Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2038 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 100
Hổ Trảo mắc nạn
Yến Tử nói: “Khi lão ăn mày rời khỏi Tấn Bắc đã thề rằng suốt đời này chỉ ăn xin, không bao giờ trộm cắp nữa”
Tôi rất nhớ lão ăn mày. Ông ấy là một ông già tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt. Ông ấy chính là sư tổ của tôi.
Tôi thường nghĩ, vùng thảo nguyên Tái Ngoại vô cùng lạnh giá, lão ăn mày đi đứng khó khăn như thế, cuộc sống của ông ấy chắc không dễ dàng gì. Nếu có cơ hội, nhất định tôi sẽ đến thảo nguyên Tái Ngoại tìm ông ấy.
Tôi không ngờ, cơ hội đó sắp đến rồi.
Sau khi tôi và Yến Tử đính hôn, mối quan hệ của tôi với Băng Lưu Tử trở nên rất tế nhị và khó xử. Một đêm nọ, anh ấy nói với tôi: “Lẽ ra Yến Tử phải là vợ của anh, mày dựa vào cái gì mà cướp cô ấy đi?”
Tôi nói: “Em không cướp cô ấy”
Băng Lưu Tử hỏi: “Mày ưa nhìn hơn anh không?”
Tôi đáp: “Không”
Băng Lưu Tử hỏi: “Mày thông minh hơn anh không?”
Tôi đáp: “Không”
Băng Lưu Tử hỏi: “Mày trộm đồ giỏi hơn anh không?”
Tôi đáp: “Không”
Băng Lưu Tử hỏi: “Thế vì sao Yến Tử lại là vợ của mày?”
Tôi hỏi anh ấy: “Giả như có một con hổ lao vào vồ Yến Tử, anh sẽ xông lên cho nó ăn thịt, để Yến Tử được sống chứ?”
Băng Lưu Tử cúi đầu trầm tư.
Tôi nói: “Nếu con hổ muốn ăn thịt em hoặc Yến Tử, em sẽ cho nó ăn thịt mình, để cô ấy được sống”
Băng Lưu Tử nói: “Toàn nói vớ vẩn, hổ ở đâu ra chứ?”
Tôi biết rõ Băng Lưu Tử tuấn tú hơn tôi, thông minh hơn tôi, tài giỏi hơn tôi nhưng tôi sẽ yêu thương Yến Tử bằng cả tính mạng. Không ai trên đời này yêu thương Yến Tử sâu đậm hơn tôi.
Yến Tử là nghĩa nữ của Hổ Trảo nhưng cô ấy lại gọi ông là bá bá. Mọi người đều coi Yến Tử là cháu gái của Hổ Trảo. Hổ Trảo có vợ nhưng không có con. Thời đó, nếu một người đàn bà không sinh được con, người chồng có thể danh chính ngôn thuận nạp thiếp. Trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất. Thế nhưng, Hổ Trảo không lấy vợ lẽ. Hổ Trảo là bang chủ của Tấn Bắc bang, có thể hô mưa gọi gió trong giang hồ. Ai cũng cho rằng vợ ông ấy đẹp như tiên nhưng vợ ông ấy lại chẳng đẹp chút nào. Bà cũng như vô số người đàn bà quê mùa ở độ tuổi bốn mươi thời đó. Vầng trán sớm đã đầy nếp nhăn, không còn vẻ xinh đẹp, duyên dáng vốn có của người phụ nữ nữa.
Hổ Trảo không phải người hiếu sắc, không thích cờ bạc, rượu chè, không có những đam mê của những người đàn ông bình thường nhất. Hổ Trảo chỉ có một sở thích, đó là kết giao với các hào kiệt khắp thiên hạ.
Sinh nhật của Hổ Trảo rơi vào tiết Cốc Vũ. Hôm đó là sinh nhật tuổi năm mươi của ông.
Vào ngày sinh nhật của ông, rất nhiều bằng hữu giang hồ đã đến tham dự.
Tôi sợ Băng Lưu Tử sẽ uống say rồi lại gây sự với tôi. Thế nhưng, tôi đã tìm kiếm khắp nơi mà không thấy anh ấy.
Cũng chính ngày này, quan phủ đã cho người vây chặt nhà Hổ Trảo.
Mọi thứ đến rất đột ngột nhưng nó đã được mưu tính từ trước. Quan phủ cố tình chọn ngày sinh nhật của Hổ Trảo, cố tình chọn ngày các bằng hữu giang hồ của Hổ Trảo có mặt để tung lưới hốt gọn một mẻ.
Ngay thời điểm bị quan phủ bao vây, Hổ Trảo đã ý thức được quan phủ đang nhắm đến mục đích gì. Ông lấy viên toản thạch cất giữ trong mật thất ra và giao lại cho tôi, bảo tôi dẫn Yến Tử trốn thoát theo đường mật đạo.
Yến Tử nói: “Bá bá đi cùng chứ”
Hổ Trảo nói: “Bằng hữu đến đây vì ta. Ta không thể bỏ rơi bằng hữu”
Yến Tử nói: “Bá bá cứ trốn đi. Quan phủ không tìm thấy bá bá, sẽ không động đến bằng hữu của bá bá đâu”
Hổ Trảo nói: “Chỉ cần ta đi theo bọn họ, bọn họ sẽ không làm khó bằng hữu của ta”
Hổ Trảo đẩy chúng tôi vào trong địa đạo, rồi lấy tấm ván che lại. Ông nói với chúng tôi qua tấm ván: “Đến thảo nguyên Tái Bắc tìm sư tổ”
Chúng tôi không đẩy tấm ván ra được, chỉ đành nuốt nước mắt mà trốn đi.
Chúng tôi đã mãi mãi rời xa Hổ Trảo như thế đó. Sau này sẽ không bao giờ còn gặp lại ông ấy nữa.
Mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ viên toản thạch này. Con trai của Thường lão thái gia làm quan lớn ở kinh thành, liên tục hối thúc điều tra vụ án mất trộm toản thạch nhưng quan phủ cũng không nghĩ được biện pháp nào. Các bằng hữu giang hồ đều biết toản thạch nằm trong tay của bang Tấn Bắc nhưng không ai trình báo quan phủ. Giữa các bang phái giang hồ có mâu thuẫn nhưng mâu thuẫn sẽ được giải quyết theo quy củ giang hồ, tuyệt đối không để quan phủ nhúng tay vào. Bọn họ không muốn trở thành kẻ phản bội. Trên giang hồ, kẻ phản bội bị khinh thường nhất chính là những kẻ phản bộ sư môn, đầu nhập quan phủ.
Quan phủ không tìm thấy tung tích của đại toản thạch, bèn treo thưởng tróc nã. Lúc này, Băng Lưu Tử đang thất tình nên đứng ra tố cáo. Sau khi bán đứng bang Lương Sơn, anh ấy tiếp tục bán đứng bang Tấn Bắc.
Hổ Trảo từng sai người đến Sơn Đông, nghe ngóng tình hình của bang Lương Sơn và bang Lao Sơn, đồng thời điều tra Băng Lưu Tử. Tuy nhiên, hai đại bang phái này đã tiêu tan thành mây khói, biến mất khỏi giang hồ. Những bang chúng trước đây, không mai danh ẩn tích thì cũng thay tên đổi họ. Hổ Trảo không điều tra được Băng Lưu Tử. Ông quý trọng tài năng của Băng Lưu Tử, đành tin những lời anh ấy nói là thật. Thế nhưng, nhà dột gặp phải mưa dầm, dây gai đứt từ đoạn mỏng, tai họa lại bắt đầu từ Băng Lưu Tử.
Tôi và Yến Tử trốn thoát khỏi Đại Đồng, đi thẳng một mạch về phương bắc. Đột nhiên, một búc tường đất cao lớn xuất hiện ngay trước mặt, chặn mất tầm nhìn và bước đi của chúng tôi. Bức tường đã loang lổ vì sương gió nhưng nó cao một cách dị thường, lại không có cây cỏ gì mọc ở trên. Chúng tôi không làm sao trèo qua được.
Yến Tử nói đây chính là Trường Thành.
Trước đây, tôi chỉ nghe thầy giáo kể về Trường Thành ở trường tư thục. Thầy nói có một người con gái đã khóc lóc thảm thiết suốt bảy ngày bảy đêm, kết quả đã làm cho Trường Thành sụp đổ. Tôi đang đứng dưới chân Trường Thành, tận mắt nhìn thấy bức tường sừng sững, mới vỡ lẽ thầy giáo toàn nói phét, cũng như những lời dạy của Khổng Tử, toàn để lừa gạt người ta. Trường Thành cao lớn vững chãi như thế, lại không có cây cối, đừng nói người con gái kia khóc bảy ngày bảy đêm, mà có khóc bảy vạn hay bảy nghìn vạn năm đi nữa cũng không làm nó sụp được.
Chúng tôi không thể trèo qua Trường Thành nên phải đi men theo chân tường mười mấy dặm mới thấy một khoát khẩu để vượt qua.
Phía bắc của Trường Thành được gọi là Tái Bắc. Gió ở Tái Bắc thổi rất mạnh, rát hết cả mặt. Tái Bắc mênh mông vô tận, phóng mắt nhìn cũng không thấy điểm tận cùng. Bầu trời ở đây rất cao, rất xanh, giống như biển lớn sâu không thấy đáy.
Bức tường thành sừng sững mấy ngàn năm này đã ngăn cách hai vùng đất thành hai thế giới khác nhau.
Tái Bắc rộng lớn bao la, chúng tôi lại mang theo toản thạch, muốn tìm được lão ăn mày quả thực không phải chuyện dễ dàng. Ở nơi đây, đi mấy ngày mấy đêm vẫn không nhìn thấy một bóng người là chuyện rất bình thường. Muốn dò hỏi tin tức của sư tổ còn khó hơn mò kim đáy bể.
Mặc dù vậy, chúng tôi không thể quay lại Đại Đồng. Chúng tôi chỉ có thể tìm lão ăn mày và giao lại toản thạch cho ông ấy. Như vậy mới là an toàn nhất. Thế nhưng, chúng tôi không biết ông ấy đi đâu. Lão ăn mày có hành tung bất định, giống như loài chim hoàng hạc, có lẽ chỉ ông ấy mới biết mình đang ở đâu.
Chúng tôi chỉ còn cách tìm kiếm từng ngôi làng ở thảo nguyên Tái Bắc.
Hôm nay, chúng tôi đến huyện Xích Phong. Khi đó, Xích Phong thuộc về tỉnh Nhiệt Hà, vẫn chưa thuộc về Nội Mông. Nhiệt Hà là một trong bốn tỉnh của vùng Đông Bắc. Ba tỉnh còn lại là Hắc Long Giang, Cát Lâm, Phụng Thiên. Phụng Thiên là tỉnh Liêu Ninh ngày nay.
Đêm hôm đó, chúng tôi tá túc ở quán trọ Thông Nguyên của huyện Xích Phong. Để tiết kiệm tiền bạc, chúng tôi ở chung một gian phòng.
Nửa đêm, đột nhiên bên ngoài quán trọ có tiếng đập cửa uỳnh uỳnh. Một nhóm người xông vào bên trong, nói rằng đặc vụ Nhật Bản đã trà trộn vào huyện Xích Phong, bọn họ muốn kiểm tra phòng.
Sau này tôi nghe nói, trong thời kỳ này, Nhật Bản đã gửi hàng vạn gián điệp tới Trung Quốc, vươn xúc tu đến mọi tỉnh thành. Có tên đóng giả làm thương nhân, có tên đóng giả làm cố vấn, có tên đóng giả làm du khách, thu thập thông tin tình báo các mặt của Trung Quốc và gửi về đại bản doanh ở Nhật Bản hòng chuẩn bị cho cuộc xâm lược.
Nhóm người khám xét phòng là cảnh sát. Bọn họ tìm thấy toản thạch trên người tôi nên giải tôi và Yến Tử đi.
Ban đầu tôi nghĩ mình không phải đặc vụ Nhật Bản, không cần phải sợ bọn họ, cũng không cất giấu toản thạch. Chẳng ngờ bọn họ lại lục soát người tôi. Tôi thật là ngu ngốc, ngu chết đi được.
Chúng tôi bị cách ly để thẩm tra.
Cảnh sát muốn biết tôi đến từ đâu, làm sao có được đại toản thạch, tại sao Yến Tử ở cùng với tôi, chúng tôi đến huyện Xích Phong này làm gì.
Tôi biết là quan phủ đang truy xét Hổ Trảo. Khi đó tôi vẫn chưa biết Hổ Trảo đã bị giải đến Bắc Kinh, vì vậy, không thể nói ra quan hệ giữa tôi và Hổ Trảo. Tôi biết lão ăn mày là sư phụ của Hổ Trảo, cũng không thể nói tôi đang đi tìm ông ấy, nếu không sẽ gây bất lợi cho sư tổ. Tôi chỉ có thể nói về Yến Tử.
Tôi khai: “Yến Tử là vợ chưa cưới của tôi”
Cảnh sát không tin lời tôi. Bọn họ bảo: “Một thằng vừa ngu vừa đần như mày lại có con vợ xinh đẹp như thế à. Đến nói láo còn không xong. Khai mau! Mày đã dụ dỗ tiểu thiếp nhà đại hộ như thế nào”
Bọn họ đã coi Yến Tử là tiểu thư con nhà giàu có.