Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2801 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 66
Lại có người trúng chiêu

Đi cùng chúng tôi đến làng Hậu Lý còn có một cặp vợ chồng già. Tôi nghe ông già gọi vợ mình là lão Điền, còn bà vợ gọi chồng mình là lão Lý. Hai người này tinh thần tráng kiện, tóc đã nhuốm bạc nhưng da dẻ hồng hào. Lão Lý từng là giáo sư giảng dạy ở trường đại học quốc gia, lão Điền trước kia là tiểu thư con nhà giàu có. Cả hai đều là người học cao hiểu rộng, kiến thức uyên bác.
Lão Lý là người rất hoạt ngôn. Sau khi gặp chúng tôi thì nói luôn miệng về lịch sử Lạc Dương và Khai Phong, về cuộc binh biến Trần Kiều và chuyện khoác áo hoàng bào, về loạn Tam Quốc xảy ra ở Lạc Dương và chuyện Tào Tháo ép thiên tử ra lệnh cho chư hầu. Ông ấy nói năng rất hùng hồn, thao thao bất tuyệt. Tôi thấy nước bọt ông ấy văng tung tóe thì nhớ đến hình ảnh ông ấy trên giảng đường đại học. Lão Điền thì lịch thiệp tao nhã, nghe nhiều nói ít. Tuy mặt bà ấy đầy nếp nhăn nhưng eo thon lưng thẳng. Vừa nhìn là có thể đoán được hồi trẻ là đại tiểu thư con nhà phú quý.
Khi chúng tôi đi đến cửa Đông, đột nhiên bắt gặp một người đàn ông có bộ dạng lấm lét, khả nghi đang đứng dưới chân tường thành. Hễ ông ta thấy người nào đến gần, liền mở vạt áo ra để người đó nhìn vào thứ mình đang giấu trong người, sau đó nhanh chóng che lại, dáo dác nhìn quanh. Ông ta thấy chúng tôi thì cũng mở vạt áo ra và hỏi nhỏ: “Mua không?”
Trong người ông ta giấu một cái đĩa. Hoa văn tinh xảo trên cái đĩa làm lão Lý lóa cả mắt. Ông ấy bước lên, kéo vạt áo người kia, nói: “Kiếm chỗ nào vắng vẻ nói chuyện”
Người đàn ông nhìn quanh, thấy không có ai để ý liền đi thẳng tới một cái ngõ nhỏ. Lấy cái đĩa ra đưa cho lão Lý. Chúng tôi thì đứng sau lưng lão Lý.
Lão Lý đón lấy cái đĩa và kêu lên: "Đây là đồ sứ màu pháp lang"
Người đàn ông nói: “Tôi không biết là sứ màu hay không sứ màu gì. Đồ này tôi trộm được từ trong phòng lão gia. Ông muốn mua thì nhanh giùm cái đi. Để lâu lão gia phát giác mất”
Lão Lý còn chưa mở miệng thì Thuận Oa đã nói: “Một đồng Đại Dương thì sao?”
Người đàn ông không vui, nói: “Một đồng Đại Dương? Định bố thí cho ăn mày à?”
Thuận Oa nói: “Dù sao ông cũng đâu mất gì, đây là đồ ăn cắp. Trả ông một đồng Đại Dương là được rồi”
Người đàn ông tức giận bỏ đi, vừa đi vừa nói: “Tôi thấy mấy người không thực tâm mua hàng, không nói chuyện với mấy người nữa”
Sau khi người đàn ông rời đi, lão Lý vỗ đùi nói với giọng tiếc nuối: “Thật là đồ sứ pháp lang tốt, thật là một cơ hội tốt”
Tôi không hiểu lão Lý nói gì, mới hỏi: “Đồ sứ pháp lang là gì”
Lão Lý nói: “Tranh pháp lang thời nhà Thanh được gọi là Tây Dương họa. Tranh của Trung Quốc gọi là quốc họa, nặng về tả ý. Tranh của phương Tây nặng về tả thực. Năm 1715, một họa sĩ người Ý tên Lang Thế Ninh đến Trung Quốc với vai trò nhà truyền giáo và được hoàng đế Khang Hi triệu kiến. Ông ta vẽ chân dung cho hoàng đế Khang Hi và được Khang Hi khen ngợi. Sau đó ông ta ở lại trong cung tới tận 50 năm, trở thành họa sư ngự dụng của ba triều đại là Khang Hi, Ung Chính, Càn Long. Nội dung của tranh phương Tây nặng về nhân vật, phong cảnh, còn Lang Thế Ninh lại dùng kỹ thuật hội họa của phương Tây để vẽ đề tài quen thuộc trong tranh Trung Quốc như hoa điểu, sơn thủy, thú vật và sáng tạo nên một trường phái hội họa mới”
Tôi nói: “Cái ông Lang Thế Ninh này thông minh thế. Lấy tranh Trung Quốc kết hợp với tranh phương Tây để đẻ ra nhị chuyển tử”
Lão Lý hỏi: “Nhị chuyển tử là gì?”
Tôi nói: “Người quê cháu gọi con cái của người theo đạo Hồi Duy Ngô Nhĩ và người Hán sinh ra là nhị chuyển tử. Nhị chuyển tử rất xinh đẹp, rất thông minh”
(Ngày nay nhị chuyển tử có tên gọi là con lai)
Lão Lí nói: “Tranh của Lang Thế Ninh đúng là nhị chuyển tử”
Đám người Thuận Oa nghe thế thì đều bật cười.
Lão Lý kể tiếp: “Khi đó, hoàng đế Khang Hy thấy kiểu tranh nhị chuyển tử này của Lang Thế Ninh rất đẹp nên thành lập Pháp Lang Tác trong cung và để Lang Thế Ninh dạy các họa sư Trung Quốc vẽ tranh. Sau này hoàng đế Khang Hi nảy ra ý tưởng, đó là in tranh pháp lang lên đồ sứ ông ta sử dụng. Các họa sư ở Pháp Lang Tác đã phối hợp với các thợ làm đồ sứ ở Tạo Biện Xứ vẽ tranh pháp lang lên phôi đồ sứ. Sau đó đem nung. Đây chính là nguồn gốc của đồ sứ pháp lang” , 
Chú thích: Tạo Biện Xứ là nơi phụ trách chế tạo đồ dùng cho cung đình.
Tôi nói: “Hoàng đế đúng là biết cách đày ải người khác, ngay cái đĩa đựng cũng muốn vẽ tranh phương Tây”
Lão Lý nói: “Đây là hoàng đế. Thiên hạ là của ông ta. Bắt họa sư pháp lang vẽ cho ông ta vài bức thì đã là gì.  Đồ sứ pháp lang thuộc về kỹ thuật làm đồ trân phẩm của cung đình, chuyên dành cho hoàng đế và phi tử sử dụng. Các họa sư pháp lang mỗi khi vẽ xong một bức tranh phải chờ hoàng đế duyệt qua. Hoàng đế nói bức tranh đó có thể vẽ lên phôi đồ sứ thì mới được vẽ. Hoàng đế không duyệt thì không được vẽ. Thế nên đồ sứ pháp lang chỉ có độc bản, tuyệt đối không trùng lặp. Hơn nữa, phôi đồ sứ được nung trong các lò riêng ở Cảnh Đức Trấn tỉnh Giang Tây và vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Các cậu thử nghĩ xem phải tốn bao nhiêu tiền của? Tranh pháp lang sau khi vẽ lên phôi đồ sứ thì được Tạo Bán Sở nung. Sau khi ra lò sẽ được chuyển đến hoàng cung. Các cậu nghĩ xem, đồ sứ pháp lang này giá trị thế nào đây?”
Băng Lưu Tử nói: “Thế thì quý lắm”
Lão Lý nói: “Thế nên, tôi vừa trông thấy cái đĩa sứ pháp lang đó là phải mua bằng được”
Trong lúc Lão Lý nói về đồ sứ pháp lang, Thuận Oa vẫn im lặng lắng nghe. Đợi lão Lý nói xong, Thuận Oa mới nói: “Sứ pháp lang là đồ của cung đình, tại sao lại có mặt ở đây? Chỗ chúng ta đâu phải là kinh thành”
Lão Lý nói: “Đến thời Càn Long, đồ sứ pháp lang trong cung ngày càng tăng. Càn Long và các hoàng đế sau này đều ban thưởng một phần đồ sứ pháp lang cho các quan lại có công tích. Cho nên có một số đồ sứ pháp lang lọt vào những nhà phú quý. Sau này liên quân Anh Pháp đánh chiếm kinh thành, vườn Viên Minh bị đốt cháy. Liên quân tám nước đánh chiếm Bắc Kinh, lão Phật gia phải bỏ chạy. Hoàng đế nhà Thanh thoái vị, cổng cung điện mở toang ai cũng có thể vào trong hôi của. Đồ sứ pháp lang cứ thế rơi vào tay dân chúng. Vì vậy mà có thể tìm thấy đồ sứ pháp lang chuyên dùng của cung đình trong nhân gian.
Thuận Oa nói: “Những gì ông nói đều đúng cả nhưng tôi vẫn cảm thấy người này là tay lừa đảo”
Lão Lý nói: “Làm sao cậu biết người này là tay lừa đảo?”
