Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2272 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ

Chương 41

Có cây thì có làng

Nhị sư thúc nói: “Bổ khoái có cách liên lạc riêng của mình. Bọn họ đến đâu cũng đều báo tin cho người của mình hoặc đổi ngựa để tiếp tục truy đuổi hoặc đi đường vòng chặn đầu. Hai kẻ này đuổi theo liên tục, ngựa không dừng vó, hiển nhiên là không có liên quan gì đến ưng trảo tôn. Chúng nó là người của Thiên Vương Trại”
Ồ, cuối cùng tôi cũng hiểu. Nếu không phải người của Thiên Vương Trại thì chúng nó sẽ không liều mạng truy đuổi như thế và người phụ nữ cũng không phải liều mạng chạy trốn như thế.
Nhị sư thúc lại nói: “Cũng không đúng lắm, cũng không đúng lắm”
Tôi nói: “Chỗ nào không đúng?”
Nhị sư thúc nói: “Con hươu chạy phía trước, con sói đuổi phía sau, con báo đuổi theo con sói. Ba con đều bị dồn vào ngõ cụt. Con hươu thì khỏi cần nói, dù có bị sói hay báo ăn thịt thì đều cùng một kết cục. Sói thì khác, sói vẫn muốn sống. Con nói thử xem sói sẽ phải làm gì?”
Tôi ngẫm nghĩ rồi lắc đầu.   
Nhị sư thúc nói: “Sói sẽ bắt tay với hươu, quay lưng vào góc tường, chống trả đến cùng. Như vậy thì cả hai mới có cơ hội sống”
Tôi nói: “Ý sư thúc là Thần Hành Thái Bảo và người phụ nữ đó đã liên thủ đối phó hai người đuổi theo”
Nhị sư thúc nói: “Đúng là như thế, ả kia và Thần Hành Thái Bảo đã bỏ trốn cùng nhau. Nếu hai người họ vẫn còn ngờ vực, đề phòng nhau thì đã bị hai người truy đuổi bắt được từ lâu rồi. Con nghĩ kỹ mà xem, dọc đường đi phải băng  qua nơi hoang dã, qua bức tường đổ, trượt xuống khe sâu, rồi để lại dấu hiệu ở trước cửa hang, những kế thảo xà khôi tuyến, kim thiền thoát xác này chỉ có người giang hồ lão luyện mới biết. Nếu như ả kia chạy phía trước, Thần Hành Thái Bảo đuổi theo sau thì làm sao ả ta có thể đưa tất cả đi vào đường cùng mà vẫn thoát ra được chứ. Suốt quãng đường chạy trốn bọn họ đã đổi đường đi nhiều lần, điều đó cho thấy họ đã rơi vào tình thế hung hiểm nghìn cân treo sợi tóc, sắp bị bắt kịp nên mới phải làm thế. Hơn nữa mỗi lúc nguy cấp đều xoay chuyển được cục diện. Cho nên ban đầu là một người đuổi theo một người, hai người đuổi theo một người rồi sau này tình thế bắt buộc biến thành hai người đuổi theo hai người, hai người đi trước đã kết thành liên minh”
Tôi nghĩ đúng là thế rồi. Tình hình lúc đó rất nguy cấp, chỉ hơi chần chừ là sẽ bị hai kẻ kia đuổi kịp vì thế hai người họ mới bắt tay nhau đối phó hai kẻ đang đuổi theo sau. 
Nhị sư thúc nói: “Lên núi tìm hai người họ”
Chúng tôi leo lên đỉnh núi bằng cả tay và chân. Đỉnh núi nằm ở phía bên kia khe núi. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống tôi không thấy hai con ngựa của mình đâu nữa. Tôi nói: “Ngựa chúng ta đâu mất rồi, làm sao mà về được đây?”
Nhị sư thúc giận dữ nói: “Cái gì mà quay về chứ? Thằng nhóc này thật không biết giang hồ nông sâu thế nào, sống nhờ dao kiếm mà còn nghĩ đến đường quay về sao?”
Tôi có cảm giác mình không phải đang ăn bát cơm nghề này. Suốt chặng đường toàn bị nhị sư thúc la mắng. Mà thôi, những người làm nghề tướng số đều là những người có năng khiếu trời cho. Sau này trở về tôi lại đi dây hoặc khắc ấn chương là được rồi.
Những người làm nghề tướng số chúng tôi tin rằng tội nằm ở nhất, không phải nằm ở tướng. Tướng tức là chỉ người đi lừa đảo còn nhất chỉ những người bị lừa. Tướng và nhất là ám ngữ của giang hồ. Tội lỗi nằm ở những người bị lừa chứ không nằm ở những người đi lừa. Nếu những người bị lừa không tham lam thì đâu có bị lừa. Chẳng lẽ tham lam không phải là tội của bạn hay sao?
Trước khi người đồ tể giết con bò, anh ta sẽ dùng một tấm vải đen trùm lên đầu nó, miệng lẩm bẩm: “Đừng trách tao nhé, đừng trách tao nhé, hãy trách chủ mày đã bán mày cho tao. Tao là đổ tể, tao không có tội, thế gian này cần có người làm nghề đồ tể. Mày cũng không có tội, cả đời mày đã vất vả còn bị người ta ăn thịt. Kẻ có tội là chủ của mày. Ông ta cần tiền nên đã bán mày cho lò mổ”. Sau đó anh ta sẽ nhấc cái búa nặng tám cân đập vào đầu nó. Con bò sẽ sụm xuống như bức tường đổ.
Người đồ tể chính là thầy tướng số. Trên đời này người làm nghề đồ tể không có nhiều, người làm nghề tướng số thì càng ít. Làm nghề đồ tể cần có điều kiện đó là lòng dạ phải sắt đá, người xem tướng số cũng cần có điều kiện đó là phải đặc biệt thông minh. 
Tôi không thông minh, tôi không làm được thầy tướng số, tôi chỉ có thể làm người bị lừa. 
Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy rất nhiều vạt rừng, một số lớn, một số nhỏ, một số rậm rạp, một số thưa thớt. Tôi biết ở đâu có nhiều cây cối thì ở đó sẽ có làng mạc.
Con người cũng giống như loài thỏ khi sống trong tự nhiên phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau. Chung quanh nơi thỏ sinh sống phải có cỏ dại rậm rạp để che khuất tầm nhìn của chim ưng và lang sói. 
Con người cũng như vậy, chung quanh thôn làng nhất định phải có rừng cây rậm rạp để che khuất tầm nhìn của hổ, sói và chim ưng. Làng nào người ta cũng nuôi gà nuôi vịt mà chúng lại là món khoái khẩu của đám chim ưng. Nơi nào có người ở thường sẽ nuôi cừu mà một con chim ưng có thể hình to lớn có thể bắt được cừu con.
Nhưng chẳng lẽ vạt rừng nào cũng có người ở hết? Nếu Thần Hành Thái Bảo và cô ả kia muốn lẩn trốn thì sẽ trốn ở ngôi làng nào đây?
Nhị sư thúc chỉ tay vào một vạt rừng nhỏ và nói: “Bọn họ ở đó”
Tôi hỏi: “Vì sao họ ở đó?”
Nhị sư thúc nói: “Bởi vì ở có cây hương xuân”
Tôi hỏi: “Vì sao chỗ nào có cây hương xuân thì nhất định có người ở”
Nhị sư thúc nói: “Đây là một truyền thuyết xa xưa. Hồi xưa khi Quang Vũ hoàng đế Lưu Tú chạy nạn mới trốn vào một khu rừng, lúc đó ông ta vẫn chưa lên ngôi hoàng đế. Ông ta đói khát đến mức không chịu nổi liền trèo lên một cây dâu, ông thấy có trái dâu bèn ăn thật no. Không ngờ ăn xong thì không còn thấy đói nữa cũng hết cả khát. Sau khi truy binh bỏ đi, ông ta nhảy xuống dưới vái lạy cái cây và nói: “Nếu sau này ta có được giang sơn sẽ phong cho ngươi làm vua của các loài cây”. Sau này Lưu Tú giành được giang sơn quả nhiên đã phong cho cây này làm vua. Bởi vì lúc đó đang là mùa đông, cây cối rụng hết lá nên Lưu Tú tưởng cây Hương Xuân là cây dâu nên mới phong làm vua của các loài cây. Sau này mỗi khi xây nhà cửa người ta đều trồng cây hương xuân trước và sau sân nhà.
Thì ra là như vậy. Muốn lăn lộn trong giang hồ cần có kiến thức sâu rộng mà tôi chỉ như tờ giấy trắng, sau này đi lại giang hồ thế nào đây?
Khi chúng tôi đến vạt rừng có câu hương xuân đó thì quả nhiên  có vài ngôi nhà. Trên cái cây to ở đầu làng có một ấn ký hình con dao rất rõ ràng.
Ngôi làng này không lớn, chỉ có năm sáu hộ. Nhị sư thúc vừa dẫn tôi bước vào làng thì đột nhiên kéo tôi núp sau một cây liễu.
Tôi hỏi nhỏ: “Chuyện gì vậy?”
Nhị sư thúc thì thầm: “Có gì đó không đúng”
Tôi hỏi: “Sao lại không đúng?”
Nhị sư thúc nói: “Cái làng này im ắng quá, ngay cả tiếng chó sủa cũng không có. Đống lửa trong hang vẫn còn ấm cho thấy bọn chúng mới rời đi không lâu, cũng có nghĩa là thời gian chúng ở làng này rất ngắn. Nhưng vì sao không có tiếng chó sủa, cũng không có tiếng người nói chuyện?”
Tôi hỏi: “Giờ phải làm sao?”
Nhị sư thúc nói: “Sẽ có hai tình huống, một là trong làng không có ai, hai là trong làng có mai phục. Nhưng đầu làng có ấn ký của Thần Hành Thái Bảo thì khả năng có mai phục không lớn. Trong làng không có người ở thì cũng không đúng vì không khí rõ ràng có mùi khói bếp nấu ăn, còn có mùi phân bò phân heo nữa”
Nhị sư thúc cảnh giác như một con cáo. Đây mới thực là một tay giang hồ lão luyện. Cho dù tôi có học thêm một trăm năm nữa thì cũng không thể đạt đến trình độ này của nhị sư thúc. Thôi đành vậy. Tôi vẫn chưa muốn lội qua vũng nước đục của giang hồ này. Tôi chỉ là một con tôm nhỏ, không bao giờ có thể trở thành một con cá mập. Nếu một con tôm nhỏ cứ coi mình là con cá mập nó sẽ chết mà không hiểu tại sao mình chết. Tôi quyết định sau khi chuyện của sư phụ kết thúc tôi sẽ rời khỏi chùa Hương Dũng.
Nhị sư thúc hỏi tôi: “Biết leo cây không?”
Tôi nói: “Con biết”.
Hồi trước khi còn ở trong gánh xiếc tôi vẫn trèo cây leo cột như ăn cơm bữa, đây cũng là môn học bắt buộc của tôi.
Nhị sư thúc nhìn lên ngọn cây liễu, nói: “Lên đi, đừng gây tiếng động”
Tôi ôm chặt lấy thân cây, hai chân vừa kẹp vừa đạp mà leo lên từng đoạn một. 
Khi lên tới chạc ba, tôi ẩn mình vào sau tán cây.
Nhị sư thúc cũng leo lên. Kỹ năng leo cây của ông cũng chẳng kém tôi chút nào. Dường như những người trong giang hồ kỹ năng nào cũng phải thuần thục.
Tôi bám vào chạc cây nhìn vào trong làng thì thấy đầu bên kia làng có một người đang cầm súng chặn lối ra còn ở trong sân một ngôi nhà khác cũng có một người cầm súng đi lùng sục khắp nơi từ chuồng gà, vại nước, đống củi… Hắn vừa tìm kiếm vừa ngó nghiêng chung quanh. Một gia đình gồm một cặp vợ chồng, hai đứa con nhỏ đang đứng dưới bức tường đất. Nét mặt người nào cũng lộ vẻ sợ hãi. Trên sân có một con chó nằm thẳng cẳng, máu đã chảy ra thành một vũng lớn.
Trong tay chúng nó có súng thì chắc chắn là thổ phỉ rồi. Chúng nó chính là những tên thổ phỉ được Hắc Cốt Đầu sai đi tìm người phụ nữ kia. Chúng tôi không có súng vậy phải làm sao đây?
Không biết Thần Hành Thái Bảo có ở trong làng này không nữa. Lòng bàn tay tôi đã đầy mồ hôi.
Sau khi lục soát từng hộ gia đình một lượt, hai người cầm súng gặp nhau ở cổng làng. Họ chụm đầu bàn bạc vài câu rồi lại vác súng đuổi theo về phía trước.
Chúng tôi không có súng, Thần Hành Thái Bảo cũng không có súng. Chúng tôi chỉ là những thầy tướng số của giang hồ, không phải là đảng cướp. Đã ai thấy cảnh tể tướng tay cầm súng mình để trần xung phong lao vào trận chiến chưa? Còn bây giờ  những tể tướng không có súng lại đối đầu với đám thổ phỉ có súng, dù có làm cách nào cũng không chiếm được lợi thế.
Tôi cứ thắc mắc vì sao chúng nó có súng mà không bắn chết người phụ nữ kia? Hơn nữa sư phụ còn bắt nhị sư thúc phải đưa mụ ta đến kỹ viện, vì sao không giết luôn cho rồi?
Tôi hỏi nhị sư thúc những thắc mắc của mình.
Nhị sư thúc nói: “Đại chưởng quỹ muốn người nào sống thì không ai được phép giết, nếu không thì người đó sẽ gặp phiền phức”. Đại chưởng quỹ muốn giết người nào thì sẽ tự mình ra tay, không ai được làm thay. Ai mà làm trái thì người đó sẽ chuốc lấy phiền phức”
Ồ, ra là như vậy. Thì ra trên giang hồ đại chưởng quỹ là lợi hại nhất. Quyền lực bắt đầu từ nòng súng.

 

(Tổng: 2272 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận