Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 1323 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 70
Hành tung bại lộ
Băng Lưu Tử nói: “Là kẻ thù, hơn nữa còn là kẻ thù truyền kiếp. Thế nên sau khi anh lang thang từ Sơn Đông đến huyện Bảo Hưng rồi vào làm cho tiệm quan tài, bọn họ thấy anh ứng biến lanh lẹ nên đã cử anh đến cửa hàng tranh thư họa làm tay trong”
Thì ra là thế. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao mỗi lần tôi dẫn đường cho Vạn Tự đều gặp phải một đám người bán đồ cổ giả mạo. Hóa ra Băng Lưu Tử đã báo trước cho tiệm quan tài và họ đã cho người đợi sẵn dọc đường. Lần cuối cùng, Thuận Oa, tôi và Băng Lưu Tử dẫn Vạn Tự đến làng Hậu Lý không gặp ai bán đồ cổ đó là vì Băng Lưu Tử chưa kịp báo cho tiệm quan tài.
Nhưng vì sao Băng Lưu Tử lại muốn rời bỏ tiệm quan tài?
Băng Lưu Tử nói: “Những người ở tiệm quan tài lòng dạ độc ác, chuyện gì cũng dám làm. Sau khi lão già mặc vải thô thua lão già râu dê, tiệm quan tài đã đổ hết trách nhiệm lên đầu anh. Anh biết một khi bị nghi ngờ sẽ không có kết cục tốt đẹp nên đã nghĩ đến việc rời bỏ bọn họ”
Tôi hỏi: “Rốt cuộc tiệm bán quan và cửa hàng tranh thư họa có mâu thuẫn gì? Vì sao lại hận thù sâu nặng đến thế?”
Băng Lưu Tử nói: “Cả hai đều không phải thứ gì tốt đẹp. Thực ra những kẻ làm đồ giả cổ đều không phải là thứ tốt đẹp”
Ông già râu dê không xong rồi nên chúng tôi tìm người khác. Người thứ hai chúng tôi nghĩ tới là ông già thần bí. Ông ấy sống ở làng Hậu Lý trong khu vực núi non trùng điệp. Không ai có thể nghĩ là chúng tôi đang trốn ở cái nơi hẻo lánh, đường sá gập ghềnh khó đi này,
Chúng tôi đi men theo con đường mòn và những triền núi về phía làng Hậu Lý. Tôi không gặp ai dọc đường đi, chỉ thấy thỏ rừng và gà rừng, còn có châu chấu nhảy qua lại trong những bụi cỏ.
Người của huyện nha đã kiểm soát các con đường huyết mạch và kiểm tra tất cả người đi đường nhưng không ai có thể đoán được chúng tôi đang đi trên những ngọn núi hoang vắng, không một bóng người này.
Khi chúng tôi đến làng Hậu Lý thì đã xế trưa. Làng Hậu Lý ẩn mình trong khe núi, lẩn khuất trong những khu rừng rậm. Nếu không để ý thì dù có đi ngang qua cổng làng cũng không nhận ra.
Chúng tôi đi vòng quanh làng Hậu Lý và thấy tình hình lần này không giống lần trước. Lần trước chúng tôi đến đây tường nhà nào cũng dán tranh thư pháp cũ còn bây giờ không thấy đâu nữa, chỉ có một lớp bụi bám trên bức tường đầu hồi trơ trọi.
Chúng tôi đi đến nhà ông già thần bí. Ông ấy trông thấy chúng tôi thì rất ngạc nhiên. Chúng tôi lấy kim ấn trong người ra đưa cho ông ấy. Ông ấy ngắm nghía tới lui rồi lôi từ gầm giường ra một cái cân tiểu ly, một cái chậu sứ có khe hở, mấy cái chén sứ kích cỡ khác nhau, bên ngoài có đánh số phân biệt.
Ông già thần bí đổ đầy nước vào chậu, sau đó nhúng kim ấn vào trong chậu. Kim ấn ngập trong nước làm nước chảy tràn ra ngoài qua phần khe hở trong chậu sứ. Phần nước tràn ra ngoài này vừa vặn đầy cái chén sứ đánh số hai.
Sau đó, ông già thần bí để kim ấn vào một cái bát sứ, đặt lên một bên bàn cân rồi đặt một cái bát sứ khác có cùng kích cỡ vào bên còn lại. Cán cân liền nghiêng về bên có kim ấn. Sau đó, ông ấy cầm cái chén sứ đánh số hai, rót nước vào cái bát sứ không. Khi rót đến chén thứ mười thì cân mới thăng bằng.
Ông già thần bí nói: “Ấn này không phải làm bằng vàng mà làm bằng đồng”
Tôi và Băng Lưu Tử sửng sốt, sao ấn lại làm bằng đồng chứ? Kim ấn Hoàng thượng ban tặng thì chỉ có thể là kim ấn, làm sao lại là đồng ấn được?
Ông già thần bí nói: “Tám chén nước hai bên mới cân bằng, chứng minh là thiết ấn, mười chén nước mới cân bằng thì là đồng ấn, hai mươi chén nước mới cân bằng thì là kim ấn”
Tôi nói: “Kim ấn hoàng đế ban tặng, lẽ nào cũng là đồ giả?”
Ông già thần bí nói: “Kim ấn hoàng đế ban tặng không phải đồ giả nhưng không biết từ bao giờ kim ấn đã bị tráo thành đồng ấn”
Tôi kinh ngạc mãi không thôi, đường đường là huyện thành Bảo Hưng ngay cả kim ấn hoàng đế ban tặng cho huyện nha cũng là giả thì còn thứ gì không giả được? Ở cái huyện thành bẩn thỉu này, tình cảm vợ chồng, quan hệ làm ăn, bạn đồng môn, các bữa ăn linh đình trong quán ăn, bạn bè cùng ở trọ, chào hỏi xã giao ngoài đường… đều là giả dối. Một huyện thành được xây dựng từ những thứ giả dối.
Chúng tôi đã vất vả nhiều ngày, cuối cùng lại vớ phải hàng đểu.
Số tiền trộm được từ người đàn ông mặc âu phục ở quán trọ sắp cạn rồi. Chúng tôi cứ tưởng sau khi bán kim ấn, thu được món tiền lớn sẽ trốn đi thật xa, đến sống ở lưỡng hồ phương nam. Đây là vựa lương thực của Trung Quốc, đất đai giàu có, trù phú nhưng bây giờ kim ấn là hàng nhái, không đáng một xu. Túi chúng tôi đã rỗng tuếch, ngay tiền lộ phí cũng không có thì phải làm sao giờ?
Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại nhà ông già thần bí. Trong ấn tượng của chúng tôi, ông già ít nói này vừa khiêm nhường lại lịch thiệp, là một ông già nhà quê tốt bụng. Trong chuỗi thức ăn của nghề làm đổ giả cổ, ông ta cũng nằm ở sau cùng giống như chúng tôi.
Nửa đêm tôi thức dậy đi tiểu. Thấy gian phòng ông già thần bí vẫn để đèn sáng. Tôi tò mò lại gần xem ông ấy đang làm gì trong đó.
Tôi nhìn qua khe cửa thì thấy Thuận Oa đang ở trong phòng, còn có một lão già tôi không quen biết. Bọn họ đang bàn với nhau là sẽ giết chết chúng tôi rồi đào hố chôn để thần không biết quỷ không hay. Nếu chúng tôi mà bị quan phủ tóm được thì sẽ làm lộ mọi chuyện của bọn họ.
Thuận Oa và lão già tôi không quen biết kia đều gọi ông già thần bí là đương gia.
Thì ra ông già thần bí này không đóng vai trò cuối cùng trong chuỗi thức ăn mà chính là Lão Khương đứng đầu chuỗi thức ăn. Tôi và Băng Lưu Tử đều nhìn lầm người mất rồi.
Tôi không đi tiểu nữa, lặng lẽ trở lại phòng đánh thức Băng Lưu Tử, kể cho anh ấy nghe chân tướng.
Băng Lưu Tử nói: “Chúng mình mau trốn đi”
Chúng tôi đẩy cửa bước ra ngoài sân. Đột nhiên, cánh cửa phòng đối diện xịch mở, Thuận Oa và hai lão già kia bước ra, trên tay cầm dây thừng và dao.
Chúng tôi sợ rúm cả người lại.
(hết phần 1)