Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2533 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 34
Chơi xỏ Phiêu Khách Xuyến Tử
Thế nhưng, làm sao tôi biết được hôm nay Diệp Tử sẽ gả cho người ta.
Tôi phải chặn kiệu hoa lại, đừng ai nghĩ có thể mang Diệp Tử của tôi đi.
Tôi chạy một mạch đến nhà Diệp Tử. Lúc nào mệt thì tôi chuyển qua đi bộ, đi được một đoạn thì lại chạy tiếp. Cứ thế tôi vừa thở hổn hển vừa chạy. Ba mẹ em đang lau dọn bàn ghế trong sân, trên bàn là chồng chén bát cao. Bên trên khung cửa treo câu đối đỏ. Một con chó nấp ở góc tường đang chờ chực lao ra ngoạm lấy cục xương trong sân.
Tôi hỏi: “Diệp Tử đâu rồi?”
Mẹ Diệp Tử nói với giọng khó chịu: “Tìm Diệp Tử nhà này làm gì? Nó đi lấy chồng rồi”
Tôi hỏi: “Lấy chồng ở đâu?”
Mẹ Diệp Tử nói: “Nó lấy chồng ngoài núi”
Tôi chạy khỏi nhà Diệp Tử, men theo con dốc ra đến đường cái. Mẹ Diệp Tử gọi lớn: “Mày định làm gì thế? Mày định làm gì thế?”
Tôi mặc kệ bà ấy, chạy về phía con đường thông ra ngoài núi. Tôi chạy rất nhanh, hai bên tai nghe gió thổi ù ù. Hai tay tôi đánh qua lại giống như đang vỗ cánh. Tôi tưởng như mình có thể bay ngay đến trước mặt Diệp Tử, sau đó sẽ vung tay múa chân đánh gục đám rước dâu giống như Võ Tòng đánh hổ. Chúng nó sẽ ngồi dưới đất cầu xin tha mạng còn tôi sẽ ôm lấy Diệp Tử cưỡi ngựa phi về lâu đài phía trên đỉnh núi xa.
Tôi cứ chạy và chạy, lưng ướt đẫm mồ hôi. Tôi chạy lên sườn núi, đứng trên đỉnh núi tôi nhìn thấy một hàng người đi dọc theo sườn núi. Họ đang gióng trống thổi kèn còn khiêng một cái kiệu hoa. Tôi nghĩ chắc chắn đây là đám người đi đón Diệp Tử. Tôi cố kêu to tên Diệp Tử nhưng tiếng chiêng trống ầm ĩ đã át mất tiếng kêu của tôi.
Tôi chạy xuống sườn núi đuổi theo bọn họ. Tôi không đi lối đường mòn mà xông thẳng về trước để cản họ lại. Vì tôi chạy quá nhanh nên mất thăng bằng ngã xuống dốc núi. Tôi lăn lông lốc về phía trước giống như quả bóng da đè lên những bụi táo đầy gai và những đám cỏ dại. Đầu tôi đập trúng một cục đá trồi ra, vừa cảm nhận được đau đớn thì đầu lại đập vào một cục đá to hơn. Chân tay tôi luống cuống như cái diều đứt dây bay tự do. Tôi chỉ dừng lại sau khi va phải một bụi cây chắn ngang đường.
Tinh thần của tôi kiệt quệ, đau đớn và bất lực. Tôi từ từ bò dậy, thấy tay chân mình vẫn còn cử động được. Mặt mũi tôi nhớp nháp, sờ lên thì toàn là máu. Tôi không biết mình bị thương chỗ nào trên đầu, cũng không để ý đến nó nữa mà tiếp tục đuổi theo.
Khi tôi chạy đến bên một con sông nhỏ dưới chân núi thì cũng đuổi kịp bọn họ. Nhìn thấy người tôi bê bết máu và bùn đất thì kèn trống, thanh la trên tay họ cũng ngừng cả lại. Tôi chạy đến trước cái kiệu định vén tấm rèm đỏ lên.
Một thanh niên trông lớn tuổi hơn tôi đứng ở trước kiệu. Hắn ngăn tôi lại và hỏi: “Mày định làm gì?”
Tôi nói: “Diệp Tử là vợ tôi. Mấy người không được mang em ấy đi”
Tôi hét vào bên trong kiệu: “Diệp Tử, Diệp Tử”
Diệp Tử vén màn ra. Tôi thấy khuôn mặt em đẫm nước mắt. em bám vào thành kiệu định bước xuống.
Thanh niên kia nhìn tôi và Diệp Tử rồi chợt hiểu ra. Hắn hét lên: “Thằng tiểu dâm tặc, thằng lừa trọc này từ đâu đến đây. Đập nó cho tao”
Đám người khiêng kiệu xông tới. Bọn chúng người đấm kẻ đá đánh tôi té lăn xuống đất. Chúng nó còn giẫm đạp lên người tôi. Tôi đau đớn, quằn quại trên mặt đất.
Thanh niên kia nói với Diệp Tử: “Để tối về tao khám xem còn không, nếu mất rồi ông đây sẽ tìm cha mẹ mày nói chuyện”
Diệp Tử định lao về phía tôi. Hai tên đàn ông mỗi người giữ một bên tay Diệp Tử ấn em trở lại kiệu.
Bọn chúng định khiêng kiệu nên buông tha tôi. Tôi đứng dậy lao về phía cái kiệu. Chúng nó quay người lại đánh tôi ngã lăn xuống đất, đá vào người tôi như đá một quả bóng da.
Sau đó tôi nằm mê man bên đường. Bọn chúng nhấc kiệu lên bước qua người tôi mà đi.
Tôi không phải là Võ Tòng. Tôi chỉ là một tiểu hòa thượng không biết võ công.
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang ở trong nhà một thầy lang già. Ông ấy nói khi ông đi khám bệnh về, đang cưỡi lừa thì thấy phía xa có một đám người đánh tôi. Lúc ông tới gần thì đám người này đã bỏ đi chỉ còn mình tôi nằm bất động. Ông đỡ tôi lên lưng con lừa rồi chở về nhà.
Ông hỏi: “Vì sao chúng nó đánh con?”
Tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi là hòa thượng mà hòa thượng thì không được có quan hệ bất chính với bất kỳ cô gái nào. Còn tôi và Diệp Tử đã có quan hệ đến mức này thì ai cũng sẽ cho tôi là một tên tiểu dâm tặc, một tên hòa thượng háo sắc không biết giữ giới luật. Tôi chỉ là một con cóc ghẻ, không thể nào ăn được thịt thiên nga.
Tôi nằm lại nhà ông thầy lang ba ngày. Trong ba ngày này tôi vô cùng đau khổ, trong lòng cực kỳ lạnh lẽo. Tôi nhớ lại quãng đời ngắn ngủi của mình. Tôi bị lừa bán, cha cũng không quan tâm, trải qua biết bao khổ sở cũng chỉ biết âm thầm chịu đựng. Tôi ước hẹn với Thúy Nhi thì Thúy Nhi mất tích. Tôi thích Diệp Tử thì Diệp Tử lại gả cho người khác, đã vậy còn bị người ta đánh gần chết. Cuộc sống dạy cho tôi rằng, con người là loài động vật tàn ác nhất trên đời này, không có cái gọi là tình yêu thương, quan tâm chăm sóc giữa bất kỳ ai.
Tôi nhất định phải báo thù.
Ba này sau sức khỏe tôi cũng hồi phục. Tôi quay về chùa Hương Dũng thì phát hiện tam sư thúc đã đi đâu mất rồi. Trong chùa lại có thêm một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp.
Tôi không biết người phụ nữ này từ đâu đến cũng không biết vì sao lên chùa ở nhưng tôi không ưa chị ta lắm. Chị ta không chỉ đanh đá mà còn rất ngang ngạnh. Cuộc sống trong chùa vốn rất yên bình nhưng từ khi có chị ta ngôi chùa đã trở nên hỗn loạn.
Chị ta không hài lòng với mọi thứ trong chùa, nhất là anh mập. Chị ta chê đồ ăn anh ấy nấu không ngon và cũng tỏ ra khó chịu nếu anh mập không chào hỏi, cứ nhìn thấy anh ấy thì lại cau mày trợn mắt.
Chị ta nhìn thấy tôi thì mặt sưng mày xỉa cứ như tôi nợ tiền chị ta. Lúc đầu tôi tưởng ai chị ta cũng đối xử như vậy, sau này thấy chị ta nịnh hót Lăng Quang Tổ và mặt mũi tươi tỉnh với nhị sư thúc thì mới biết là chị ta đang bắt nạt tôi và anh mập.
Chị ta rất thích bới móc, xét nét. Theo lí thì chị ta phải là con của một gia đình giàu có. Tuy nhiên con gái của những gia đình này thường có khí chất cao ngạo, đây là thứ mà người khác không dễ bắt chước được. Khí chất này được hoàn cảnh gia đình nuôi dưỡng ngay từ nhỏ. Hơn nữa con gái các gia đình giàu có thời đó đều biết chữ nghĩa, được học chương trình mới. Như vậy thì chị ta phải xuất thân từ gia đình nghèo khó. Nhưng xem ra lại không giống lắm. Chị ta thay hết trang sức này đến trang sức khác, quần áo cũng đổi xoành xoạch hơn nữa lại còn có áo khoác bằng lông chồn của các quý bà giàu có trên thành phố.
Chị ta rất ma lanh. Chị ta biết rõ Lăng Quang Tổ và nhị sư thúc là người đứng đầu còn tôi và anh mập chỉ là phận dưới, hơn nữa chị ta còn tự xếp mình vào tầng lớp cao sang thế nên mới cố tình bắt nạt chúng tôi.
Tôi đã bàn với anh mập tìm cách chơi xỏ chị ta.
Có một hôm bầu trời âm u, chùa vắng khách hành hương. Anh mập nhờ tôi đi ra sau chùa tìm ngải cứu về làm bùi nhùi. Thế là tôi đi.
Bởi vì chùa rất đông khách nên con đường trước chùa rất lớn đủ cho hai cỗ xe ngựa chạy cùng lúc. Phía sau chùa là con đường ruột dê chỉ đủ chỗ cho một người đi. Hai bên đường là các bụi mận gai.
Tôi đi dọc theo con đường này xuống dưới sườn núi. Dưới đó có một khóm ngải cứu. Ngải cứu là nguyên liệu tốt nhất để làm bùi nhùi. Tôi mới đi được mười mấy mét thì đụng phải chị ta. Chị ta đi lên núi còn tôi thì đang xuống núi. Chị ta đi rất vội bởi vì bầu trời đầy mây đen và tiếng sấm đã vang lên từ phía xa.
Chị ta đứng phía dưới và hét lên: “Mày mau tránh đường cho tao đi”
Tôi đứng phía trên và cũng hét lên: “Bà mau tránh đường cho tôi đi”
Chị ta hét lên: “Mày là cái quái gì, mau tránh ra”
Tôi cũng hét lên: “Bà là cái quái gì, mau tránh ra.”
Một tia sét xẹt qua bầu trời, tiếp đó là tiếng sấm vang rền bên tai. Những hạt mưa to bằng hạt đậu rơi từ trên trời xuống đập vào lưng làm tôi rùng mình mấy cái. Tôi cũng định nhường đường nhưng thấy chị ta cũng rùng mình thì trong lòng trào dâng khoái cảm. Tôi không nhường nữa.
Tôi không nhường đường, chị ta cũng không nhường đường. Tôi bị ướt, chị ta cũng bị ướt. Chỉ cần một trong hai người chúng tôi lách mình qua một bên là người kia có thể đi tiếp. Nhưng nghĩ đến việc chị ta đối xử với tôi chẳng ra gì nên tôi không nhượng bộ.
Tôi đợi chị ta tránh đường nhưng chị ta không tránh. Tôi nghĩ, bà chỉ mới đến chùa này được vài ngày, lúc tôi đang xây dựng lại chùa từ đống gạch nát thì bà đang ở đâu? Lúc tôi đang tô tượng thì bà đang ở đâu? Tôi giúp chùa ăn nên làm ra rồi thì bà mới tới. Bà tới rồi lại còn ra vẻ này nọ, cho mình là ngon lắm, tôi sẽ không chịu thiệt đâu.
Chị ta nhìn tôi, tôi nhìn chị ta. Cả hai đều ướt sũng nước mưa, đều đang chịu khổ nhưng không ai nhường ai. Bây giờ trời đang mưa, ngải cứu cũng ướt mất rồi nên tôi phải về chùa. Chỉ cần về đến chùa thì tôi không bị ướt nữa thế nhưng chỉ cần chị ta chịu khổ sở vì mưa ướt thì tôi cũng cam lòng.
Nhưng bụng tôi nó đã chướng lên rồi, tôi cần phải đi nhà tiêu.
Đột nhiên, sau lưng có tiếng người gọi: “Ngai Cẩu, Ngai Cẩu”. Đó là tiếng của anh mập. Anh ấy hỏi: “Em đứng đó làm gì thế? Trời mưa rồi. Em không thể đứng ngoài trời mưa, sẽ bị ốm đó. Ốm cái là rầy rà lắm…”
Tôi ngắt lời anh ấy: “Em đang đấu với người ta”
Anh mập đi đến chỗ tôi. Nhìn thấy hai người chúng tôi ướt nhẹp nước mưa, mặt tái mét vì lạnh thì hớn hở nói: “Ngai Cẩu, đợi anh tí. Anh quay lại ngay. Anh mang cho em cái này. Em không đoán được đâu nhưng chắc chắn là sẽ rất thích”
Tôi nói: “Em không chờ được nữa rồi. Em mắc ị quá”
Khuôn mặt chị ta lộ nụ cười nham hiểm: “Hờ hờ. Sắp phải đi nhà tiêu rồi mà còn cứng đầu. Lão nương đang chờ mày bĩnh ra quần đây”
Tôi nói: “Tôi không bĩnh ra quần đâu. Tôi sẽ không để bà được như ý”
Lát sau anh mập đem ra một cái ô, hí hửng đưa cho tôi: “Ngai Cẩu, cho cậu em cái ô. Em dùng ô thì không bị ướt nữa. Ngày thường không dùng đến ô, ngày mưa mới cần dùng đến”
Tôi nói: “Em phải đi nhà tiêu gấp”
Anh mập nói: “Thế mau đi đi. Anh thế chỗ em. Em biết nhà tiêu ở đâu không? Cứ đi về bên trái, đến chỗ ngoặt thì đi tiếp, nhà tiêu nằm ở góc tường”.
Tôi đã đi nhà tiêu không biết bao lần nên biết rõ nó nằm ở đâu, đâu cần anh ấy phải chỉ chỗ. Nói dài nói dai chính là cái tật của anh ấy.
Tôi bước lên được mấy bậc thấy anh mập một tay cầm ô, một tay chống nạnh, mặt đầy vẻ hả hê, miệng nói lảm nhảm, còn cái mặt chị ta thì méo xẹo như sắp khóc đến nơi.
Tôi đi nhà tiêu xong thì chạy đến thế chỗ anh mập. Anh ấy nói: “Được rồi, em cứ tiếp tục cầm cự. Anh nấu cơm xong sẽ đến thay cho”
Tôi cầm lấy ô, đắc ý nhìn chị ta đang ướt sũng như con gà bị nhúng nước. Đôi môi chị ta đã tái xanh vì lạnh, cả người run rẩy. Đến lúc này thì chị ta không chịu nổi nữa, lách người qua một bên và nói: “Lão nương không thèm tranh với mày nữa. Mày xuống núi đi”
Tôi nói: “Tôi không thèm tranh với chị nữa. Chị nhường tôi xuống núi thì tôi không xuống núi nữa. Tôi muốn lên núi”
Chị ta muốn giành lên núi trước. Tôi lấy vai hích vào người chị ta chen lên trước. Hừ hừ. Đừng nghĩ có thể chiếm được bất kỳ lợi thế nào trước mặt ta”
Sau này mỗi khi thấy chị ta đi một mình thì tôi lại nhại theo giọng điệu của chị ta: “Lão nương không thèm tranh với mày nữa”. Mặt chị ta liền đỏ bừng, vội quay người bỏ đi.
Thế là tôi và anh mập được sống bình yên.