Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2654 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 61
Đêm trăng kể cổ kinh
Ông già mập cầm hai trăm đồng Đại Dương hăm hở tìm đến nhà ông già râu dê ở Chu Gia Khẩu để mua bức tranh thị nữ của Đường Bá Hổ. Cùng ngày hôm đó, bọn họ ngồi xe ngựa rời khỏi huyện thành. Xe ngựa và người đánh xe của quán trọ cuối cùng cũng được đám bia đỡ đạn đó thả về rồi.
Tôi thấy hai ông già đã ra khỏi huyện thành thì hỏi Thuận Oa: “Bức tranh thị nữ của Đường Bá Hổ đó là thật à?”
Thuận Oa cười nói: “Làm gì có hàng thật? Bây giờ tìm đâu ra bản gốc? Đều là người thời nay vẽ thôi”
Tôi hỏi: “Ai vẽ mà đẹp thế, cứ như người thật ấy”
Thuận Oa nói: “Mày từng gặp rồi đó, chính là cái ông già gầy đét ở cửa hàng thư họa”
Tôi sững cả người.
Nghề giả cổ quá là xấu xa. Giả vờ ăn trộm được bảo vật từ nhà chủ nhân, giả vờ đào được bảo vật từ mộ cổ, giả vờ gia cảnh sa sút phải bán đi bảo vật của nhà. Những người đi mua đồ cổ chỉ hơi bất cẩn là sẽ trúng chiêu ngay.
Những trò lừa đảo được thiết kế tinh vi này khiến mọi người phải vỗ tay tán thưởng nhưng so với trò lừa đảo tôi sẽ kể sau đây thì chưa là gì cả.
Trong mấy năm tôi làm thầy tướng, sư phụ Lăng Quang Tổ đã nói với tôi nhiều lần, phái Giang Tướng trong thiên hạ là một nhà. Tôi và nhị sư thúc ra ngoài gặp khó khăn gì, chỉ cần nói mình là thầy tướng sẽ được người trong giang hồ giúp đỡ, thậm chí ngay đến nhân vật nặng ký như Tổng đà chủ cũng mời ra được. Thế nhưng, nghề giả cổ không phải người một nhà mà giống như là kẻ thù. Dù có ở chung một thành cũng sẽ tìm cách triệt hạ nhau. Tất cả những chiêu trò bẩn thỉu nhất, hắc ám nhất đều sẽ được dùng tới.
Làm sao nghề giả cổ lại xấu xa như vậy? So với phái Giang Tướng thì khác xa một trời một vực. Gánh xiếc sống nhờ vào trộm cắp, phái Giang Tướng sống nhờ vào mưu trí còn nghề giả cổ sống nhờ vào thâm hiểm. Ai càng xảo trá, quỷ quyệt thì càng phát tài.
Những kẻ làm hàng giả trên đời này đều là những kẻ thất đức nhất, bẩn thỉu nhất. Melamin, dầu thải, thịt heo chết giả thịt bò tươi….Những kẻ làm đồ giả cổ chỉ lừa tiền bạc còn những thực phẩm độc hại này thì giết người. Một dân tộc có thể nhúng thuốc độc vào bình sữa của con cháu mình, dân tộc đó còn có thể cứu rỗi cho mình được không? Ai đã khiến một dân tộc với năm nghìn năm văn minh này trở nên đáng sợ và tàn nhẫn như vậy? Thiên tác nghiệt do khả thứ, tự tác nghiệt, bất khả hoạt (Trời gây tai vạ còn tránh được, tự mình gây tai vạ thì không sống được)
Có lần tôi hỏi Thuận Oa, chúng ta có mâu thuẫn gì với ông già mặc đồ vải thô không? Thuận Oa liền kể cho tôi nghe một câu chuyện xa xưa.
Vào những năm cuối đời Thanh, huyện Bảo Hưng có một tiệm bán quan tài. Do việc làm ăn không tốt nên ông chủ mới nghĩ cách khiến cho hai gia tộc lớn ở địa phương đánh lẫn nhau. Đến lúc đó sẽ có người chết và tiệm bán quan tài sẽ làm ăn phát đạt.
Hai gia tộc này, một gia tộc họ Trương, một gia tộc họ Vương.
Đứa con trai của gia tộc họ Trương và đứa con trai của gia tộc họ Vương là bạn học chung trường tư thục. Một ngày nọ, chủ tiệm quan tài sai người ăn cắp một cuốn sách của con trai nhà họ Vương, sau đó giả làm người nhà họ Vương, bắt cóc con trai nhà họ Trương. Bọn họ cố tình nói về chuyện nhà họ Vương trước mặt đứa con trai nhà họ Trương, còn để lại cuốn sách của đứa con trai nhà họ Vương ở hiện trường vụ bắt cóc.
Đứa trẻ nhà họ Trương bị đưa đến một cái hang. Sau khi trời tối, nhân lúc người canh giữ sơ hở, nó đã trốn được về nhà. Thực ra đây là do tiệm quan tài sắp xếp từ trước. Gia đình họ Trương đang cầm cuốn sách của đứa trẻ nhà họ Vương và bàn cách đối phó thì bỗng thấy con mình quay về. Họ còn nghe nó kể lại nội dung cuộc trò chuyện của bọn bắt cóc. Vì thế họ nhận định những kẻ bắt cóc tuyệt đối là người nhà họ Vương.
Nhà họ Trương cử người đến nhà họ Vương chất vấn vì sao lại bắt cóc con họ. Tất nhiên là người nhà họ Vương không nhận làm chuyện đó. Hai bên bắt đầu tranh cãi. Vấn đề không những không được giải quyết mà còn leo thang nghiêm trọng hơn.
Thế là hai gia tộc nổ ra trận đánh lớn, tổng cộng chết mất mấy chục người. Việc kinh doanh của tiệm quan tài bỗng chốc phất lên.
Tôi nghe chuyện này mà kinh hãi không thôi. Tiệm bán quan tài cũng giống như tiệm thuốc, là một ngành kinh doanh đặc thù. Để kiếm thêm tiền các thầy lang đã kê đơn lớn, sử dụng bừa bãi dược phẩm, cùng kiểu giết người kiếm tiền giống như tiệm quan tài. Trong một xã hội mà thầy thuốc đã đánh mất đạo đức nghề nghiệp, lấy việc kiếm tiền làm mục đích chính thì xã hội đó sẽ khủng hoảng trầm trọng. Thầy thuốc và giáo viên đều là những cây cột chỉ hướng gió của xã hội. Một người chữa lành thể xác và một người chữa lành tâm hồn.
Tôi hỏi: “Tiệm quan tài này có phải là tiệm quan tài ông già mặc đồ vải thô đang ở không?”
Thuận Oa nói: “Đúng thế”
Thuận Oa nói: “Kiếm tiền từ bán quan tài thôi chưa đủ, chủ tiệm quan tài còn muốn tham gia vào ngành giả cổ nữa. Hiện nay, ông chủ lớn nhất trong ngành giả cổ là một người họ Sở. Chủ tiệm quan tài đã kết thông gia với gia đình họ Sở này. Nhưng không ngờ sau khi đứa con gái nhà họ Sở kết hôn thường bị chồng đánh chửi. Người nhà họ Sở đã cho người đến tận nơi để nói chuyện nhưng bị họ đánh đuổi. Thế là nhà họ Sở đem con gái về nhà. Từ đó hai nhà kết thành oan gia, tìm cách phá hoại việc làm ăn của nhau”
Tôi hỏi: “Anh đang nói đến nhà Sở Nhuận Hiên phải không?”
Thuận Oa nói: “Đúng rồi”
Thì ra giữa hai nhà họ có một đoạn duyên nợ không thể cởi bỏ.
Tôi tưởng câu chuyện Thuận Oa kể này là bản chuẩn nhất rồi, không ngờ sau này tôi còn nghe được một bản khác nữa.
Xem ra mâu thuẫn giữa hai nhà này rối rắm phức tạp, không dễ gì gỡ ra được.
Sau khi hai ông già mập ốm rời đi, tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ Thuận Oa giao phó, quay trở lại sạp khắc ấn và cửa hàng thư họa.
Khi tôi trở lại cửa hàng thư họa thì trời đã tối. Cửa hàng đang để cửa hé. Băng Lưu Tử và ba thiếu niên đang ngồi tán dóc dưới chân tường thành đối diện cửa hàng. Tôi đã từng gặp ba thiếu niên này. Chúng nó sống ở quanh đây. Một đứa gọi là mắt trố, một đứa gọi là mắt hí, một đứa gọi là mắt lé. Ở lứa tuổi này, chúng tôi không thích gọi người khác bằng tên mà thích gọi bằng biệt danh. Nào là hổ yếu đuối, nào là quỷ lôi thôi. Hổ yếu đuối làm gì cũng chậm hơn nửa nhịp so với người khác. Chúng tôi không thích chơi với nó. Quỷ lôi thôi luôn có một lớp cáu bẩn ở ống tay áo. Đó là do nhiều tầng nước mũi khô lại tạo nên. Mỗi khi nước mũi chảy xuống là nó lấy ống tay áo quẹt một cái, lâu ngày mới thành ra vậy.
Chúng nó không thấy tôi đến vì đang mải nghe Băng Lưu Tử kể cổ kinh. Người chỗ chúng tôi gọi kể chuyện là kể cổ kinh.
Băng Lưu Tử nói: “Người lớn thường nói động vật rất ngu ngốc nhưng thực ra có lúc chúng nó còn thông minh hơn con người.
Hàng xóm gần nhà tao có nuôi một con chó vàng. Con chó này rất dữ, không hề sợ lang trùng hổ báo, lại rất nghe lời, người lạ không ai dám bước chân vào nhà ông ta. Một đêm nọ, ông hàng xóm nghe tiếng chó nhà mình sủa thì bước khỏi phòng, nhìn ra bên ngoài qua lớp cửa rào. Dưới ánh trăng, ông ta thấy dưới đống củi trước cổng nhà có một cành cây đang động đậy. Ông ta cảm thấy rất lạ, nghĩ đó là thằng ăn trộm nên thả chó ra. Sau khi con chó lao đến đống củi thì bỗng kêu thảm một tiếng rồi im bặt. Tiếp đó ông ta thấy một con báo gấm ngoạm chặt cổ con chó, lôi nó ra ngoài đống củi. Ông ta giật mình kinh hãi, hét toáng lên rồi chạy vào trong phòng, đóng chặt cửa lại. Chúng mày biết con báo gấm đã lừa con chó thế nào không?”
Mắt trố hỏi: “Lừa thế nào?”
Băng Lưu Tử nói: “Con báo gấm muốn ăn thịt con chó nhưng nó ở trong hàng rào, con báo không vào được. Hơn nữa con chó cũng rất lợi hại, không hề sợ con báo. Thế là con báo nấp sau đống củi, miệng nó ngậm một cành cây rồi đung đưa qua lại. Con chó không biết đó là gì nên lao tới cắn. Đợi khi con chó vừa vồ tới thì con báo nhảy vọt ra ngoạm vào cổ con chó.
Mắt hí nói: “Báo gấm tuy thông minh nhưng vẫn thua xa sói. Làng chúng tao có hộ nuôi một con heo rất bự. Ban đêm người ta lùa nó vào chuồng, dùng cối xay chặn cửa chuồng lại, còn lấy cây gậy chẹn cái cối xay. Như thế thì lang trùng hổ báo gì cũng không chui vào chuồng heo được bởi vì đã có cối xay và cái gậy chặn cửa chuồng.
Thế nhưng, có một đêm nọ, người chủ nhà đi thăm họ hàng không về nhà. Trong nhà chỉ còn lại bà mẹ và đứa con. Bọn họ nghe tiếng heo kêu trong chuồng nhưng không dám ra ngoài, chỉ đứng nhìn qua cửa sổ. Họ trông thấy ngoài sân có một con sói. Con sói muốn ăn thịt con heo nhưng không chui vào chuồng được, nó muốn trèo lên tường nhưng tường lại quá cao. Con sói cứ sục sạo trong sân và tìm thấy một cái ghế dài ở góc tường. Nó liền kéo cái ghế đến bên chuồng heo, nhảy lên trên ghế, sau đó nhảy lên tường rồi nhảy vào trong chuồng heo. Đúng ra, con sói đã nhảy vào chuồng heo thì không thể nhảy ra ngoài nhưng con sói lại biết kéo cây gậy ra, đẩy cái cối xay đi và đuổi con heo ra ngoài chuồng. Nó ngậm chặt cái tai dài của con heo và dùng đuôi quất vào mông con heo. Con sói đẩy về bên trái thì con heo đi về bên trái, đẩy về bên phải thì con heo đi về bên phải. Cứ thế hai con cùng chạy xa dần”
Mắt trố nói: “Sói đúng là rất là giảo hoạt. Sói già còn khôn hơn. Nó có thể học tiếng trẻ con khóc, học tiếng heo, cừu, bò để dụ người ta mắc bẫy. Khi mày đối đầu với nó, nó sẽ cào đất dưới chân, dọa nạt mày, lại còn áp chế âm thanh của mày, không để tiếng kêu cứu của mày truyền đi xa. Khi mày thấy nó bỏ chạy ngay trước mặt thì sẽ buông lỏng cảnh giác nhưng nó sẽ bất ngờ tấn công mày từ phía sau.
Làng chúng tao có một đám trẻ con đang chơi ở đầu làng. Con sói chạy tới vẫy vẫy đuôi. Bọn trẻ con cứ tưởng nó là chó nên chơi đùa với nó. Nó chạy đến trước một đứa trẻ, bất ngờ cắn vào cổ, vác lên trên lưng rồi bỏ chạy. Người ta đuổi theo nó nhưng không còn kịp nữa”
Băng Lưu Tử nói: “Dân làng chúng tao có một cách đối phó với sói. Con sói vốn tính đa nghi. Chúng tao rắc vôi bột quanh tường của chuồng heo, chuồng cừu. Con sói nhìn thấy vôi thì sẽ không vào ăn thịt heo, cừu nữa.
Làng tao có một người tên là Dương Đại Đảm. Mùa đông một năm nọ, anh ấy phải đi tìm thầy lang ngay trong đêm vì mẹ anh ấy bị ốm. Anh ấy bị sói chặn đường. Anh ấy huơ gậy dọa nó nhưng nó không bỏ đi. Phải làm sao đây? Anh ấy nghe người già nói sói vốn đa nghi nên mới mặc ngược cái áo khoác da cừu và bò chầm chậm đến gần con sói. Con sói nhìn thấy một con quái vật toàn thân lông trắng đang bò đến gần mình. Nó không biết đó là con gì. Nếu là cừu thì nó còn lớn hơn cừu, nếu là gấu thì còn nhỏ hơn gấu. Con sói lùi dần về sau rồi nhường đường. Thế là anh ấy mới đi qua được”
Mắt lé nói: “Nếu nói về trí thông minh thì không con vật nào qua được con chồn. Chỗ chúng tao gọi chồn là hoàng đại tiên. Nó có thể đoán được sinh tử, cát hung. Xương cốt của chồn rất mềm mại, nó có thể co rút cơ thể và chui qua khe hở nhỏ hẹp. Chồn muốn vào trong nhà ăn gà đều chui qua đường cống thoát nước. Có người làm bẫy để bắt chồn. Đóng một cái hộp gỗ thuôn dài, một đầu ngăn bằng lưới thép, bên trong hộp đặt mồi nhử là thức ăn mà chồn yêu thích. Trong hộp có sắp đặt cơ quan. Chỉ cần chồn ăn thức ăn thì cửa hộp sẽ sập xuống và nhốt nó ở bên trong. Cái hộp này thường được đặt dưới miệng cống nơi chồn phải chui qua. Thế nhưng cái bẫy này chưa bao giờ bắt được chồn. Có một ngày, người nhà này quên đóng cổng nhà. Đến nửa đêm bỗng nghe thấy tiếng gà trống kêu trong sân. Nhìn qua cửa sổ thì thấy con gà trống nhà mình đang chạy ra ngoài cổng. Một con chồn đang đứng trên lưng con gà trống, miệng nó ngậm chặt cái mào đầy đặn của con gà, lắc qua lắc lại, bắt con gà chạy về phía trước.
Tôi nghe chúng nó trò chuyện sôi nổi như thế thì cũng xán lại gần. Tôi nói: “Những con báo, sói, chồn chúng mày vừa kể đúng là rất thông minh nhưng so với đám ếch ở quê tao thì chưa tính là gì”
Chúng nó đều cười: “Ha ha. Ếch mà cũng thông minh. Mới nghe lần đầu đấy”