Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2328 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 74
Liên thủ trộm ấn
Đội quân này là lính tân binh vừa được tuyển mộ từ Tấn Nam. Đích đến của họ là Tấn Bắc, bởi vì Tấn Bắc đang có chiến tranh. Còn như ai đánh với ai, lúc đó tôi cũng không biết nữa. Dẫu sao những năm đó cứ đánh qua đánh lại suốt. Hôm nay đánh nhau, ngày mai hòa hoãn, chưa qua nổi hai ngày lại đánh nhau tiếp.
* Tấn Nam, Tấn Bắc: chỉ nam tỉnh Sơn Tây và bắc tỉnh Sơn Tây.
Sau này tôi mới biết đây là quân lính của Diêm Lão Tây. Diêm Lão Tây có thể xem như người thông minh số một số hai trong đám quân phiệt lớn nhỏ nhiều như lông trâu thời bấy giờ. Để ngăn binh lính đào ngũ, lão ta đã đưa người từ Tấn Nam về Tấn Bắc chiến đấu và đẩy người từ Tấn Bắc về Tấn Nam chiến đấu. Như thế thì số người đào ngũ sẽ ít đi rất nhiều. Sơn Tây trước nay rất giàu có, sản xuất nhiều than đá. Để làm vua một cõi, ngăn chặn thế lực bên ngoài xâm nhập vào Sơn Tây, lão ta đã để đường ray xe lửa của Sơn Tây hẹp hơn bên ngoài một chút. Như vậy thì than của Sơn Tây không thể chở ra ngoài được, quân đội bên ngoài cũng không thể vận chuyển binh lính tới được. Diêm Lão Tây đóng cửa lại, tự làm vua của chính mình.
Thương nhân Sơn Tây đều là loại chín xu đổi lấy một hào. Diêm Lão Tây chính là một nhân vật điển hình.
Sơn Tây đồi núi nhiều, Tấn Bắc núi non còn trùng điệp hơn. Chúng tôi đi trên những ngọn núi cao vút của Sơn Tây hơn mười ngày mà vẫn chưa đến nơi. Do còn là tân binh nên mọi người chẳng được phát khẩu súng nào. Những người được phép cầm súng chính là những tay lính cũ dày dạn kinh nghiệm.
Trong hơn người ngày này, tôi và Băng Lưu Tử luôn tìm cơ hội bỏ trốn nhưng chẳng có cơ hội nào. Ban ngày thì bị binh lính hộ tống trên dưới trái phải, ban đêm họ lại thay phiên nhau canh gác, chúng tôi có chắp cánh cũng khó thoát.
Được biên chế cùng với chúng tôi còn có một thiếu niên đến từ Vận Thành. Trong toàn bộ đám tân binh chỉ có ba đứa chúng tôi là trẻ nhất. Thiếu niên này hào hứng nói tên mình là Quan Vân Vũ. Cậu ấy không ngừng giải thích với chúng tôi cậu ấy là hậu duệ của danh tướng Quan Vũ thời Tam Quốc. Quan Vũ, tự là Vân Trường. Cha cậu ấy muốn con mình trở thành người có học thức nên đặt tên cậu ấy là Quan Giá Hiên nhưng cậu ấy nuôi chí làm Quan Vũ nên đổi tên thành Quan Vân Vũ.
Trong toàn bộ đại đội tân binh, chắc chỉ có mỗi mình Quan Vân Vũ là tự nguyện đầu quân. Cậu ấy thích đập tay vào nhau khi nói chuyện. Mỗi lời nói, mỗi cái đập tay đều chứa đầy lý tưởng hào hùng xây dựng sự nghiệp. Đôi mắt cậu ấy sáng rực, cơ thể cậu ấy trào dâng nhiệt huyết. Tôi có thể nhìn thấy hình bóng của mình vài năm trước từ trên người cậu ấy. Lúc đó tôi cũng ngu ngốc, vô tri như vậy. Bây giờ tôi đã hiểu biết hơn rồi. Kiểu người này được gọi là nhị cầu. Đánh trận cần có những nhị cầu như vậy.
Sau khi tân binh đến Sóc Châu thì dừng lại. Chúng tôi được biên chế vào một lữ đoàn cảnh bị, chuyên phụ trách công tác bảo vệ Sóc Châu.
Tôi thầm nhủ. Ở lữ đoàn cảnh bị thật là tốt, có cái ăn cái uống. Công việc hàng ngày chỉ là đi ra ngoài lượn vài vòng, thấy người nào khả nghi thì chặn lại hù dọa, lấy trứng gà hoặc mấy quả lê trong giỏ của họ, nhét vào túi của mình.
Hạnh phúc lớn nhất trong đời là được sống theo cách mình muốn. Kiểu sống ăn chặn ăn đút như thế này của lữ đoàn cảnh bị chính là cuộc sống mà tôi mong muốn nhất, cho nên tôi rất vui. Tôi chỉ hận mình đã không đến lữ đoàn này sớm hơn.
Một bữa nọ, tôi thấy Quan Vân Vũ cầm một tờ giấy. Tôi hỏi cậu ấy làm gì thế. Cậu ấy đắc ý nói mình sắp đến kho quân nhu nhận súng. Tôi cầm tờ giấy xem thử, thấy trên đó có đóng con dấu “Sóc Châu cảnh bị lữ”.
Tôi hỏi: “Chỉ cần mỗi con dấu này là có thể nhận được súng à?”
Quan Vân Vũ nói: “Con dấu này còn được việc hơn cả mặt người đấy”
Tôi ghi nhớ lời này của Quan Vũ. Nếu con dấu được việc hơn cả mặt người, vậy thì khắc một con dấu đối với tôi mà nói là chuyện vô cùng dễ dàng.
Tôi tính khắc một loạt con dấu để tới kho quân nhu lấy bất cứ thứ gì mình muốn. Đem những thứ này ra bán lấy tiền còn khỏe hơn đi ăn trộm nữa.
Tôi bắt đầu lên kế hoạch thực hiện, dự tính sau này có tiền rồi sẽ đào ngũ, rời xa đội quân này đến các thành phố lớn, mua nhà lấy vợ, sống đời giàu sang.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, chúng tôi đã bị điều ra chiến trường.
Sóc Châu xưa kia là vùng biên ải. Phía Bắc Sóc Châu chính là Hung Nô và Đột Quyết. Dù là quân đội của nhà Hán hay nhà Đường đều đã từng đánh nhau với dân tộc du mục ở đây. Đến giờ này, nơi đây vẫn còn đang choảng nhau. Quân đội của Diêm Lão Tây liên tục thua trận vì thế lão ta đã gửi lữ đoàn cảnh bị bảo vệ Sóc Châu tới tham chiến. Những ngày tươi đẹp của tôi đã chấm dứt rồi, chỉ có thể ngậm ngùi theo chân lữ đoàn cảnh bị ra chiến trường.
Trái ngược với tôi, Quan Vũ Vân lại tràn đầy khát khao được ra trận. Cậu ấy tưởng tượng mình có thể giống như tổ tiên Quan Vũ, tay xách Thanh Long Yển Nguyệt Đao, quát lớn một tiếng là kẻ thù sẽ tháo chạy tán loạn. Tôi nói bây giờ người ta không còn dùng vũ khí lạnh như thời của Quan Vũ nữa. Dù Quan Vũ có sống lại, dám xách đao hò hét nhất định sẽ bị súng máy bắn cho nát người.
Quả nhiên, tôi đoán trúng phóc.
Chúng tôi đến chiến trường, tấn công vào trận địa của đối phương. Hai bên bắn nhau ì xèo, tiếng người la lối ầm ĩ. Đại đội trưởng đứng đằng sau hét lớn: “Xung phong…”. Quan Vân Vũ hô một tiếng, đứng dậy, lao ra khỏi chiến hào đầu tiên. Nhưng tiếng hô của cậu ấy còn chưa dứt thì đã bị súng máy của đối phương hạ gục. Ngực lỗ chỗ vết đạn, máu phun ra ồng ộc.
Những người khác nhìn thấy thảm trạng này của Quan Vân Vũ, không ai còn dám xông lên nữa.
Chúng tôi đã thua trận này rồi.
Ban đêm, khi quân đội đã hạ trại, tôi nói với Băng Lưu Tử: “Kiểu này vài ngày tới lại phải đánh nhau nữa. Anh em mình trốn đi thôi”
Băng Lưu Tử nói: “Chỗ nào cũng có người giám sát, trốn làm sao được.”
Tôi nói: “Em khắc một cái ấn, giả làm người đưa thư, vậy là chúng mình có thể ra ngoài rồi”
Băng Lưu Tử nói: “Cách này hay đấy”
Tôi kiếm một loại gỗ có thể khắc được ấn. Gỗ để khắc ấn thường là gỗ đỗ lê cứng nhưng ở đây không có gỗ đỗ lê. Nếu vậy thì dùng gỗ tùng cũng được. Nhưng có gỗ tùng rồi mà không có đồ nghề để bào gỗ của thợ mộc. Mà dẫu có đồ nghề và làm được con dấu thì cũng không có mực để đóng dấu. Không có mực để đóng dấu, mọi thứ cũng thành vô nghĩa.
Làm thế nào bây giờ?
Băng Lưu Tử nói: “Trộm. Trộm ấn của lữ đoàn”
Tôi nói: “Dám trộm không?”
Băng Lưu Tử nói: “Đến kim ấn của nha môn huyện chúng mình còn dám trộm nữa là ấn của lữ đoàn”
Ở hậu phương cách trận địa khoảng năm dặm, có một ngọn núi. Trên ngọn núi, có một ngôi chùa cổ. Bộ tư lệnh của lữ đoàn cảnh vệ đặt bên trong ngôi chùa này.
Chiến tranh vừa mới nổ ra, lão hòa thượng trong chùa đã trốn mất tăm. Trong chùa chỉ còn lại chính điện, trong chính điện có một gian thiền phòng. Ban ngày người của bộ tư lệnh ở trong chùa nghiên cứu tình hình chiến cuộc. Ban đêm xuống nghỉ trong nhà một hộ dân nằm ở lưng núi. Lưng núi có một ngôi làng. Bên ngoài làng có sân phơi lúa, trên sân phơi lúa có vài đống rơm. Muốn đột nhập vào chùa chỉ có thể đi vào ban đêm.
Tuy nhiên, ban đêm cổng chùa được khóa bằng một cái khóa đồng lớn, bên ngoài chùa còn có vệ binh đứng gác. Nếu chỉ dựa vào hai người chúng tôi mà muốn vượt qua đám vệ binh, mở khóa đồng vào trong chùa là việc không thể nào làm được.
Muốn vào trong chùa trước hết phải đánh lạc hướng vệ binh, sau đó đi bằng lối khác. Chẳng hạn như đào tường hoặc leo cửa sổ.
Ngôi chùa cổ này có niên đại rất lâu, tường được xây bằng những tảng đá lớn, không thể đào xuyên qua được. Chùa lại cao, không thể leo lên cửa sổ từ bên ngoài, cho dù leo tới nơi cũng không có cách nào mở được cánh cửa dày đã được cài then bên trong.
Trong mấy ngày đó, chúng tôi thường đi lòng vòng quanh chùa để tìm hiểu địa hình và bàn tính kế sách.
Chúng tôi phát hiện bên ngoài chùa có một cây cổ thụ, cành lá sum suê hướng về phía nóc chùa. Nếu không vào được chùa qua lối cổng, chúng tôi có thể đột nhập từ trên nóc chùa.
Chúng tôi quan sát và lên kế hoạch rất lâu, cuối cùng quyết định đợi đêm nào trời không có trăng, gió thổi mạnh, sẽ động thủ.
Đêm hôm đó trời tối đen như mực, gió thổi lồng lộng. Nhân lúc mọi người chung quanh đã say giấc nồng, tôi và Băng Lưu Tử khẽ trở mình dậy, lặng lẽ đi về phía chùa.
Bên ngoài khu vực lữ đoàn cảnh bị đóng quân, việc canh gác rất nghiêm ngặt, nhưng bên trong lại chẳng có ai giám sát. Chúng tôi cứ đi một mạch lên ngôi làng nằm ở lưng núi. Tôi nằm phục ở cổng làng, còn Băng Lưu Tử đi tới phía ngoài ngôi chùa.
Sau đó, Băng Lưu Tử kêu lên vài tiếng ếch nhái từ trên đỉnh núi. Đây là ám hiệu chúng tôi đã thống nhất từ trước. Tôi tìm đến sân phơi lúa, châm lửa đốt mấy đống rơm. Đêm đó gió thổi rất mạnh, đống rơm bắt lửa cháy phừng phừng, đỏ rực nửa góc trời.
Đám vệ binh trên đỉnh núi cứ tưởng làng bị cháy rồi, vội vàng chạy xuống núi dập lửa. Nếu để quan chức lữ đoàn chết cháy, bọn họ sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề vì tội thấy chết mà không cứu.
Khi vệ binh vừa xuống núi, Băng Lưu Tử lập tức trèo lên cây cổ thụ, đi trên những cành cây mọc chìa ra và nhảy lên nóc chùa. Anh ấy lật ngói lên, đập vỡ lớp vữa và tấm phên, buộc dây thừng đã chuẩn bị sẵn vào chạc cây, rồi trượt theo dây thừng vào trong chùa.
Đến đây cần phải giới thiệu sơ qua kết cấu nhà cửa thời bấy giờ. Thời đó chưa có sàn nhà, người ta dùng gỗ và gạch để xây nhà. Khi dựng phần mái, trước hết phải xếp đặt rui. Mỗi rui cách nhau hơn nửa thước đủ lọt một thân người (trộm có thể hình rất nhỏ bé, người to béo không thích hợp làm trộm). Trên rui đặt tấm phên được đan bằng lau sậy. Bình thường tấm phên được cuộn lại, lúc dùng đến mới mở ra. Mặt trên tấm phên là lớp vữa. Vữa dùng để lấp kín khe hở giữa các tấm phên. Trên lớp vữa là lớp ngói được xếp dày đặc. Vữa cũng có tác dụng giữ chặt phần ngói. Do đó, muốn đột nhập vào trong nhà chỉ cần dỡ ngói, đập vỡ lớp vữa, chọc thủng tấm phên là có thể chui người qua hai thanh rui.
Tôi chạy lên trên núi, thấy lửa dưới lưng núi càng lúc càng to. Trong ánh lửa bập bùng, có rất nhiều bóng người đang mải miết chữa cháy. Bọn họ không thể ngờ đây là kế giương đông kích tây của chúng tôi.
Trong lúc tôi còn đang đắc ý, đột nhiên có người đi đến sau lưng, kề súng vào hông tôi và hỏi: “Mày làm gì ở đây?”
Tôi quay đầu lại nhìn, thấy đó là một vệ binh thì sợ mất cả hồn vía.
Tôi tưởng tất cả vệ binh đã xuống núi chữa cháy, ai ngờ vẫn còn một người ở lại canh phòng. Phen này, tôi và Băng Lưu Tử chết chắc rồi.