Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2384 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 122
Gậy xanh Cái Bang
Dấu chân này có các đường hoa văn song song với nhau. Chính những kẻ sát hạt ngạch cát đã đi loại giày có hoa văn ở phần đế như thế này.
Người thảo nguyên đi giày cao cổ, làm bằng vải bố. Phần đế không có hoa văn. Loại có hoa văn chỉ có thể là giày da. Thời đó, những người thuộc tầng lớp bình dân không có đủ tiền để mua giày da.
Kẻ sát hại ngạch cát nhất định là mấy tên đi giày da đến từ nơi khác kia.
Thế nhưng, ngạch cát đối xử với mọi người rất hiền hòa, tử tế, làm sao có thể đắc tội với bọn chúng chứ? Vì sao mấy kẻ xa lạ này nỡ lòng ra tay sát hại một bà lão tốt bụng?
Bọn chúng là ai?
Những tưởng sau khi tìm được sư tổ và đại toản thạch, mọi nguyện vọng đều thành hiện thực, chúng tôi có thể trở về thảo nguyên sống cùng ngạch cát. Hằng ngày, khi những tia nắng ban mai đầu tiên chiếu lên ngôi lều, tôi sẽ lùa đàn ngựa và bầy cừu ra đồng cỏ. Yến Tử sẽ theo chân ngạch cát đi vắt sữa.
Những tưởng sau khi sinh một bầy nhóc tì đủ trai lẫn gái, chúng tôi sẽ chuyển đến mục trường khác, bọn trẻ và ngạch cát sẽ ngồi trên một cỗ xe lớn, cười đùa suốt quãng đường từ mục trường mùa đông đến mục trường mùa hè, rồi lại từ mục trường mùa hè trở về mục trường mùa đông.
Những tưởng chúng tôi sẽ đưa bọn trẻ và ngạch cát đến quan nội chơi, cùng nhau ngắm nhìn Vạn Lý Trường Thành đã bị bào mòn bởi cát bụi và thời gian, cùng nhau ngắm nhìn Thái Hàng Bát Hình thấm đẫm lịch sử và con đường Tần Lĩnh cổ đạo quanh co, hiểm trở. Nhưng cát ngạch đã đi xa rồi, đột ngột rời xa chúng tôi rồi. Tất cả dự định đều đã biến thành điều huyễn tưởng.
*Thái Hàng Bát Hình: Thái Hàng tức Thái Hàng Sơn, là dãy núi nằm giữa đồng bằng Hà Bắc và cao nguyên Sơn Tây, trải dài 400 km từ đông bắc đến tây nam. Bát Hình là tám chỗ đứt đoạn của dãy núi, tạo thành tám thông đạo chạy cắt ngang Thái Hàng Sơn. Tên gọi lần lượt là Quân Đô Hình, Bồ Âm Hình, Phi Hồ Hình, Tỉnh Hình, Phũ Khẩu Hình, Bạch Hình, Thái Hàng Hình, Chỉ Quan Hình.
Chúng tôi đào một cái hố sâu và an táng ngạch cát ngay gần ngôi lều của bà.
Tôi rút trường đao, chặt đứt một cây cột gỗ cháy đen và thề với trời: “Thù này không báo được thì sẽ như cây gỗ này”
Dưới ánh chiều bàng bạc, chúng tôi dắt ngựa lẻ loi độc hành trên thảo nguyên. Chúng tôi không biết phải đi đâu. Trên cao sao trời dày đặc, nhưng không có ngôi sao nào chỉ hướng cho chúng tôi.
Chúng tôi đã đi được vài ngày. Có lúc có đường đi, có lúc không có đường đi. Ngay cả khi có một con đường thì nó cũng chỉ là vết hằn của bánh xe lặc lặc. Mấy trăm, mấy nghìn năm nay, xe lặc lặc đã chở những mục dân và tài sản của họ từ mục trường mùa đông đến mục trường mùa hè và ngược lại. Thông thường, mục trường mùa đông và mùa hè đều ở nơi cố định, khoảng cách giữa hai địa điểm này không quá một trăm dặm. Con đường này là con đường mà tổ tiên nhiều đời của mục dân dùng để di chuyển giữa các mục trường. Thực ra theo cách nhìn của quan nội, nó không thể gọi là đường, bởi ngoại trừ hai vệt bánh xe màu trắng kéo dài không có cây cỏ ra thì những nơi còn lại, kể cả phần giữa hai vệt bánh xe đều bị cỏ dại che phủ.
Chúng tôi phải đi rất xa rất xa mới gặp được một căn lều Mông Cổ. Người thảo nguyên rất hiếu khách. Chỉ cần chúng tôi bước vào bất kỳ ngôi lều nào cũng đều được họ đối xử như thượng khách. Trà bơ, sữa ngựa, sữa chua, bơ… muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Họ sẽ không vui nếu bạn ăn ít vì không thích đồ ăn của họ
Mấy ngày sau, chúng tôi đến một ngôi làng có tên là Ô Đằng Tề. Ngôi làng này vừa có người chết, đã thu hút một đám ăn mày đến đây. Ở địa phương này người ta không gọi ăn mày là ăn mày mà gọi là kền kền. Tôi nghĩ có thể là vì kền kền thích ăn thịt thối, nơi nào có xác chết, kền kền sẽ lập tức bay tới. Còn trên thảo nguyên tái bắc này, nơi nào có người chết, thì đám ăn mày sẽ chạy đến nhanh nhất.
Có người chết tức là đám ăn mày có việc để làm rồi.
Trong đám ăn mày có một người đàn ông trung niên với vết bớt dài trên mặt. Nhìn tướng mạo có vẻ hiền lành nên tôi bước lại gần bắt chuyện. Tôi hỏi bằng ám ngữ giang hồ: “Tôi là hồng hạng, huynh trưởng là hạng nào?”
Anh ta ngẩng đầu nhìn, thấy tôi không giống kẻ gian, mới trả lời: “Bạch hạng, huynh đệ người đâu ta?”
Tôi nói: “Quan nội Tấn Bắc”
Anh ta nói: “Thế thì thật không dễ dàng gì. Đường sá xa xôi thế cơ mà. Ở địa phương này bất kể hồng hạng hay bạch hạng đều không ăn thua nữa rồi. Mọi người đến đây để làm khôi oa”
Tôi nói: “Khôi oa à, cho tôi theo với”
Anh ta nói: “Được vậy thì tốt quá”
Ăn mày trong giang hồ chia làm nhiều loại. Tỷ dụ, theo cách xin ăn có thể chia làm đông hạng, tây hạng, hồng hạng, bạch hạng.
Trước hết nói về hồng hạng và bạch hạng. Hồng hạng chỉ những kẻ chặn đường xin đểu. Nếu bạn không cho hắn tiền, hắn sẽ giữ chân bạn hoặc lấy gạch tự đập đầu mình. Bạch hạng thì nhẹ nhàng hơn hồng hạng. Bọn chúng sẽ quỳ dưới đất, khóc lóc kêu than, làm mủi lòng người. Kiểu ăn xin này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Tiếp theo là đông hạng và tây hạng. Tôi không biết trước đây đông hạng và tây hạng ăn xin thế nào nhưng hiện tại thì tôi biết rất rõ. Đông hạng sẽ ngồi một chỗ, trước mặt đặt một tấm biển, trên đó viết rằng quê nhà gặp nạn lũ lụt, không đủ tiền đến trường học hoặc bị trộm sạch tiền trong lúc đi du lịch, sau đó chờ người ta đến cho tiền. Tây hạng thì đi lang thang trên đường, tay gõ phách tre, đứng trước nhà hàng cửa tiệm của bạn chờ bạn cho tiền. Bạn sợ chúng nó làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, sẽ cho chúng nó ít tiền để tống khứ đi chỗ khác.
Đông hạng và tây hạng đều là ám ngữ giang hồ, khôi oa cũng là ám ngữ giang hồ.
Cái Bang có rất nhiều kẻ làm những nghề đặc thù. Tỷ như thái sinh chiết cát làm thổ phỉ. Khôi oa làm nhân viên mai táng. Bối đại khuông (vác sọt lớn) thì làm trộm cướp… Nghề ăn mày rất là sâu rộng.
Như tôi đã kể trước đó, tên có giọng nói kim loại và tên có thân hình cao lớn đều là thái sinh chiết cát. Khôi oa là những kẻ chuyên tìm đến đám cưới, đám tang để xin tiền. Ngày thường bọn chúng là ăn mày, nhưng đến lúc đó bọn chúng không còn là ăn mày nữa mà đã biến thành người phụ việc. Chủ nhà thấy bọn chúng lăng xăng giúp đỡ, cuối cùng sẽ cho một ít tiền công lao động vất vả. Giống như đám ăn mày xuất hiện ở Làng Ô Đằng Tề bữa nay, tất cả đều là khôi oa.
Bối đại khuông là những kẻ hành nghề như sau. Bình thường bọn chúng sẽ vác một con rùa to trên vai, đi dọc đường rao bán. Bạn muốn ăn thịt rùa, bọn chúng sẽ mang đến tận nhà, đập mai rùa và xẻ thịt. Giết rùa là công việc cần đến tay nghề. Bọn chúng phục vụ rất chu đáo. Nếu trong nhà không còn ai bọn chúng sẽ đánh cướp. Nếu như nhà có người, ban đêm chúng sẽ đến trộm cắp.
Hiện tại thái sinh chiết cát vẫn còn hoạt động, khôi oa thì trở thành đội khóc thuê chuyên nghiệp cho các đám tang, bối đại khuông không còn vác rùa đi bán mà đã đổi qua nghề tiếp thị tận nhà.
Người quá cố cưỡi ngựa trong lúc say rượu nên mới ngã xuống đất đập đầu trúng hòn đá dẫn đến vong mạng. Dân gian xem đó là cái chết bất đắc kỳ tử. Những người chết dạng này, không được mang xác vào làng.
Thi thể người chết được quàn trong một ngôi miếu thổ địa bên ngoài làng, mặt phủ khăn trắng, người đắp khăn trải giường. Dân làng đồn đại trong miếu thổ địa có ma, vì vậy mà ban đêm không người nào dám đến thủ linh. Công việc này lại rơi lên đầu khôi oa.
Do khôi oa phải thủ linh vào ban đêm, chủ nhà đã mang rượu thịt đến miếu thổ địa thết đãi. Sau khi đánh chén đã đời, đám khôi oa cũng ngà ngà say. Bọn họ để người thật thà có vết bớt ở lại phụ trách công việc, còn đâu chui hết vào lều mông cổ làm một giấc.
Sau khi thu xếp chỗ nghỉ cho Yến Tử trong làng, tôi cũng đến miếu thổ địa để thủ linh cùng người có vết bớt.
Măc dù đang là mùa hè, thảo nguyên không còn lạnh nữa nhưng muỗi giãi thì hoành hành ngang ngược. Nơi nào có đầm vũng trũng thấp, cây cối rậm rạp, chúng nó sẽ sinh sôi, phát triển mạnh mẽ. Vào đêm mùa hè ở thảo nguyên, chúng nó sẽ bay luẩn quẩn, tụ lại một chỗ như những đám mây đen. Nếu có con ngựa nào mất tích vào ban đêm, ngày hôm sau sẽ thấy nó nằm gục dưới đất. Không phải vì nó bị muỗi hút cạn máu mà vì toàn thân ngứa ngáy không chịu nổi phải chạy như điên, cuối cùng kiệt sức đến chết.
Chỉ có một cách để đối phó với muỗi, đó là đốt ngải cứu. Ngải cứu là loại thực vật có mùi hương kỳ lạ. Sau khi đốt, khói sẽ tỏa ra cuồn cuộn, muỗi ngửi được mùi này liền hoảng hốt tháo chạy. Thời đó, ban đêm mọi người thường ngủ ngoài trời cho mát, nhất định bên cạnh sẽ đốt một đống ngải cứu.
Sau khi chúng tôi đốt một đống ngải cứu trước cửa miếu thổ địa thì bước vào bên trong.
Tôi hỏi vết bớt: “Anh có phải người của Cái Bang không?”
Anh ấy gật đầu.
Tôi hỏi: “Bang chủ là ai thế?”
Anh ấy nói: “Mọi người đều gọi là Mạch bang chủ, có người còn gọi là gậy xanh nhưng không ai biết tên ông ấy là gì?”
Tôi hỏi: “Mạch bang chủ là người thế nào? Anh gặp lão nhân gia bao giờ chưa?”
Anh nói: “Từng gặp rồi. Mạch bang chủ không cao, dáng người gầy guộc, một bên chân bị tật, nói giọng quan nội”
Tôi nghe anh ấy nói vậy thì vừa kinh ngạc vừa vui sướng. Sư tổ bị què một chân, thân hình không cao, vóc người gầy nhỏ, nói giọng quan nội. Vị mạch bang chủ này chắc chắn là sư tổ rồi.
Tôi vui mừng nhìn quanh quất khắp nơi trong miếu thổ địa, bụng nghĩ ngày mai sẽ báo tin này cho Yến Tử, chắc là cô ấy cũng sẽ vui mừng như tôi. Đột nhiên, nụ cười trên khuôn mặt của tôi tắt ngúm. Tôi đã trông thấy một chuyện vô cùng đáng ợ.
Người chết dưới tấm vải trắng kia đang co rút thân mình.
Tôi kinh hãi, chỉ tay về phía xác chết, nói với vết bớt: “Anh nhìn kìa, nhìn xem kìa”
Anh ấy còn ngây ngô hỏi: “Nhìn cái gì thế?”, sau đó nhìn theo ngón tay của tôi, thấy xác chết nằm trên ván gỗ bỗng nhiên động đậy. Anh ấy hét lên một tiếng, vừa lăn vừa bò ra khỏi miếu thổ địa. Tôi cũng không nghĩ nhiều, chạy theo anh ấy ra bên ngoài. Ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy mặt trăng nhờn nhợt, trắng bệch, chẳng khác gì khuôn mặt của người chết. Những ngọn núi phía xa nhấp nhô giống như vô số mồ mả. Dưới ánh trăng, tôi thấy cả người vết bớt đang run lẩy bẩy, vầng trán lấm tấm mồ hôi.
Chúng tôi vừa mới trấn tĩnh lại, đột nhiên chân vết bớt bị vấp một cái, ngã luôn xuống đất, đến khi đứng dậy thì thấy một người đang nằm trên mặt đất, trên đầu máu thịt lẫn lộn, hai mắt trợn tròn, trông thật khủng khiếp. Vết bớt hét toáng lên, lại chạy về phía trước. Tôi là người của phái Giang Tướng, mặc dù không tin chuyện ma quỷ nhưng bỗng nhiên nhìn thấy xác chết thì cũng hoảng lên.
Sau khi chạy được hơn chục trượng, chúng tôi trốn vào bụi cỏ, lén nhìn vào miếu thổ địa để xem có con ma nào đuổi theo không. Thế nhưng, ánh trăng chiếu lên những bậc thềm bằng đá xanh trước miếu làm chúng sáng bóng như gương, không thấy có bóng hình nào. Chúng tôi lại quan sát nơi đặt thi thể, cũng không phát hiện có gì bất thường.