Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2064 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 130
Kháng cự ở tiệm cạo đầu

Sau khi mũi tên được bắn ra, bên trong viện tử cũng không có động tĩnh gì. Trời đêm tối đen như mực. Một con muỗi bay vo ve bên tai, cuối cùng đậu lên má tôi. Tôi biết lúc này nó đang hăm hở hút máu trên mặt mình nhưng không dám đập.
Không thấy mũi tên thứ hai bắn ra. Mới rồi khi tôi bò lên bậu cửa sổ để quan sát bên trong nhà, bóng người đã in trên giấy dán cửa sổ và trở thành mục tiêu của cung thủ, bây giờ tôi đang nép người sát mặt đất, cung thủ cũng mất đi mục tiêu.
Mũi tên được bắn từ hướng nào? Ai đã bắn tên? Cung thủ đang trốn ở đâu? Chúng tôi hoàn toàn không biết.
Đây là thành Đa Luân. Ban ngày vừa diễn ra một trận kịch chiến nên ban đêm đã tăng cường thêm quân lính tuần tra. Mạch bang chủ đã câu kết với người Nhật, như vậy nhất định là hắn có súng nhưng vẫn không dám bắn vì tiếng súng sẽ đánh động những người đi tuần tra gần đó, làm bại lộ thân phận thực sự của hắn.
Bọn chúng không dám nổ súng, chỉ dùng đến cung tên, vậy thì chúng tôi đã có cách.
Yến Tử đẩy đẩy tôi, chỉ tay về bên phải. Tôi bắt đầu bò qua hướng đó. Sân nhà Mạch bang chủ lát gạch vuông xanh, tường cũng xây bằng gạch xanh. Chúng tôi mò mẫm theo từng viên gạch di chuyển đến góc tường, sau đó từ từ đứng dậy quan sát động tĩnh chung quanh.
Bốn bề im ắng, chỉ có tiếng gió thổi lá cây kêu xào xạc. Chúng tôi đã đợi rất lâu. Ngay khi tôi nghĩ đối phương đã rời đi, không còn nguy hiểm gì nữa thì Yến Tử vỗ vai tôi, chỉ tay về phía trước.
Trên nóc nhà trước mặt có bóng một người đàn ông cầm cung tên, nhẹ nhàng di chuyển về trước. Dưới nền trời tối xanh, thân hình của hắn ta mơ hồ khó nhận biết. Nhất định tên này không chờ được mới bò lên nóc nhà thăm dò vị trí của chúng tôi. Phát tên vừa rồi khẳng định là do hắn bắn ra. Hướng mũi tên song song với phía đối diện. Tôi đoán kẻ bắn tên đang ẩn nấp ở góc nào đó dưới đất vì thế vẫn tìm kiếm dưới này, không ngờ hắn ta lại trèo lên nóc nhà. Kinh nghiệm giang hồ của Yến Tử quả nhiên phong phú hơn tôi nhiều lắm.
Chỗ chúng tôi ẩn núp có một cái kệ gỗ để chậu rửa mặt. Trên kệ có đặt một cái chậu đồng. Thời đó, người ta đều dùng chậu đồng đặt trên kệ gỗ để rửa mặt. Yến Tử nhẹ nhàng nhấc chậu lên đặt xuống dưới đất, sau đó nhấc kệ gỗ ném ra ngoài. Âm thanh của cái chậu đồng va chạm với mặt đất sẽ rất vang nhưng âm thanh của kệ gỗ va chạm với mặt đất lại trầm thấp và kéo dài, sẽ không làm kinh động đến nhiều người.
Kệ gỗ vừa rơi xuống đất, người trên nóc nhà liền bắn tên. Nhân lúc hắn chưa kịp lắp mũi tên thứ hai, Yến Tử lập tức phóng phi tiêu. Người kia kêu lên một tiếng, rơi từ nóc nhà xuống đất.
Sau khi phóng phi tiêu, Yến Tử khẽ giục một tiếng: “Đi mau”. Chúng tôi tháo nhuyễn can dưới thắt lưng, quăng lên đầu tường, rồi phi thân lên trên.
Nhưng chúng tôi vừa lên trên tường thì từ trong viện tử một mũi tên bay vút tới, quẹt qua má tôi. Mặt tôi đau rát dữ dội nhưng tôi mặc kệ, đưa tay sờ một cái sau đó nhảy ra bên ngoài.
Cổng nhà Mạch bang chủ nhẹ nhàng hé mở. Một vài người cầm đao, cầm gậy xông ra ngoài. Chúng tôi guồng chân chạy thật nhanh về phía trước, bọn họ không nói một lời lẳng lặng đuổi theo sau. Cách đó một con đường, có tiếng người báo canh đang gõ mõ. Người báo canh còn được gọi là “Báo Quân Tri” (Báo cho người biết). Mỗi khi đến canh nào sẽ gõ chừng ấy tiếng.
Chúng tôi chạy đến chỗ người báo canh, cứ tưởng đám ăn mày nhìn thấy người báo canh sẽ dừng lại nhưng không ngờ bọn chúng chẳng sợ người báo canh chút nào. Người báo canh hoảng hốt nép vào một bên. Đám ăn mày không nói gì cắm đầu đuổi theo chúng tôi.
Đám ăn mày không buông tha chúng tôi, muốn giết người diệt khẩu. Bọn chúng sợ chúng tôi sẽ tiết lộ chuyện bọn chúng câu kết với người Nhật. 
Chúng tôi cắm đầu chạy thục mạng, sau khi rẽ qua hai con phố thì trước mặt bỗng xuất hiện một người đi gọi hồn. Thời đó y học chưa phát triển. Trẻ con thường bị giật mình, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm. Các tay lang băm giang hồ bèn nói đó là do hồn đứa trẻ đã bị ma quỷ bắt đi, cần phải gọi hồn trở về vào lúc nửa đêm. Trong lúc gọi hồn thường phải có hai người trở lên. Một người bưng rổ, một người cắp nách một con gà trống. Bọn họ tìm đến các ngã ba, ngã tư đường, nhặt vài cục đất bỏ vào trong rổ. Người đi đằng trước vừa đi vừa sàng đất, người đi đằng sau vừa đi vừa đánh con gà trống, miệng gọi to tên của đứa trẻ đã bị ma quỷ bắt mất hồn phách.
Khi chúng tôi nhìn thấy hai người gọi hồn. Người đi đằng sau đang hô lớn: “Ngai Cẩu, về nhà nào! Ngai Cẩu, về nhà nào”
Nghe thấy tiếng hô của anh ta, tôi giật nảy mình. Người đó rõ ràng đang gọi tên tôi. Thế rồi tôi nghĩ lại, Ngai Cẩu là cái tên gọi trẻ con cực kỳ phổ biến ở nông thôn thời bấy giờ. Người có tên Ngai Cẩu có tới hàng nghìn hàng vạn.
Sau khi hai người gọi hồn đi ngang qua, tôi và Yến Tử bám theo sau người vừa gọi tên Ngai Cẩu kia và cũng làm động tác đánh gà. Con gà không phát ra tiếng kêu khi bị đánh vì cổ nó đã bị kẹp chặt.
Đám ăn mày chạy ngang qua chúng tôi. Bọn chúng thở hổn hển như bò, bước chân nặng nề, mắt nhìn thẳng về trước. 
Bọn chúng không thể ngờ chúng tôi đang đi theo chiều ngược lại.
Sau khi bọn ăn mày đi qua hết, chúng tôi vui sướng chạy ngược theo hướng truy đuổi của bọn chúng nhưng mới chạy được mấy chục mét, bọn chúng đã phát hiện ra. Bọn chúng hét lên: “Đằng sau, ở đằng sau”. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng bước chân rất vang vọng. Cái Bang cũng là người giang hồ, cũng luyện được một thính giác nhạy bén.
Chúng tôi chui vào một con ngõ nhỏ, cố gắng thoát khỏi bọn chúng nhưng chạy đến cuối con ngõ mới phát hiện là ngõ cụt. Hai bên ngõ đều là tường đầu hồi, cao tới hai ba trượng, nhuyễn can không thể với tới.
Cuối con ngõ là một căn nhà, cánh cửa gỗ hướng ra đầu ngõ. Chúng tôi chạy đến đây, không còn chỗ nào lẩn trốn bèn chui vào trong nhà.
Khi vào đến bên trong mới phát hiện đây là một tiệm cạo đầu.
Tiệm cạo đầu rất nhỏ, trần thấp lè tè. Cánh cửa được ghép từ nhiều tấm gỗ lại với nhau. Phía trên và phía dưới các tấm gỗ có hai đường rãnh. Lắp từng tấm gỗ vào rãnh này sẽ tạo thành cánh cửa. Tấm gỗ cuối cùng và khung cửa được gắn vòng cửa riêng. Buộc hai vòng cửa lại với nhau bằng dây xích, cửa sẽ không mở ra được nữa. Lúc đóng cửa, cần xếp đặt các tấm gỗ theo đúng thứ tự, nếu không sẽ không đóng được cửa. Để thuận tiện cho việc nhận dạng, trên mỗi tấm gỗ đều được viết chữ giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân.
Nhưng đêm hôm đó, tiệm cạo đầu đã khuyết mất hai tấm gỗ. Chúng tôi chui qua khe hở của hai tấm gỗ vào bên trong tiệm. Ngày nay tiệm cạo đầu được gọi là tiệm cắt tóc hay tiệm hớt tóc. Đàn ông thời đó thường để đầu trọc, chỉ một số người có học thức mới để tóc rẽ ngôi. Vì vậy mà những người hành nghề cắt tóc đều là những ông già cao tuổi.
Khi đó thợ cạo đầu không chỉ cạo đầu mà còn bao gồm cả việc cạo râu ria, tỉa lông mũi, lấy ráy tai, xoa bóp bả vai… Tiệm cạo đầu không mở cửa thường xuyên. Trong hầu hết thời gian, người thợ cạo gánh theo quang gánh đựng đồ nghề đi khắp hang cùng ngõ hẻm, tay cầm một chùm miếng sắt hình móng ngựa. miếng sắt va chạm với nhau phát ra tiếng kêu leng keng. Mọi người nghe thấy âm thanh đặc thù này thì biết thợ cạo đến rồi. Một bên quang gánh là dụng cụ cạo đầu và chậu đồng, một bên là cái bếp than. Bếp than dùng để đun nước, vì vậy dân gian mới có câu ngạn ngữ “Quang gánh thợ cạo một đầu nóng”
Người thợ cạo không có mặt trong tiệm nhưng toàn bộ đồ nghề vẫn để ở đây. Tấm gỗ che cửa đang mở, bếp than đang cháy, dao cạo đầu, kéo, khăn vệ sinh, đá mài, cây ngoáy tai… đều có sẵn, duy mỗi người thợ cạo là không thấy đâu. Chắc là ông ta đã đi nhà tiêu. Ông ta không ngờ chúng tôi đã chui vào trong này.
Mắt chúng tôi vừa quen với bóng tối trong tiệm cạo đầu thì đám ăn mày cũng đuổi đến nơi. Bọn chúng đứng thành một hàng trước cửa tiệm, không nói một lời. Chúng tôi cũng im lặng không nói một lời, đứng bên trong tiệm đợi bọn chúng xông vào.
Trên những con đường phía xa, tiếng người gọi hồn đã ngừng bặt, thay vào đó là một người khác. Một ông già với giọng nói già nua cất tiếng khàn khàn trong bóng tối: “Thiên hoàng hoàng, địa hoàng hoàng, nhà tôi có trẻ khóc đêm. Quân tử qua đường xin đọc ba lần. Trẻ ngủ một mạch đến khi trời sáng”
Thời đó nếu trẻ con khóc dạ đề hoặc mất ngủ, người lớn trong nhà sẽ viết bốn câu thơ này vào tờ giấy màu vàng, đem dán ở ngã tư đường. Người qua đường nếu nhìn thấy tờ giấy này sẽ đọc ba lần. Nghe nói làm vậy trẻ con sẽ ngủ đến khi trời sáng.
Sau phút giây im lặng ngắn ngủi, có một tên xách trường đao mò mẫm bước tới. Hắn nấp sau cửa, lắng tai nghe ngóng động tĩnh bên trong. Sau đó chầm chậm di chuyển đến khe hở và thò nửa người vào trong. Bên trong tiệm rất tối, hắn ta chẳng nhìn thấy gì. Thế nhưng tôi có thể nhìn rõ từng đường nét trên cơ thể hắn. Tôi nấp sau cửa, cầm chùm miếng sắt người thợ cạo vẫn dùng để tạo âm thanh, đập mạnh vào người tên này làm hắn ta ngã đánh uỵch.
Tên này vừa ngã xuống, bọn ăn mày bên ngoài đều giật nảy mình. Yến Tử tiện tay cầm một con dao cạo ném mạnh ra. Con dao cắm vào người một tên đứng ngoài cửa. Tên này khẽ kêu lên một tiếng, cũng ngã luôn xuống.
Đám ăn mày ngoài cửa liền núp vào hai bên ngõ. Tên ăn mày bị tôi đánh trúng cũng lăn ra ngoài cửa. Trong ngoài tiệm lại rơi vào tình thế đối đầu nhau.
Song phương đều không lên tiếng, bầu không khí căng thẳng như dây cung kéo căng hết cỡ.

 

(Tổng: 2064 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận