Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2021 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
BÍ TỊCH GIANG HỒ
Chương 26
Kẻ tuần đêm hung hãn
Sáng sớm vừa thức dậy, Thập Đấu đã hí hửng ôm cái nệm ra phơi trên tường nhà mình. Hầu hết đàn ông trong làng đều chạy đến xem. Trên cái nệm đó vẫn còn một vết máu đỏ tươi.
Vì sao lại có vết máu? Tiều Kiều bị thương rồi sao? Nhưng tôi nhìn qua Tiểu Kiều thì thấy khuôn mặt chị ấy ngập tràn hạnh phúc. Vậy thì vết máu đó từ đâu ra? Khuôn mặt của Thập Đấu cũng tràn đầy hạnh phúc, chứng tỏ anh ấy cũng không có bị thương tích gì cả.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cười Thúy Nhi đã kể cho nghe: “Ông ta đâm con đến chảy máu, con cũng kẹp cho ông ta chảy cả nước”. Tuy chưa rõ lắm nhưng tôi cũng hiểu được đôi chút.
Tiểu Kiều giống như một bà nội trợ trong gia đình rất chăm làm việc nhà. Chị ấy dọn dẹp phòng ngủ của hai vợ chồng gọn gàng. Chị ấy cũng hướng dẫn hai người làm và tôi sửa lại cái sân nhà rồi đi đào mấy cây hoa thược dược vừa hé nụ trên núi mang về trồng. Chị ấy chỉ người giúp việc nấu nướng để bàn ăn có thêm vài món ngon lạ. Thập Đấu thấy vợ mình đảm đang như thế thì ngoác mồm cười sung sướng cả ngày.
Vậy là năm ngày đã trôi qua.
Chiều ngày thứ năm, Thập Đấu dẫn hai người làm đến xây bếp. Vì nhà có thêm người, bếp ăn cũ hơi nhỏ nên Thập Đấu quyết định xây một cái bếp khác lớn hơn. Ba người mồ hôi nhễ nhại, bận bịu lo việc chuyển gạch, trộn vữa, xây bếp, trát tường… Khi mấy người giúp việc đang chuẩn bị cơm nước trong bếp thì Tiểu Kiều khẽ gọi tôi. Chị ấy bảo tôi đứng ở cửa phòng canh chừng Thập Đấu. Nếu thấy anh ấy lại gần thì lập tức vỗ tay.
Tiểu Kiều lấy chìa khóa ở dưới chiếu, mở tủ, sau đó cho tay vào trong xem xét, tiếp đó khóa tủ lại rồi nhét chìa khóa xuống dưới chiếu.
Tiểu Kiều gọi tôi vào trong phòng, hỏi nhỏ: “Em còn nhớ đường đi đến đây không?”
Tôi nói: “Em còn nhớ”
Tiểu Kiều lại hỏi: “Em nhớ có một cái cây bồ kết rất to nằm ven đường đến đây không?”
Tôi nghĩ một lát rồi nói mình vẫn còn nhớ.
Tiểu Kiều nói: “Em đi đến cây bồ kết, có người đợi sẵn ở đó. Em nói với người ấy là đêm nay chúng ta sẽ đi.
Tôi hỏi: “Ai đợi dưới cây đó? Chúng ta đi đâu?”
Tiểu Kiều nói: “Người đợi em không phải chồng chị mà là sư phụ của em. Nếu đêm nay không đi thì em sẽ phải ở đây suốt đời đấy”
Tôi nói: “Được rồi, em đi tìm cây bồ kết ngay đây”
Tiểu Kiều dặn dò: “Đừng để người khác thấy nhé”
Cây bồ kết cách Thượng Sơn Động chừng đâu bốn năm dặm. Tôi đi dọc theo con đường núi thẳng về phía trước. Có lúc tôi lấy đá ném vào con gà rừng đậu bên đường, có lúc đuổi theo con thỏ đang chạy. Gà rừng không thể bay trên đường bằng, nếu nó gặp nguy hiểm sẽ chạy đến vách núi, nhờ địa thế của vách núi mới có thể bay được. Thân hình bọn chúng rất nặng nề nên mỗi lần muốn bay đều phải rơi xuống trước. Tôi tưởng mình có thể bắt được chúng nó nhưng làm mãi mà không được. Chân thỏ ngắn, chạy trên mặt đất bằng phẳng rất nhanh, nếu chạy trên mặt đường cứng chắc thì còn nhanh hơn trên ruộng nhiều. Tuy thế thỏ sợ nhất là chạy lên dốc vì chân chúng ngắn nên chạy đường dốc sẽ rất tốn sức. Tôi tưởng đi trên đường núi có thể bắt được chúng nhưng vẫn không thể làm được.
Khi đến dưới cây bồ kết tôi nhìn chung quanh nhưng không thấy ai. Tiểu Kiều nói có người đợi tôi ở đây nhưng người đó đâu rồi. Đúng lúc tôi đang cảm thấy kỳ lạ thì Lăng Quang Tổ và Lăng Diệu Tổ chui ra từ bụi cây.
Tôi nói: “Chị Tiểu Kiều nói đêm nay chúng ta sẽ đi”
Lăng Quang Tổ và Lăng Diệu Tổ còn chưa nói gì thì ông già gày gò bước ra từ sau một gốc cây. Miệng ông ta còn ngậm tẩu thuốc, tiếng nói rít qua hai kẽ răng: “Đợi bọn ta đến đón”
Tôi quay người trở về, đi được mười mấy mét quay đầu lại thì ba người họ đã biến mất dạng.
Khi về đến nhà Thập Đấu thì trời đã sẩm tối. Thập Đấu và hai người làm đang ăn cơm trong sân. Trên cái bàn vuông là củ cải muối, dưa muối. Mỗi người bưng một cái bát tô húp xì xụp không ngừng. Tôi biết là họ đang ăn cháo ngô. Hồi còn ở nhà, Vương Tế Quỷ thường hay cho tôi ăn cháo ngô, sau khi ăn xong lại còn phải dùng lưỡi liếm cho sạch bát.
Tiểu Kiều đang khâu đế giày trước cổng nhà. Vừa nhìn thấy tôi thì giận dữ nói: “Suốt ngày đi chơi lông nhông bên ngoài, y như con chim trĩ vậy”
Tôi nói: “Em còn hơn con chim trĩ nữa. Chim trĩ có biết gọi chị là chị không?”
Câu nói của tôi làm cho Thập Đấu và hai người thợ phì cười. Thập Đấu nói: “Mau lại đây ăn cơm”. Người ở Đại Biệt Sơn gọi cháo là cơm, cơm nấu cũng là cơm mà mì sợi cũng gọi là cơm. Tóm lại là cái gì đựng trong bát đều gọi là cơm tuốt.
Tiểu Kiều đặt đế giày trong tay xuống đất nói: “Đi rửa tay cho sạch đã nào”. Chị ấy kéo tôi đến bên bồn hoa, vừa múc nước trong chậu ra vừa hỏi nhỏ: “Có gặp được ai không?”
Tôi hạ giọng nói: “Gặp được rồi. Bọn họ nói sẽ quay lại đón”
Tiểu Kiều nói: “Đêm nay không được ngủ, dỏng tai lên mà nghe ngóng. Thấy chị gọi là phải đi ngay”
Tối đó, cả nhà đều ngủ sớm. Người trong các làng bản miền núi đều tiết kiệm dầu nên ban đêm không để đèn. Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ. Mấy ngàn mấy vạn năm nay đều như thế cả.
Tôi nhớ lời Tiểu Kiều dặn đó là tối nay không được phép ngủ nhưng dù tôi có nhủ với lòng mình thế nào thì hai mí mắt vẫn díp lại. Rồi tôi nghĩ chỉ chợp mắt một tí thôi là được rồi. Thế nhưng tôi lại ngủ thiếp đi.
Không biết đã qua bao lâu, tai tôi bị ai đó nhéo mạnh, miệng bị bịt lại. Tôi đau đớn tỉnh dậy, nghe thấy tiếng Tiểu Kiều nói: “Thằng bé này, đã bảo không được ngủ, sao lại vẫn cứ ngủ”
Tôi vội giữ lấy cánh tay của chị để chị ấy không dùng thêm sức. Chị ấy buông tôi ra, nói: “Đi mở cổng nào”
Tôi bước ra khỏi phòng, trên trời trăng sáng sao thưa, chung quanh không một tiếng động. Ánh trăng trải vàng lên mấy cây dương trong sân, bóng lá cây in trên mặt đất giống như một bức họa. Lâu lâu lại rộ lên tiếng ếch nhái truyền đến từ ngoài cửa. Trong đêm khuya thanh vắng tiếng kêu của chúng càng thêm rõ. Tôi bước rón rén đến bên cổng, tháo thanh chống cửa, rút đinh sắt ra, sau đó kéo then cài, rồi vừa nâng vừa đẩy cửa để tránh phát ra tiếng động.
Một người bước vào trong sân. Dưới ánh trăng, tôi thấy đó là Lăng Diệu Tổ.
Lăng Diệu Tổ thấp giọng hỏi: “Mọi chuyện ổn cả chứ?”
Tôi nói: “Chị Tiểu Kiều còn ở trong đó”
Lăng Diệu Tổ rón rén bước vào sân. Đúng lúc này Tiểu Kiều cũng bước ra khỏi phòng. Tiểu Kiều cầm trên tay một cái túi vải, bên trong không biết đựng gì. Nhưng thấy chị ấy phải oằn người để xách thì tôi biết nó rất là nặng.
Lăng Diệu Tổ đón lấy cái túi trên tay Tiểu Kiều, Hai người lần lượt bước ra khỏi sân. Bên trong nhà vẫn im ắng. Sau cuộc chiến giáp lá cà trên giường, Thập Đấu đã chìm vào giấc ngủ ngọt ngào. Anh ấy đâu biết chỉ đêm nay thôi toàn bộ vốn liếng của mình đã bị người khác khoắng cho bằng sạch.
Chúng tôi đi đến đầu làng thì thấy Lăng Quang Tổ và ông già gầy gò chui ra từ bóng tối. Ông già gầy gò giơ cánh tay ra hiệu rồi dẫn đường đi về phía trước. Chúng tôi đi theo sau ông ta.
Vừa bước ra khỏi làng thì ánh trăng ẩn mình vào giữa đám mây, các ngôi sao trên bầu trời từ từ hiện ra, giống như đang bồng bềnh trên mặt nước. Ông già gầy gò đưa mọi người đến một vách đá. Ông ta bình tĩnh nói: “Bây giờ thì an toàn rồi, nghỉ ngơi làm hơi thuốc đã”
Ông già gày gò lấy đá lửa và dao đánh lửa ra đập vào nhau. Chát, chát, chát ba tiếng đã đốt cháy mồi lửa. Ngọn lửa yếu ớt từ từ cháy lên. Ông lão gày gò vừa định đưa tẩu lên hút thì bỗng nghe đằng xa có tiếng người quát: “Ai? Ai ở đó?”. Sau đó là tiếng gầm gừ giận dữ của mấy con chó.
Thượng Sơn Động là một làng lớn. Ban đêm thường có người đi tuần.
Chúng tôi hoảng lên vội vàng chạy về trước. Trăng đã ra khỏi mây. Dưới ánh trăng con đường núi trông như một con rắn chết bò ngoằn ngoèo xuống chân núi. Đằng sau truyền đến tiếng kêu của người và cả tiếng chó sủa.
Người thì có hai, chó thì có một. Tuy nhiên hai người này đều cầm theo cây đao dài. Dưới ánh trăng lưỡi dao lấp loáng thấy lạnh cả người. Hai người đàn ông và con chó này đã phá vỡ cái tĩnh mịch của ngôi làng. Những con chó bị nhốt trong sân cũng tranh nhau sủa. Người dân trong làng sẽ mở cửa đuổi theo ngay thôi.
Hai người tháo dây xích chó, con chó hung dữ lao vọt lên, dường như còn nghe được cả tiếng thở nặng nề của nó. Ông già gầy gò quen đi đường núi chạy dẫn đầu. Ông hét lên: “Lên núi, lên trên núi”. Sau đó ông bỏ con đường núi và lao về phía sườn núi. Chúng tôi chạy sát theo sau. Lăng Diệu Tổ chạy cuối cùng vì còn phải vác theo cái túi tiền.
Chúng tôi chạy lên sườn núi, trên này không có đường đi. Chân chúng tôi giẫm lên cỏ dại, lá ngải, bụi mận gai rậm rạp. Ống quần chúng tôi rách tả tơi, cẳng chân xước xát. Nhưng cũng chẳng sao, quan trọng là phải nhanh chóng thoát khỏi con chó đang đuổi theo sau.
Ông già gày gò rất có kinh nghiệm đi đường núi. Chúng tôi đã kéo dài thêm khoảng cách với con chó. Chúng tôi mang giày nên có thể chạy trên những bụi mận gai. Còn con chó thân hình thấp nhỏ, chân lại không có gì bảo vệ nên không có cách nào chui qua những bụi rậm.
Chúng tôi và con chó dữ ngày càng cách xa làng hơn, cũng không nghe thấy tiếng chó sủa trong làng nữa.
Khi chúng tôi còn chưa lấy lại hơi thở thì con chó đột nhiên vòng qua những bụi mận gai, lẻn đến gần chúng tôi. Hai người cầm đao dài cũng đã đuổi kịp đến nơi.