Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2384 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ

Chương 14

Trộm gió không trộm mưa

Tiểu Vạn hỏi: “Sư phụ chạy đi đâu?”
Bồ Đề nói: “Ta cầm chiếc giày đó đi đến một nơi thật xa mà ông ta không thể tìm thấy”
Bồ Đề lại nói: “Hai đứa phải nhớ lấy được đồ rồi phải chuồn càng nhanh càng tốt”
Tiểu Thiên hỏi: “Trong giày có gì thế? "
Bồ Đề nói: “Là một tấm ngân phiếu mười vạn "
Tiểu Thiên và Tiểu Vạn giật bắn mình, dù còn bé nhưng chúng nó cũng biết 10 vạn là một số tiền rất lớn.
Có mười vạn đồng trong tay sao Bồ Đề còn đi theo chúng tôi ăn gió nằm sương. Anh ấy đã dùng mười vạn đồng này vào việc gì?
Tết đang rất gần rồi. Mấy ngày nay gió thổi mạnh, sắc trời ảm đạm, chắc là sắp có tuyết rơi. Gánh xiếc tạm nghỉ diễn. Chúng   tôi trú ở một quan trọ trong huyện thành đợi cho trời quang mây tạnh rồi mới lên đường.
Tranh thủ lúc này, viêc giảng dạy của Bồ Đề cho hai đệ tử chuyển từ lý thuyết qua thực hành. 
Bồ Đề là một vị sư phụ tốt, hết lòng dạy dỗ học trò. Trước kia anh ấy tỏ ra lạnh lùng với chúng tôi là bởi vì không có được tiếng nói chung. Anh sống xa cách với mọi người là bởi gì anh là một nhân vật rất có tiếng tăm trong giới trộm cắp.
Nhưng vì sao anh ấy lai gia nhập bọn với chúng tôi thì không nói. Thúy Nhi nói anh ấy bị người ta truy sát được gánh xiếc cứu nên mới gia nhập. Có thể là anh ấy muốn trả ơn cũng có thể anh ấy đã bị tẩy chay không thể sống trong giới trộm cắp được nữa. Nói không chừng những người đuổi giết anh hôm đó chính là bạn cùng nghề. Như vậy anh ấy nhất định là làm chuyện gì không thể tha thứ được nên mới không dám lộ mặt trong giang hồ nữa mà phải trốn ở trong gánh xiếc này.   
Nhất định là vậy. Tôi gật gù đắc ý với suy đoán của mình.
Bắt đầu từ ngày hai mươi tháng chạp, ngày nào trong thành cũng họp chợ. Người dân ở các thôn làng gần xa đều vác bao lớn bao nhỏ vào huyện thành sắm sửa đồ Tết.
Đây cũng được xem là tuần lễ vàng một năm chỉ có một lần của giới trộm cắp. Tất cả các tên trộm vặt cả nước Trung Quốc đều bắt tay hành động.
Bồ Đề cũng dẫn theo học trò đi làm ăn, thêm cả tôi nữa. Anh ấy giao cho tôi làm nhiệm vụ canh gió. Trong gánh xiếc tôi vẫn có trách nhiệm làm việc này.

Nhưng có cái lạ là Bồ Đề không cho học trò mình trộm đồ trên phố mà để chúng nó trộm đồ ở các thôn quanh huyện thành. Bồ Đề gọi đây là cuộc tập trận bắn đạn thật.
Tôi cố tình hỏi Bồ Đề: "Trên phố có biết bao người mang tiền theo người sao mình không lấy?”
Bồ Đề nói: “Lấy tiền trên đường phố đó là việc của bang Thanh Y, không phải việc của chúng ta. Nếu chúng ta lấy tiền trên đường phố thì họ sẽ không bỏ qua vì chúng ta đã cướp mất chén cơm của họ.
Thì ra Giang Hồ là vậy.
Có thể trước kia Bồ Đề là người của bang Thanh Y
Liệu có phải anh ta đã bị đuổi khỏi bang Thanh Y? Rồi mới gia nhập đoàn xiếc. Anh ta liên thủ với gánh xiếc rất nhiều năm nhưng chưa hề thất thủ. Bồ Đề đáng được xem là vua trộm. 
Có câu tục ngữ “Trộm gió không trộm mưa, càng không trộm tuyết”, có nghĩa là khi gió thổi mạnh thường trộm sẽ viếng thăm nhà, khi trời mưa thì rất ít trộm cắp, những ngày tuyết rơi càng ít thấy kẻ trộm. Gió to sẽ che giấu tiếng bước chân, thổi bay dấu chân kẻ trộm để lại, còn ngày mưa đường sá lầy lội, ngày mưa tuyết bao phủ kẻ trộm sẽ để lại dấu chân.   
Mấy ngày này có gió lớn, lại là những ngày cuối năm chính là dịp thuận lợi để trộm cắp.
Chúng tôi đã đi một vòng huyện thành nhưng không có cách nào ra tay được. Hồi đó huyện thành không lớn, người dân dưới quê từ khắp nơi ùn ùn đổ về thành mua sắm hàng Tết. Giàu nghèo gì ngày Tết cũng phải mua nửa cân thịt, đong nửa cân dầu, may cho con bộ quần áo mới. Mua dầu mua thịt mua vải thương phải vào huyện thành để mua. Ở thị trấn đâu có chỗ nào bán mấy thứ đắt tiền này.
Trong huyện thành không ra tay được thì chúng tôi đi ra ngoài.
Ở ngoài huyện thành có một cái thôn rất lớn tên là Tị Nạn Bảo. Bảo là một kiểu thôn xóm đặc thù ở phương Bắc, địa thế cao, có tường thành cổnh thành. Một khi giặc cướp đến tập kích thì  đóng cổng thành lại tránh nạn. Bảo thực ra là một huyện thành thu nhỏ. Những ngườ giàu có ở nông thôn thường sống ở đây. Nghe nói Tị Nạn Bảo và Tấn Văn Công có liên quan với nhau. Sau này tôi được biết Tấn Văn Công là nhân vật thời Xuân Thu Chiến Quốc. Vì tránh bị mẹ kế giết hại nên mới trốn ở thôn này, thoát được tai ách.
Chúng tôi đếnTị Nạn Bảo. Tôi rảo quanh một vòng, nhìn thấy rất ít người, gần như một nửa nhà trong thôn đều dùng khóa sắt. Trong đó hai ngôi nhà kín cổng cao tường có ổ khóa đồng là mục tiêu đầu tiên. Trong sân không thấy ai, nhà này chắc chắn có hàng.
Bồ Đề để Tiểu Thiên và Tiểu Vạn mỗi đứa vào một nhà. Thời gian hoàn thành là một bi thuốc, quá thời gian này thì phải đi ra ngay. Tiểu Thiên cầm dây móc câu, móc lên tường rồi kéo dây đu lên. Tiểu Vạn leo lên cái cây trước cổng, bám vào cành nhảy lên tường.
Kỹ thuật mở khóa của Tiểu Thiên và Tiểu Vạn chưa tốt lắm. Hai đứa chọn cách leo tường vào trong. 
Tôi và Bồ Đề mỗi người đứng một bên, canh chừng người qua lại. 
Có vài người phụ nữ đi ra khỏi thôn. Họ bận rộn đi lại mà không thèm nhìn đến chúng tôi. Có vài con chó chạy đến nhưng khi thấy tay chúng tôi đang cầm theo cục đá thì chúng ngập ngừng do dự sau đó thì cũng chạy ra xa.
Hết thời gian hút một bi thuốc thì Tiểu Thiên, Tiểu Vạn cũng leo tường ra. Hai đứa tay không đi ra, không kiếm được món nào cả.
Bồ Đề hỏi: “Trong nhà có những gì?”
Chúng nó nói: “Trong nhà bày trí sang trọng, bàn bát tiên, ghế thái sư, giường Ninh Ba.
Bồ Đề nói: “Không thể không có được”
Bồ Đề tự mình ra tay. Anh ấy bắt ba người chúng tôi đứng chờ bên ngoài. Anh vượt tường vào căn nhà Tiểu Thiên vừa vào. Mới được thời gian nửa bi thuốc anh ấy đã ra, tay ôm một cái túi nhỏ đựng đầy vàng bạc trang sức.
Trong thôn đã có người đi chợ từ huyện thành về. Tuy không nhìn thấy mặt trời nhưng đoán là đã ngả về tây rồi. Tôi nói: “Về đi thôi”. Bồ Đề nói: “Còn một nhà nữa, tuyệt đối không thể ra về tay trắng”
Bồ Đề lại vào căn nhà Tiểu Thiên vừa vào. Lần này anh ấy đi lâu hơn nhưng cũng chưa tới thời gian hút hết một bi thuốc thì đã đi ra mà không cầm theo gì cả. 
Tôi thấy rất khó hiểu, chẳng phải anh ấy nói không thể ra về tay trắng hay sao? Sao lần này lại không có gì. Bồ Đề nói: “Đi mau”  
Trên đường đã có thêm nhiều người đi chợ về. Có hai thanh niên người to cao vạm vỡ vai vác túi đựng đầy hàng Tết. Họ thấy chúng tôi liền hỏi: “Các anh là ai? Đến đây có việc gì?”
Tôi hơi hốt, Tiểu Thiên và Tiểu Vạn cũng sợ đến im thin thít. Bồ Đề vội bước lên hỏi: “Đây có phải là thôn Dương không mấy huynh?”
Hai thanh niên này nói: “Thôn Dương gì chứ. Chỗ chúng tôi là Tị Nạn Bảo”
Bồ Đề nói: “Dượng tôi ở thôn Dương bị bệnh nặng nên phải đi thăm. Ái chà, nhầm đường mất rồi”
Hai thanh niên nói: “Ra khỏi thôn, rẽ phải, đi chừng mười dặm, rồi lại rẽ phải, đi thẳng một mạch là đến thôn Dương.
Bồ Đề nói lời cảm ơn rất là chân thành.
Dù trong lòng chúng tôi rất sợ nhưng lại không được tỏ ra lo lắng. Chúng tôi giả như không có chuyện gì, bước đi rất là thong thả. Sau khi đã ở ngoài thôn, không thấy ai trên đường nữa thì nhảy xuống một cái mương cạn, ba chân bốn cẳng mà chạy.

Khi chạy đến chỗ an toàn, Bồ Đề cởi cái ống quần bông ra, mười mấy đồng bạc rơi xuống kêu lạch cạch.
 Tiểu Thiên, Tiểu Vạn kinh ngạc hỏi: “Sư phụ tìm thấy nó ở đâu?”
Bồ Đề nói: “Ta vào cái nhà đầu tiên, tìm dưới góc tủ, góc rương đều không thấy gì, dưới chiếu dưới thảm cũng không thấy, cả trong đống quần áo cũ cũng không có. Gạch lát nền cũng thấy bình thường nhưng mà bức tranh cổ treo trên tường thì hơi lạ. Nghe nói nếu chủ nhân muốn được yên ổn thì không được di chuyển những bức thư họa đã treo trên tường trong thời gian dài. Còn bức tranh cổ này thì lại hơi lệch, không phù hợp thói thường lắm.  Ta bèn đi tới lật bức tranh lên thì thấy có một cái hốc nhỏ, bên trong đó có giấu vàng bạc trang sức.
Tiểu Vạn hỏi: “Vì sao cái nhà con vào lại chẳng có gì? Trên tường cũng không có tranh cổ.
Bồ Đề nói: "Ngôi nhà này thực sự rất khó tìm. Ta đã tìm đủ mọi ngóc ngách mà không được gì nhưng nhà này chắc chắn phải có đồ chỉ là chưa biết giấu đâu thôi. Ta lấy ngón tay gõ vào tủ đựng đầy quần áo, gõ đến phần dưới thì thấy âm thanh khác với phần trên. Phần trên âm thanh trầm đục còn phần dưới thì âm thanh trống rỗng. Cái tủ này chắc chắn là loại hai vách ngăn. Sau khi mở thì đúng là như vậy, giữa hai lớp vách có giấu số tiền này.
Tiểu Thiên và Tiểu Vạn cực kỳ kích động nói: “Sư phụ chính là lão tổ tông Thời Thiên còn tại thế”
Tay nghề của Bồ Đề quả là xuất thần nhập hóa, chẳng trách hành nghê lâu vậy mà chưa bị tóm. Có điều đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Khi Bồ Đề dạy cho mấy đứa nhỏ đủ mọi mánh lới giang hồ thì anh ấy lại quên một kỹ thuật đơn giản nhất. Cuối cùng cũng chính vì đồ đệ Tiểu Vạn của anh không được chỉ cho chiêu này mà đã hại chết anh ấy, hại cả đến chúng tôi.
Hạ tuần tháng chạp nhà nào cũng bận rộn. Gánh xiếc không có việc gì làm. Mọi người ai cũng tất bật sắm sửa đồ Tết, hấp màn thầu, làm bánh trôi, quét dọn nhà cửa…Ai mà có thời gian rảnh rỗi đi xem bạn diễn xiếc chứ? Thế nên chúng tôi ở lại huyện thành đông đúc này đón năm mới.  
Càng về cuối năm, không khí đón Tết càng thêm rộn ràng. 
Khắp nơi là mùi khói thuốc pháo cháy khét, người ta treo đèn lồng đỏ, dán câu đối đỏ, trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, cười nói vui vẻ.
Tự dưng tôi thấy nhớ nhà. Tôi tưởng tượng nếu giờ mình đang ở nhà thì mình sẽ làm gì và ba mẹ sẽ làm gì. Vương Tế Quỷ dù bủn xỉn nhưng dù sao vẫn là ba tôi, có ba vẫn hơn là không có. Nếu bây giờ tôi ở nhà thì chắc đang được mặc quần áo mới, được đốt pháo, được ăn những cục thịt to bự và khoe với đám bạn xem đứa nào được nhiều tiền lì xì hơn. 
Nhưng tôi không còn nhà nữa cũng chẳng biết nhà mình ở đâu.
Đã qua Tết rồi mà ở đây vẫn còn rất rộn rã. Các thôn xóm đều tổ chức những đội biểu diễn trò chơi dân gian để vào huyện thành so tài. Các đội thi đi cà kheo, bơi thuyền cạn, đua lừa, múa ương ca…nối đuôi nhau đi. Mặt ai cũng tươi cười rạng rỡ. Có thôn thì giỏi về múa hát trên cao, có thôn thì giỏi về biểu diễn võ nghệ. 
Trươc cửa huyện phủ bày một cái bàn vuông lớn, trên bàn là một chồng tiền bạc. Tiết mục của thôn nào hay nhất, được tán thưởng nhất thì thôn đó được số bạc này. Huyện trưởng mặc áo khoác mã quái, khuôn mặt hớn hở, đứng trên sân khấu chắp tay thi lễ, đám nhân viên trong huyện phủ thì đứng sau, ai cũng tươi cười rạng rỡ.  Dưới sân khấu là hai đội chiêng trống, một đội mặc trang phục màu đỏ, một đội mặc trạng phục màu vàng. Hai đội thi đấu với nhau làm cho bầu không khí càng thêm sôi động. 
Nhưng gánh xiếc vẫn chưa có người xem.
Mãi đến rằm tháng giêng âm lịch, cuộc sống của người dân mới trở lại bình thường, gánh xiếc cuối cùng cũng lên đường.

 

(Tổng: 2384 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận