Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2458 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN II
THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT BANG
Chương 125
Oan gia tìm đến cửa

Để tìm ra cỗ thi thể kia, chúng tôi đã mở rộng phạm vi tìm kiếm lên mấy chục mét chung quanh miếu thổ địa. Tôi tin trên đời này tuyệt đối không có ma quỷ. Nếu thực sự có ma quỷ thì đã không có phái Giang Tướng chuyên giả ma giả quỷ nữa rồi. Phái Giang Tướng có một nhánh được gọi là thần côn. Đám người này chuyên đóng giả quỷ thần, nghĩ ra những câu chuyện ma quái để hù dọa người ta, sau đó lừa gạt tiền bạc.
Chúng tôi quay lại nơi có thi thể với bộ mặt khủng khiếp đó. Chúng tôi không tìm thấy thi thể bên trong miếu nhưng lại tìm thấy thi thể bên ngoài miếu.
Tôi chợt có ý nghĩ, khi nào trời sáng, mọi người phát hiện bên ngoài miếu thổ địa có một thi thể lai lịch bất minh, liệu họ có nghi ngờ cho chúng tôi không?  
Nếu như bị người ta nghi ngờ, thì vạ đến thân rồi, có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa hết nỗi oan. Việc cấp bách trước mắt là phải mau chóng tìm cách xử lý thi thể này chứ không phải tìm kiếm thi thể bên trong miếu.
Vết bớt nói: “Hay là đào hố chôn”
Tôi nói: “Chôn bằng cách nào? Nơi này trước không có thôn làng, sau không có hàng quán, đến một cái xẻng cũng chẳng có”
Vết bớt hỏi: “Vậy phải làm thế nào?”
Tôi nói: “Chúng ta khiêng đi chỗ khác, đừng để ở đây. Cứ bỏ trong mấy bụi cỏ xa khuất, sẽ không có người chú ý. Khi nào trời sáng, lũ đại bàng, kền kền sẽ kéo thành bầy bay đến rỉa thịt, chẳng mấy chốc chỉ còn lại bộ xương”
Vết bớt nói: “Cách này hay đó”
Vết bớt khiêng phần đầu, tôi khiêng phần chân, cùng hợp sức di chuyển cái xác đến một nơi thật xa. Nhưng hai tay tôi vừa chạm vào thi thể liền giật mình kinh ngạc. Hai chân thi thể đang mang một đôi giày mới nguyên.
Đôi giày này sạch sẽ không vết bụi, điều đó có nghĩa thi thể đã được ai đó chuyển đến đây. Người chết mang loại giày chỉ mang lúc nhập liệm. Một khi đã nhập liệm không thể tùy tiện dịch chuyển. Liệu đây có phải là thi thể chúng tôi đang thủ linh không?
Tôi hỏi: “Người trong miếu đó chết như thế nào?”
Vết bớt nói: “Say rượu còn cưỡi ngựa mới ngã xuống đất, đập đầu vào hòn đá vong mạng”
Tôi nhìn vào thi thể, thấy da thịt ở đầu đều lòi hết ra ngoài. Tôi nói vết bớt mở túi quần người chết, đút tay vào kiểm tra xem dưới đũng quần có gì.
Vết bớt nói: “Có một cuộn vải”
Bỏ một cuộn vải dưới đũng quần người chết là một thủ tục cần có lúc khâm liệm. Bây giờ có thể nhận định thi thể này chính là thi thể mà chúng tôi đã canh giữ ở miếu thổ địa tối nay. Có điều tôi không biết ai đã đem ra ngoài miếu? Chúng tôi vừa thấy thi thể trong miếu động đậy đã chạy ra ngoài và lập tức phát hiện thi thể này. Điều đó có nghĩa thi thể nằm dưới tấm vải trắng trong miếu thổ địa lúc đó không phải người chết mà là người sống. Chắc chắn người đó đã dịch chuyển thi thể, sau đó tự đóng giả làm thi thể. Đây gọi là kế thay mận đổi đào. Nhưng người đó là ai, hiện đã đi đâu rồi? 
Sáng ra, chủ nhà ra miếu thổ địa, đám ăn mày cũng kéo đến. Tối qua bọn họ còn cười nói rôm rả, ăn uống vui vẻ, bây giờ đã đổi qua mặc đồ xô trắng, đấm ngực giậm chân, gào khóc thảm thiết, xem chừng còn đau khổ hơn cha mẹ chết nữa.
Như tôi đã nói ở trên, khôi oa là đám ăn mày chuyên đi kiếm ăn ở các đám ma, đám cưới. Bọn chúng quen tay thạo việc, biết lúc nào cần khóc lúc nào cần nghỉ, lúc nào cần khóc to, lúc nào cần khóc nhỏ, lúc nào cần vật vã, lúc nào cần tỉnh táo…Bọn chúng đã thuộc bài như cháo chảy và biểu diễn qua hàng trăm hàng ngàn lần. Giống như đạo tặc, khôi oa cũng có những người chuyên đi thăm dò xem làng nào có người chết, nhà người đó có phải là hộ giàu có không. Nếu là nhà đại hộ, bọn chúng sẽ quay về báo tin. Tiếp đó cả bầy cả ổ ăn mày, mặt mũi hớn hở, rầm rập kéo đến tìm cách kiếm tiền.
Hôm nay là ngày an táng người chết. Ngoài khôi oa, trong làng còn có một đám quá phùng chiêu tử. Quá phùng chiêu tử là những kẻ đóng giả người mù để xin ăn.
Một người mù đến làng là chuyện rất bình thường nhưng cả một nhóm người mù là điều bất thường. Làm cách nào bọn họ có thể tập hợp một chỗ nhiều như thế? Trước đây, miền Bắc có một nghề gọi là thuyết thư. Thông thường do người mù làm. Họ cầm đàn tam huyền, gõ phách tre, hướng đôi mắt toàn lòng trắng lên trời, vừa kể chuyện vừa hát í a.  Ở miền Bắc, thuyết thư là nghề dành cho người mù, đặc biệt thịnh hành tại Thiểm Bắc vào thời nhà Minh, nhà Thanh và Dân Quốc.
Đám quá phùng chiêu tử này đã giả danh thành những người thuyết thư.
Bọn chúng tập trung giữa hai gốc cây nơi cổng làng và treo lên cây một tấm vải trắng đã bạc phếch. Một tên ngồi đằng trước, những tên còn lại chia ra ngồi hai bên. Tên ngồi trước trợn tròng mắt trắng dã kể Hưng Đường Truyện, những tên phía sau kéo đàn tam huyền, gõ phách tre, lắc trống. Tên ngồi đằng trước kể chuyện rất lộn xộn, có lúc kể chuyện Tần Quỳnh bán ngựa, có lúc kể chuyện Cao Long dùng thương hất bay thiết hoạt xa. Hắn kể lẫn lộn giữa Nhạc Phi Truyện và Hưng Đường Truyện. Những kẻ tấu nhạc phía sau thì càng loạn hơn. Tiếng phách tre vừa dứt tiếng trống liền vang lên, tiếng trống vừa dứt, tiếng đàn tam huyền đã cất tiếng . Âm thanh vô cùng chói tai, y như người ta giết gà làm thịt.
*Thiết hoạt xa: Chiến xa cổ có gắn vật sắc nhọn cho lăn vào quân địch.
Bọn quá phùng chiêu tử này kể chuyện là giả, đi xin tiền mới là thật. Bọn chúng cứ kể chuyện loạn cào cào một hồi trước mặt người ta là nhận được tiền thưởng. 
Sau khi kể hết chuyện và nhận được một khoản tiền thưởng, mỗi tên cầm một cây gậy tre, khua khua chọc chọc xuống mặt đất, chuẩn bị rời đi.
Đám khôi oa liền xếp thành một hàng, chặn bọn chúng lại.
Bọn quá phùng chiêu tử đưa tay sờ soạng lên vai và tay của khôi oa, giọng run rẩy: “Là ai đó? Sao không đi được thế này?”
Khôi oa nói: “Còn vờ vịt cái gì! Mở to mắt ra xem các ông là ai”
Quá phùng chiêu tử không giả mù nữa. Bọn chúng cắp gậy tre vào nách, mở to mắt nhìn. Mắt tên nào cũng sáng lấp lánh.  Một tên lớn tuổi nhất nói: “Có chỗ nào đắc tội, mong chư vị giơ cao đánh khẽ cho”
Một người giống như thủ lĩnh đám khôi oa nói: “Bọn mày đến đây đã chào hỏi ai chưa?”
Tên quá phùng chiêu tử kia nói: “Việc gì phải chào hỏi ai? Đất trời rộng lớn thế này, đã chứa được mấy người cũng chứa được bọn này. Bọn này cản trở gì mấy người à?”
Thủ lĩnh khôi oa nói: “Đã cướp mất chén cơm của lão tử, lão tử há có thể tha cho bọn mày” 
Những tên khôi oa khác nghe đầu lĩnh nói vậy liền ùa tới vây kín chung quanh.
Khôi oa đông người, quá phùng chiêu tử ít người nhưng quá phùng chiêu tử không hoảng sợ. Bọn chúng xắn tay áo, lộ ra những bắp thịt rắn chắn, tay nắm chặt những cây gậy tre dùng để dò dường. Khôi oa trong tay không một tấc sắc, ngược lại không dám tiếp tục khiêu khích.
Có một vài người đi từ xa tới. Bọn họ nói với khôi oa: “Sao mấy đứa lại làm khó người mù thế”
Bọn họ tưởng những người mặc đồ tang như chúng tôi là con cái chủ nhà.
Bọn quá phùng chiêu tử vội nhắm chặt mắt, dùng gậy tre dò dẫm tìm đường đi, miệng nói: “Đúng đấy. Sao lại làm khó những người mù chúng tôi chứ?”
Sau đó, mỗi tên đặt một tay lên vai tên khác, rồi bay đi như đàn nhạn.
Thủ lĩnh khôi oa khinh thường nhìn bọn quá phùng chiêu tử đang đi về phía xa, miệng chửi: “Quân chó đẻ này, đóng kịch giỏi đấy”
Sau đó cảm khái nói: “Đã làm người, sao không thể sống cho quang minh lỗi lạc?”
Buổi chiều, thi thể được khiêng lên xe lặc lặc. Đội ngũ đưa tang rầm rộ lên đường. Dọc đường đi, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn bầu, tiếng than khóc não nề… cứ kéo dài không dứt, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt.
Tôi theo chân đám khôi oa, thấy bọn họ đi đứng tự do, hàng lối lộn xộn nhưng tiếng than khóc thì thấu trời dậy đất, giữa những lần nghỉ ngơi không quên xé một miếng thịt bò khô trong túi nhét vào miệng. Ăn xong thịt bò lại lấy sữa chua trong túi ra uống. Dù sao mấy ngày nay cũng được chủ nhà chiêu đãi miễn phí, không ăn thì phí phạm của giời.
Huyệt mộ cách làng Ô Đằng Tề khoảng ba bốn dặm. Nơi đây chôn cất người chết của làng qua nhiều đời. Những ngôi mộ giống như những con rùa, lặng lẽ bò trong những lùm cỏ, ngay cả những trận bão cát dữ dội nhất cũng không thể đánh thức chúng. Làng Ô Đằng Tề có hai tộc người, một là người Hán, hai là người Mông Cổ. Người Hán sau khi chết thì sẽ được chôn cất, còn người Mông Cổ thì dùng cách thiên táng.
Từ làng ra huyệt mộ phải vượt qua một con sông. Nước sông không sâu, chỉ xâm xấp đầu gối. Sau khi qua sông, đám khôi oa ngừng than khóc mà thì thầm rủ rỉ với nhau, thỉnh thoảng lại cười ré lên. Những hiếu tử bên cạnh cũng nín bặt. Họ đã mệt mỏi vì phải than khóc suốt một chặng đường dài như vậy.
Vết bớt khẽ hỏi tôi: “Hai người đêm qua là ai?”
Tôi nói: “Hai người nào. Hai người trước hay hai người sau?”
Vết bớt nói: “Tất cả”
Tôi nói: “Hai người trước là thái sinh chiết cát. Nghe bọn chúng nói chuyện có lẽ đã đi theo người Nhật rồi. Hai người sau cũng là người của Cái Bang nhưng không biết lộ số thế nào”
Chúng tôi còn đang trò chuyện, chợt trông thấy đằng xa bụi cuốn lên mù mịt. Một nhóm người cưỡi ngựa chạy tới. Bọn họ mặc quân phục màu vàng, đầu đội mũ vải, chính giữa có một ngôi sao vàng năm cánh. Những người đưa tang thấy đám người vũ trang thì vội dừng bước, đứng nép qua một bên nhường đường. Tôi còn đang hồ nghi, đột nhiên trông thấy tên có giọng kim loại. Hắn ta mặc quần đen, áo khoác đen, mặt nghênh nghênh đắc ý. Tội vội vàng cúi đầu thật thấp.
Nhóm người này trông thấy chúng tôi liền giảm cước bộ.  Thảo nguyên đất rộng người thưa, chỉ có mỗi một con đường, hơn nữa còn là đường do xe lặc lặc chạy qua. Tôi biết bọn này là kỵ binh Nhật Bản nhưng vết bớt và đám khôi oa thì không biết. Vết bớt thấp giọng hỏi tôi: “Những người cưỡi ngựa này là ai?”
Tôi nói: “Đừng nói nữa. Bọn này ác lắm”
Sau khi một nửa số người đi ngang qua tôi, tôi chợt nghe thấy một giọng nói quen thuộc. Hắn đang giải thích điều gì đó với một người gầy gò bên cạnh, bô lô ba la một tràng dài. Mặc dù tôi không biết hắn đang nói gì nhưng tôi từng nghe thấy giọng nói của hắn. Tôi cố lục lọi trí nhớ: “Giọng nói của tên người Nhật này sao quen vậy nhỉ?” Tôi liếc nhìn hắn, nhưng chỉ trông thấy bóng lưng. Mặc dù hắn đang vận bộ quân phục màu vàng nhưng rất quen mắt.
Người đàn ông gày gò thúc ngựa đuổi theo tên nói giọng kim loại. Tên cáo mượn oai hùm này cao giọng quát tháo: “Thái quân hỏi chúng mày. Còn đường mòn dẫn đến Đa Luân đi lối nào?”
Tôi sợ hắn sẽ nhận ra mình, liền cúi đầu thật thấp. Tôi nghe một người nói: “Trước mặt có một ngọn núi, đi hết ngọn núi này là tới con đường mòn dẫn đến Đa Luân”
Tên có giọng kim loại hỏi: “Còn cách đây bao xa?”
Người kia nói: “Không còn xa nữa. Khoảng chừng bốn, năm chục dặm”
Tên có giọng kim loại lại hỏi: “Trong núi có quân đội không?”
Người kia nói: “Có”
Tên có giọng kim loại hỏi: “Bao nhiêu người?”
Người kia nói: “Phải đến mấy trăm người”
Tên có giọng kim loại không hỏi nữa. Hắn cưỡi ngựa chạy đến trước mặt người gầy gò. Người gầy gò lại nói xì xa xí xố với người có giọng nói quen thuộc kia. Tôi kéo khăn xô trên đầu xuống che phần lông mày, nghiêng đầu ngó xem tình hình bên đó. Người có giọng nói quen thuộc quay đầu nhìn lại, gương mặt thoáng hiện một nụ cười không dễ nhận biết, sau đó đưa tay vuốt mũi. Tôi bất chợt nhận ra, hắn ta là lão Đồng, chính là lão Đồng mà tôi đã quen biết trong lúc ngồi tù.
Vì sao lão Đồng có mặt ở đây. Vì sao tên có giọng nói kim loại lại đi chung với ông ấy?

(Tổng: 2458 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận