Tổ Bịp
- Lý Yêu Sỏa
- 2090 chữ
- 0
- 2024-10-18 16:36
QUYỂN I
THIÊN CƠ BẤT KHẢ LỘ
Chương 40
Tìm dấu chân ngựa
Nhị sư thúc nói: “Quay lại tìm. Bọn họ không đến ngã ba này mà đã chuyển hướng khác rồi”
Chúng tôi về lại đường cũ tìm kiếm, quả nhiên phát hiện một cái nghiên mực dưới con rạch bên đường và thêm một hàng dấu chân ngựa.
Chúng tôi đuổi vào bãi cỏ bên đường. Đi chừng mười mấy mét thì thấy một con đường ẩn hiện trong đám cỏ tươi tốt phía trước, nếu không để ý sẽ không có cách nào nhìn ra được.
Chúng tôi tiếp tục đuổi theo con đường đó. Đột nhiên thấy phía trước có một vật sáng lấp lánh, nhặt lên nhìn thì ra là một cái móng ngựa bằng sắt đã mòn.
Nhị sư thúc nói: “Bất kể cái móng này là của con ngựa nào thì nó cũng không thể chạy nhanh được nữa. Mau lên nào. Chúng ta phải bắt kịp bọn họ trước khi trời tối”
Chúng tôi đuổi được mấy dặm thì lại có một cái khe chặn mất đường đi. Cái khe này quá dốc nên ngựa không xuống dưới được.
Khe chạy theo hướng Bắc - Nam. Chúng tôi đứng bên miệng khe thì phát hiện dấu chân ngựa hướng về hai hướng Đông-Tây. Nói cách khác thì có con ngựa chạy về hướng Đông và có con ngựa chạy về hướng Tây.
Chẳng lẽ đám người truy đuổi đã chia làm hai đường vừa bao vây vừa chặn đánh? Khả năng này khó có thể xảy ra. Chỉ có hai người đuổi theo Thần Hành Thái Bảo. Khi hai người cùng đi truy đuổi sẽ không chia hai ngả vì sẽ biến ưu điểm thành nhược điểm. Chắc chắn bọn chúng hiểu rõ điều này. Thế thì chỉ còn một khả năng đó là bốn người đều xuống ngựa, để mặc cho ngựa tự sinh tự diệt rồi trượt xuống dưới khe. Hai con ngựa của người truy đuổi sống chung đã lâu sẽ đi theo hướng hoàn toàn khác với những con ngựa lạ.
Cái khe này sâu khoảng hai ba mươi trượng. Chúng tôi bám vào rễ cây cỏ và trượt xuống dưới khe. Quả nhiên phát hiện dưới cái khe âm u này có dấu chân người.
Chúng tôi lần theo dấu chân này được chừng trăm mét thì dấu chân đột nhiên biến mất.
Nhị sư thúc quan sát chung quanh và nói: “Ở trong cái hang này”. Tôi nhìn theo ngón tay nhị sư thúc thì thấy có một cái hang nằm trên vách núi bên trái, cách mặt đất khoảng ba mét.
Chúng tôi nghiêng tai lắng nghe nhưng không thấy có âm thanh nào khả nghi thì bám vào vách đá leo lên. Khi đến cửa hang thì thấy một đống lửa, trên vách hang còn ám khói đen. Lấy tay thăm dò thì thấy tro vẫn còn ấm.
Nhị sư thúc nói: “Thần Hành Thái Bảo đã trốn vào hang này, những kẻ truy đuổi đã nhóm lửa định hun khói đuổi anh ấy ra.
Tôi hỏi: “Thần Hành Thái Bảo bây giờ đang ở đâu?”
Nhị sư thúc nói: “Ta không rõ”
Trong lòng tôi rất lo lắng cho an nguy của Thần Hành Thái Bảo mặc dù tôi chưa từng nói chuyện với anh ấy, cũng chỉ mới gặp anh ấy có một lần nhưng anh ấy đã vì chúng tôi mà gặp phải nguy hiểm. Anh ấy được an toàn thì tôi cũng được an toàn, anh ấy có bề gì thì tôi cũng gặp nguy hiểm.
Tôi và nhị sư thúc cẩn thận tiến vào trong hang, thấy hang này chỉ sâu có mười mấy mét. Trong hang không một bóng người. Chúng tôi ngẩng đầu tìm kiếm thì thấy một bầy dơi lúc nhúc đông không đếm xuể đang treo ngược trên cao. Vách hang này dốc đứng, không có bất kỳ chỗ nào để có thể ẩn náu.
Chúng tôi bước ra ngoài cửa hang, nhị sư thúc tìm được một mảnh vải màu xám ngoài mỏm núi. Chúng tôi vừa định rời đi thì nghe thấy một chuỗi tiếng kêu chói tai vang lên trong không trung. Bầy dơi như một đám mây đen lao vào chúng tôi. Chúng tôi hoảng hốt vội lăn từ miệng hang xuống khe núi. Cỏ dại và những cây ngải cứu rậm rạp dưới khe đã che chắn cho chúng tôi.
Bầy dơi bay lượn trong không trung như một đám mây, hồi lâu sau mới bay trở lại hang.
Những người bị dơi cắn sẽ chết trong vài ngày. Dân gian vẫn cho là người chết là do bị dơi hút hết máu. Phải đến hàng chục năm sau tôi mới biết trên mình chúng có mang vi rút dại. Khi chúng cắn người sẽ truyền mầm bệnh vào cơ thể. Những người bị dơi cắn không phải chết do mất máu mà do nhiễm phải vi rút dại.
Bầy dơi tấn công chúng tôi có lẽ là vì trước đó đã có người dùng lửa hun chúng nó. Những con quái vật gớm ghiếc này đã xem chúng tôi là hai kẻ truy đuổi.
Nếu bị dơi cắn thì phải tiêm vắc xin phòng dại gấp.
Nhị sư thúc nói: “Thần Hành Thái Bảo vẫn còn sống”
Tôi hỏi:"Sao sư thúc biết?"
Nhị sư thúc cầm trên tay một mảnh vải xám nói: “Đây là mảnh vải của trường bào. Người làm nghề xem tướng chúng ta đều thích mặc trường bào vì nó trang trọng, tao nhã. Đây chính là mảnh vải trên áo trường bào của Thần Hành Thái Bảo. Mảnh vải này mắc ở mỏm đá nhưng không phải là do đá làm rách mà là do Thần Thành Thái Bảo đã cố tình xé nó ra, treo lên mỏm đá.
Tôi hỏi: “Sao sư thúc biết?”
Nhị sư thúc nói: “Vải do đá làm rách sẽ có hình tam giác, còn mảnh vải dùng tay xé ra thì sẽ có hình vuông. Miếng vải này có hình vuông nên chắc chắn là do Thần Hành Thái Bảo tự tay xé”
Tôi hỏi: “Vì sao anh ấy phải tự tay xé vải treo lên mỏm đá”
Nhị sư thúc nói: “Để dụ người truy đuổi đi vào trong hang”
Tôi nói: “Đúng rồi, chắc là để cho bầy dơi cắn”
Nhị sư thúc nói: “Không phải, Thần Hành Thái Bảo không vào trong hang. Anh ấy hoàn toàn không biết trong hang có nhiều dơi. Anh ấy chỉ muốn dụ những kẻ truy đuổi chui vào hang để mình có thêm thời gian lẩn trốn.
Tôi phục nhị sư thúc sát đất. Tôi hỏi: “Sao nhị sư thúc biết nhiều thế chứ?”
Nhị sư thúc nói: “Chúng ta làm nghề xem tướng, muốn xông pha giang hồ một mình, đoán biết tâm ý của người khác thì phải luyện được đầu óc và nhãn quan trinh thám từ sớm”
Giang hồ hiểm ác, chỉ cần sơ sảy một chút là sẽ mất mạng. Thực ra các thám thử làm gì có đầu óc tinh tế như của chúng ta. Thám tử là được đào tạo chuyên nghiệp trong trường lớp, còn chúng ta được tôi luyện thực tế trong giang hồ. Chúng ta phải trải qua biết bao sinh tử hiểm nguy mới có được những kinh nghiệm giang hồ quý báu như thế này. Những gì chúng ta có thể làm được, thám tử chưa chắc đã có thể làm được. Con thấy suốt chặng đường này Thần Hành Thái Bảo lợi hại như thế nào rồi đấy. Mỗi lần cậu ấy rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc vẫn kịp lưu lại ấn ký, lại còn dẫn dụ những kẻ truy đuổi chui vào trong hang. Những việc Thần Hành Thái Bảo đã làm làm sao thám tử có thể làm được?
Nghe nhị sư thúc nói mà trong lòng tôi nảy sinh lòng kính trọng trước nay chưa từng có đối với nghề nghiệp của mình. Tôi hỏi: “ Vì sao những kẻ truy đuổi lại đốt lửa trước cửa hang mà không chui vào trong?”
Nhị sư thúc nói: “Những kẻ truy đuổi không biết Thần Hành Thái Bảo có thân phận gì, cũng không biết cậu ấy có súng hay không. Thần Hành Thái Bảo ở chỗ tối, chúng ở chỗ sáng, nếu chúng nó xông bừa vào trong hang thế thì vào bao nhiêu sẽ chết bấy nhiêu. Cho nên chúng nó mới chọn cách hun lửa”
Tôi đã hiểu rồi. Hồi nhỏ khi còn ở nhà tôi đã theo con trai của người làm công đi bẫy chim bằng sàng, đi bắt chuột đồng bằng cách đổ nước vào hang của chúng và hun khói bọn lửng. Con lửng người nó giống như con nhím gai, trên mình toàn là gai dài nhưng to hơn nhiều. Con nhím chỉ to bằng nắm đấm còn con lửng lại dài tới nửa mét bằng một con heo nhỡ. Con lửng ăn giun đất và ếch nhái cũng ăn cả hoa màu. Vì thế mỗi khi bắt gặp hang của chúng nó là chúng tôi nhóm một đống củi, cởi quần áo quạt khói mù mịt vào trong hang. Chẳng bao lâu sau chúng nó sẽ hắt hơi mà chạy ra.
Thần Hành Thái Bảo không ở trong hang thì sẽ ở đâu đây?
Nhị sư thúc nói: “Nơi đây cây cối rậm rạp, khe rãnh ngang dọc là nơi lý tưởng để ẩn nấp. Nếu trốn ở đây thì có kéo lưới đi tìm cũng khó mà bắt được. Nhưng Thần Hành Thái Bảo lên đường gấp gáp, không mang theo nhiều lương khô, lại bị truy đuổi trong thời gian dài nên sẽ không có đủ thời gian mua đồ ăn. Chắc là anh ấy đói lắm rồi. Một người đang đói bụng nhất định sẽ không đi vào nơi không có thức ăn như vùng núi sâu mà chỉ có thể đi đến những nơi có người ở. Chúng ta lên trên đỉnh núi xem nơi nào có thôn làng”
Nhị sư thúc vừa dứt lời thì lại nói tiếp: “Không đúng, không đúng. Ta còn chưa làm rõ một chuyện. Cái này thật quái lạ”
Tôi hỏi: “Là chuyện gì vậy”
Nhị sư thúc nói: “Ả kia chạy ở phía trước, Thần Hành Thái Bảo đuổi theo phía sau, hai người còn lại đuổi theo Thần Hành Thái Bảo. Cả đám người này đều rất vội vã. Tại sao lại như vậy chứ? Điều này không hợp lý lắm.
Tôi hỏi: “Vì sao lại không hợp lý?”
Nhị sư thúc nhặt bốn cục đá trên mặt đất bỏ lên trên một tảng đá lớn. Ông khoa tay múa chân nói: “Người phụ nữ này không quen biết Thần Hành Thái Bảo, cũng không biết thân phận của anh ấy thì việc gì ả phải liều mạng chạy trốn? Chỉ cần ả ta dừng lại thì cuộc rượt đuổi này sẽ kết thúc.
Hai kẻ truy đuổi cũng không có mâu thuẫn gì lớn với Thần Hành Thái Bảo, không cần phải truy đuổi đến cùng. Chúng ta làm nghề xem tướng, luôn có tâm niệm là phải giữ hòa khí để kiếm tiền, tuyệt đối không được gây thù chuốc oán với ai. Một khi đối phương biết được chúng ta đã gạt họ thì chúng ta trả lại tiền là xong. Bói toán là thế, nếu tin thì có thật, không tin thì không có thật. Nếu anh đã không tin thì chúng tôi lấy tiền của anh để làm gì? Thế nên, hai kẻ truy đuổi và Thần Hành Thái Bảo cũng sẽ không có lương tử gì”. Lương tử cũng là ám ngữ, nghĩa là thù hằn.
Nhị sư thúc ngừng một lát nói: “Ta thấy con cũng sắp phải tự mình hành tẩu giang hồ rồi. Con thử phân tích xem tình thế của bốn người này như thế nào”
Tôi ngẫm nghĩ rồi nói: “Theo con thấy, chị ta bỏ trốn không phải vì Thần Hành Thái Bảo. Hai người đuổi theo kia cũng không phải vì Thần Hành Thái Bảo mà Thần Hành Thái Bảo bị kẹt ở giữa họ. A, con hiểu rồi, hai người kia là ưng trảo tôn, chị ta đã phạm tội gì đó. Ưng trảo tôn là ám ngữ dùng để chỉ bổ khoái.