Thuận Oa nói: “Chỗ chúng tôi đây có rất nhiều tay lừa đảo chuyên đi gạt tiền người địa phương khác. Bọn chúng đều lấy cớ là “trộm từ nhà lão gia”
Tôi cười thầm. Lần đầu tiên tôi lừa gạt đôi vợ chồng từ trên tỉnh xuống cũng nói như vậy.
Lão Lý xua tay giống như đang đứng trên bục giảng: “Biết đâu người ta trộm của nhà lão gia thật. Cơ hộ tốt thế này sao có thể bỏ qua được”
Thuận Oa nói: “Nếu ông cứ khăng khăng đòi mua. Vậy cứ trả giá mười đồng Đại Dương thôi. Cao hơn nữa thì không mua. Để xem hắn nói sao”
Vợ chồng lão Lý và tôi lại đi tới cuối con ngõ. Thuận Oa và Băng Lưu Tử núp ở một bên. Người đàn ông thấy lão Lý quay lại thì mắt sáng lên. Hắn bước nhanh đến trước mặt ông ấy và nói: “Nhanh nào, nhanh nào. Tôi đi ra ngoài đã lâu. Ông chủ sẽ nghi ngờ mất”
Lão Lý nói: “Mười đồng Đại Dương”
Người đàn ông bực bội: “Cái gì? Mười đồng? Ông đùa với tôi à”
Lão Lý nói: “Mười đồng Đại Dương. Không hơn”
Người đàn ông nhìn trái nhìn phải, rồi nói: “Được rồi. Bán cho ông đấy. Tôi cũng phải về gấp rồi”
Lão Lý chỉ bỏ mười đồng Đại Dương mà đã mua được một món đồ sứ pháp lang do cung đình chế tác nên phấn khởi lắm, nghĩ là mình đã trúng quả đậm rồi. Ông ấy cầm cái đĩa lật qua lật lại, ngắm ngắm nghía nghía, còn giải thích cho chúng tôi những chỗ tuyệt diệu của tranh pháp lang. Ông ấy hứng chí cực độ, mặt mày rạng rỡ. Chúng tôi không cách nào chen miệng vào được.
Lúc đi ngang qua một quán trọ, lão Điền đột nhiên phát hiện có gì đó khác thường. Bà ấy hét lên: “Nhìn xem kìa, nhìn xem kìa”
Chúng tôi nhìn theo ánh mắt của bà ấy thì thấy trên quầy của quán trọ đặt một cái đĩa sứ pháp lang giống hệt cái đĩa của lão Lý. Chúng đều có kích cỡ như nhau, bên trong đĩa cũng vẽ hình chim khách đậu trên cành cây. Cái đĩa có lớp nền màu vàng, cành cây màu đen, lá cây màu xanh, con chim khách sặc sỡ. Lão Lý nhìn cái đĩa ở trên quầy, rồi lại nhìn cái đĩa trên tay, mồm há hốc.
Thuận Oa hỏi ông chủ quán trọ: “Cái đĩa này ông bán giá sao?”
Chủ quán nói: “Một đồng Đại Dương một cặp. Dưới quầy còn một cái nữa”
Dù lão Lý có ba bồ chữ đi nữa cũng không thể đấu lại cái hiểm ác của giang hồ. Nhất đẳng huyền đai, không bằng dao phay chém lén, võ sư lợi hại đến đâu ăn nửa viên gạch cũng phải gục. Câu chuyện của Lão Lý đã minh chứng cho câu nói văn minh không thể thắng được dã man, hung tàn.
Quãng đường từ huyện thành đến làng Hậu Lý phải tới hai mươi dặm. Đầu tiên là đồng bằng sau đó đến khu vực đồi núi. Đường càng đi càng nhỏ hẹp, càng thưa vắng bóng người. Mỗi khi nhìn thấy ai đó xuất hiện trước mặt là tôi lại tràn trề hy vọng vì tưởng đó là người đến chào bán đồ giả cổ. Thế nhưng họ đều đi lướt qua chúng tôi, thậm chí không liếc mắt một cái. Thật là kỳ lạ. Sao lại như thế chứ?
Càng đến gần làng Hậu Lý, sắc mặt của Thuận Oa càng có coi. Có thể anh ấy nghĩ chúng tôi đã lừa dối anh ấy, cố tình đuổi Vạn Tự đi để phá hoại việc làm ăn của bọn họ.
Tôi có miệng mà không thể biện bạch được.
Kỳ lạ thật. Từ lúc ra khỏi huyện thành đến giờ, vì sao suốt dọc đường không thấy ai bán đồ giả cổ?
Lão Lý gọi đồ giả cổ là nhạn phẩm. Ông nói nhạn phẩm là tên gọi chuyên môn của đồ cổ giả. Ông ấy cũng nhanh chóng quên luôn chuyện mình vừa mua phải hàng giả. Lão Lý là người thích trò chuyện tán gẫu. Ông ấy kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của nhạn phẩm.
Ông nói dân tộc Trung Hoa là một dân tộc thông minh nhưng toàn dùng trí khôn của mình vào con đường tà đạo. Lịch sử làm nhạn phẩm của người Trung Quốc cũng dài như lịch sử xuất hiện của văn vật. Kể từ khi có văn vật và văn vật có thể bán lấy tiền thì liền xuất hiện nhạn phẩm. 
Trong lịch sử phát triển của dân tộc này, các âm mưu ngụy kế đã tràn ngập trong huyết quản của mọi triều đại, mọi ngành nghề. Lão Lý gọi dân tộc phương Tây là dân tộc mang đặc tính của sói còn dân tộc Trung Hoa là dân tộc mang đặc tính của lừa. Sói mạnh mẽ, cứng rắn, không biết sợ hãi. Lừa nhút nhát, sợ đụng chuyện, thích an nhàn hơn nữa hay đánh lẫn nhau.  Hai con lừa không thể chung một máng ăn. Lừa ở cùng một chỗ sẽ không ngừng tranh giành nhưng hễ bị sói tập kích thì mạnh con nào con ấy chạy.
Lão Lý nói lịch sử làm nhạn phẩm của người Trung Quốc sớm nhất có lẽ bắt đầu từ thời Xuân Thu. Sách Hàn Phi Tử có ghi chép: Nước Tề đánh nước Lỗ, nước Lỗ cầu hòa, nước Tề yêu cầu nước Lỗ cống nạp một cái đỉnh nhà Thương mới chịu bãi chiến. Nước Lỗ liền làm giả một cái đỉnh nhà Thương và dâng nó cho nước Tề, còn cái đỉnh thật thì đem giấu đi.  Đây là ghi chép sớm nhất về nhạn phẩm trong thư tịch cổ. Đến thời chiến quốc, bởi vì ai cũng biết đồ cổ có giá trị sưu tầm nên đồ cổ được đem ra chợ mua bán. Đối với người Trung Quốc mà nói, có buôn bán thì có giết chóc, có buôn bán thì có hàng giả. Vì thế thời chiến quốc nhạn phẩm được người dân chế tạo rất nhiều. Nhạn phẩm thời kỳ này đều là đồng xanh.
Vào thời nhà Đường, tranh thư pháp giả bắt đầu có thị trường. Người đầu têu chính là Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Ông ta bắt bọn Phùng Thừa Tố sao chép Lan Đình Tự của Vương Hy Chi để tặng cho các đại thần. Tranh thư pháp giả bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn. Cách chế tác nhạn phẩm này vẫn còn lưu truyền đến này nay. Có bốn cách để làm tranh thư pháp nhạn phẩm đó là: chiếu mô, lâm nghĩ, phỏng chế, tạo đại.  
Chiếu mô là áp giấy Tuyên Thành lên trên bức tranh cổ, phác họa theo từng nét một. Lâm nghĩ là bắt chước vẽ theo một bức tranh cổ. Phỏng chế là vẽ một bức tranh khác theo phong cách của tác giả gốc. Tạo đại là vẽ bừa một bức rồi đề tên của tác giả nổi tiếng vào phần lạc khoản.
Lão Lý nói, kỹ thuật làm nhạn phẩm không ngừng đổi mới qua các thời đại, thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi. Đến nay thì thật giả lẫn lộn, khó mà phân biệt được. Nhạn phẩm trên thị trường còn nhiều gấp không biết bao nhiêu lần hàng thật. Thời nay muốn tìm hàng thật chỉ có thể đến những vùng quê thật xa xôi.
Tôi và Băng Lưu Tử đưa mắt nhìn nhau đều không nhịn được cười. Cái ông này nói thì hay lắm nhưng thực ra toàn là kiến thức sách vở, một khi ra ngoài thực tiễn, đầu óc sẽ rối tinh rối mù ngay . Chẳng phải mới rồi ông ấy đã bị người bán đồ sứ pháp lang giả ở huyện thành lừa cho hay sao?
Làng Hậu Lý rất hẻo lánh, nằm sâu trong rừng. Có thể lão Lý nghĩ là làng Hậu Lý có đồ cổ thật nên mới yêu cầu chúng tôi đưa đi xem.

(Tổng: 2801 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận