Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2043 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 63
Lại thêm trò bịp nữa
Hai chuyện tiếp theo khiến tôi cảm thấy rất kỳ lạ.
Sau khi phi vụ thứ hai thành công không bao lâu. Đâu chừng mười ngày sau, Thuận Oa giới thiệu một người đàn ông trung niên có nước da trắng trẻo cho tôi và bảo tôi đưa ông ấy đến làng Hậu Lý. Làng Hậu Lý nằm tuốt trong khu vực rừng già phía đông huyện thành. Thuận Oa không nói làng đó có gì, ai sẽ tiếp ứng cho tôi. Anh ấy chỉ nói đi ra cửa Đông thành rồi đi về hướng Đông, tới một ngã ba thì đi theo con đường nhỏ vào đến tận trong khu vực núi sâu rừng già, khi nào không còn đường đi nữa thì đó là làng Hậu Lý.
Sáng sớm hôm đó, tôi cùng người đàn ông trung niên lên đường. Người đàn ông này rất hoạt ngôn. Ông ấy nghe giọng của tôi không phải người địa phương này thì hỏi nhà tôi ở đâu. Tôi nói mình cũng không biết nhà ở đâu nữa vì bị người ta bắt cóc khi còn rất nhỏ. Tôi đã tự mình trốn thoát rồi lưu lạc đến đây. Người đàn ông trung niên mắng chửi bọn buôn người thậm tệ. Ông ấy nói nhà mình ở Giang Nam, đến đây thăm người họ hàng. Nghe bảo ở đây có rất nhiều đồ cổ nên tính mua vài món đem về nhà.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên gần gũi hơn. Tôi gọi ông ấy là chú. Ông ấy nói đừng gọi ông ấy là chú, cứ gọi anh Châu là được rồi.
Tôi thầm nghĩ. Anh Châu là người tốt, lần này nhất định phải giúp anh ấy mua được hàng thật, tuyệt đối không để anh ấy mua phải hàng giả. Tôi không biết ngôi làng Hậu Lý nằm nơi thâm sơn cùng cốc này có gì. Nhưng đã ở nơi xa xôi, cách biệt với thế giới thì có lẽ ở đó có một ít hàng thật. Nghe nói ở những địa phương như thế này, hũ muối, hũ giấm nhiều nhà sử dụng cũng là đồ sứ đời Tống, cái tủ đặt ở góc tường cũng là đồ gỗ đỏ đời nhà Minh.
Chúng tôi đến ngã ba thứ nhất, đi men theo một con đường nhỏ hẹp chừng bốn năm dặm thì thấy một cái chợ. Chợ không có nhiều khách lắm. Người bán còn đông hơn người mua. Có thể là chợ vẫn chưa mở cửa. Người dưới quê muốn đi chợ, đều ăn sáng ở nhà trước rồi mới đi. Như thế có thể tiết kiệm được một bữa ăn. Đến bữa cơm trưa thì quay về. Ở quê chỉ ăn hai bữa. Hai bữa ăn này cách nhau sáu tiếng. Nói chung sáu tiếng là đủ để đi chợ và về nhà.
Chúng tôi đi xuyên qua khu chợ thẳng về trước mấy chục mét. Chúng tôi thấy bên đường có một cây dương, một người đàn ông đang ngồi xếp bằng dưới gốc cây, trên tay ôm một đứa bé, trước mặt trải một tấm vải hoa. Trên tấm vải đặt mấy món đồ cổ lặt vặt như bộ ấm chén pha trà, bình rượu. Bình rượu và bộ ấm chén đã kết một lớp cáu dày. Người đàn ông vẻ mặt rầu rĩ, đứa bé nằm yên trong lòng giống như đang ngủ say.
Anh Châu vừa nhìn thấy số đồ cổ này thì không khỏi động lòng. Anh cầm lên ngắm nghía sau đó lại đặt xuống. Có thể là anh ấy không phân biệt được thật giả. Tôi lại chẳng biết gì về đồ cổ nên không giúp được anh ấy.
Ngay lúc chúng tôi chuẩn bị rời đi thì một người phụ nữ chạy từ bên kia đường tới. Đầu tóc chị ta rối bù, mặc một cái áo đối khâm rộng, trông như một phụ nữ quê mùa khờ khạo ở những ngôi làng hẻo lánh. Chị ta hét lên với người đàn ông ngồi dưới đất: “Mau lên nào, ba sắp không xong rồi. Phải đưa đến thầy lang gấp”. Người đàn ông ngồi dưới đất nói: “Nhà đứt bữa rồi, đến cái ăn còn không có, lấy đâu tiền đưa ba đi khám bệnh. Để tôi bán hết số bảo bối của nhà đi đã, mới có tiền đưa ba đi”
Ông ta vừa dứt lời thì một ông lão bước từ trong chợ tới. Ông lão dừng lại trước mặt chúng tôi và hỏi: “Nhà cậu ở đâu?”
Người đàn ông nói: “Từ Gia Trang”
“Từ Gia Trang ở đâu?”
“Ngay phía trước, cách đây hai ba dặm”
“Ba cậu tên gì?”
“Từ Lão Quái”
“Từ Lão Quái là biệt hiệu của ba cậu. Tên thật của ông ấy là Từ Gia Cát phải không? Trước mặt chưởng bối nói tên ba mình không có gì bất kính. Ba cậu là công tử nhà giàu, gia sản vạn ức. Đã có chuyện gì vậy?”
“Ba tôi hút thuốc phiện, hút sạch cả gia sản rồi. Bây giờ lại mắc bệnh nặng, không có tiền chạy chữa nên tôi phải bán đồ cổ ông bà để lại”
Ông lão không hỏi nữa. Ông ta cầm từng món một, giơ lên trước mặt trời quan sát, rồi đưa lên mũi ngửi ngửi. Ông lão nói: “Đều là đồ thật. Anh bán giá bao nhiêu?”
Người đàn ông nói: “Nếu không phải đang cần tiền gấp, tôi cũng không bán đâu. Ông cứ đưa hai trăm đồng Đại Dương là được rồi”
Ông ta vừa nói xong thì một thiếu niên khác lại chạy đến nói: “Anh ơi, nhanh lên nào. Ba sắp không xong rồi”
Ông lão nói: “Bớt chút đi. Tôi là người hiểu giá thị trường. Ba mươi đồng Đại Dương thì sao?”
Người đàn ông đứng lên, nói: “Được rồi, ba mươi thì ba mươi”
Sau khi đưa cho người đàn ông ba mươi đồng Đại Dương, ông già liền rời đi. Người đàn ông thu dọn tấm vải hoa trên mặt đất, giao đứa trẻ trong tay cho người phụ nữ, phủi bụi bám trên mông rồi quay người đi.
Mắt thấy con vịt đã luộc chín rơi vào miệng người khác, anh Châu không phục bèn đuổi theo ông lão và nói: “Cái ông già này. Làm gì có chuyện cướp mối làm ăn trong tay người khác như thế?”
Ông già nói: “Làm ăn buôn bán ai trả tiền trước thì hàng thuộc về người ấy. Người anh em đừng giận. Nhà Từ Lão Quái từng là một hộ giàu có trong vòng trăm dặm quanh đây. Trong nhà nhất định còn nhiều bảo bối nữa. Cậu thử đến nhà ông ta xem còn không”
Anh Châu dẫn tôi quay lại đuổi theo người đàn ông kia. Người đàn ông bực bội nói: “Anh theo tôi làm gì? Nhà tôi còn có người ốm bệnh. Vừa rồi anh cứ lừng khà lừng khừng, để người ta mua mất. Còn trách gì tôi”
Anh Châu vẻ mặt hòa nhã, nói: “Trong nhà anh còn đồ cổ không?”
Người đàn ông nói: "Còn thì vẫn còn nhưng là một món lớn”
Anh Châu cực kỳ cao hứng, nếu là món lớn thì càng có giá hơn.
Chúng tôi đến Từ Gia Trang. Từ Gia Trang là một ngôi làng nhỏ chỉ có hơn chục hộ nhưng cổng nhà Từ Lão Quái rất cao. Muốn lên đến cổng trước hết phải bước lên những bậc thềm đá xanh khá cao, sau đó bước qua một cái ngạch cổng cao hơn một thước mới vào đến sân. Trong sân có bình phong, hai bên trái phải là sương phòng. Bên trên sương phòng là tú lâu. Đó là những gian phòng mà ngày xưa chỉ có các tiểu thư mới được ở. Đối diện với bình phong là đại sảnh, là nơi đón tiếp khách khứa đến thăm nhà. Bên cạnh đại sảnh là hành lang, đi hết hành lang là tới hậu viện. Hậu viện là nơi ở của người làm thuê và người hầu. Tất cả phòng ốc đều làm từ gỗ. Khi đến ngôi nhà này tôi chợt nhớ đến Thúy Nhi. Năm đó, sau khi tôi và Thúy Nhi rời gánh xiếc đã ở trong một ngôi nhà như thế này mấy ngày. Thúy Nhi nói chị ấy muốn tôi làm người đàn ông của chị ấy. Chúng tôi sẽ cùng về lại ngôi nhà đó, sống với bà cụ mãi mãi. Thế nhưng bây giờ Thúy Nhi đang ở đâu?”
Lòng tôi chợt nhói đau.
Một ông già có khuôn mặt hốc hác, toàn thân run rẩy đang nằm trong đại sảnh. Đó chính là người cha ốm bệnh của người đàn ông, Từ Lão Quái. Anh Châu và tôi trông thấy Từ Lão Quái thì thấy thương xót. Người đàn ông mở tủ, lấy ra một cái bao vải và mở nó ra. Bên trong bao vải là mấy bộ quần áo. Người đàn ông bỏ đống quần áo đi, làm lộ ra một bức tượng Bồ Tát. Người đàn ông cẩn thận giao bức tượng Bồ Tát vào tay anh Châu.
Anh Châu thấy bức tượng Bồ Tát này nặng trình trịch, liền hỏi: “Bức tượng này làm bằng gì thế?”
Người đàn ông nói: “Tôi cũng không biết”
Anh Châu lộ vẻ vui mừng. Anh ấy tin người đàn ông này là một nông dân chân chất, an phận thủ thường, mọi lời ông ta nói đều là thật.
Đúng lúc này, Từ Lão Quái đang nằm trên giường chợt lên tiếng. Dường như ông ấy đã dốc hết khí lực toàn thân để nói: “Không được bán, không được bán. Đó là tượng vàng Bồ Tát tổ tiên truyền lại để phù trợ cho gia đình bình an.
Người đàn ông đột nhiên nổi cáu nói với Từ Lão Quái. Ông ta lớn tiếng: “Cái này không được bán, cái kia không được bán. Con lấy tiền đâu chữa bệnh cho ba?”
Từ Lão Quái thở hổn hển, nói: “Cứ để tao chết đi. Không được bán Bồ Tát”. Nói xong thì ông ấy cũng nằm đơ ra, hơi thở mỏng như sợi tơ.
Người đàn ông kéo anh Châu ra phía ngoài sảnh, nói nhỏ: “Anh đưa tiền cho tôi, rồi mang đi ngay. Đừng để ba tôi thấy”
Anh Châu nói: “Một trăm đồng bạc”
Người đàn ông nói: “Thế thì ít quá. Thứ tôi cần là tiền cứu mạng. Đây là bảo vật của tổ tiên. Cứ xem như anh phát tâm làm việc thiện. Thêm tí nữa đi”
Anh Châu nói: “Thêm cho anh năm đồng nữa. Đây là toàn bộ số tiền tôi có. Ngay cả tiền lộ phí tôi cũng hết rồi”
Người đàn ông dường như đã hạ quyết tâm, nghiến răng nói: “Được rồi, bán cho anh đấy”
Chỉ mất một trăm lẻ năm đồng Đại Dương đã mua được một bức tượng Bồ Tát bằng vàng nặng trình trịch. Anh Châu thấy vụ giao dịch này hời quá. Anh ấy không đến làng Hậu Lý nữa. Thực ra anh ấy cũng không còn tiền để mua đồ cổ nữa. Hai người chúng tôi trở về huyện thành.
Chiều hôm đó, anh Châu vui vẻ rời huyện thành về lại Giang Nam.
Buổi tối, Thuận Oa hỏi tôi những việc đã trải qua trong ngày. Tôi kể lại toàn bộ những gì mình đã gặp khi đi cùng anh Châu cho Thuận Oa nghe. Thuận Oa nổi giận đùng đùng, trách mắng tôi: “Con mẹ nó mày ngu như lợn ấy. Lại để người ta gạt rồi. Ngày mai đừng có ăn cơm nữa”
Đêm hôm đó, tôi ngủ rất muộn, trong lòng cứ luẩn quẩn với câu hỏi: “Lần trước đưa hai ông già mập ốm đến Chu Gia Khẩu đã bị một đám trộm mộ chặn đầu. Lần này đưa anh Châu đi làng Hậu Lý cũng bị cả nhà Từ lão quái chặn đầu. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?