Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 3005 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I

 BÍ TỊCH GIANG HỒ

Chương 22

Đoàn thả diều

Tối hôm đó, khi trở lại quán trọ nghỉ ngơi, tôi liền nhắc lại chuyện khắc cái xe ngựa lúc chiều.
Lăng Quang Tổ không giải thích ý đồ của mình nhưng lại kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ông ấy kể rằng vào thời Quang Tự nhà Thanh, có một hộ gia đình xây một ngôi nhà lớn. Lẽ ra đây  việc đáng vui mừng nhưng chẳng ngờ sau khi nhà xây xong thì tai họa lại liên tiếp ập xuống.
Đầu tiên là người con trai bị chết đuối, rồi đứa con gái cũng qua đời vì bạo bệnh, tiếp theo người cha cũng nằm liệt giường. Nhà cửa thường xuyên bị trộm ghé thăm, hỏa hoạn cũng xảy ra liên miên.
Từ một hộ giàu có nhất vùng mà giờ đây họ buộc phải bán cả gia sản. Trong nhà có đồ gì bán được là họ cũng bán hết. Đến khi không còn thứ nào có giá trị nữa thì họ dỡ nhà để bán ngói lợp nhà. Trong lúc tháo dỡ xà nhà, mọi người kinh ngạc phát hiện trên xà nhà có hình một cỗ xe ngựa. Thì ra mấy năm nay chính cỗ xe ngựa này đã chở đi hết của cải của gia đình. Ai đã khắc hình cỗ xe ngựa này? Chính người thợ mộc đã làm chuyện đó. 
Lúc xây căn nhà này chủ nhà đã đối xử với người thợ mộc không ra gì vì thế ông ta đã động tay động chân, trù ếm nhà này để cho chủ nhà mất hết gia sản.
Lăng Quang Tổ kể xong chuyện này lại kể tôi nghe một chuyện khác. Ông ấy nói nó vẫn xảy ra ở đời Thanh nhưng là vào năm Đạo Quang. Bấy giờ có một hộ giàu có xây nhà. Sau khi xây xong thì trong nhà có chuyện.
Đứa con trai nhà này đường học vấn rất tốt, đã thi đậu cử nhân, thành tích cũng cực kỳ xuất sắc, sau này có muốn thi đậu tiến sĩ cũng không thành vấn đề.
Nếu mà đậu tiến sĩ sẽ được Hoàng Thượng phong quan. Nhưng đúng lúc này cậu con trai lại ham mê cờ bạc. Cờ bạc khác gì cái động không đáy, bao nhiêu tiền cho nó đủ. Đời người có năm cái tai hại là ăn uống, rượu chè, cờ bạc, gái gú, hút chích. Hai cái đầu là thì chưa là gì cả. Ăn uống, rượu chè không làm bạn nghèo suốt đời. Còn ba cái sau mới thật là chết người. Biết bao gia đình giàu có đều tan nát vì ba cái này. 
Đứa con trai nhà này nợ người ta tiền đánh bạc. Nợ cờ bạc thì cũng là nợ. Chủ nợ tìm đến tận nhà đòi tiền. Người cha không có tiền trả phải dỡ cả nhà đem bán. Trong lúc phá bỏ bức tường sau nhà thì phát hiện trên một viên gạch xây tường có khắc hình cỗ xe ngựa. Tiền của trong nhà đã bị cái xe ngựa này chở đi hết rồi. Đây cũng là vì khi xây nhà chủ nhà đã đối xử tệ bạc với thợ nên họ đã trù ếm.
Tôi nghĩ, thì ra khắc hình cỗ xe là để trù ếm. Những nhà giàu có thường treo tranh thư họa trên tường. Những bức họa này có hình sông hình núi, có côn trùng, có cá, có ngựa có hổ, có đao thương nhưng chưa thấy nhà nào treo tranh có hình cỗ xe.  Bởi vì cỗ xe sẽ chở đi hết của cải tài sản trong nhà. Dù bạn giàu có đến đâu thì cũng sẽ trở nên nghèo túng.
Lăng Quang Tổ nói: “Bây giờ đã hiểu vì sao tao bảo khắc hình cỗ xe ngựa lên xà nhà chưa?”
Tôi hỏi: “Ông có biết gia đình đó không? Nhà đó có lầm lỗi gì với ông không?”
Lăng Quang Tổ nói: “Tao không quen biết nhà đó, nhà đó cũng chẳng làm gì có lỗi với tao. Ai có nhiều tiền thì người đó là kẻ thù của tao. Tiền bạc của cải trên đời này ai cũng được một phần. Bọn chúng đã lấy đi phần của tao cũng như đã lấy đi phần của mày nên tao phải đòi lại”
Tôi hỏi: “Làm sao mà đòi lại được”
Lăng Quang Tổ cười nói: “Ba năm sau chúng ta sẽ quay lại, lúc đó mày sẽ biết thôi”
Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng đã lăn lộn giang hồ được mấy năm, cũng tích lũy được một ít kinh nghiệm. Giang hồ vốn hiểm ác, không thể biết trước điều gì nhưng tôi có thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra khi Lăng Quang Tổ trở lại đây. Hộ gia đình đang xây căn nhà này sẽ có kết cục như thế nào.
Nó cũng sẽ giống như cái đầu dê trong nhà cụ Cao. Cái hình cỗ xe ngựa lớn bằng con nhện này chính là một loại trù ếm ác độc. Bởi vì trong truyền thuyết của dân gian cái đầu dê có liên quan đến căn bệnh động kinh còn cỗ xe ngựa có liên quan đến việc gia đình bị lụn bại. 
Những thuật trù ếm nguyền rủa của thợ mộc và thợ rèn phổ biến ở phương Bắc đến mức hầu như ai cũng biết. Ngay cả ngày nay, nếu bạn đến các vùng quê phương Bắc hỏi thăm các cụ già cao tuổi, họ sẽ kể cho bạn nghe hai câu chuyện trên rất chi là sinh động.
Sau đó chúng tôi rời huyện thành đi về hướng Nam tới một dãy núi có tên là Đại Biệt Sơn. Bên trong dãy núi này có hàng trăm ngôi làng. Giao thông đi lại khó khăn, lại cô lập với thế giới bên ngoài, các làng cũng ít qua lại với nhau.
Chỉ có hai loại người đi lại giữa những ngôi làng này, một là tiên sinh phong thủy hai là hóa lang.
Nông thôn miền Bắc đều thống nhất gọi những người làm những nghề được mọi người tôn kính là tiên sinh.
Thày giáo dạy ở trường tư thục cũng gọi là tiên sinh, thày thuốc khám bệnh cũng gọi là tiên sinh, thày xem phong thủy cũng gọi là tiên sinh. 
Thời cổ đại, hệ thống kiến thức của các tiên sinh dạy tư thục gọi là nho học. Hệ thống kiến thức của các tiên sinh khám bệnh gọi là y học, hệ thống kiến thức của các tiên sinh phong thủy gọi là khán dư học.
Khán dư học là một môn học rất lâu đời, nó nghiên cứu cách chọn lựa địa điểm xây nhà và nơi chôn cất. Ngày nay, nhiều nơi ở nông thôn vẫn còn có các thầy phong thủy. Bọn họ chủ yếu làm nghề xem âm trạch.
Hóa lang chính là những người bán hàng. Trong một xã hội văn minh nông nghiệp tự cung tự cấp, quần áo vải vóc, lương thực rau cỏ, dầu ăn tướng giấm, cày bừa cuốc xẻng gì cũng đều tự làm, tự sản xuất được. Người ta không cần trao đổi với thế giới bên ngoài thì vẫn sống tốt. Có điều kim chỉ không làm được, muối ăn pháo đốt không sản xuất được. Những thứ này phải nhờ hóa lang cung cấp. 
Hóa lang thường cầm theo một cái trống bỏi. Mỗi lần họ đến làng nào là sẽ lắc trống lên. Bọn trẻ con sẽ reo hò sung sướng chạy khỏi nhà, theo sau đám trẻ con là những nàng dâu trẻ, theo sau nàng dâu trẻ là mấy bà mẹ chồng. Mỗi lần hóa lang xuất hiện là cả làng náo loạn.
Tôi vẫn luôn cho rằng khán dư học không phải là một môn học thuật. Người chết thì cũng chết rồi, đâu cần phải chôn nơi có phong thủy đẹp để con cháu đời sau thăng quan tiến chức làm gì nữa. Mấy thầy phong thủy rất thích lấy thành Nam Kinh làm ví dụ. Họ nói Nam Kinh là nơi ba mặt dựa vào núi, một mặt giáp sông. Trong phong thủy đây chính là vùng đất có thế Rồng chầu Hổ phục. Vậy mà cứ triều đại nào đóng đô ở Nam Kinh thì đều yểu mệnh.
Tôi nói hơi nhiều rồi. Bây giờ quay lại nội dung chính, tiếp tục câu chuyện của tôi và Lăng Quang Tổ.
Lăng Quang Tổ có một người em trai tên là Lăng Diệu Tổ. Ông này làm nghề xem phong thủy trong dãy Đại Biệt Sơn. Hai anh em nhà này đều nói với người ngoài họ là người kế thừa tuyệt học của tổ tiên. Một người nắm tuyệt học xem tướng số, một người nắm tuyệt học xem phong thủy. Cha của hai anh em này là một nông dân bình thường ở Đại Biệt Sơn. Ông đặt cho hai con mình cái tên này với mong muốn chúng sẽ làm rạng rỡ tổ tông.
Nhà của Lăng Quang Tổ nằm sâu trong dãy Đại Biệt Sơn còn nhà của Lăng Diệu Tổ thì nằm ngay hẻm núi. Lăng Diệu Tổ phải đi ở rể cho nhà người ta. Ngày trước những người ở rể có thân phận rất thấp kém. Nếu không phải là người nghèo xác nghèo xơ thì chẳng ai để con trai mình đi ở rể cả. Khi Tần Thủy Hoàng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành, đã hạ lệnh bắt nô lệ, tù binh, phạm nhân và những người đi ở rể tham gia xây dựng. Có thể thấy, gia đình Lăng Quang Tổ phải nghèo đến thế nào thì người cha mới đặt cho hai anh em cái tên này. 
Tôi không biết cha của Lăng Quang Tổ có phải là một bậc thầy tướng thuật và phong thủy không nhưng khả năng này cũng rất cao.
Những người xem tướng số và phong thủy ở nhiều vùng nông thôn thường rất nghèo túng. Người ta giải thích như sau. Đó là họ chỉ có thể đoán được vận mệnh của người khác mà không đoán được vận mệnh của mình, họ chỉ có thể xem phong thủy của nhà khác mà không thể xem phong thủy của nhà mình. Ngược lại các thầy xem phong thủy ở các thành phố hiện nay cực kỳ đông đảo và giàu có. Các công ty muốn khai trương ngày nào, đặt địa chỉ ở đâu thường sẽ mời thầy phong thủy đến xem giúp. Thầy phong thủy thành phố và thầy phong thủy ở quê có số mệnh khác nhau quá xa.
Tôi gặp em trai và em dâu của Lăng Quang Tổ ở nhà em ông ta. Không giống như ông anh mình, Lăng Diệu Tổ nhìn rất chất phác. Ông ta có nước da ngăm đen, dáng người rắn chắc. Vợ của Lăng Diệu Tổ không quá xinh đẹp nhưng lại rất hấp dẫn đàn ông. Kiểu đàn bà này tỏa ra cái yêu khí từ trong xương, hay nói nôm na là có mùi vị đàn bà. Người phụ nữ có mùi vị đàn bà thì tướng mạo có xấu đẹp thế nào vẫn làm đàn ông mê mẩn.
Lăng Quang Tổ nói ông ấy phải về nhà một chuyến. Đại khái đi về cũng mất nửa tháng. Trong nửa tháng này tôi phải nghe lời em trai ông ta.
Sau khi Lăng Quang Tổ rời đi. Lăng Diệu Tổ chỉ vào vợ và nói: “Trong thời gian này mày gọi vợ tao là chị, tao là anh. Chúng tao không phải là vợ chồng. Nhớ chưa nào.
Tôi gật đầu nói: “Nhớ rồi ạ”

Tôi ở nhà Lăng Quang Tổ đến ngày thứ hai thì thấy có thêm hai người nữa đến nhà ông ta. Một ông già và một bà già. Ông già thì gầy ơi là gầy, ngoại trừ bộ xương ra thì trên người không có miếng thịt nào. Chòm râu lưa thưa giống như đuôi con chuột, lúc nào cũng rung rinh. Mắt ông ta thì trũng sâu, gò má tóp lại trông rất đáng sợ. Bà già thì hoàn toàn ngược lại, hai má phúng phính, thân hình đầy đặn, ánh mắt sắc bén đi kèm một làn da không có tuổi tác. Bên khóe miệng còn có một nốt ruồi rất lớn. Xét theo tướng số thì là kiểu đàn bà dâm đãng.
Ông già trầm lặng ít nói, bà già thì nói luôn mồm. Ông già đầu hói không còn một cọng tóc, bà già thì tóc muối tiêu rất dày. Ông già giống như con quỷ mắc bệnh ho lao, bà già giống như mấy bà mai mối.
Vợ Lăng Quang Tổ bắt tôi gọi ông già này là ba và bà già này là mẹ. Tôi nghe ông bà già gọi vợ Lăng Quang Tổ là Tiểu Kiều. Tôi không biết đây là tên thật hay tên giả.
Hai ông bà già này và vợ chồng Lăng Diệu Tổ không phải là người một nhà bởi tôi thấy hai người này khi đùa giỡn với vợ chồng Lăng Diệu Tổ thường rất quá đáng, toàn nói đến bộ phận trên cơ thể người. Đã là bậc trưởng bối ai lại nói những lời thô thiển trước mặt vãn bối như vậy chứ. Nhưng bọn họ cũng giống như người một nhà, dù không ai nói gì thì bầu không khí cũng không hề gượng gạo. Tôi không hiểu rốt cuộc họ có quan hệ như thế nào. Vì sao gia đình này lại đột nhiên có nhiều người ghé thăm như thế. Đầu tiên là tôi và Lăng Quang Tổ sau đó là hai ông bà già. Ở cái nơi hẻo lánh như thế này, rất hiếm khi nhìn thấy người lạ. Thế mà giờ đây căn nhà lụp xụp của Lăng Diệu Tổ lại tập trung cả đám người, làm cho người ta cảm giác như sắp có chuyện gì đó xảy ra.
Hôm đó sau khi ăn xong bữa trưa, chúng tôi lên đường đi sâu vào trong dãy Đại Biệt Sơn.
Chúng tôi đi đâu, tôi cũng không biết. Trong đám người này chỉ có Lăng Diệu Tổ là thật thà đáng tin. Tôi hỏi ông ấy là đang đi đâu thì ông ấy xua tay nói: “Tao cũng không biết nữa. Mày cứ đi theo là được rồi”
Tôi nghĩ nếu ông không biết là đi đâu thì ông còn đi theo làm quái gì nữa. Nhưng mà Lăng Quang Tổ không có ở đây, tôi cũng không biết phải đi đâu nữa chỉ đành đi theo họ thôi.
Dãy Đại Biệt Sơn địa hình dốc, đường đi quanh co, khấp khuỷu. Có những nơi không có đường đi phải bám vào dây leo mới đi được. Ở đây mỗi làng cách nhau cả mười mấy dặm. Có những lúc leo tới đỉnh núi, muốn uống một ngụm nước, ăn một miếng lương khô nhưng đến khi vào làng thì chẳng thấy có người nào. Làng đã bị bỏ hoang từ lâu rồi. Chỉ thấy đám quạ đậu trên mấy cái xà nhà xiêu vẹo kêu quang quác chói tai. Có lúc nhìn từ xa thấy có người đang phơi lương thực dưới chân núi nhưng khi đến gần thì phát hiện làng đó chỉ có một, hai hộ dân.
Đi lại trên những con đường như thế này thật là nhàm chán. Nhưng bây giờ đương là mùa xuân, cỏ bắt đầu phủ xanh khắp núi, hoa hạnh lốm đốm những nụ hồng, trên cao én lượn tầng không, khắp nơi dậy mùi hương của hoa cỏ đang hồi sinh.
Đi trên những con đường núi như vậy, tôi tha hồ mà vui chơi ngắm cảnh.
Đến khi mặt trời sắp lặn thì chúng tôi nhìn thấy một ngôi làng. Làng này có tên là Thạch Đầu Nhai, có khoảng hai mươi, ba mươi hộ nằm rải rác khắp nơi giống như người ta quăng một đống đá. Trong dãy Đại Biệt Sơn này, đây có thể coi là một làng lớn rồi.
Khi chúng tôi đến gần làng thì thấy một thanh niên đang cầm xẻng xới đất trên ruộng. Thanh niên này vừa nhìn thấy Tiểu Kiều thì không rời nổi mắt. Tiểu Kiều cố tình bước đi thật thướt tha, lắc lư cặp mông căng tròn, đầy đặn của mình. Cứ đi được vài bước là chị ấy lại mỉm cười, chớp chớp cặp mắt quyến rũ như muốn hớp hồn người khác. Thanh niên kia đứng chết trân tại chỗ như bị điện giật. Tôi thấy nước dãi của hắn nhểu xuống khóe miệng rồi rơi xuống chỗ đất vừa xới lên. Vậy mà hắn chẳng hề hay biết.
Tôi thường nghe người ta nói mấy con quỷ háo sắc sẽ chảy nước dãi khi nhìn thấy gái đẹp. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến chuyện này. Thì ra lời nói đó là thật.
Chúng tôi đi đến cổng làng, nhìn những ngôi nhà nằm rải rác trên sườn núi thì không biết nên chọn nhà nào để nghỉ lại.
Tiểu Kiều đi đến trước mặt thanh niên kia. Khuôn mặt của hắn đờ ra, quên mất phải cười như thế nào. Hắn chỉ biết si ngốc đứng nhìn Tiểu Kiều đang tiến lại gần.
Tiểu Kiều hỏi: “Nhà anh có chỗ trọ không?”
Gã thanh niên đột nhiên có phản ứng, lắp bắp nói: “Có, có”
Tiểu Kiều hỏi: “Nhà anh có mấy phòng?”    
Lúc này thanh niên mới hoàn hồn, cười tươi roi rói, nói với giọng xu nịnh: “Hai phòng, hai phòng”
Tiểu Kiều dịu dàng nói: “Vậy dẫn em đi xem nhà nhé”
Gã thanh niên nói: “Được, được”

 

(Tổng: 3005 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận