Tổ Bịp

  • Lý Yêu Sỏa
  • 2516 chữ
  • 0
  • 2024-10-18 16:36

QUYỂN I
 THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ

Chương 11

Lộc từ trời rơi xuống

Xe ngựa chạy rất lâu, hai con ngựa thở phì phò, mũi không ngừng kêu khụt khịt, cả người chúng nó ướt đẫm mồ hôi. Sau khi chạy ra khỏi khe núi, Thụ Trang mới kêu chúng dừng lại. Chúng tôi xuống xe, thấy đã ra tới bên ngoài. Ánh sao chiếu rọi xuống vùng hoang vu, chung quanh vắng lặng không một tiếng động.
Tôi không dằn được mới hỏi Thụ Trang: “Tại sao phải chạy đi thế?”
Thụ Trang nói: “Không chạy mà được à? Chậm chân cái là toi mạng ngay”
Tôi hỏi: “Trong làng có ma à?”
Thụ Trang nói: “Trong làng không có ma, nhưng có ôn dịch. Những cái xác mày thấy đều chết bởi ôn dịch đấy”
Tôi hỏi: “Ôn dịch là gì thế?”
Thụ Trang nói: “Ôn dịch là một loại chướng khí, rất lợi hại. Hít phải một hơi là tiêu đời”
Tôi hỏi: “Thế bây giờ không có chướng khí à?”
Thụ Trang nói: “Chướng khí chỉ có ở nơi núi sâu rừng thẳm, không có ở đồng bằng”
Nhớ lại tình cảnh vừa rồi, tôi sợ đến dựng tóc gáy. Tôi đã vào trong làng và gặp phải những cái xác chết đó, khẳng định đã hít phải chướng khí rồi, vậy là tôi sắp phải chết. Nghĩ đến đây tôi sợ nhũn cả người, ngồi bệt xuống đất, khóc òa lên: “Con sắp chết rồi, con sắp chết rồi”
Thụ Trang đá vào người tôi: “Dậy ngay. Con mẹ nó chứ. Mày mà chết thì đã chết lâu rồi. Còn sống được đến giờ à?”
Tôi đứng dậy nhìn Thụ Trang đầy nghi ngờ:" Chẳng phải chú vừa nói hít một hơi là chết hay sao? Con hít còn nhiều hơn thế ”
Thụ Trang nói: "Chắc là chướng khí tan hết rồi, chứ mà vẫn còn thì không thoát khỏi làng đó đâu” 
Đêm đó, chúng tôi chỉ có thể ngủ ngoài trời. Chúng tôi tìm một vách núi khuất gió, đốt một đống lửa để ngủ cho ấm. 
Thụ Trang đổ cỏ cho ngựa. Chúng nó ăn ngon lành ngay bên cạnh đống lửa.   

Ban đêm ở những nơi hoang vu rất đáng sợ. Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng cú rúc, tiếng chân bước sột soạt của loài động vật nào đó. Tôi đã nhịn đi cầu rất lâu rồi, đến giờ thì hết chịu nổi. Tôi nói: “Con muốn đi ị”
Thụ Trang nói: “Đi ị thì qua bên kia mà đi”     
Tôi nói: “Con sợ lắm. Có ai đi cùng con với”
Không người nào lên tiếng. Thúy Nhi cầm một thanh củi, nói: “Để chị dẫn em đi”
Tôi bước ra phía ngoài đống lửa. Thụ Trang nói với theo: “Đến chỗ cuối gió đấy, ị đầu gió thối chết cha”
Tôi lại quay người đi về chỗ cuối gió. Thúy Nhi cũng theo sau tôi. Chúng tôi đi chừng mấy chục mét thì dừng lại.
Tôi tụt quần ngồi xuống. Thúy Nhi cũng ngồi đối diện với tôi. Chị ấy hỏi: “Em biết ông ta giấu tiền ở đâu không?”
Tôi nói: “Em không biết”
Thúy Nhi nói: “Ngày nào cũng trộm tiền. Tiền bạc ngân phiếu cũng tới cả đống rồi. Nếu mang hết theo người thì chúng mình đã thấy rồi. Nhưng chúng mình lại không thấy. Như vậy chứng tỏ ông ta không giấu trong người”
Tôi hỏi: “Không mang theo người thì có thể cất ở đâu nhỉ?”
Thúy Nhi nói: “Ừ, cất đâu được nhỉ”
Tôi đi cầu xong, thở ra một câu nghe có vẻ rất hiểu biết: “Chắc là chôn ở đâu đó? Chúng mình quay về đào lên”
Thúy Nhi nói: "Không thể nào. Nếu ngày nào cũng chôn thì ngày nào cũng phải đào. Vả lại chưa chắc chúng mình đã tìm thấy. Chúng mình cứ đi thẳng về miền Nam, không trở lại đường cũ thì lấy bằng cách nào đây?”
Tôi nói: "Vậy ở đâu được nhỉ?”
Thúy Nhi nói: “Chị cũng không biết”
Tôi nói: “Chắc là giấu ở trong quần áo của ông ta”
Thúy Nhi nói: “Em biết một đồng bạc nặng thế nào không? Lại còn một đống bạc nữa thì nặng đến cỡ nào? Ông ta mang cả đống bạc đó trên người thì đi đứng làm sao được?”
Tôi nói: “Thế chị nói xem có thể giấu ở đâu”
Tôi vừa nói xong thì đằng xa vọng lại tiếng sói hú. Âm thanh trầm thấp rất đáng sợ. Tôi vừa nghe thấy tiếng sói là toàn thân phát run, nghĩ ngay đến cái đêm tôi bị bắt cóc.
Thúy Nhi đưa tôi quay trở lại chỗ đống lửa. Chị nói nhỏ vào tai tôi: “Để ý xem ông ta giấu tiền chỗ nào?”   

Tôi trở về bên cạnh đống lửa chưa được bao lâu thì cơn buồn ngủ ập tới. Thấy mọi người chung quanh cũng bắt đầu gà gật. Thụ Trang nói: “Ban đêm ai tỉnh dậy nhớ thêm ít củi khô vào, đừng để lửa tắt. Sau đó cũng lăn ra ngủ. Ở nơi hoang dã những thứ khác có thể không có chứ củi thì đầy ra. Tiện tay quờ trên mặt đất cũng được cả bó.
Không có người nói chuyện nên tôi cũng ngủ luôn. Tôi biết chỉ cần có lửa là sói sẽ không dám lại gần. Hơn nữa chúng tôi còn có hai con ngựa, một con khỉ. Nếu sói xuất hiện chúng sẽ báo động trước.    

Đến nửa đêm tôi thức dậy bỏ thêm củi vào đống lửa. Thấy mọi người đang ngủ say tôi chợt nhớ lại lời Thúy Nhi dặn là phải để ý những nơi Cao Thụ Lâm giấu tiền. Tôi rón rén đứng dậy đến bên cạnh xe ngựa, lục giở đồ đạc trên xe nhưng không tìm thấy tiền. Tôi lại chui xuống dưới gầm xe nhưng không phát hiện được gì, đành phải bỏ cuộc, quay trở về đống lửa. Nhìn qua bên cạnh thấy Cao Thụ Lâm vừa ngáy vừa nghiến răng trèo trẹo. Tôi tự hỏi không biết ông ta giấu tiền chỗ nào nhỉ?
Sau khi trời sáng, chúng tôi lại lên đường. Chúng tôi cứ đi men theo con đường từ khe núi ra, đến một ngã ba thì rẽ vào một đường khác. Con đường này phải là con đường đi về miền Nam. Trên đường đi, chúng tôi trông thấy những người đang gánh gồng, còn có xe ngựa chạy ngược chiều thì biết đây là đường chính rồi. Con đường chúng tôi đi tối qua chỉ là một con đường mòn dẫn vào khe núi.
Chúng tôi đã đi được mười mấy dặm mà vẫn chưa thấy trước mặt có ngôi làng nào. Mọi người đều đói bụng. Có người đề nghị bắc nồi nấu cơm ăn, có người lại nói đi thêm đoạn nữa xem có thôn trấn nào không. Bỗng nhiên phía sau khói bụi bốc lên cuồn cuộn, một đoàn người ngựa đang phi nhanh đến.

Cao Thụ Lâm và Thụ Trang nhìn nhau kinh hãi. Bồ Đề thì co rúm lại như con chuột. Tôi còn đang nghĩ những người này muốn làm gì thì Cao Thụ Lâm bỗng kêu to: “Chạy mau, chạy mau”
Thụ Trang quất mạnh roi ngựa, cỗ xe lập tức phi như bay. Nhưng xe ngựa có chạy nhanh thế nào cũng không nhanh bằng người cưỡi ngựa. Khoảng cách giữa bọn họ và chúng tôi cứ thu ngắn dần. Thụ Trang biết nếu cứ chạy theo đường lớn thì không thể thoát được, thế là đánh xe chạy về con đường men sườn núi. Mặc dù vậy những người kia cũng vẫn đuổi theo. Bên cạnh sườn núi có một khu rừng. Cao Thụ Lâm hét lớn: “Nhảy xuống. Chui vào rừng. Nhanh! Nhanh nào!”
Chúng tôi vừa mới nhảy xuống xe thì những đuổi theo đều đã xuống ngựa hết rồi. Người cầm đầu cao giọng: “Ân nhân. Không cần hoảng sợ. Chúng tôi đến đây để tạ ơn”
Chúng tôi đứng lại, trong lòng nghi hoặc không biết mình đã giúp họ điều gì để họ phải tạ ơn.
Người cầm đầu bước đến trước mặt tôi, đột nhiên quỳ sụp xuống. Anh ta nói: “Nếu không nhờ bạn thì vợ tôi đã chết rồi. Bạn chính là người cứu mạng chúng tôi”
Tôi nghĩ nát óc cũng không biết mình đã cứu mạng họ lúc nào? Hay là họ đã nhận lầm người rồi.
Cao Thụ Lâm tiến lên trước, cười ha hả đỡ anh ta dậy. Người đó vẫy tay ra hiệu, người phía sau tháo một cái túi trên lưng con ngựa xuống, ôm vào lòng. Cái túi nặng trĩu làm anh ta đi loạng choạng. Người cầm đầu chỉ vào cái túi, nói: “Chỉ là chút quà mọn. Xin vui lòng nhận cho”
Cao Thụ Lâm mở cái túi ra, thấy bên trong toàn là đồng bạc trắng, nhìn lóa cả mắt. Cao Thụ Lâm nói: “Làm vậy sao được, làm vậy sao được?”
Ông ta làm bộ dáng đẩy túi tiền trả lại họ nhưng hai tay lại không chạm vào túi tiền. 
Người cầm đầu vỗ vai tôi, nói: “May mà hôm qua cậu em đây kịp thời đánh động chứ không thì tôi cũng không biết vợ mình sắp sinh, mẹ con sẽ gặp nguy hiểm. Ngày hôm qua đã sinh rồi, là hai thằng cu”
Cao Thụ Lâm vòng tay ôm quyền chúc mừng: “Cung hỷ, cung hỷ. Thật là hỷ càng thêm hỷ”
Bọn họ để lại cái túi đầy ắp tiền rồi rời đi. Cao Thụ Lâm cầm lấy một đồng bạc, đưa lên miệng hà hơi, rồi đưa lên tai lắng nghe. Ông ta hí hửng nói: “Đúng là đồ thật, tiền thật giá thật. Hahahaha”
Mọi người ai nấy đều phấn khởi, chỉ có Thúy Nhi là vẫn tỏ ra dửng dưng. Chị nhìn cái túi rồi lại nhìn tôi, dường như có điều muốn nói.   
Cao Thụ Lâm nói: "Trở về, trở về, lên xe, lên xe. Trước mặt có là huyện thành hay thôn trấn cũng không đi nữa. Bữa nay tạm nghỉ một ngày. Mỗi người được chia hai đồng. Thích tiêu xài thế nào thì tùy”
Tôi không biết có bao nhiêu đồng bạc nhưng ít ra cũng tới mấy trăm đồng. Cao Thụ Lâm bốc một nắm chia cho mỗi người hai đồng. Phần còn lại ông ta kê ở dưới mông cứ như sợ túi tiền sẽ bay đi mất. Cái túi này là kiểu túi thon dài được dệt từ vải buồm, dùng để đựng lương thực. Thời điểm sau giải phóng, kiểu túi này rất phổ biến. Trên xe của hợp tác xã đều chất đầy loại túi này, bên trong đựng lương thực, người ta thúc ngựa chạy đến các trạm thu mua kịp thời chi viện cho cách mạng thế giới và công cuộc xây dựng XHCN. Hồi tôi còn nhỏ, chỉ nhà giàu mới có loại túi này.
Chúng tôi lên xe ngựa chạy thẳng về phía trước. Gương mặt Cao Thụ Lâm lộ vẻ hớn hở, thậm chí từng nếp nhăn trên trán hay nơi khóe miệng cũng như vậy. Tôi không biết mấy trăm đồng bạc to đến mức nào nhưng tôi khẳng định nó phải là một khoản tiền cực lớn, nếu không Cao Thụ đã chẳng vui sướng đến thế. Mấy trăm đồng bạc này có thể mua được vài cửa hàng, mấy chục con ngựa tốt. Gia đình có con sinh đôi kia thật là giàu có, chỉ vung tay đã cho chúng tôi cả đống tiền.
Thúy Nhi nhìn tôi rồi lại nhìn qua phía Cao Thụ Lâm và hỏi “Số tiền này là của ai?”
Cao Thu Lâm nói: “Sao vậy? Là của gánh xiếc”
Thúy Nhi nói: “Không đúng. Đây là tiền người ta cho Ngai Cẩu. Người ta bỏ tiền ra để hậu tạ Ngai Cẩu. Ông không thấy người ta chỉ quỳ lạy Ngai Cẩu, luôn miệng nói Ngai Cẩu là ân nhân của mình à?”
Cao Thụ Lâm nói: “Tuy tiền là người ta cho Ngai Cẩu nhưng cũng có thể nói là cho gánh xiếc. Người ta quỳ lạy Ngai Cẩu, nói nó là ân nhân cứu mạng, điều này không sai. Nhưng nếu không có gánh xiếc chúng ta thì Ngai Cẩu có biết đi thăng bằng trên dây không? Nó không biết đi thăng bằng trên dây thì không thể thấy người ta sắp sinh con. Người ta cũng sẽ không cho nó nhiều tiền như vậy. Nói cho cùng, túi tiền này là để hậu tạ gánh xiếc. Gánh xiếc là do tao làm chủ nên túi tiền này là của ta. Tao muốn dùng thế nào thì dùng, muốn cho ai thì cho”
Thúy Nhi nói: "Ngai Cẩu đã đóng góp công sức rất nhiều, ông không thể chỉ cho người ta vài đồng lẻ như thế”
Cao Thụ Lâm nói: “Vậy mày nói xem tao nên cho nó bao nhiêu?”
Thúy Nhi nói: “Ít nhất cũng phải một nửa”
Nói xong Thúy Nhi lại nhìn qua phía tôi.
Cao Thụ Lâm nói: "Tao đã nói túi tiền này thuộc về gánh xiếc. Tao là người có tiếng nói cuối cùng ở đây, muốn cho ai bao nhiêu thì cho, làm gì đến lượt mày lên tiếng?”
Thúy Nhi mặt đỏ bừng, tôi thấy chị đang rất kích động. Chị nói: “Làm người phải có lương tâm chút”
Cao Thụ Lâm cũng nổi sùng, cao giọng quát lên: “Ông đây cho chúng mày cái ăn cái mặc, nuôi từng đứa lớn khôn. Bây giờ đủ lông đủ cánh rồi lại không thèm biết đến ông nữa. Ông đây xử sự có lương tâm nhất còn chúng bay mới là thứ vô lương tâm”
Thúy Nhi bỗng rít lên, chỉ tay vào Cao Thụ Lâm mắng chửi: “Ông là đồ không biết liêm sỉ, ông là đồ không biết liêm sỉ”
Chị ấy cứ lặp đi lặp lại một câu đó mà không nói được câu nào khác. Tôi thấy mắt chị ấy lồi ra, nghiến răng nghiến lợi như sắp ăn thịt người đến nơi. Thanh Nhi kéo tay chị ấy lại, ngăn không cho chị lao lên.
Cao Thụ Lâm quay đầu lại, không thèm nói chuyện với Thúy Nhi nữa. Hai khóe miệng của ông ta cứ co giật liên hồi.
Thụ Trang cho xe ngựa chạy. Anh ấy ngồi phía trước từ tốn nói: “Đều là người một nhà. To tiếng với nhau làm gì?”
Thúy Nhi bỗng nhiên bật khóc. Chị khóc rất thảm thương. Thanh Nhi an ủi: “Ngai Cẩu chỉ là thằng khờ. Em cần gì phải ra mặt như thế. Có cho nó nhiều tiền, nó cũng có biết tiêu xài đâu?
Thúy Nhi càng khóc to hơn, chị gào lên: "Không phải thế, không phải thế”

(Tổng: 2516 chữ)
Vui lòng Đăng nhập để bình luận