tôi có cảm giác vô cùng thân thiết, không cầm lòng được mới nắm tay cô ấy. Cô ấy cũng nắm tay tôi. Yến Tử nói: “Tùy tùng của vương gia canh phòng rất chặt, đã phong tỏa mọi ngả đường. Trong lúc gấp gáp em không thể ra khỏi làng”
Tôi nói: “Canh ba đêm nay, em lên nóc nhà cậy ngói, cố ý gây ra tiếng động. Anh và vương gia đều ở chung một phòng. Khi thấy có người chạy ra khỏi nhà, em phải rời đi ngay. Anh sẽ đuổi theo sau”
Yến Tử nói: “Anh cẩn thận nha”
Hơi thở của Yến Tử phả vào mặt tôi, một mùi hương thoang thoảng như là hoa lan. Tôi lấy hết can đảm dang tay ôm chặt Yến Tử vào lòng, Yến Tử cũng không từ chối.
Không biết tôi đã ôm cô ấy được bao lâu nữa. Tâm hồn bay bổng như đang thả hồn vào cõi thần tiên. Yến Tử vỗ nhè nhẹ lên vai tôi, nói: “Em đi đây, anh phải hết sức bảo trọng đấy. Khi nào nắm chắc hãy xuất thủ, đừng có khinh suất” 
Tôi nói: “Anh sẽ cẩn thận”
Bóng dáng khỏe khoắn mà mảnh mai của Yến Tử dần khuất trong màn đêm, trên ngực tôi vẫn còn lưu lại hai cục u mềm mại.

 

(Tổng: 2286 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận