Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2344 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 121
Ngạch cát ngộ hại

Tôi không thấy đau đớn, chỉ thấy toàn thân nóng rát. Đầu óc vẫn còn rất tỉnh táo. Tôi nghe thấy tiếng chó sủa hỗn loạn bên ngoài dương xá, dường như không chỉ có một con.
Mấy tên ăn mày buông tha tôi, quay sang đánh nhau với mấy con chó. Yến Tử ôm tôi vào lòng, đầu tôi gối lên đùi cô ấy. Tôi nhìn thấy từng giọt nước mắt của Yến Tử rơi trên mặt mình. Cô ấy vừa khóc vừa nói: “Anh không được chết. Anh chết rồi, một mình em biết sống sao?”
Tôi cố nở một nụ cười với cô ấy.
Yến Tử nước mắt giàn giụa, nói: “Trước kia em đối xử với anh không tốt, lúc nào cũng xem thường anh. Tất cả đều là lỗi của em. Anh không thể chết được. Đến giờ em mới biết em không thể sống thiếu anh”
Hôm nay tôi mới nghe Yến Tử nói điều này. Hôm nay tôi mới biết vị trí của mình trong lòng cô ấy quan trọng đến nhường nào. Tôi thấy vô cùng mãn nguyện. Tôi nhìn những áng mây trên cao, cảm giác mình giống như một vầng mây đang nhẹ trôi bồng bềnh giữa bầu trời, phiêu lãng tự do, vô tư lự.
Khi tôi tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong lều Mông Cổ. Yến Tử đang ngồi một bên, mặt đầy ngấn lệ. Tôi muốn ngồi dậy nhưng Yến Tử đã ấn tôi xuống.
Yến Tử thấy tôi tỉnh lại, mặt lộ vẻ mừng rỡ. Cô ấy nói: “Anh tỉnh lại rồi. Cả ngày hôm nay, em giống như đi giữa địa ngục. Bây giờ không còn gì phải lo lắng nữa”
Tôi hỏi: “Đây là nơi nào thế?”
Yến Tử nói: “Đây là nhà của ngạch cát”
Chúng tôi đã sống ở thảo nguyên một thời gian, biết ngạch cát trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là mẹ. Tất cả những bà mẹ già được mọi người kính trọng đều gọi là ngạch cát.
Ngạch cát là một bà lão với mái đầu bạc trắng, làn da thô ráp, đỏ thẫm. Bà thấy tôi tỉnh dậy thì mỉm cười, để lộ cái miệng móm mém. Bà bưng đến một bát bơ, đưa cho tôi ăn. Tôi không hiểu bà nói gì nhưng tôi hiểu hành động của bà, cũng biết bơ là thứ quý giá nhất trên thảo nguyên.
Bơ là loại thực phẩm người thảo nguyên dùng để tiếp đãi những vị khách tôn quý. Sữa tươi vừa mới vắt được đổ vào thùng sữa, để lên men tự nhiên và trở thành sữa chua. Sau một thời gian sẽ hớt lớp váng dầu nổi trên cùng, cho vào nồi đun liu riu nhỏ lửa và khuấy liên tục. Cuối cùng nó sẽ biến thành hai lớp, lớp trên cùng có màu vàng, lớp dưới có màu trắng. Màu vàng là bơ, màu trắng là dầu chua. Nghe nói hai mươi lăm cân sữa chua còn chưa nấu được một cân bơ. Có thể nói bơ là thực phẩm vô cùng quý giá. Ngay đến bản thân người nấu cũng không nỡ ăn, chỉ dành để chiêu đãi khách quý.
Yến Tử cho biết, sáng hôm qua, ngay vào lúc mấy tên ăn mày chuẩn bị lao vào dương xá thì những người chăn cừu dẫn theo hai con chó Mông Cổ chạy đến. Hai con chó đã tấn công, cắn xé hai tên trong số đó, hai tên còn lại cưỡi ngựa bỏ chạy. Hai tên bỏ chạy là tên có giọng kim loại và tên có thân hình cao lớn.
Tôi và Yến Tử đã có một khoảng thời gian yên bình và vui vẻ ở nhà ngạch cát.
Ngạch cát là một bà lão vô cùng tốt bụng. Ngày nào cũng bận bịu không ngơi tay giống như một con quay cứ xoay tít mù. Nào là vắt sữa, nào là nấu cơm, rồi làm việc nhà, không một phút giây rảnh rỗi. Yến Tử muốn phụ bà một tay nhưng bà nói Yến Tử không quen việc, không giúp bà được, dặn Yến Tử phải chăm sóc tôi chu đáo. Bà nói: “Các con là khách do Trường Sinh Thiên gửi đến. Trường Sinh Thiên muốn bà chăm sóc các con thật tốt”
Tôi bò ở trên giường, nhìn cái áo dài màu xanh lam rộng thùng thình của ngạch cát bay phần phật trong gió mà cảm động vô cùng.
Vết đao chém trên lưng tôi cũng dần lành lại. Cách nhà ngạch cát mấy chục dặm có một ngạch mộc kỳ. Cứ cách vài ngày ngạch mộc kỳ lại cưỡi ngựa đến thăm tôi và mang theo điền thất, huyết kiệt và băng phiến. Ngạch cát bỏ số thảo dược này vào trong nồi, nhen lửa sắc thành một bát thuốc đặc quánh màu đen, rồi đưa tôi uống. Thật kỳ lạ, sau khi uống bát thuốc này, vết thương của tôi liền hồi phục nhanh chóng. Sau này tôi mới biết ba loại thảo mộc này là thần dược trị thương của dân gian. Trong tiếng Mông Cổ, ngạch mộc kỳ có nghĩa là bác sĩ.
Dần dà, tôi đã có thể xuống giường, nhúc nhắc đi lại được.
Ngạch cát dắt hai con ngựa đến. Một con màu trắng, một con màu đỏ. Con ngựa khịt mũi, giậm chân, thịt trên mông khẽ nảy lên trông thật là thích mắt. Ngạch cát nói: Đã là người thảo nguyên sao có thể không biết cưỡi ngựa chứ?”
Ngạch cát dạy chúng tôi cách cưỡi ngựa. Bà nói lúc lên ngựa, một chân giẫm lên bàn đạp, hai tay bám vào yên ngựa. Mượn sức đạp để leo lên lưng ngựa. Sau khi đã ở trên lưng ngựa, phải nắm chặt dây cương, vì chỉ có dây cương mới có thể điều khiển hướng đi của ngựa. Khi ngồi trên mình ngựa, cơ thể cũng phải theo nhịp nhấp nhô lên xuống của nó.
Chỉ mất vài ngày luyện tập, chúng tôi đã học được cách cưỡi ngựa.
Chúng tôi cho ngựa phi nước đại trên đồng cỏ, gió thổi làm xõa tung mái tóc của chúng tôi, những ngọn núi và cây cối phía xa dường như nằm ngoài tầm với nhưng chỉ thoáng chốc chúng tôi đã chạy đến nơi rồi. Bầu trời rất cao rất xanh, xanh như biển cả vô tận, một đàn nhạn xếp hàng bay ngang qua chân trời, tựa như một con thuyền buồm trước đầu sóng ngọn gió.
Chúng tôi chạy đến dưới chân núi, nằm dài trên mặt đất. Con ngựa lặng lẽ gặm cỏ bên cạnh, những bông hoa cũng lặng lẽ nở trên núi, thế giới này dường như đã ngủ yên, thời gian dường như đã ngừng trôi. Chúng tôi tránh xa khỏi chiến tranh, tránh xa khỏi khổ đau, tránh xa khỏi tranh đấu, tránh xa khỏi cô độc và buồn tủi. Thế giới này chỉ có chúng tôi và những ngọn gió lang thang vô định giữa bầu trời.
Yến Tử nói: “Cho em xin lỗi vì ban đầu em đã xem thường anh. Mặc dù chúng mình đã đính hôn nhưng em vẫn không thích anh. Sở dĩ em làm vậy là vì em không muốn bá bá buồn lòng. Bá bá là người đã nuôi em lớn khôn. Bá bá nói anh là người em có thể gửi gắm cuộc đời mình”
Tôi nói: “Anh biết em luôn xem thường anh. Anh trời sinh tính tình ngốc nghếch. Anh rất hâm mộ những người khéo léo, giỏi giang nhưng anh không làm được như họ. Anh vốn là kẻ ngu dốt”
Yến Tử nói: “Dù anh không được nhanh nhẹn, tướng mạo cũng không ưa nhìn nhưng đích thực là người tốt. Một người con gái cần gì trên đời này chứ? Chẳng phải là một người đàn ông tốt hay sao?”
Tôi thấy trong lòng mình ấm áp, cuối cùng cũng được Yến Tử khen ngợi rồi.
Yến Tử nói tiếp: “Hôm đó ở trong chuồng cừu, anh làm em rất xúc động. Anh thà bị thương, thà mất đi tính mạng, nhất quyết không để những kẻ đó xông vào làm hại em”
Trong lúc trò chuyện, giọng nói của Yến Tử bỗng trở nên nghẹn ngào, nước mắt ứa ra.
Tôi lau nước mắt cho cô ấy, nói: “Anh đã hứa với sư phụ, sẽ che chở, bảo vệ em bằng cả tính mạng. Anh không thể nuốt lời”
Yến Tử nói: “Nếu ngay từ đầu sư phụ không hỏi anh và anh không nhận lời, có phải anh sẽ không bảo vệ em, không còn thương em nữa”
Tôi nói: “Không đâu. Dù sư phụ có hỏi hay không, anh cũng sẽ bảo vệ em đến chết, sẽ mãi mãi yêu thương em”
Yến Tử không khóc nữa, cười khúc khích: “Anh đúng là đồ ngốc, chẳng biết cách nói chuyện”
Tôi nghĩ, giá cứ như thế này mãi thì tốt biết bao!
Trong mấy ngày đó, bầu trời rất quang đãng.
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại mang theo sữa ngựa và cưỡi ngựa đến những nơi đồng cỏ xa xôi, cởi yên ngựa ra làm gối đầu, để mặc cho con ngựa tự do đi lang thang. Trong số những loài động vật được con người thuần hóa, ngựa và chó là loài trung thành nhất. Chúng tôi nằm trên bãi cỏ, kể đủ thứ chuyện mình từng biết. Như là cuộc sống của những người dân quê thuở ấu thơ, những cô dâu cưỡi lừa về nhà chồng, những đoàn người khóc lóc lúc đưa tang, những lão nông gieo hạt lúa mì, những người ra sông gánh nước và kéo xe chở những bó lúa ra sân phơi thóc...Cuộc sống tươi đẹp ấy khiến chúng tôi vô cùng nhớ nhung, vô cùng luyến tiếc.
Tôi cũng kể về những gì mình đã trải qua trong mấy năm rồi, như là gánh xiếc, phái Giang Tướng và những chuyện ly kỳ, cổ quái đã gặp trong ngành làm đồ giả cổ.
Yến Tử cảm thán nói: “Sau này chúng mình sẽ mãi mãi ở bên nhau, vĩnh viễn không chia lìa. Em cũng không để anh phải chịu khổ nữa đâu”
Câu nói này của Yến Tử làm tôi bật khóc.
Những ngày đó thật là hạnh phúc. Tôi vẫn thường tự hỏi, nếu  những ngày tháng đó có thể kéo dài mãi, vậy thì hạnh phúc biết bao.
Thế nhưng cuộc đời con người vốn là buồn nhiều vui ít.
Có một ngày, trong lúc cưỡi ngựa trở về nhà, từ xa nhìn về phía lều của ngạch cát, chúng tôi thấy khói bốc lên cuồn cuộn. Chúng tôi quất roi thúc ngựa phi thật nhanh tới thì thấy lều của ngạch cát đang bốc cháy.
Chúng tôi nhảy xuống ngựa và hét lên: “Ngạch cát, ngạch cát”.
Trong lều không có tiếng người trả lời. Yến Tử định chui vào bên trong nhưng tôi đã giữ cô ấy lại. Ngọn lửa đang cháy dữ dội, không cách nào lại gần. Bên ngoài lều có một ang đựng sữa, ngạch cát dùng để lên men sữa chua. Ang cao hơn nửa thân người, chứa đầy sữa tươi màu trắng và được đậy bằng nắp bện từ cỏ. Tôi nhấc nắp, nhảy vào bên trong ang, toàn thân ướt sũng sữa tươi, sau đó chui vào trong lều.
Bên trong lều rất hỗn loạn, những gì có thể cháy đều cháy hết, lều trại, y phục, thảm lót, chăn bông… Tôi không thấy ngạch cát đâu, cả người tôi đã đau đớn vì lửa thiêu đốt, tóc và lông mày cũng bắt lửa. Tôi vội lấy tay dập lửa, chỉ thấy dính nhơm nhớp, sau đó tôi chui ra ngoài lều.
Ngọn lửa như hàm răng dã thú nhanh chóng gặm nhấm ngôi lều và biến thành một đống đổ nát, những cây cột gỗ đổ sụp, tro đen bay tứ tung khắp bầu trời như những đôi cánh của tử thần.
Ngôi lều đã không còn nữa, chúng tôi vội đi tìm ngạch cát. Chúng tôi cưỡi ngựa phi như bay trên thảo nguyên, dọc đường gọi tên của ngạch cát nhưng không có hồi âm. Ngạch cát đã đi đâu rồi? Bà có biết nhà mình đã bị cháy không?
Mặt trời sắp lặn xuống núi. Chúng tôi chán nản đi về hướng nhà ngạch cát. Yến Tử đi phía trước, tôi đi phía sau.
Đột nhiên, Yến Tử kêu lên một tiếng, sau đó cả người mềm nhũn ngã khụy xuống dưới đất. Tôi hoảng hốt chạy lại thì thấy một người đang nằm ở bãi cỏ trước mặt, cách cô ấy vài trượng. Cái áo xanh, mái tóc bạc, đó chính là ngạch cát.
Tôi chạy đến, đỡ ngạch cát ngồi dậy, thấy trên bụng của bà có mấy vết thương, máu nơi vết thương đã khô lại và chuyển thành màu đen. Cơ thể ngạch cát đã lạnh ngắt. Trước mặt bà một trượng có một cái vò đất. Cái vò đã vỡ nát, nước trong vò đã thấm hết xuống rễ cỏ dưới đất. Ngạch cát đã bị sát hại trên đường đi lấy nước.

Kẻ nào đã sát hại ngạch cát, sau đó châm lửa đốt lều? Bên cạnh ngạch cát có mấy hàng cỏ đổ rạp, hiển nhiên có người đã đi qua đây. Kẻ sát hại ngạch cát không chỉ có một tên mà phải vài tên nhưng tại sao bọn chúng lại xuống tay với bà lão già nua, tốt bụng này?
Tôi cẩn thận kiểm tra mấy hàng cỏ, cuối cùng tìm thấy một dấu chân ướt sượt bên cạnh những mảnh vỡ của vò đất. 
Kẻ nào đó đã giẫm chân lên phần đất bị thấm nước nên mới lưu lại dấu chân này.

(Tổng: 2344 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận