Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2529 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 67
Chiêu lừa cao tay
Khi chúng tôi đến làng Hậu Lý thì mặt trời cũng đã ngả về tây. Ngôi làng này quả thực là vô cùng cổ kính, chỉ có một con đường nhỏ nối với thế giới bên ngoài. Bất kỳ cái cây nào trong làng cũng có tuổi đời cao hơn chúng tôi. Nhiều cây cổ thụ đã rỗng cả thân, rễ trồi lên mặt đất. Những con đường lát đá xanh trong làng bóng loáng, còn góc tường và thành giếng phủ đầy rêu xanh. Cỏ dại rậm rạp mọc khắp nơi trên tường và nhà cửa. Qua bao năm tháng dãi dầu, gạch ngói đã chuyển thành màu xanh đen.
Làng này chỉ có vài hộ. Hầu hết là người già cả. Hỏi ra mới biết, những người trẻ sợ giao thông ở đây bất tiện, không tìm được vợ nên đã dọn đến ở dưới chân núi cách đây bảy tám dặm.
Làng Hậu Lý như một con rận, ẩn mình trong những khe núi. Ngôi làng nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, trước sau đều là rừng già rậm rạp. Những người già trong làng vẫn ăn vận theo lối trang phục triều Thanh. Tôi đến đây mà cứ tưởng như mình đang bước lên sân khấu hí kịch.
Ông già thần bí tôi đã bắt gặp nhiều lần trong cửa hàng thư họa đang ở đây. Ông ấy đang ngồi trên con sư tử đá trước cổng, hai tay khoanh lại, mí mắt cụp xuống, giống như một vị cổ Phật, ăn vận cũng khác với lúc tôi thấy trong cửa hàng thư họa.
Thuận Oa dẫn vợ chồng lão Lý đến nhà ông già thần bí. Tôi thấy trên tường nhà ông ta có dán một bức tranh, giấy đã cũ vàng, hơn nữa còn bị rách một góc. Ông Lý nhìn thấy bức tranh này liền bò lên xem y như con ruồi bò trên đồ ăn vừa mới bưng tới. Ông ấy ngắm bức tranh từ dưới lên trên rồi từ trên xuống dưới, hai mắt lồi to như quả trứng gà, miệng nói: “Tác phẩm của Hàn Can, tác phẩm của Hàn Can”
Tôi suýt nữa phì cười. Thuận Oa nghiêm khắc nhìn tôi, tôi không dám cười nữa.
Lão Lý hỏi ông già thần bí: “Bức tranh này cụ bán giá sao? Tôi cần nó”
Ông già thần bí nói: “Bức tranh này dùng để che tường. Tường đã bị bong mất một mảng rồi. Ông cần thì cứ lấy nhưng phải kiếm cho tôi cái khác để che nó lại”
Lão Lý nghe ông già nói vậy thì liếc mắt nhìn vợ. Lão Điền cũng đang trợn tròn mắt. Lão Lý tin tưởng hôm nay mình tuyệt đối sẽ kiếm được món lớn. Ông ấy đã gặp được một ông già nhà quê khù khờ, một chữ bẻ đôi không biết, có cả núi vàng trong nhà mà vẫn phải xin cơm ăn”
Khi lão Lý định gỡ bức tranh trên tường xuống thì Thuận Oa phản đối. Anh ấy nói mình đã nhìn thấy bức tranh này trước và lão Lý là do anh ấy đưa tới, vì vậy bức tranh phải thuộc về anh ấy.
Lão Lý lộ vẻ lúng túng, có thể một giáo sư đại học như ông ấy rất ít khi bị bẽ mặt thế này. Ông ấy lẩm nhẩm: “Cậu biết Hàn Can không?”
Thuận Oa nói: “Tôi không biết Hàn Can nhưng tôi biết bức tranh này rất giá trị. Sáng nay, lúc ngồi trong quán ăn, tôi có nói chuyện với bạn bè về làng Hậu Lý. Chúng tôi nói làng Hậu Lý ở nơi xa xôi cách trở nhưng nhiều hộ lớn có không ít bảo vật. Ông qua bên bàn tôi, nhờ tôi dẫn đến làng Hậu Lý. Tôi không biết đường nên mới nhờ hai thằng cu này đi cùng. Nếu không có tôi thì ông không biết đến làng Hậu Lý, nếu không có hai thằng cu này ông cũng không đến được làng Hậu Lý. Bức tranh này rất có giá trị. Tôi biết một khi ông lên tới tỉnh, chỉ cần bán sang tay là sẽ được món tiền lớn. Ông không thể nuốt một mình được, phải chia mỗi người chúng tôi một ít.
Cổ lão Lý cũng đỏ cả lên. Có lẽ ông thấy hổ thẹn khi nhắc đến tiền bạc trước tác phẩm nghệ thuật của Hàn Can. Ông yếu ớt nói: “Đây không phải là..là chuyện tiền bạc”
Ông già thần bí đứng phơi nắng ngoài cửa. Có lẽ vì tuổi cao, tai yếu mắt mờ nên không biết tại sao trong nhà lại cãi nhau. Ông thấy lão Lý bị Thuận Oa dồn vào góc tường thì bước vào nói: “Dĩ hòa vi quý, dĩ hòa vi quý. Sao các ông lại thành ra thế này. Chẳng phải các ông đi chung hay sao?”
Lão Lý nói: “Đó là vì bức tranh này của cụ đó”
Ông già thần bí nói: “Có mỗi mảnh giấy rách mà cũng phải cãi nhau. Không đáng đâu. Các ông cứ lấy nó đi”
Lão Lý rất xúc động trước tinh thần hào sảng của ông già thần bí, ông ấy nói: “Cụ dạy rất phải”
Ông già thần bí lại đi ra ngoài. Được đứng phơi nắng một lúc đối với ông ấy mà nói còn hấp dẫn hơn cả những bức tranh cổ.
Thuận Oa nhìn lão Lý và nói: “Ông đến làng Hậu Lý mua đồ cổ, tôi cũng đến làng Hậu Lý mua đồ cổ. Nếu chúng ta đều muốn mua vậy thì chia đôi, ông thấy sao?”
Lão Lý nói: “Được vậy thì tốt quá. Sau khi bán được hàng tôi sẽ chia cho anh nửa tiền”
Thuận Oa nói: “Ông biết nhiều người trên thành phố, tôi lại chẳng quen ai cả. Ông bán được một trăm rồi nói là năm mươi, tôi biết tìm ai hỏi. Thế này đi, ông xem nhắm được món nào trong làng này thì cứ chia cho chúng tôi ba mươi đồng bạc, mỗi người chúng tôi sẽ được mười đồng bạc.
Lão Lý đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng với cái miệng sư tử há to của Thuận Oa nhưng không ngờ anh ấy chỉ đòi mỗi bức tranh thư họa ba mươi đồng bạc. Ông ấy vội vàng đồng ý luôn.
Tôi và Băng Lưu Tử theo chân bọn họ đi vào từng nhà một. Hầu như nhà nào cũng có tranh thư họa cổ. Có bức là của Vương Hy Chi, có bức là của Nhan Trân Khanh, có bức là của Hàn Can, có bức của Bát Đại Tiên Nhân. Giáo sư Lý vui mừng như điên. Lão Điền cũng hớn hở ra mặt. Họ cứ tưởng mình đã phát hiện được kho tàng văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc.
Họ đâu biết mình đã rơi vào cái bẫy cũ rích mà đám người Thuận Oa đã dựng lên. Mỗi hộ gia đình ở làng Hậu Lý đều là cứ điểm của nghề làm đồ giả cổ. Những kẻ làm đồ giả cổ đã để lại làng Hậu Lý rất nhiều thư họa mạo danh cũng như đồ sứ thời Tống mới chế tác.
Bởi vì làng Hậu Lý nằm ở nơi hẻo lánh nên những người đi mua văn vật đều nghĩ những ngôi làng dạng này sẽ có đồ cổ. Họ sẽ không mảy may nghi ngờ khi đến đây.
Họ nhìn thấy hũ muối, vại dưa, nhìn thấy những chữ như Thiên Khải Niên Chế hay Vạn Lịch Niên Chế trên những món đồ sứ này thì đều cho đó là thật.
Họ nhìn thấy những bức thư họa ngả vàng cong queo, rách nát thì nghĩ là nó có niên đại xưa cũ. Họ nhìn thấy tên của những họa sĩ cổ đại ở phần lạc khoản thì cũng chẳng thắc mắc gì. Họ đã tự mình rơi vào bẫy, đã vậy khuôn mặt còn tươi cười, ngập tràn hạnh phúc.
Đây chính là giang hồ.
Giang hồ là một cuốn sách lớn. Cuốn sách này không thấy có trong trường học. Tri thức của giang hồ phong phú. Tri thức này không thể học ở trường lớp. Bạn học ở trường vài năm là tốt nghiệp, rồi nhận được văn bằng. Nhưng nếu bạn ở trong giang hồ thì có học cả đời cũng không tốt nghiệp. Giang hồ không có bằng cấp, giang hồ chỉ có bài học kinh nghiệm.
Giang hồ có ở khắp nơi.
Ngày hôm nay, ông già thần bí đã để lại ấn tượng cực kỳ sâu sắc cho chúng tôi. Chúng tôi đều nghĩ ông già thần bí này là một người rất tốt.
Sau khi về tới huyện thành, vợ chồng lão Lý kiểm kê lại tranh thư họa và đồ sứ. Cả thảy có mười món. Họ trả cho Thuận Oa ba trăm đồng Đại Dương. Thế nhưng lão Lý không tốn nhiều tiền. Những người dân miền núi có vẻ ngoài chất phác kia chỉ yêu cầu ông đổi cái mới lấy cái cũ. Lão Lý tìm được mười món đồ cổ ở làng Hậu Lý nhưng tiền đưa cho dân làng chỉ chưa đến một đồng Đại Dương.
Lão Lý cứ tưởng mình đã kiếm được món tiền lớn. Tối hôm đó, ông ấy sợ mang theo nhiều bảo bối như vậy sẽ không an toàn nên nghỉ ở nhà một tiêu sư trong huyện thành một đêm. Sau đó cho tiêu sư một khoản tiền để hộ tống mình lên tỉnh.
Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời đang nhô dần lên, vợ chồng lão Lý được tám người tiêu sư hộ tống, hiên ngang bước ra khỏi cửa Tây huyện thành. Chúng tôi nhìn cảnh vợ chồng Lão Lý ngồi nghiêm nghị trên cỗ xe bảo tiêu, ai nấy đều cười đau cả bụng.
Chiều hôm đó, Băng Lưu Tử gọi tôi cùng đi tới nha môn huyện. Cái gọi là nha môn huyện thực ra là một tòa nhà lớn. Mé đông giáp với miếu Thành Hoàng, mé Tây giáp với cửa hàng da thuộc. Một bên cửa hàng thuộc là nha huyện, bên còn lại là quán trọ.
Trước cổng nha huyện có hai con sư tử đá lớn. Hai cánh cổng sơn đen, trên đóng đinh đồng. Nghe nói vào đời Thanh trước cổng nha huyện còn có một cái trống lớn. Bách tính có oan khuất gì thì cứ trực tiếp đến trước cái trống, cầm cây dùi mà gõ. Huyện lão gia ở trong nha môn nghe thấy tiếng trống phải nhanh chóng thăng đường xử án. Sau khi nhà Thanh sụp đổ thì đến thời Dân Quốc. Huyện lão gia không còn được gọi là huyện lão gia nữa mà đổi thành huyện trưởng. Dù vậy huyện trưởng và thuộc cấp vẫn làm việc ở nha môn. Người trong huyện thành vẫn gọi là nha môn huyện chứ không gọi là chính phủ huyện.
Nha môn huyện không lớn. Bên trong có sân và vài gian phòng. Trước cửa mấy gian phòng đó đều có tấm biển gỗ ghi: Ban khoa học, ban xã hội, ban chính phủ, ban xây dựng, sở quản lý thuế đất. Có gian phòng trên cửa chỉ có một biển, có gian phòng trên cửa có đến mấy tấm biển.
Tôi vừa nhìn thấy cái bậc thềm cao cao của nha môn huyện thì đã thấy sợ rồi, chân cứng cả lại. Thế nhưng Băng Lưu Tử chẳng hề quan tâm. Anh ấy cứ đi lòng vòng trước cổng nha môn huyện mà không thèm liếc nhìn một cái.
Tôi khẽ hỏi Băng Lưu Tử: “Kim ấn nằm ở gian phòng nào?”
Băng Lưu Tử nói: “Tao cũng không biết nữa”
Tôi nói: “Chỗ nào trong nha môn cũng có người, không thể ra tay được, chỉ có thể đợi đến đêm”
Băng Lưu Tử nói: “Đương nhiên không thể trộm kim ấn vào ban ngày nhưng tao thấy có một vụ làm ăn có thể thực hiện được”
Tôi hỏi: “Vụ làm ăn gì?”
Băng Lưu Tử chỉ lên lầu hai của quán trọ gần đó nói: “Thấy người kia đang làm gì không?”
Tôi nói: “Là khách trọ. Người này mặc âu phục, chắc ở nơi khác đến”. Thời đó, chỉ có các công tử thiếu gia ở thành phố lớn mới mặc âu phục.
Băng Lưu Tử nói: “Mày đến trước cửa hàng đồ da xem thử”
Tôi bắt chước Băng Lưu Tử đi loanh quanh trước dãy nhà này khi đến trước cửa hàng đồ da thì liếc nhìn vào bên trong. Tôi thấy một dãy da thuộc đang được phơi khô. Nhìn vào phần hoa văn tôi đoán đó là da cáo, da dê và da báo.
Băng Lưu Tử dẫn tôi đến quán trọ, đi lên lầu hai. Anh ấy nói nhỏ với người mặc âu phục: “Anh ơi, bọn em muốn trộm mấy miếng da đang phơi ngoài sân cửa hàng da kia. Anh đừng có hô hoán nhé. Xong việc bọn em sẽ cho anh một tấm da báo”
Người mặc âu phục mặt mày tươi tỉnh. Hắn ta chỉ là người ở trọ. Người khác trộm hay không cũng chẳng liên quan gì đến hắn ta. Hắn ta thích xem náo nhiệt, hơn nữa sau khi xong việc còn được chia một tấm da báo. Một tấm da báo dù là thời nào cũng đều rất giá trị.
Người đàn ông mặc âu phục ngồi trên cao thích thú theo dõi. Hắn ta muốn xem giữa ban ngày ban mặt hai đứa chúng tôi lấy trộm đồ da của chủ cửa hàng và người làm công ngay trước mắt họ như thế nào.
Băng Lưu Tử để tôi đi vòng quanh cửa hàng đồ da và bên kia đường để thu hút ánh mắt của người đàn ông mặc âu phục. Anh ấy bỏ đi nhưng không biết là đi đâu.
Tôi lúc thì xuất hiện sau gốc cây hòe lớn, lúc thì xuất hiện sau bức tường đổ, lúc thì xuất hiện trước cửa hàng da. Tôi liếc mắt thấy người mặc âu phục vẫn thích thú quan sát tôi từ trên cao.
Lát sau Băng Lưu Tử đột nhiên xuất hiện. Anh ấy nói: “Chúng mình về thôi”
Tôi đi theo Băng Lưu Tử đi một mạch về dưới tường thành. Băng Lưu Tử nhìn quanh không thấy có ai liền lấy từ trong túi ra một cái ví da, bên trong là một tập ngân phiếu dày cộp.
Tôi hỏi: “Ở đâu ra thế?”
Băng Lưu Tử nói: “Từ chỗ người mặc âu phục đấy”
Tôi hỏi: “Không phải chúng mình đi trộm da thuộc sao? Sao lại trộm đồ của người ta?”
Băng Lưu Tử nói: “Đến cái này mày cũng không hiểu. Đây là một chiêu đơn giản nhất của nghề chúng ta gọi là Di Hoa Tiếp Mộc.