Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 1816 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 48
Chiến tranh nổ ra
Hôm đó trời đổ mưa phùn, đường sá lầy lội, thời tiết thế này chính là lúc nông dân nhàn nhã nhất. Đàn ông ngồi ở nhà trò chuyện, phụ nữ lo việc may vá, mọi thứ trông thật thanh bình, êm ả.
Ông cụ đi thăm họ hàng còn tôi nằm ngủ trên giường. Đột nhiên, một đội quân xuất hiện trước cổng làng. Đội quân này có ngựa, có súng, còn có những khẩu pháo với bánh xe còn cao hơn cả tôi.
Những người mặc quân phục lùa đàn ông ra khỏi nhà và tập hợp mọi người trước cổng làng. Đầu làng có một con dốc, bọn họ không kéo pháo lên được thế là bắt chúng tôi đẩy giúp.
Hai ba mươi người đàn ông tập trung trước cổng làng, cao thấp già trẻ gì cũng đều có hết. Tôi biết đàn ông trong làng còn đông hơn ở đây nhưng một số người khôn ngoan đã trốn đi rồi.
Tôi sờ tay vào khẩu pháo. Nó được đúc từ gang, cứng và lạnh như băng, nhìn rất nặng nề. Con ngựa kéo khẩu pháo đằng trước còn chúng tôi đẩy đàng sau. Khi chúng tôi đã đẩy được khẩu pháo lên trên con dốc, định trở về nhà thì mấy người mặc quân phục nói. Phía trước vẫn còn dốc, vẫn cần đến chúng tôi. Cứ thế chúng tôi đi được một đoạn là phải đẩy pháo một đoạn, cuối cùng bị giữ lại trong quân đội.
Ngày nào chúng tôi cũng phải đẩy pháo. Những người mặc quân phục nói phía trước đang đánh nhau, rất cần những khẩu pháo này. Có người bỏ trốn giữa đường liền bị họ bắn chết luôn.
Lúc đó tôi còn rất nhỏ, không biết chiến tranh kinh khủng thế nào. Tôi mơ ước được ra chiến trường rồi trở thành một vị tướng quân oai phong. Quân đội là cái lò tôi luyện của cách mạng mà.
Nhiều lần tôi ao ước có thể mặc một bộ quân phục phẳng phiu của tướng quân, hông đeo kiếm dài, cưỡi con ngựa thật cao với bộ lông đỏ sẫm, tiền hô hậu ủng đi tìm Diệp Tử. Tôi sẽ ôm Diệp Tử trên lưng ngựa, rồi quất mạnh roi vào người thằng chồng em bởi nó đã cho người đánh tôi. Mỗi nhát roi sẽ đi kèm tiếng quát lớn: “Mày cũng có ngày này à”
Thế nên, tôi rất cao hứng khi được tham gia quân đội. Tôi là kẻ vô gia cư, chẳng có gì trong tay, còn quân đội có thể cho tôi một ngôi nhà. Còn như họ là quân đội của ai, thuộc quân phiệt nào thì tôi chả quan tâm.
Đội quân này đi thẳng về hướng Bắc, càng đến gần chiến trường thì người bỏ trốn càng nhiều nhưng tôi tuyệt đối không làm vậy. Tôi chỉ mong đội quân này ngày một lớn mạnh, đến lúc đó tôi sẽ làm trung đội trưởng, đại đội trưởng. Hà hà, cuối cùng sẽ thăng đến chức tướng quân.
Nhưng tôi muốn trở thành một người lính thì họ chẳng cho tôi nổi một bộ quần áo. Thậm chí cũng chẳng thèm ngó ngàng hay nói lời nào với tôi, như thể trong mắt những người mặc quân phục này tôi không hề tồn tại.
Tôi khát khao được ra chiến trường, khát khao lập chiến công. Đến lúc đó họ sẽ phải nhìn tôi bằng con mắt khác.
Thế nhưng lần đầu tiên ra trận tôi đã sợ vãi ra quần.
Trận đánh diễn ra vào lúc chập choạng tối. Tôi không biết ai đánh với ai, vì sao họ lại đánh nhau chỉ thấy súng bắn qua lại, đạn pháo mang theo tiếng nổ còn lớn hơn nữa. Tiếng súng chiu chíu nghe như sợi dây sắt mỏng rung động, tiếng đạn pháo réo như đang khoan hầm, cuối cùng là một tiếng ầm. Lúc này tôi mới biết sợ, y như lúc bị con heo rừng nó đuổi. Tôi bò sát mặt đất, mông chổng lên trời, sau đó thì thấy buồn tiểu. Tôi định nói với người bên cạnh một tiếng là mình muốn ra ngoài tiểu. Nhìn trái nhìn phải, chung quanh chẳng còn một ai, bọn họ đều chạy cả rồi.
Chỉ còn lại mình tôi giữa chiến hào, tôi càng thêm sợ. Cảm giác như tất cả các loại súng pháo đều nhắm vào mình.
Tiếng súng đã ngưng, pháo cũng ngừng bắn. Tôi nghĩ bây giờ không sao nữa rồi. Vừa đứng dậy thì thấy vô số bóng đen lao tới. Một người mặc quân phục khác màu xách đại đao chém về phía tôi. Tôi sợ quá khóc oa oa, người kia liền thu đao, đá tôi một cái, nói: “Nhóc con đến đây làm gì, cút ngay”
Bốn bề toàn người là người, tôi không biết phải cút đi đâu nữa. Tôi sợ đụng phải ai đó, lại bị người ta chém cho một đao. Tôi vội ôm đầu nằm sát mặt đất.
Không biết thời gian đã qua bao lâu, bốn phía không còn tiếng chân chạy, cũng không còn tiếng người hò hét. Tôi đứng dậy, thấy vầng trăng sáng treo trên cao, soi rõ vô số xác chết.
Tôi vô cùng sợ hãi. Đúng ra một đệ tử phái Giang Tướng như tôi thì không được sợ xác chết nhưng hôm đó tôi hãi quá. Xác chết nằm la liệt khắp nơi khiến tôi tin vào ma quỷ. Tôi vội chạy khỏi nơi này.
Người chết nhiều quá không đếm nổi nữa. Ban ngày họ còn sống sờ sờ, ai cũng là thanh niên cường tráng vậy mà đêm về đã chết ở đây. Liệu cha mẹ họ có biết con mình đã nằm lại chốn này không?
Tôi đi giữa những xác chết ngổn ngang suốt cả đêm, cuối cùng cũng thoát khỏi chiến trường hoang vắng ấy và đi vào một con đường ruột dê.
Đứng trên con đường này tôi bỗng thấy hối hận vì đã không tìm lấy ít tiền ở các xác chết. Bây giờ mà quay lại thì tôi không đủ gan nữa.
Trên người không xu dính túi thì sống sao đây? Làm sao có cơm ăn? Tôi đắn đo suy tính, cuối cùng quyết định quay trở lại, chỉ cần kiếm đủ ba đồng bạc là lập tức đi ngay.
Tôi lục lọi trên người cái xác đầu tiên nhưng không thấy gì. Anh ấy cũng nghèo khổ như tôi. Tôi sải bước lên trước, định mò tìm ở cái xác thứ hai. Khuy áo người này cài rất chặt. Tôi mở cái khuy đầu tiên phía trên cổ áo. Ngay khi tôi mở cái khuy thứ hai thì phía sau có một cánh tay vươn ra chộp lấy người tôi.
Tôi hoảng sợ hét ầm lên nhưng cánh tay vẫn không buông tha. Tôi định bỏ chạy nhưng cánh tay vẫn túm chặt không cách nào thoát ra được.
Tim tôi đập thình thịch như muốn bay khỏi lồng ngực. Tôi nghe đằng sau có tiếng người nói: “Đỡ tôi dậy”
Tôi quay đầu lại nhìn thì thấy một khuôn mặt bê bết máu dưới ánh trăng. Tôi run rẩy hỏi: “Anh là ai?”
Anh ấy nói: “Đỡ tôi dậy”
Tôi run rẩy kéo anh ấy lên. Cơ thể anh ấy lạnh lẽo cứng ngắc. Tôi đỡ anh ấy ngồi dậy mà như đỡ một cái máy gieo hạt.
Tôi lại hỏi: “Anh là ai?”
Anh ấy nói: “Nhà tôi ở gần đây, hồi chiều bị bắt đi vận lương thì xảy ra đánh nhau”
Thì ra anh ấy cũng như tôi. Tôi lập tức có cảm giác đồng cảm vì cùng chung hoạn nạn, liền nói: “Để em đưa anh về nhà”
Tôi kéo anh ấy về phía con đường ruột dê nhưng cơ thể anh ấy rất nặng, còn nặng hơn cả bao lúa mì. Thân hình tôi ốm o thế này, sao kéo nổi bao lúa mì chứ. Tôi phải vận hết sức mới kéo được anh ấy ra đến con đường ruột dê. Đến đây thì tôi cũng mệt đừ người, ngồi bệt xuống đất thở hổn hển.
Tôi hỏi: “Anh bị thương chỗ nào?”
Anh nói: “Bị ở chân, không đứng được”
Tôi hỏi: “Còn chảy máu không?”
Anh nói: “Đến giờ còn chảy máu thì chết lâu rồi”
Tôi tìm một cành cây, bẻ nó thành cái nạng cho anh chống.
Tối hôm đó, tôi đỡ anh ấy đi về nhà. Khi nào thấy mệt thì dừng lại nghỉ ngơi một lát, nghỉ đủ rồi thì đi tiếp. Đến khi trời sáng chúng tôi tưởng mình đã đi được rất xa rồi nhưng quay đầu lại vẫn trông thấy những xác chết đó. Vô số con chó dại đang tranh nhau ăn thịt xác chết. Khắp các ngả đường dẫn tới vùng chiến sự đều thấy chó dại đang chạy qua lại.
Đến giờ tôi mới thấy anh ấy có một khuôn mặt dài như mặt ngựa và cặp lông mày rất rậm. Anh mặc kiểu trang phục áo cộc đối khâm, quần thụng đáy rộng mà hầu hết đàn ông nông thôn thời đó vẫn mặc. Hiển nhiên anh ấy không phải là quân lính.
Anh ấy hỏi tôi: “Em tên gì?”
Tôi nói: “Em tên Ngai Cẩu”
Tôi hỏi: “Thế anh tên gì?”
Anh ấy nói: “Anh tên Lưu Oa”
Anh ấy đi lại khó khăn, chân bước tập tễnh nên rất ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của chúng tôi.
Tôi hỏi: “Nhà anh ở đâu, để em đi báo cho người nhà biết”
Anh ấy nói: “Em cứ đi dọc con đường này chừng bảy tám dặm sẽ đến một làng có tên là Pha Địa Trang. Em vào làng gọi người nhà đến đón anh”
Tôi đỡ anh ấy ngồi xuống, sau đó chạy một mạch đến làng Pha Địa Trang. Lúc này tiếng súng đã ngưng nên những người đi lánh nạn đều đã trở về hết rồi.
Tôi tìm thấy nhà Lưu Oa. Anh ấy còn có một người em trai với khuôn mặt ngựa dài y như ông anh. Tôi cho người em trai biết tình hình của anh ấy. Người em trai liền đẩy cái xe cút kít chạy theo sau tôi. Xe cút kít nhiều nơi còn gọi là xe rùa.
Cuốc sống của tôi cũng tạm ổn định. Tôi ăn ở nhà họ, cùng họ ra đồng làm việc. Sau chiến tranh, cuộc sống của nông dân cũng trở lại như trước. Chỉ là sau này không còn ai dám đi con đường đó nữa, nghe nói ở đó thường có ma quỷ quấy rối.