Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2418 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 72
Lại gặp sói
Băng Lưu Tử nói: “Bọn anh định trộm đồ nhà này vậy là cử anh đi làm nội ứng. Anh làm công nhật những việc như quét rác, cho ngựa ăn. Chủ nhà cứ tưởng anh chưa biết chuyện đó, còn để anh đi đổ bồn tiểu cho bà vợ bé mỗi sáng. Có những lúc anh đi đổ bồn tiểu, bà vợ bé vẫn chưa ngủ dậy, cặp giò lộ cả ra ngoài chăn. Cặp giò đó thật là trắng, còn trắng hơn ngó sen nữa. Có một lần, anh tưởng bà ta vẫn còn ngủ nên sờ trộm một cái. Dè đâu bà ta tỉnh dậy, còn cười với anh nữa. Anh nhào tới tính xơi tái bà ta. Bà ta bảo bây giờ không phải lúc, tối sẽ để cửa cho anh”
Tôi nuốt nước miếng, hỏi: “Tối đó anh có làm không?”
Băng Lưu Tử nói: “Sao lại không”
Tôi hỏi: “Mùi vị thế nào?”
Băng Lưu Tử nói: “Tuyệt lắm. Thiếu nữ còn lâu mới bằng thiếu phụ. Thiếu phụ là miếng thịt lớn, thiếu nữ là cái lá cải”
Tôi hỏi: “Anh không trộm nhà đó nữa à?”
Băng Lưu Tử nói: “Trộm chứ sao không? Sau khi anh làm bà ta sướng mê tơi rồi, hỏi gì bà ta cũng nói. Bà ta phun ra hết những nơi cất giấu tiền bạc. Đàn bà là thế đó. Chỉ cần làm họ thấy thoải mái thì bảo gì họ cũng làm”
Tôi hỏi: “Sau đó thế nào?”
Băng Lưu Tử nói: “Sau đó, anh đưa bà ta ra ngoài. Bọn anh cũng khoắng hết tiền trong nhà”
Tôi hỏi: “Vậy còn bà ta?”
Băng Lưu Tử nói: “Bán cho kỹ viện rồi”
Tôi kinh ngạc hỏi: “Chẳng phải anh rất thích bà ta hay sao? Thế nào lại bán vào kỹ viện?”
Băng Lưu Tử nói: “Anh thích rất nhiều phụ nữ, nhưng anh còn thích tiền hơn”
Tôi cảm thấy kinh sợ. Làm sao Băng Lưu Tử có thể làm những chuyện như vậy? Nhất là với người phụ nữ thích mình. Tôi cảm thấy anh ấy là người có lòng dạ thâm hiểm, không giống như người thường.
Băng Lưu Tử nói: “Anh kể xong chuyện mình rồi, giờ đến lượt mày kể”
Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Có một người Hà Nam đến một cửa hàng ở Thượng Hải. Người bán hàng là một cô gái. Cửa hàng bán trống da và rất nhiều đồ chơi trẻ em. Trống da chính là trống bỏi. Người Hà Nam cũng gọi trống bỏi là trống da. Anh ta trông thấy cái trống trên giá để hàng bèn bảo cô gái cho anh ta xem cái trống da. Nhưng cô gái Thượng Hải không hiểu, cứ tưởng người Hà Nam này muốn xem mông mình. Thế là giận dữ liếc xéo anh ta, rồi bỏ qua một bên không thèm tiếp anh ta nữa. Người Hà Nam thấy cô gái Thượng Hải phớt lờ mình thì cho là cái trống da của cô ta chắc chắn có vấn đề nên mới không cho mình xem. Anh ta bước tới tiếp tục hỏi cái trống da của cô có kêu không? Cô gái Thượng Hải lại liếc xéo người Hà Nam. Cô ta đã nghe thành cái mông của cô có thơm không, nên chửi người Hà Nam là lưu manh. Người Hà Nam không hiểu. Anh ta bảo dù có là năm hào, sáu hào, chỉ cần trống da kêu là trống tốt rồi. Cô gái Thượng Hải lại nghe nhầm, cứ tưởng người Hà Nam nói chỉ cần là mông thơm thì là mông tốt nên tiếp tục mắng chửi anh ta là đồ lưu manh già. Người Hà Nam lấy tiền trong người ra, làm gì có tiền sáu hào cũ, đều là tiền sáu hào mới cả. Khi đó, tiền giấy mới được phát hành, trước đó, sử dụng tiền đồng và tiền bạc. Tiền giấy có các mệnh giá là một hào, hai hào và năm hào. Lúc này những người chung quanh mới vỡ lẽ, đều bật cười ha hả.
*Chú thích: Trong tiếng Trung, kêu và thơm, trống da và mông đít, lưu manh và lục mao (sáu hào) đọc gần giống nhau. Lão lưu manh (lưu manh già) giống với lão lục mao (sáu hào cũ). Lão vừa có nghĩa là già, vừa có nghĩa là cũ.
Băng Lưu Tử nói: “Chuyện mày kể nhạt toẹt. Để anh kể cho nghe chuyện này”
Tôi bảo: “Anh kể nghe thử”
Băng Lưu Tử nói: “Quê anh có một tướng công oa, hơi ngốc. Tướng công oa chính là người đi theo thương nhân học nghề. Thương nhân nói với tướng công oa. Mày phải biết nhìn ngó quan sát. Khách hàng nào đến đây, thấy người ta làm gì thì làm giúp họ. Ngày hôm đó, có một ông khách to béo đến nhà. Ông ta mặc cái quần lụa, dẫn theo bà vợ. Vợ ông ta cũng là một người phốp pháp. Tướng công oa thấy quần của ông khách bị kẹp giữa khe mông liền bước tới kéo nó ra. Ông khách có vẻ ngượng, thương gia liền trừng mắt với tướng công oa. Tướng công oa biết mình đã làm sai, vội nhét cái quần trở lại khe mông của vị khách to béo. Sau khi đã yên vị, mọi người bắt đầu bàn chuyện kinh doanh. Tiết trời nóng nực làm mồ hôi bà vợ chảy từ cổ xuống ngực. Bà ta lấy khăn tay ra lau mồ hôi trên người. Tướng công oa thấy vậy, liền bước tới cởi áo của bà ta. Bộ ngực của bà ta liền xồ ra giống như hai con thỏ. Bà vợ hét ầm lên. Ông khách không nén được cơn giận mới hỏi tại sao hắn ta làm vậy. Tướng công oa trả lời tỉnh bơ. Sư phụ đã dặn rồi, khách làm gì thì mình giúp làm cái đó”
Tôi cười đến không thở nổi.
Tôi còn đang háo hức, bỗng có tiếng hú dưới gốc cây. Chúng tôi cúi đầu nhìn xuống, thấy dưới ánh trăng sáng, một con sói đang há to miệng về phía mặt trăng. Con sói này đến đây từ lúc nào, chúng tôi không hề hay biết. Nó hành động cực kì bí mật, mặc dù đang ở giữa một khu rừng đầy lá rụng, bước chân của nó cũng rất nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động nào.
Tôi biết con sói này đang gọi đàn tới. Chúng nó muốn biến chúng tôi thành bữa tối. May mà chúng tôi đã trèo lên trên cây. Quả nhiên, chỉ một loáng sau, mười mấy bóng đen chạy từ xa đến, thoáng chốc đã đến dưới gốc cây. Chúng tôi sợ đến im thin thít.
Bầy sói cứ lởn vởn bên dưới nhưng cũng chẳng làm gì được chúng tôi. Chúng nó không biết leo cây, chúng tôi không muốn xuống dưới. Mặc dù khoảng cách chỉ là vài mét ngắn ngủi nhưng mấy mét này đã đảm bảo an toàn cho chúng tôi.
Sau đó, bầy sói bỏ đi. Dưới ánh trăng, tôi thấy chúng nó chạy rất xa, rất xa; chỉ còn lại tiếng côn trùng nỉ non không dứt.
Băng Lưu Tử thấy bên dưới không có động tĩnh gì nữa, liền nói: “Đi thôi, chỗ này có sói, mau rời khỏi đây”
Tôi nói: “Đừng đi, ở đây là an toàn nhất. Chúng nó đang lừa mình đấy”
Đúng là bọn sói đang giở trò với chúng tôi. Dưới ánh trăng, tôi thấy trong lùm cỏ có một đôi mắt đang theo dõi mình. Một con sói đang nằm phục trong bóng tối. Trong tất cả động vật, sói là loài giảo hoạt nhất. Thân hình của nó không lớn, chạy cũng không nhanh, không cùng cấp bậc với hổ báo nhưng có thể sống từ thời viễn cổ đến nay mà không bị tuyệt diệt, đã vậy số lượng còn không ngừng gia tăng. Tất cả đều là nhờ vào tính gian xảo của nó.
Trong ngôi làng tôi sống hồi nhỏ, thỉnh thoảng cũng có sói xuất hiện. Người dân ở đó hiểu sói như hiểu chính gia súc của mình. Khi sói không làm gì được bạn, nó sẽ chủ động tỏ ra yếu đuối hoặc giả vờ bỏ chạy. Nếu tin nó thì bạn thảm rồi. Làng chúng tôi có người ban đêm đi đường bị sói chặn lại. Anh ấy cù cưa với nó rất lâu. Sau đó thì con sói bỏ đi. Anh ấy cho rằng không còn nguy hiểm gì nữa nên đi tiếp. Chẳng dè, con sói đã đi đường vòng tập kích từ phía sau, cắn bị thương anh ấy.
Hôm đó, chúng tôi thức trắng cả đêm. Sau khi trời sáng, chim chóc ríu rít hót ca, mặt trời chiếu sáng khắp nơi, con sói mai phục trong lùm cỏ mới miễn cưỡng bỏ đi. Tôi thấy nó chạy liêu xiêu, thậm chí còn nhìn thấy xương sườn trên cái bụng lép kẹp của nó.
Chó sói bình thường không chủ động tấn công con người, chỉ có sói đói mới làm điều đó. Khi bị động vật hung dữ tấn công, chạy trốn là lựa chọn tốt nhất. Có nhà văn người Nga tên là Tolstoy đã viết một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có hai người bạn gặp phải gấu trong thung lũng. Một người trèo lên cây, một người nằm xuống đất giả chết. Con gấu đến bên người giả chết kia, ngửi ngửi vào tai, sau đó bỏ đi. Người bạn trên cây tụt xuống dưới đất và hỏi: “Con gấu nói gì với bạn thế?”. Người bạn giả chết đáp: “Nó dặn tôi, không nên kết bạn với người nào khi gặp nguy hiểm chỉ biết bỏ chạy lấy thân”. Câu chuyện này đã truyền đi một thông điệp sai lầm. Đó là mãnh thú không ăn thịt người chết. Nếu ai đó giả vờ chết, mãnh thú chắc chắn sẽ xơi tái anh ta.
Sau khi con sói bỏ đi, chúng tôi xuống dưới đất, tiếp tục lên đường.
Đi được hai, ba dặm, trong lúc vô tình quay đầu lại, tôi chợt thấy trên ngọn đồi sau lưng, một đàn sói đang lao đến.
Tôi hét với Băng Lưu Tử: “Mau chạy đến chỗ cao”
Chúng tôi sải chân chạy sang ngọn núi đối diện. Tôi sinh ở nông thôn nên biết nếu gặp sói không được chạy xuống dốc mà phải chạy lên dốc. Con sói chạy trên mặt đất bằng phẳng, chỉ nhảy một cái đã tới cả mét nếu chạy xuống dốc thì có thể tới hơn ba mét. Nhưng chân sói ngắn, chạy lên dốc sẽ tốn sức hơn, xa nhất cũng chỉ một, hai thước (30, 60 phân). Nhưng chân người dài hơn chân sói nhiều, chạy trên đường dốc sẽ càng nhanh hơn.
Chúng tôi chạy đến lưng chừng núi, thấy có một cái hang liền chui ngay vào. Hang này hẹp, chỉ đủ cho một người qua. Chúng tôi vừa chạy vừa đẩy những tảng đá hai bên xuống cản đường bầy sói.
Hang này không sâu lắm, chỉ tầm mấy chục mét. Chúng tôi chạy ra đến bên ngoài, nghe tiếng sói hú truyền đến từ trong hang, âm thanh vang vọng mãi, vừa nặng nề vừa đáng sợ. Bên ngoài hang là một sườn dốc. Chúng tôi chạy men theo sườn dốc xuống bên dưới. Do bước chân quá gấp nên ngã lăn lông lốc xuống dưới thung lũng.
Chúng tôi bò dậy, thấy bầy sói đã ra khỏi hang rồi. Chúng nó xếp thành một hàng ngang trước cửa hang nhưng không đuổi theo. Chúng tôi vẫn còn kinh sợ, không hiểu vì sao lại như thế này. Ngẩng đầu nhìn lên, đột nhiên trông thấy một đám người đứng trên vách núi đối diện. Bọn họ giơ súng ngắm vào bầy sói.
Một tiếng súng chợt vang lên. Bầy sói ở cửa hang hoảng hốt tháo chạy.
Chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc.
Đám người ở sườn núi đối diện chính là các tiêu sư.
Thời Minh Thanh và Dân Quốc, Trung Quốc có hai tỉnh giàu có nhất, đó là tỉnh Sơn Tây và tỉnh An Huy. Các thương nhân Sơn Tây được gọi là Tấn thương còn thương nhân An Huy gọi là Huy thương, cả hai đều rất nổi tiếng trong lịch sử kinh doanh của Trung Quốc. Lúc đó, tỉnh Sơn Tây giàu có một phương. Các thương nhân Sơn Tây đến làm ăn ở Hồ Quảng cần có tiêu sư đi hộ tống. Hơn nữa vùng này vẫn đánh nhau liên miên, trộm cướp nhan nhản khắp nơi, vì vậy số người vận tiêu thông thường phải tới cả trăm người.
Chúng tôi theo chân các tiêu sư vượt sông Hoàng Hà vào đất Sơn Tây.
Tôi và Băng Lưu Tử từng có ý định đi vận tiêu cùng các tiêu sư. Nhìn họ múa đao múa kiếm, cảm thấy thật oai vệ. Nhưng họ nói chúng tôi đã qua tuổi học võ, gân cốt đã phát triển hoàn thiện, không lớn thêm được, không phù hợp để luyện tập võ nghệ.
Việc ăn ở của tiêu sư đều do ông chủ lo liệu. Ông chủ là một người trung niên gầy gò, làm nghề buôn bán vải vóc. Ông ta vận chuyển vải tây từ Hồ Quảng đến Sơn Tây tiêu thụ. Thời đó, hầu hết người dân miền Bắc đều mặc vải do chính gia đình mình dệt bằng tay. Loại vải này vừa dày vừa cứng. Chất lượng không tốt bằng vải tây. Vì thế vải tây bán rất chạy ở miền Bắc. Vải tây là loại vải được dệt bằng máy.
Ông chủ buôn bán lớn nhưng rất keo kiệt. Ông ấy rất khó chịu với chúng tôi vì chúng tôi chẳng giúp được gì lại còn ăn uống chung với các tiêu sư. Ông ấy thường mặt nặng mày nhẹ với chúng tôi, cứ như thể chúng tôi đã ngủ với vợ bé của ông ấy. Nói người Sơn Tây đều là loại chín xu đổi lấy một hào, quả là chẳng ngoa.
Chúng tôi quyết định rời đi.