Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2225 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 126
Chạm mặt thái sinh chiết cát 

Khi kỵ binh Nhật đã đi qua hết, chúng tôi cũng quay người lại tiếp tục lên đường. Đi được mấy chục mét, tôi vẫn còn nghĩ đến lão Đồng và tên nói giọng kim loại, mới ngoái đầu nhìn lại thì bỗng giật mình kinh hãi. Đám lính Nhật đã quay đầu ngựa, một số tên nhảy từ trên ngựa xuống và giá súng máy lên mặt đường.
Lính Nhật muốn hạ độc thủ với chúng tôi. Tôi thấy trước mặt có một cái hố sâu hoắm, liền nhảy ngay xuống dưới. Cả người tôi lăn vào bên trong như một quả hạch đào. Trên đầu liền truyền đến tiếng súng máy rát rạt.
Bên trong hố rất hẹp. Cơ thể tôi bị kẹt giữa không trung, lên không được, xuống cũng chẳng xong.
Sau khi tiếng súng ngưng bặt, lại nghe có người nói xì xô xí xố, sau đó bên ngoài chìm trong tĩnh lặng.
Tôi ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy trên cao là một bầu trời to bằng lòng bàn tay, một chiếc lá rơi từ trên hố xuống, bay lơ lửng rồi đáp lên mặt tôi. Tiếp đó, một thứ gì giống như giọt nước cũng rơi xuống mặt tôi. Tôi lấy tay quệt một cái, đưa lên mũi ngửi, thấy có mùi tanh, thì ra là máu.
Đám lính Nhật này đang làm gì? Vì sao phải giết chúng tôi? Vì sao tên có giọng kim loại đi cùng lão Đồng? Lão Đồng dường như là người cầm đầu đám kỵ binh Nhật Bản này. Bọn chúng dò hỏi vị trí của con đường mòn dẫn đến Đa Luân và tình hình quân đội đồn trú trong núi. Vậy thì, nhất định bọn chúng là quân tiền tiêu hay quân do thám của người Nhật. Chẳng lẽ bọn chúng định tấn công Đa Luân? 
Thực ra, lúc đó tôi cũng không biết Đa Luân nằm trong tay ai. Nhưng quân Nhật muốn đánh chiếm Đa Luân. Tôi thấy cần phải báo cho những người phòng thủ Đa Luân biết. Song tôi chỉ là một người lưu lạc chốn giang hồ, làm sao báo cho họ được. Liệu họ có tin lời tôi nói không?
Tôi không biết mình đã ở dưới hố bao lâu, có thể là hai giờ, cũng có thể chỉ nửa giờ. Tôi đoán quân Nhật đã rời đi thì co người lại bò ra ngoài như một con giun.
Khi tôi vừa lên tới mặt đất thì vô cùng kinh ngạc. Hàng chục thi thể nằm ngổn ngang khắp nơi, giống như những bó lúa mì bị quẳng xuống đất. Máu nhuộm đỏ đồ tang trắng, như những đóa hoa nở bung trên mặt tuyết, cảnh tượng vô cùng thê thảm. Giữa đất trời chỉ còn lại mình tôi. Tôi đứng giữa thảo nguyên mênh mông, cảm thấy vô cùng cô tịch và kinh sợ. 
Tại sao lính Nhật phải bắn chết những người đưa tang? Có thể vì bọn chúng sợ họ sẽ tiết lộ hành tung. Nếu như bọn chúng đã không muốn người khác biết được hành tung, điều đó cho thấy hành tung của bọn chúng rất bí mật, bọn chúng đang đi làm những chuyện xấu xa. Bọn chúng đã không muốn ai biết, vậy tôi càng phải báo cho người ta biết
Tôi bước từng bước về phía bờ sông, lội qua sông và đi về hướng làng Ô Đằng Tề Cách. Bên trong làng, gia đình người chết vẫn không biết quân Nhật đã đến vùng đất này, cũng không biết tai họa đã rơi xuống đầu người nhà mình.
Hôm đó Yến Tử không đến nghĩa địa. Theo phong tục của địa phương, chỉ đàn ông mới được đi đưa tang. Nếu phụ đi cùng sẽ mang đến xui xẻo cho con cháu người đã khuất. Bọn họ đâu thể ngờ, Yến Tử chưa đi nhưng tai họa đã ập đến trước rồi.
Tôi tìm thấy Yến Tử trong số những người đang phụ nhà bếp nấu ăn. Tôi thấp giọng báo cho cô ấy biết những chuyện mình gặp phải trên đường đưa tang.
Yến Tử nói: “Chỉ cần đi cùng tên nói giọng kim loại, khẳng định không phải thứ gì tốt lành”
Tôi nói: “Kẻ đứng đầu đám người Nhật đó là lão Đồng”
Yến Tử nói: “Lão Đồng là ai?”
Tôi nói: “Đó là người Nhật cùng chung buồng giam với anh. Lão ta đến thảo nguyên để trộm mũ đồng”
Yến Tử nói: “Hai tên khốn kiếp này sao lại câu kết với nhau chứ”
Tôi hỏi: “Bây giờ phải làm gì?”
Yến Tử nói: “Anh đi tìm ngựa, em sẽ nghĩ cách báo cho chủ nhà biết”
Chủ nhà đã mất đi một người thân. Nếu đường đột bảo họ tất cả đàn ông đều đã chết trên đường đưa tang, còn đàn bà đã trở thành quả phụ, họ làm sao có thể chịu nổi.
Tôi đi quanh làng Ô Đằng Tề Cách, xem có con ngựa nào có thể trộm được không. Một người bước đến trước mặt tôi. Hắn ta âm thầm đánh giá tôi, tôi cũng âm thầm đánh giá hắn ta. Cả hai chúng tôi không nói ra miệng nhưng đều biết tỏng đối phương đang làm gì.
Hắn ta là lão vinh, tôi cũng là lão vinh. Lão vinh rất dễ nhận biết, ánh mắt, thần thái đều không giống người thường. Người thường rất khó phân biệt lão vinh nhưng lão vinh thì nhận ra được lão vinh, lúc nào cũng chuẩn xác.
Trong ám ngữ giang hồ, lão vinh dùng để chỉ kẻ trộm.
Tôi cười với hắn ta, hắn ta cũng cười đáp lại. Tôi vẫy tay với hắn ta, hắn ta liền bước lại gần. Tôi thấy người hắn nhỏ thó, gầy gò, giống như một thiếu niên chưa lớn nhưng trán lại đầy nếp nhăn, khuôn mặt cũng mang một loại khí sắc ảm đạm chỉ có ở những người đàn ông trưởng thành.
Tôi muốn tìm hiểu lai lịch của hắn ta, xem có phải là lão vinh thật không, bèn cố tình hỏi: “Huynh đệ là kim điểm hay là thương bàn?” Hắn ta cười khinh khỉnh, nói: “Anh mày là thái sinh chiết cát”
Tôi thầm giật mình. Chẳng lẽ hắn ta và tên nói giọng kim loại cùng một bọn với nhau. Tôi thật sự nhìn nhầm mất rồi. Tôi hỏi hắn ta là thầy bói hay thầy tướng. Chẳng ngờ hắn thấy tôi cũng là người giang hồ mới nói toẹt ra là thái sinh chiết cát. Bọn này thủ đoạn cực kỳ tàn nhẫn, người ngoài giang hồ chỉ mới nghe tên mặt đã biến sắc, còn người trong giang hồ lại chẳng coi vào đâu.
Tôi hỏi: “Anh xưng hô thế nào?”
Hắn nói: “Cứ gọi là Niệp Tử”
Cái tên Niệp Tử này thực sự rất hình tượng. Niệp Tử thường được người dân ở các vùng nông thôn trước đây sử dụng. Niệp tử chia làm mấy loại như hoa niệp tử, đăng niệp tử. Hoa niệp tử được xe từ sợi bông, dùng cho kéo sợi. Chỉ cần quay guồng xe sợi là có thể rút ra những sợi bông nhỏ dài vô tận từ trong niệp tử. Đăng niệp tử được cắt từ những dây bông nhỏ, dài chừng một tấc, một đầu được nhúng trong dầu, một đầu được vắt bên ngoài đèn, sau khi châm lửa sẽ nhìn thấy ngọn đèn to bằng hạt đậu.
Tôi nói: “Em vẫn nghe giang hồ nhắc đến thái sinh chiết cát, chỉ không biết cụ thể là nghề gì?”
Niệp Tử nói: “Chú mày là lão vinh à?”
Tôi cố tình nói: “Nhãn lực của đại ca quả là lợi hại. Em là toàn thiên song”
Toàn thiên song là loại trộm chuyên trèo tường vào trong nhà trộm đồ.
Niệp Tử lên giọng tự phụ: Ba trăm sáu mươi lăm nghề, thái sinh chiết cát là mạnh nhất. Chú mày đã nghe nói đến bao giờ chưa?”
Tôi lắc đầu.
Niệp Tử đắc ý nói: “Nghề lão vinh của chú mày no đói thất thường, không biết ngày nào sẽ đứt bữa. Nghề thái sinh chiết cát của bọn anh, bất kể nắng hạn hay lụt lội, chỉ cần làm một vụ thành công thì có thể đảm bảo thu hoạch, không cần lo cái ăn cái mặc nữa”
Tôi từng nghe đến nghề này trước kia, biết rõ hắn nói làm một vụ là ý gì. Tôi vờ như không hiểu, cố tình hỏi: “Là vụ làm ăn gì thế? Nghề này có cần biết chữ tính tiền không?”
Niệp Tử bĩu môi, hai tay chắp sau đít, gật gật gù gù, nói: “Vụ làm ăn không phải là công việc gẩy bàn tính mà là tìm một đứa trẻ non nớt, biến thành hình dạng chúng ta muốn rồi bắt nó đi xin ăn. Mỗi đồng chúng nó nhận được đều là của chúng ta”
Thái sinh chiết cát là thủ đoạn khiến cho tất cả những người có lương tri phải phẫn nộ nhưng Niệp Tử lại nói về nó với vẻ đắc ý xen lẫn thích thú. Tôi vẫn cố tình hỏi: “Tìm đứa trẻ như thế nào? Rồi biến thành hình dạng gì?”
Niệp Tử nói: “Tìm một đứa nhỏ không có người lớn bên cạnh trông chừng. Một đứa nhỏ như vậy rất dễ dụ. Chỉ nói vài câu nó sẽ đi theo chúng ta. Chúng ta lừa được nó rồi, muốn biến nó thành hình dạng tùy ý . Bẻ ngược khớp tay của nó, sau này xương sẽ phát triển sẽ hướng ra ngoài; cắt đứt cổ chân của nó, chân của nó sẽ một bên dài, một bên ngắn. Nhiều lúc để tạo thành hình dạng chúng ta mong muốn, còn phải hơ vết thương của nó trên lửa, hoặc đem hong gió hay để trên băng tuyết. Sau khi nó được thái sinh chiết cát, hình dạng sẽ càng thêm quái dị, càng dễ xin tiền”
Tôi nghe hắn nói mà nổi hết da gà. Tôi thực sự không thể tin gã đàn ông gày nhỏ trước mặt mình đây lại độc ác đến vậy. Tôi thấy hai bên không một bóng người, bất giác không rét mà run. Tôi chưa từng thấy những đứa trẻ đã trải qua thái sinh chiết cát nhưng tôi có thể thấu hiểu số phận bi thảm của chúng nó, bởi vì chúng nó còn thê thảm hơn tôi.
Tôi hỏi: “Anh đi có một mình à? Bằng hữu đâu hết rồi?”
Niệp Tử nói: “Anh mày chỉ đi dò đường, thấy đứa nào có thể hạ thủ sẽ dẫn đi luôn. Trẻ con là dễ lừa nhất. Mày nói gì chúng nó cũng tin. Mày nói mày là họ hàng, muốn dẫn nó đi tìm ba mẹ, nó cũng tin. Mày nói ba má nó bị thương, muốn dẫn nó tới thăm, nó cũng tin”
Tôi thầm nghiến răng căm hận, trong lòng nổi lên ý định hạ sát tên này. Năm đó chính tôi đã bị lừa bởi những kẻ như vậy, hơn nữa lời nói cũng giống nhau. Bao năm nay, tôi vẫn tìm kiếm những tên buôn người đã lừa dối tôi hồi đó nhưng vẫn chưa tìm ra. Hôm nay tôi có giết tên thái sinh chiết cát này thì cũng tương đương với việc giết những kẻ đã lừa gạt tôi.
Thái sinh chiết cát là người của Cái Bang. Ngày thường Cái Bang vẫn tỏ ra khổ sở đáng thương, trên thực tế còn độc ác hơn bất kỳ ai khác. Dân gian thường nói kẻ đáng thương tất có chỗ đáng khinh. Quả thực là như vậy.
Tôi hỏi: “Anh tìm được mục tiêu hạ thủ chưa?”
Hắn nói: “Tìm được rồi. Chính là cái nhà có tang hôm nay. Đàn ông nhà này chết bên ngoài hết rồi, mấy con đàn bà vẫn chưa biết gì, còn mải lo nấu nướng. Bọn trẻ đang nô đùa bên ngoài. Anh mày cứ tùy ý tìm một đứa là có thể dẫn đi rồi” 
Tôi cảm thấy thật kỳ lạ. Đàn ông nhà này chết trên đường đưa tang, tin tức còn chưa về đến làng, làm thế nào hắn ta biết được? Cái tên loắt choắt này có lai lịch thế nào đây?”
Tôi nói: “Làm sao đàn ông nhà này chết được? Bọn họ đi đưa tang hết rồi, sẽ về nhà ngay thôi”
Niệp tử nói: “Về cái rắm ấy. Bị bắn chết hết rồi. Không thằng nào về được đâu”
Tôi hỏi: “Làm sao anh biết?”
Niệp Tử nói: “Chuyện này không thể nói được. Đây là bí mật của nghề chúng ta. Chúng ta không nói chuyện này nữa”

Niệp Tử là tên mồm mép, miệng để ngoài da. Mồm cứ như cái phễu, chuyện gì cũng bô bô hết ra ngoài, đã vậy còn rất tự phụ, lúc nói chuyện toàn nhìn xéo, nghiêng đầu ngoẹo cổ, tự cho mình là đúng. Loại người này dân gian gọi là trang dương toán (giả hành tây)

(Tổng: 2225 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận